3 điều ngăn chặn những cuộc tranh cãi giữa người thân trong gia đình
Tào Tuyết Cần trong "Hồng Lâu Mộng" đã mượn lời nhân vật Thám Xuân để nói rằng: "Một gia đình, bị kẻ thù tấn công từ bên ngoài thì không thể bị tiêu diệt, nhất định phải tự mình giết hại lẫn nhau từ bên trong, mới có thể hoàn toàn sụp đổ."
Những cuộc tranh đấu vụn vặt giữa các thành viên trong gia đình, thoạt nhìn có vẻ nhỏ nhặt, nhưng lại giống như loài mối, từng chút một gặm nhấm gốc rễ của gia đình, cho đến khi lung lay tận gốc. Cứ dây dưa mãi không thôi, gia đình sẽ không có ngày nào yên ổn; gia đình nội chiến, không thể nói đến hạnh phúc.
Bi kịch lớn nhất của một gia đình không phải là nghèo khó, mà là chết dần chết mòn vì sự đấu đá nội bộ.
Sắc nạn
Tôi từng đọc một câu chuyện ngắn. Hai cặp vợ chồng hẹn nhau đánh cầu lông ở sân vận động, mỗi cặp vợ chồng lập thành một đội, đánh đôi nam nữ. Sau vài hiệp, cả hai cùng dừng lại, hóa ra hai cặp vợ chồng đều đang cãi nhau. Trong khi đánh cầu, hễ ai mắc lỗi đều bị trách móc; thua cuộc thì không ngoại lệ, đều đổ lỗi cho bạn đời.
Người ngoài cuộc thấy vậy, liền đề nghị họ đổi bạn đánh với nhau một hiệp. Ai ngờ, khi đổi bạn đánh rồi, họ lại chơi cầu lông rất lịch sự, không còn trách móc, cãi vã nữa, vui vẻ chơi đến khi sân đóng cửa.
Vì sao lại như vậy? Câu nói này của nhà văn Diệc Thư có thể nói là đã chỉ ra mấu chốt vấn đề. "Sai lầm lớn nhất mà con người thường mắc phải là quá khách sáo với người lạ, mà lại quá khắt khe với người thân."
Chúng ta luôn cung kính với người ngoài, nhưng lại thô lỗ với người nhà. Dành hết sự kiên nhẫn và tốt bụng cho người khác, ngược lại lại cực kỳ hà khắc với người nhà.
Thấy ông lão nhặt rác, bạn muốn tiến lên giúp đỡ, nhưng một chút sai lầm của cha già, bạn lại không thể chịu đựng được. Thấy con cái nhà người ta nổi loạn, bạn kiên nhẫn khuyên bảo, nhưng lại không cho phép con mình có nửa điểm không nghe lời.
Ở công ty, những yêu cầu quá đáng của khách hàng, những lời trách mắng vô lý của sếp, bạn đều nuốt hết vào bụng; nhưng về đến nhà, vợ chỉ cần cằn nhằn thêm một câu, bạn liền nổi trận lôi đình. Bước ra khỏi nhà, chúng ta đều tỏ ra hòa nhã; trở về nhà, lại chỉ trích lẫn nhau.
Thầy La Tường từng nói: Chúng ta luôn chán ghét những người cụ thể xung quanh, nhưng lại thích những người trừu tượng ở xa hơn.
Giữa người với người, càng tiếp xúc gần gũi, càng dễ phát hiện và phóng đại khuyết điểm của đối phương; càng quan tâm chú ý, càng dễ kỳ vọng quá cao. Sống chung với gia đình ngày ngày, những mâu thuẫn xung đột giữa nhau, chẳng khác nào cơm bữa. Những người sống chung dưới một mái nhà, quá dễ đối đầu nhau, so đo tính toán.
Khổng Tử nói: Sắc nạn. Trong cuộc sống, điều khó nhất không phải là bao dung người ngoài có khoảng cách, mà là vui vẻ hòa nhã với người thân cận kề. Muốn chấm dứt sự hao tổn nội bộ trong gia đình, trước hết phải buông bỏ sự trách móc.
Nơi cuối cùng
Nhà văn Vương Tiểu Ba từng nói: "Khi bạn đã chứng kiến quá nhiều sự đấu đá ngoài kia, khi bạn mệt mỏi rã rời vì những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống, bạn sẽ nhận ra rằng - gia đình, chính là nơi cuối cùng để bạn trở về." Tuy nhiên, khi nơi cuối cùng này đầy rẫy chông gai, ngập tràn khói lửa, thì gia đình không còn là nơi trú ẩn nữa, mà là một đấu trường, dù thắng hay thua, cũng sẽ không có người chiến thắng thực sự.
Nhà văn Lưu Chấn Vân trong tác phẩm Nhất Nhật Tam Thu đã kể câu chuyện về một cặp vợ chồng.
Trần Trường Kiệt và Anh Đào, vốn là một cặp đôi đáng ngưỡng mộ của đoàn kịch, nhưng cuộc sống dần trôi qua, hai người bắt đầu đối đầu nhau. Anh Đào không hài lòng với cách nuôi dạy con của mẹ chồng, sau vài trận chiến mẹ chồng nàng dâu, cô đã cưỡng ép đưa con trai đi, không cho gặp ông bà nội. Trần Trường Kiệt không chịu nổi sự độc đoán của Anh Đào, suốt đêm trốn ra ngoài uống rượu với bạn bè, thỉnh thoảng về nhà, cũng vô cùng lạnh nhạt với vợ. Con trai Trần Minh Lượng chán ngấy những cuộc cãi vã trong nhà, nhiều lần bỏ nhà ra đi, suýt trở thành kẻ ăn mày. Điều đáng buồn nhất là, Anh Đào vì một bó hành lá mà cãi nhau với chồng, trong lúc tức giận đã treo cổ tự tử.
Một gia đình tốt đẹp tan nát, dưới những bi kịch luân thường, trở nên nghèo khó.
Người xưa có câu: "Gia đình bất an, trăm của không vào". Cả nhà vì những chuyện vụn vặt mà hao tổn tâm sức, kết cục cuối cùng, không chỉ là gia sản lụi bại, mà còn khiến mỗi người rơi xuống vực sâu.
Bậc thầy trị liệu tâm lý người Anh, David Barney, đã chia sẻ một trường hợp.
Có một gia đình bốn người, người cha bạo hành, người mẹ nghiện rượu, hai người không bao giờ nói chuyện tử tế với nhau, hễ mở miệng là chỉ trích và chửi bới. Mối quan hệ của hai cô con gái cũng rất căng thẳng, chỉ vì một bộ quần áo mà đánh nhau, thậm chí trong một lần ẩu đả, chị gái đã dùng dao gọt hoa quả làm em gái bị thương. Những người sống trong gia đình này, cuối cùng đều không có kết quả tốt đẹp. Người cha mất tích không rõ lý do, người mẹ trở nên điên loạn, hai chị em sớm bỏ học, lang thang ở tầng lớp đáy của xã hội.
Cối xay cuộc sống vốn đã rất nặng nề, nếu các thành viên trong gia đình còn dồn ép lẫn nhau, thì ai cũng sẽ bị đè bẹp, mang đầy thương tích mà khó tiến về phía trước.
Rất nhiều khi, bi kịch của một gia đình, không phải đến từ tai nạn hay thiên tai, mà nảy sinh từ những cuộc đấu đá vụn vặt và không hồi kết giữa các thành viên. Giống như chèo thuyền, nếu mỗi người đều tự lo cho mình, đối địch lẫn nhau, thì dù chỉ một con sóng nhỏ ập đến, cũng có thể khiến thuyền lật người chết.
Ngừng nội chiến, chính là không tranh đấu, cúi đầu trước người nhà.
Phong thủy tốt nhất
Bậc thầy Lý học Tôn Kỳ Phong từng nói: "Sự thịnh suy của gia đình, trời không thể nắm quyền, mà tự bản thân nắm lấy." Hạnh phúc gia đình cần sự chung sức hợp tác của mỗi thành viên.
Cựu CEO Microsoft Trung Quốc Lý Khai Phục từng viết trong tự truyện của mình: "Sự ấm áp của gia đình giống như ánh nắng mặt trời bao trùm lấy tôi, cho tôi một bầu không khí trưởng thành vô tư vô lo. Tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình khiến tôi cả đời thụ hưởng vô cùng."
Lý Khai Phục là con thứ sáu trong gia đình, trên có bốn chị gái và một anh trai. Mẹ là giáo viên thể dục, tính tình thẳng thắn, phóng khoáng, dễ gần; bố là công chức, nghiêm khắc, ít nói. Lý Khai Phục lúc nhỏ nổi tiếng nghịch ngợm, nhưng mỗi lần gây họa, đều là bố đóng vai ác, mẹ đóng vai hiền, cùng nhau dạy dỗ ông. Nhưng chưa bao giờ nổi giận đánh mắng.
Là con út trong nhà, mẹ ông có phần thiên vị, anh chị em không so đo tính toán, ngược lại cũng giống như mẹ, hết mực quan tâm ông. Trong những việc vặt vãnh trong nhà, cả gia đình không phải là không có bất đồng, nhưng đều có thể ngồi lại cùng nhau bàn bạc. Những việc lớn liên quan đến lợi ích, họ cân nhắc thiệt hơn rồi mới quyết định phương án, sau đó không ai lật lại chuyện cũ.
Trong gia đình như vậy, vợ chồng hòa thuận, con cháu thành đạt. Gia hòa vạn sự hưng, gia đình hòa thuận thường ẩn chứa nguồn năng lượng vô tận, đủ để bảo vệ chúng ta cả đời.
Cuộc sống không phải là cuộc tranh luận, không cần phải tranh luận ai đúng ai sai; gia đình cũng không phải là đấu trường, không cần phân cao thấp.
Chồng của Băng Tâm là một người mọt sách, thường xuyên làm sai, giúp việc này lại hỏng việc kia, Băng Tâm trêu chọc ông "thật là một chàng rể ngốc", nhưng vẫn mỉm cười giúp ông thu xếp ổn thỏa mọi việc.
Tiền Chung Thư cũng không ngoại lệ, ông không biết buộc dây giày, không phân biệt được chân trái chân phải, thường xuyên làm hỏng đồ đạc, nhưng vợ ông là Dương Giáng lại luôn mỉm cười nói "không sao".
Trong "Chu Tử gia huấn" có câu: "Gia môn hòa thuận, tuy cơm canh đạm bạc, cũng có niềm vui dư dả." Việc lớn không tranh hơn thua, việc nhỏ không phân biệt đúng sai, không để bụng thù qua đêm, không tính toán chuyện cũ, mới có thể gia phong hòa thuận, hạnh phúc lâu dài.
Gia đình là điểm xuất phát của con người, cũng là nơi trở về của con người. Bi kịch lớn nhất của một gia đình không phải là nghèo khó, mà là thua bởi sự nội hao.
Các thành viên trong gia đình đấu đá lẫn nhau, dù sống trong cung điện nguy nga cũng khó có được hạnh phúc. Còn bầu không khí gia đình hòa thuận, mọi người vui vẻ thoải mái, gia đình đó ắt hẳn sẽ vận khí hanh thông.
Ngừng nội hao, buông bỏ so đo tính toán. Xây dựng gia đình tốt đẹp là phong thủy tốt nhất của đời người.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt