3 việc tích ‘âm đức’ nhiều nhất, chỉ một điều cũng giúp bạn tích lũy lớn lao

3 việc tích ‘âm đức’ nhiều nhất, chỉ một điều cũng giúp bạn tích lũy lớn lao
“Âm đức” giống như dòng suối trong trẻo âm thầm nuôi dưỡng mặt đất. (Ảnh: Public Domain)

Kinh Dịch có nói: “Nhà nào tích đức hành thiện thì nhiều phúc lành, nhà nào làm chuyện xấu ác thì nhiều tai họa”. Vậy nên, trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải chăm hành thiện để tích thật nhiều âm đức cho mình…

Trên chặng đường dài đằng đẵng của đời người, chúng ta thường nghe câu “tích âm đức”. Tuy nhiên, chính xác thì “âm đức” là gì? “Dương đức” là gì? Tích lũy “âm đức” lại có tác dụng gì?

“Âm đức” giống như dòng suối trong trẻo âm thầm nuôi dưỡng mặt đất, dù người khác không nhìn thấy, nhưng nó có thể âm thầm tích lũy sức mạnh và phúc lành cho chính mình. Nói tóm lại, “âm đức” là âm thầm cho đi và nó sẽ giúp tích lũy phúc lành, đem lại may mắn cho bản thân. “Dương đức” giống như mặt trời kiêu hãnh treo cao trên trời, ánh sáng chiếu rọi bốn phía khiến người ta lóa cả mắt. Tóm lại, “dương đức” có nghĩa là làm việc tốt một cách quang minh chính đại, mọi người biết về việc này, điều này sẽ mang lại danh lợi hoặc vinh diệu cho bản thân.

Vì vậy, ở một mức độ nào đó, “âm đức” khó hơn “dương đức”, nó có thể tích lũy phúc đức to lớn cho bản thân, thậm chí còn có thể mang đến lợi ích cho con cháu đời sau. Bởi vì “âm đức” là việc tốt được thực hiện một cách âm thầm, không để người khác biết đến, công đức rất sâu dày mà phúc báo cũng dài lâu.

Giống như Kinh Dịch đã nói: “Nhà nào tích đức hành thiện thì nhiều phúc lành, nhà nào làm chuyện xấu ác thì nhiều tai họa”. Chúng ta gieo xuống nhân ngọt, ắt sẽ thu về quả ngọt; còn gieo nhân đắng ắt sẽ nhận về quả đắng. Vì vậy, trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải chăm hành thiện để tích thật nhiều âm đức cho mình.

Dưới đây là ba việc tích được nhiều âm đức, dù chỉ làm được một trong số đó, thì cũng đã là công đức vô lượng!

1. Giúp người lúc nguy nan

Họa phúc không có cửa vào, tất cả đều do mình chiêu mời mà đến”. Vận mệnh tốt xấu của một người được quyết định bởi thiện và ác trong lòng người đó. Như người ta vẫn nói, người đang làm, trời đang nhìn, nhân quả có luân hồi, những người hành thiện tích đức chắc chắn sẽ được trời ban phúc. Ở một mức độ nào đó, hết thảy nhân duyên và hướng đi trên thế giới đều do nhân quả đưa đến. Nếu thường xuyên kết oán duyên, thì sẽ gặp xui xẻo, tổn hao phúc báo của mình; còn nếu thường xuyên kết rộng duyên lành, thì sẽ gặp nhiều may mắn và tích lũy vô vàn phúc đức.

Khi những người khác đang ở vào hoàn cảnh tuyệt vọng, cuộc sống của họ đang trong cảnh bế tắc, mong bạn hãy đưa tay giúp đỡ. Đây không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn là niềm an ủi về tinh thần. Nhà Phật có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng tháp”. Mỗi một hành động tử tế, mỗi một hành động “giúp  người lúc nguy nan” đều là biểu hiện của sự tôn trọng và trân quý sinh mệnh. Vì vậy, dù là việc lớn hay việc nhỏ, thì đó cũng là công đức vô lượng.

Có lẽ trong một khoảnh khắc vô tình nào đó, chúng ta gặp một người đang gặp khó khăn, có thể là người bị thương trong vụ tai nạn, hoặc gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Khi chúng ta không ngần ngại thể hiện lòng tốt và đưa tay ra giúp đỡ, hạt giống của lòng tốt sẽ được gieo vào thời điểm đó. Trong tương lai, hạt giống thiện lành này sẽ trổ ra những quả thiện lành, hoặc có thể quay trở lại với chúng ta theo cách không ngờ tới. Cũng chính như người ta thường nói: “Tặng hoa cho người thì hương thơm vẫn còn đọng lại trên tay”.

2. Nói những lời tốt lành

Tục ngữ có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Phật giáo cũng nhìn nhận rằng khẩu nghiệp sẽ tổn hao phước báo của tự thân. Vì vậy, trong thế giới phức tạp này, đừng đánh giá thấp sức mạnh của lời nói. Một lời ác ý có thể như một con dao sắc bén vô tình làm tổn thương người khác; còn một lời nói tử tế có thể như làn gió xuân thổi vào mặt, sưởi ấm lòng người.

Chính như trong kinh điển nhà Phật có nói: “Nói lời khiến người khác vui là điều tốt lành nhất”. Vậy nên trong cuộc sống thường ngày, chúng ta nên thận trọng trong lời nói và hành động của mình, hãy luôn nói những lời tốt đẹp, còn những lời xấu ác nhất định phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói.

Suy cho cùng, khi chúng ta giao tiếp với người khác bằng những lời nói nhẹ nhàng, tử tế, chúng ta không chỉ mang lại niềm hy vọng và sức mạnh cho người khác, mà còn tích lũy âm đức sâu dày cho chính mình, bởi lời nói từ miệng sẽ tạo nên vận mệnh cho bạn; đúng như câu “một lời thiện ý ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Vậy nên, mong bạn thường xuyên nói những lời tốt đẹp có thể tăng thêm phúc báo cho bản thân và thêm một phần tốt đẹp cho thế giới này.

3. Hiếu thuận cha mẹ và tin vào nhân quả

Trong cuộc sống, có nhiều người âm thầm cho đi. Họ không cầu danh lợi, mà hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương và sự đồng cảm. Ví như giáo viên dạy học ở vùng núi xa xôi hẻo lánh, tình nguyện viên chăm sóc người già neo đơn, những người quyên góp từ thiện, v.v... Sự đóng góp của họ có thể không phải ai cũng biết, nhưng lòng tốt và việc tốt của họ chắc chắn sẽ không vô ích, bởi “trên đầu ba thước có thần linh”, “phúc thay ai xót thương người, bởi họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Sự cống hiến vô tư này cũng chính là sự thăng hoa của nhân tính và là sự thể hiện của tình yêu vĩ đại. Dù chỉ một đóng góp nho nhỏ cũng có thể tích lũy công đức vô tận cho chính mình.

Còn có một nhân quả nữa không thể bỏ qua, đó chính là hiếu thảo với cha mẹ. Hành thiện tích đức, trước hết là phải biết hiếu kính cha mẹ. Cha mẹ được ví là phúc điền lớn nhất trên thế gian. Hiếu kính với cha mẹ là đạo lý hiển nhiên của người con. Đó không chỉ là bổn phận mà còn là cách bồi đắp phúc báo của chính bản thân mình.

Phật gia có dạy: “Nếu có thể hiếu kính cha mẹ, làm cha mẹ vui lòng, phúc đức là vô tận”. Hiếu thuận cha mẹ chính là hành động tích âm đức tốt nhất trên đời. Một người hiếu thảo sẽ đạt được 4 loại phúc báo: Là người đường hoàng, sung túc giàu có, tam an vô bệnh, trường thọ an khang.

Có thể tưởng tượng một cách đơn giản hơn: Một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình hòa thuận hạnh phúc, tâm trạng mỗi ngày đều sẽ vui vẻ thoải mái. Tâm thái cũng vì vậy mà khoan hậu hiền hòa, đối nhân xử sự cũng sẽ khéo léo, không câu nệ toan tính. Phúc báo tự nhiên cũng đến cuồn cuộn không ngừng.

Bậc làm cha mẹ nên trở thành tấm gương sáng cho con cái, phận làm con thì phải coi việc hiếu kính cha mẹ là nghĩa vụ và trách nhiệm hàng đầu. Đây chính là một trong những việc làm tích âm đức trực tiếp nhất mà ai cũng nên ghi nhớ.

Họa phúc không có cửa vào, tất cả đều do mình chiêu mời mà đến”. Vận mệnh tốt xấu của một người được quyết định bởi thiện và ác trong lòng người đó. Trong thế giới ngập tràn nhân quả này, chúng ta hãy luôn ghi nhớ ba việc tích âm đức, lấy thiện niệm làm kim chỉ nam và lấy hành động làm thực tiễn. Hãy để hành trình cuộc sống của chúng ta ngập tràn phúc lành và may mắn vô tận.

Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp