18 tuổi chinh phục 13 đỉnh núi cao trên 8000m, bí quyết của chàng trai phi thường này là gì?

18 tuổi chinh phục 13 đỉnh núi cao trên 8000m, bí quyết của chàng trai phi thường này là gì?
(Ảnh: Tri Thức Mới)

Ngày nay có nhiều phong trào và các cuộc thi rèn luyện sức khỏe, trong đó có leo núi. Xin hỏi bạn có thích leo núi hay không? Đó là một hoạt động đầy thử thách. Kể cả với người thích leo núi thì ban đầu, khi đứng dưới chân núi mà nhìn lên đỉnh thấy cũng thật ngại ngần. Nhưng cứ theo từng bậc thang leo lên cho dù thân thể nặng trĩu, bắp chân căng cứng, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở hổn hển, và phải dừng lại nhiều lần để lấy hơi… thì cuối cùng bằng lòng kiên trì, bạn đã leo lên hay thậm chí bò lên đến đỉnh núi. Lúc này, dường như niềm hưng phấn trào dâng mang sức lực trở lại, bạn đứng thẳng dậy, hét vang, hai tay vươn thẳng đón gió núi mây ngàn, ánh mắt long lanh phóng về bốn phương xa tít, lòng phơi phới hào tình vạn trượng của người chiến thắng.

Dù vậy, ngọn núi này vẫn chưa cao quá và còn có bậc thang để leo lên. Giả như phải leo một ngọn núi cao và hiểm trở hơn, trên con đường sạn đạo cheo leo đến thót tim như ngọn Kiếm Các đất Thục (Tứ Xuyên ngày nay), thì chắc hẳn số người dám leo đã thưa thớt đi nhiều rồi.

Xưa, ông tiên thơ Lý Bạch còn phải làm thơ than rằng:
Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh;
Khiến người nghe nói héo mặt son.
Núi liền cách trời chẳng đầy thước;
Thông khô vắt vẻo vách cao ngất.
Thác đổ dồn mau tiếng rộn ràng,
Vỗ bờ, tung đá, muôn khe vang.
Hiểm nghèo là như vậy,
Đường xa, thương cho ai,
Vì sao lại đến đây?
Kiếm Các cheo leo cao ngất mây.
Một người giữ cửa quan,
Muôn người khôn mở ải…

(Thục đạo nan - Trần Trọng San dịch)

Và bây giờ, nếu núi còn cao hơn nữa, bậc thang chẳng có - sạn đạo cũng không, nhiều đoạn dốc đứng, đầy băng tuyết trơn trượt, lạnh cóng… thì hẳn là người tham gia còn ít ỏi hơn nữa.

Chúng ta đang nói đến 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, mỗi đỉnh cao trên 8.000m mà việc chinh phục được chúng khiến giới leo núi xem là đã đạt đến đỉnh cao của bộ môn này. Tất cả các đỉnh núi ấy đều nằm trên dãy Himalaya và dãy Karakoram lân cận, trải dài qua lãnh thổ Nepal, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Nhà leo núi người Italy Reinhold Messner là người đầu tiên chinh phục 14 ngọn núi vào năm 1986. Chỉ có 40 nhà leo núi nối tiếp thành công của ông. Hàng nghìn người đã chết trong hành trình cực kỳ gian nan này.

Nhưng đã có một người Châu Á có tên Nima Rinji Sherpa chinh phục một lèo 13 đỉnh núi, với đỉnh đầu tiên Manaslu cao 8.163m bắt đầu từ tháng 8/2022 và chuẩn bị chinh phục đỉnh núi cuối cùng Shishapangma cao 8.027m. Đáng ngạc nhiên rằng, chàng trai người Nepal ấy năm nay mới 18 tuổi.

Cuộc hành trình leo 14 đỉnh núi cao nhất thế giới của cậu truyền tải một thông điệp đầy ý nghĩa.

Nima Rinji Sherpa - nhân vật “hậu sinh khả úy” của người Sherpa

Người Sherpa là một dân tộc sống chủ yếu ở phía đông Nepal, trên vùng cao của Himalaya, và rải rác xa hơn về phía tây trong thung lũng Rolwaling và trong khu vực Helambu phía bắc của Kathmandu. Khoảng 600 năm trước, họ đã từ phía Đông Tây Tạng vượt núi cao để đến đây.

Sống ở một nơi được mệnh danh là “nóc nhà thế giới” qua hàng trăm năm, bộ tộc Sherpa được coi là những nhà leo núi cừ khôi nhất thế giới không chỉ vì họ dẻo dai, giỏi leo trèo, mà còn vì họ nắm rõ địa lý của khu vực và có thể khám phá những tuyến đường chưa ai từng đặt chân đến. Họ trở thành những người dẫn đường tốt nhất đối với các tay leo núi muốn chinh phục các đỉnh núi cao nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Công việc của người Sherpa là dựng trại, thiết lập đường đi, chuẩn bị các vật dụng cần thiết, quản lý những người khuân vác và đảm bảo sự an toàn của nhóm trekking. Không những hỗ trợ du khách khi đi đường, họ còn phải đến trước để chắc chắn trà đã được đun sôi khi cả đoàn đến trại. 

Người Sherpa trước kia vốn nghèo, nhưng công việc này đã mang lại cho họ một đời sống sung túc khi mà nhiều người leo núi trên thế giới dám bỏ nhiều tiền để thuê họ trên hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”. Tuy nhiên, cái giá phải trả của người Sherpa là thương tích và có thể là cái chết. Ngoài ra, họ có khi không nhận được sự tôn trọng của một số người leo núi. Người Sherpa chấp nhận đóng vai những cái bóng thầm lặng đằng sau những thành tích vẻ vang của những du khách chạm đỉnh, mặc dù thực tế có người Sherpa đã từng chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest đến mấy chục lần.

Nhưng đó đã trở thành truyền thống của người Sherpa. Và Nima Rinji Sherpa là người tiếp nối truyền thống đáng khâm phục này.

Ở tuổi 16, Nima đã trở thành thiếu niên đầu tiên chinh phục đỉnh Manaslu cao thứ 8 thế giới vào tháng 8/2022. Đỉnh cao nhất Everest cũng đã bị Nima chinh phục vào tháng 5/2023. Còn vào tháng 6 năm nay, cậu đã leo lên đỉnh Kanchenjunga và thiết lập kỷ lục người trẻ nhất leo lên đỉnh núi cao thứ ba thế giới. Và chỉ còn lại một đỉnh núi cuối cùng trong số 14 đỉnh núi, đỉnh Shishapangma cao 8.027m ở Tây Tạng, được cậu lên kế hoạch chinh phục vào tháng 9.

Nima lớn lên ở thủ đô Kathmandu trong một gia đình làm nghề leo núi. Cha cậu sở hữu công ty thám hiểm leo núi lớn nhất Nepal là Seven Summit Treks và một công ty con là 14 Peaks Expedition. Cậu từng thích quay phim chụp ảnh hơn là nối nghiệp cha. Nima tâm sự: “Cả gia đình tôi đều theo nghiệp leo núi. Tôi gắn bó với leo núi và thám hiểm từ nhỏ. Nhưng khi đó, tôi chưa bao giờ muốn theo đuổi leo núi một cách nghiêm túc”.

Thế rồi, đến một lúc nào đó, cậu cũng từ bỏ máy ảnh hay niềm đam mê chơi bóng đá để theo đuổi nghề nhà mà không phải với mục đích chính là kiếm tiền. Nima nói: “Tôi xuất thân từ gia đình khá giả, Nhưng leo núi đã dạy cho tôi biết thế nào là khó khăn và giá trị thực sự của cuộc sống”. “Tôi học được rất nhiều điều về thiên nhiên, cơ thể, tâm lý con người. Tôi học được mọi điều trên thế giới từ núi”. Leo núi đối với Nima Rinji chính là đang học tập.

Những phẩm chất cần rèn luyện được của một nhà vô địch leo núi

Là một người Sherpa có nghĩa là đã sở hữu những đặc điểm di truyền vượt trội phù hợp với việc leo núi, chẳng hạn như một sức khỏe dẻo dai, khả năng chịu lạnh hơn người cũng như khả năng chịu đựng được mức oxy loãng khi ngày càng leo cao. Một nghiên cứu của Mỹ vào năm 1976 đã kết luận rằng bộ tộc Sherpa là những người phi thường vì có thể kiểm soát và tận dụng oxy tốt dù thường xuyên tiếp xúc với độ cao của đỉnh Everest. Thiếu oxy là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng say độ cao và tỷ lệ tử vong lớn.

Có thể so sánh rằng người Kalenjin ở Kenya giỏi chạy marathon như thế nào, thì người Sherpa giỏi leo núi thế ấy. Trong một cuộc phỏng vấn với Kamal Raj Sigdel của UNDP và Monica Upadhyay của WFP, Nima Rinji nói: “Người Sherpa sống ở vùng cao. Người dân ở các làng Sherpa có thể tiếp cận thực phẩm hữu cơ, nước sạch và không khí trong lành. Lớn lên trong môi trường như vậy khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ ngay từ khi còn nhỏ. Tương tự như vậy, trẻ em Sherpa phải đi bộ bốn đến năm giờ chỉ để đến trường. Đến khi đủ lớn để đi bộ đường dài và leo núi, chúng đã trở nên mạnh mẽ. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, người ta cũng cho rằng người Sherpa có lưu lượng oxy trong ty thể tốt hơn so với những người khác. Quan trọng nhất, tôi tin rằng mối liên hệ sâu sắc của người Sherpa với núi non và thiên nhiên góp phần tạo nên sức mạnh của họ.”

Những bộ tộc sống trên núi cao này còn lưu giữ được nhiều truyền thống cổ xưa không chỉ đem lại ưu thế vượt trội về thể chất, mà còn truyền thừa lại những giá trị tinh thần giúp cho một nhà vô địch leo núi luôn luôn vững vàng, điềm tĩnh dù trong bất kể tình huống nào. Nima kể: “Khi ở trên núi, tôi có thể chết bất kỳ lúc nào. Khi đó người ta cần nhận ra mạng sống quan trọng ra sao”.

Nima cho hay rằng núi đã dạy cậu cách giữ bình tĩnh. Cậu kể: “Về tinh thần, tôi tự thuyết phục bản thân mỗi khi thấy tuyết lở, thời tiết xấu, tai nạn, tôi không vội vàng, không mất ý chí. Tôi tự thuyết phục bản thân đây là việc bình thường trên núi và cách làm này thực sự hữu ích”.

“Mối liên hệ sâu sắc của người Sherpa với núi non và thiên nhiên góp phần tạo nên sức mạnh của họ…” theo lời của Nima kể chính là triết lý sống thuận theo tự nhiên của con người xưa, nên họ có khả năng cảm nhận và hòa điệu với thiên nhiên tốt hơn. Chẳng hạn, ở Trung Hoa cổ, trong sách “Luận ngữ” của Đức Khổng tử có câu: “Người trí thích nước, người nhân thích núi”. 

Học trò Tử Trương mới hỏi Ngài rằng: “Vì sao người nhân lại thích núi?” Khổng tử trả lời: “Núi thì cao lớn nguy nga. Tại sao người nhân đức vui khi nhìn thấy nó vậy? Đó là bởi vì trên núi cỏ cây sum suê, chim thú từng bầy, những thứ mọi người cần thiết đều từ núi sản xuất ra, hơn nữa lấy mãi không cùng, dùng mãi không hết, vậy mà nó không lấy lại của người ta thứ gì, người bốn phương lên núi tìm kiếm những gì họ cần, núi đều khẳng khái ban cho. Núi còn dấy lên sấm gió, làm ra mây mưa để quán thông trời đất, khiến hai khí âm dương được điều hòa, nhỏ sương ngọt ban ân huệ cho vạn vật, vạn vật vì thế có thể sinh trưởng, nhân dân vì thế được no ấm. Đây chính là nguyên nhân vì sao người nhân đức vui khi nhìn thấy núi”.

Người xưa lại có câu “người nhân thì không lo sợ”. Vậy nên Nima kể rằng núi đã dạy cậu cách giữ bình tĩnh là chuyện có thể hiểu được.

Một phẩm chất khác cũng cực kỳ quan trọng với người leo núi và nói chung là với những người lấy thiên nhiên làm nhà, xa rời những tiện nghi vật chất, đó là khả năng chịu khổ. Khi được hỏi: “Món ăn yêu thích của bạn là gì?” Nima trả lời: “Đối với tôi, không có món ăn nào là món ăn ưa thích hay ít ưa thích. Tôi ăn mọi loại thức ăn. Ngoài ra, ở vùng núi, không có lựa chọn nào khác. Khi ở vùng cao hơn, chúng tôi chỉ có mì ramen và mì sợi. Ngoài ra, vì sống trong nhà trọ, tôi không có món ăn ưa thích cụ thể nào. Tôi tin rằng việc cảm thấy vui vẻ và hài lòng với những gì bạn có ở vùng núi là rất quan trọng. Thay vì kỳ vọng vào thức ăn, hãy tập trung vào mục tiêu của bạn.”

Nima vốn là con nhà khá giả, có đủ điều kiện ăn sung mặc sướng nhưng không bị hoàn cảnh làm cho yếu mềm. Xưa nay, cuộc sống luôn trả công xứng đáng cho những người biết vượt lên trên những lạc thú cá nhân để tập trung vào mục tiêu cao nhất, mới có thể có thành tựu lớn. Chẳng hạn như Nhan Hồi, học trò giỏi nhất và được kỳ vọng nhiều nhất của Đức Khổng tử vẫn được thầy mình khen rằng: “Hiền thay, anh Hồi. Một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm, người khác ưu sầu không chịu nổi cảnh khốn khổ đó, anh Hồi thì vẫn không đổi niềm vui. Hiền thay anh Hồi”.

Vậy mục tiêu của chàng trai 18 tuổi Nima Rinji khi chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới này là gì?

Mục tiêu của Nima Rinji Sherpa qua kế hoạch leo núi

“Mục tiêu trong cuộc sống của tôi là trở thành vận động viên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực leo núi. Trên toàn thế giới, nhiều thương hiệu đang đầu tư vào vận động viên và tôi muốn những thương hiệu này đến Nepal. Ngoài ra, trên toàn cầu, người Sherpa được gọi là hướng dẫn viên. Tuy nhiên, tôi muốn thay đổi nhận thức này. Tôi muốn chuyển từ hướng dẫn viên sang vận động viên và được biết đến trên toàn thế giới. Vì mục tiêu này, tôi đang nỗ lực hết mình, cả về mặt đào tạo và giáo dục. Tương tự như vậy, bằng cách làm như vậy, tôi cũng muốn làm việc vì mục tiêu bảo tồn thiên nhiên. Tôi mong muốn đưa các vận động viên hàng đầu từ Nepal và thể hiện tài năng của họ với thế giới, không chỉ trong lĩnh vực leo núi mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa.” Nima tâm sự trong cuộc phỏng vấn.

Nima không tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, cậu muốn thông qua việc chinh phục những đỉnh núi cao để truyền thông điệp bảo tồn thiên nhiên, cải thiện hình ảnh của bộ tộc Sherpa và đất nước Nepal. Hiện nay, nhiều người Sherpa quyết định không để con cái theo  nghề này, họ cũng có đủ điều kiện để cho con cái chuyển sang sinh sống ở các nước như Anh, Úc, Mỹ, Đức v.v. và theo đuổi một nền giáo dục phương Tây. 

Tuy nhiên, điều Nima cảm thấy tốt nhất cho Nepal là du lịch nên cậu muốn thúc đẩy leo núi và du lịch ở Nepal, đồng thời tăng cường sự tham gia của thanh thiếu niên vào lĩnh vực này. Theo Nima, Nepal có tiềm năng rất lớn về du lịch, ví dụ như đạp xe và chạy bộ trên đường mòn ở khu vực Solukhumbu, chơi dù lượn từ điểm cao nhất, trượt ván trên tuyết và các hoạt động ngoài trời. Cậu đánh giá rằng tiềm năng du lịch của Nepal cũng không thua kém Alaska với doanh thu một tỷ đô la thông qua các hoạt động ngoài trời thu hút một triệu khách du lịch mỗi năm. 

Ước muốn của Nima đó là Nepal cũng có một thị trường du lịch mạnh và bền vững. Nima muốn hoàn thành kế hoạch vượt 14 đỉnh núi trong tuổi thiếu niên và thông qua đó đưa ra một thông điệp cho người trẻ ở Nepal. Cậu nói: “Có rất nhiều hy vọng ở Nepal và tôi là một trong số họ. Nepal là một nơi tuyệt vời để sống; tất cả những gì chúng ta cần làm là nỗ lực và phấn đấu hết mình. Tôi kêu gọi những người trẻ tuổi hãy quay trở lại Nepal và đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch ở đất nước chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Nepal.”

Gìn giữ truyền thống tốt đẹp đòi hỏi một tinh thần mạnh mẽ để vượt núi trong tâm

Trong khi nhiều người cùng độ tuổi với Nima lo lắng về điểm số của mình, cậu lại leo núi và nghĩ đến những điều lớn hơn. Cậu nghĩ làm sao để bảo tồn thiên nhiên khi nó đang bị tàn phá và thay đổi nhanh chóng; cậu nghĩ đến việc phát huy tiềm năng của đất nước và con người Nepal; cậu nghĩ đến việc động viên và nâng cao sự tự tin của giới trẻ nước mình; và cậu nghĩ đến việc bảo tồn truyền thống của người Sherpa, đó là truyền thống leo núi. Bởi nếu vì nguyên nhân này khác, người Sherpa không còn leo núi và sống trong những xã hội công nghiệp, thì họ sẽ không còn là người Sherpa nữa. Và từ đó, nhân loại cũng mất đi một biểu tượng mang giá trị tinh thần của sự quả cảm vượt khó.

Mới chỉ 18 tuổi, không chỉ chinh phục các đỉnh cao địa hình của thế giới, cậu còn có chí hướng lớn lao, có những suy nghĩ và hành động thật già dặn vượt quá lứa tuổi, như thể của một người trưởng thành có một nền tảng giáo dục vững mạnh. 

Có 2 kiểu giáo dục: một dành cho người bình thường và một dành cho những người phi thường. 

Người bình thường thì theo đuổi các lớp học trong hệ thống giáo dục đào tạo hiện hành, hoàn thành các kỳ thi học đường từ thấp lên cao, đảm bảo một lượng kiến thức hay tay nghề nhất định và tham gia vào guồng quay công việc của xã hội.

Người phi thường thì học hỏi từ những tinh hoa của truyền thống, thấu hiểu trí tuệ và đạo lý của cổ nhân, tự cường tự lập, khắc kỷ vị tha, luôn nghĩ về việc làm lợi cho xã hội. Điều này đòi hỏi một tinh thần mạnh mẽ để vượt qua những cản trở, sức ì của nội tâm, hoặc những tâm thái tiêu cực. Công bằng mà nói, những cản trở ấy ít ra cũng lớn như 14 đỉnh núi mà Nima vượt qua. Nhưng một khi đã vượt qua, thì ít có công việc gì làm khó được họ. 

Truyền thống leo núi của người Sherpa một cách tự nhiên đã giáo dục nên những thế hệ bộ tộc trước hết phải biết vượt lên những ngọn núi tâm thái tiêu cực mang tên Sợ Hãi, Lười Nhác, Tự Mãn, Chán Nản, Tư Tâm v.v. rồi mới có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua những ngọn núi đá cao chất ngất hết lần này đến lần khác. Nhưng muốn duy trì được truyền thống của người Sherpa, thì vượt lên 14 ngọn núi cao nhất thế giới mới chỉ là bước đầu, Nima Rinji có lẽ sẽ phải thuyết phục mọi người vượt qua những ngọn núi tâm thái đã mọc lên cao hơn trong quan niệm mới của cộng đồng người Sherpa từ khi họ đã bắt đầu có của ăn của để. Mục đích cuối cùng là làm sao để người Sherpa vẫn tiếp tục duy trì truyền thống leo núi của họ để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho đất nước và văn hóa Nepal.

Chúng ta hãy tin tưởng và chúc cho người phi thường Nima sẽ thành công trong việc phi thường đó. 

Nguyên Vũ

Đọc tiếp