3 điều tôi học được ở Nam Cực

3 điều tôi học được ở Nam Cực
Tàu thám hiểm Ocean Adventurer neo đậu ở Cảng Mikkelsen, ngoài khơi Bán đảo Nam Cực. (Ảnh: Dẫn qua The Epoch Times)

Cuộc sống ở lục địa lạnh nhất thế giới thực sự rất khác biệt. Nơi đây, cả các nhà nghiên cứu và du khách đều có thể cảm nhận mình như những nhà thám hiểm đang ở bên bờ của những điều chưa biết vô tận.

Thật sự không có nơi nào trên trái đất giống như nơi này. Đúng vậy, Nam Cực là lục địa cao nhất, khô nhất, lạnh nhất, tối nhất và nhiều gió nhất trên trái đất. Nhưng nó còn nhiều bí ẩn hơn thế nữa. Nơi rộng lớn và băng giá này đã thu hút và mở rộng trí tưởng tượng của tôi. Trong suốt bảy chuyến thăm, tôi đã học được một vài điều. Dưới đây là 3 bài học chính mà tôi đã có được ở vùng xa nhất của thế giới này.

1. Thế giới là vô tận 

Nhận thức của chúng ta về quả địa cầu này có thể rất nhỏ bé. Bạn có thể bước lên máy bay ở New York, rồi bước xuống cầu tàu ở Hồng Kông, một nơi nằm hoàn toàn ở phía bên kia thế giới, trong cùng một ngày. Và tất nhiên, nhiều người hiếm khi rời khỏi khu phố nhỏ của mình.

Nhưng một chuyến đi đến Nam Cực sẽ giúp bạn nhận ra sự bao la vô cùng của trái đất. Tôi nhớ lần đầu tiên mình đến đây, khoảng một thập kỷ trước. Sau khi lên tàu ở Argentina, chúng tôi đã trải qua một hành trình vượt eo biển Drake đầy sóng gió. Sau đó, tôi được biết rằng đây là vùng biển khó đi nhất trên trái đất. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó.

Giọng nói của thuyền trưởng vang lên qua loa trong phòng tôi, đánh thức tôi dậy vào buổi sáng: “Chúng ta đang gặp phải cơn gió cấp 11 Beaufort, hãy bám chắc nhé!” Hóa ra cấp 11 là mức cao thứ hai trên thang đo. Chúng tôi đã lắc lư và quay cuồng suốt hai ngày, gặp phải những con sóng khổng lồ đến mức khó tưởng tượng và những cơn gió mạnh gần như cấp bão.

Trước tiên, chúng tôi đến quần đảo Nam Shetland và sau đó là Bán đảo Nam Cực. Chúng tôi đã đi thuyền trong nhiều ngày liền, lướt qua những đỉnh núi phủ đầy tuyết, các sông băng và hết hòn đảo này đến hòn đảo khác, một số nơi có hàng ngàn con chim cánh cụt - mà không hề thấy bất kỳ khu định cư cố định nào của con người.

Sau khi trở về nhà, tôi đã xem lại quả địa cầu, tự tin rằng chúng tôi đã hết nửa vòng trái đất. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Con tàu chỉ đi được một khoảng chưa tới 3 cm và chỉ đến được điểm cực Bắc của Nam Cực, không hơn. Điều này dạy tôi rằng thế giới này thực sự rộng lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng ta.

2. Đó là một cộng đồng quốc tế (và mọi người đều hòa hợp)

Nam Cực không có cư dân cố định và không có dân bản địa. Hiệp ước Nam Cực ban đầu được ký kết bởi 12 quốc gia vào năm 1959. Ngày nay, có 58 quốc gia đã tham gia vào hiệp ước này. Hiệp ước này dành toàn bộ lục địa cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và gác lại các yêu sách về lãnh thổ.Một trong những niềm vui lớn nhất trong những chuyến đi trước đây của tôi là thăm các trạm nghiên cứu. Những tiền đồn này thường khá nhỏ, gồm những cụm nhà xây bằng tôn sóng, không đẹp mắt nhưng rất hữu dụng. Số lượng nhân viên thay đổi - những trạm nhỏ nhất có lẽ chỉ có khoảng 200 nhân viên, trong khi Trạm McMurdo, cơ sở lớn nhất của Hoa Kỳ, có thể lên tới 1.000 người vào mùa hè. Tại đây, các nhà khoa học tiến hành các thí nghiệm và kiểm tra trong nhiều lĩnh vực khác nhau - khí hậu, băng học, sinh học biển và nhiều lĩnh vực khác.

Điều thú vị là mỗi trạm nghiên cứu ở vùng đất xa xôi này lại là một thế giới thu nhỏ của quốc gia chủ nhà. Tôi đã đến thăm Trạm Presidente Eduardo Frei (Chile) trên đảo King George. Được đặt tên theo Vua George III, hòn đảo này là đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Shetland. Nó là nơi tập trung của nhiều trạm nghiên cứu, bao gồm các trạm của Ba Lan, Brazil, Peru và Hàn Quốc.

Tại trạm Frei, bên ngoài là khung cảnh tuyết trắng và cái lạnh cắt da, cùng những làn nước xám xịt vùng cực. Nhưng bên trong thì ấm áp. Các nhà khoa học và nhân viên hỗ trợ rất thân thiện và thoải mái. Họ chuyển đổi giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh khi nói chuyện. Cờ Chile treo khắp nơi. Và điều tuyệt vời nhất là? Họ tự làm rượu vang và mời chúng tôi một ly.

Tại trạm Vernadsky (Ukraine), nằm trên mảnh đất được ba quốc gia khác nhau tuyên bố chủ quyền, quầy bar ở đó phục vụ loại vodka tuyệt hảo. Còn ở trạm Palmer (Hoa Kỳ), các nhà khoa học kiêm luôn việc bán quà lưu niệm như áo phông, mũ và móc khóa có in dòng chữ 'Palmer Station Antarctica.' (Tôi đã mua một chiếc áo khoác và vẫn trân quý nó cho đến ngày nay).

Thế còn Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) đã thành lập Cảng Lockroy vào năm 1944 đến nay thế nào? Cảng Lockroy là nơi đầu tiên mà người Anh duy trì sự hiện diện quanh năm trên lục địa băng giá này. Ba tòa nhà vẫn còn tồn tại và giờ đây hoạt động như một di tích lịch sử. Hành khách trên các chuyến du thám có thể tham quan bảo tàng nhỏ tại đây, nơi trưng bày lối sống thô sơ nhưng đầy bản lĩnh của những nhà khoa học BAS đầu tiên.

Một số ít nhân viên duy trì hoạt động của nơi này suốt những tháng hè ở Nam Cực. Họ trả lời câu hỏi, hướng dẫn tham quan, và đóng dấu lên bưu thiếp, những bưu thiếp mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới đến được địa chỉ nhận. Tôi đã hỏi một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã làm việc ở đó vài tháng rằng, cô nhớ nhất điều gì từ quê nhà. Cô trả lời với một nụ cười: “Trái cây và rau tươi. Tôi biết tôi nên nói gia đình và bạn bè - nhưng thật sự là thế!”.

3. Bạn có thể cảm thấy mình như một nhà thám hiểm

Tôi đã đến thăm hơn 100 quốc gia, và tôi có thể nói với bạn rằng, ngay cả ở những nơi rất xa nhà, bạn thường không thực sự cảm thấy như đang khám phá ra điều gì đó mới mẻ. Đúng, các vùng biển nơi tàu thám hiểm đi qua Bán đảo Nam Cực hàng năm đều đón nhiều du khách. Nhưng để tôi nói với bạn rằng, khi bạn đang hướng về cực Nam, bạn cảm thấy như đang lạc khỏi bản đồ.

Shackleton, Amundsen, Scott. Họ đều mang trong mình niềm đam mê bất tận với vùng cực và đã khám phá xa hơn. Điều đẹp đẽ là, ở Nam Cực, bạn cũng có thể làm được điều đó. Dù không giống như họ, bạn có thể vui thích với việc đi trên các thuyền bơm hơi Zodiac, đi bộ giữa những chú chim cánh cụt và hải cẩu voi, trước khi trở về con tàu ấm áp để tắm nước nóng và thưởng thức một miếng bò bít tết và có cơ hội trải nghiệm thêm nhiều điều tuyệt vời khác vào ngày hôm sau.

Ba điều cần cân nhắc khi chọn một chuyến du thám Nam Cực

Hãy xem xét các thiết bị: Nhiều tàu thám hiểm có các phương tiện như trực thăng và tàu ngầm để khách có thể sử dụng và tận hưởng. Hãy nghĩ xem chúng có quan trọng với bạn hay không. Xem xét chi phí: Không có chuyến đi nào tới Nam Cực mà rẻ cả, một số tàu rất cao cấp có thể lên tới 50.000 đô la hoặc hơn cho mỗi người. Hãy nhớ rằng, ngay cả khi ở trên một con tàu cũ với tiện nghi cơ bản hơn, bạn vẫn sẽ có một trải nghiệm đầy phấn khích.

Nếu chỉ đi ngang qua? Một số hãng tàu lớn cung cấp tùy chọn đi qua lục địa Nam Cực. Mặc dù bạn sẽ không thể xuống tàu và đi bộ giữa những chú chim cánh cụt, nhưng đó vẫn là một cơ hội tuyệt vời để ngắm nhìn vùng đất này với ít chi phí hơn.

Theo Tim Johnson - The Epoch Times

Nhà văn Tim Johnson, định cư ở Toronto, luôn đi du lịch khắp nơi để tìm kiếm và viết nên những câu chuyện tuyệt vời. Từng đến thăm hơn 140 quốc gia trên khắp 7 châu lục, ông đã theo dấu chân sư tử ở Botswana, đào bới tìm kiếm xương khủng long ở Mongolia, và đã từng đi bộ giữa khoảng nửa triệu chú chim cánh cụt ở Đảo Nam Georgia. Ông đóng góp cho một số tờ báo lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm cả CNN Travel, Bloomberg và The Globe and Mail.

Thiên Hòa biên dịch

Đọc tiếp