4 nhược điểm lớn của bản chất con người
Thái độ của bạn đối với cuộc sống quyết định tầm cao trong tương lai của bạn. Có một câu nói quen thuộc: "Trong suốt cuộc đời, người ta không ngừng nỗ lực để có thể vượt qua chính mình".
Có người minh bạch được bản chất phức tạp của chính mình, họ sẽ quyết tâm cải biến để thay đổi bản thân, tại con đường trùng trùng gian khó vẫn bước đi tìm đại đạo;
Nhưng có một số người, bị giới hạn bởi sự yếu đuối của chính mình, đã trì trệ và không nhận ra điều đó cho đến khi rơi xuống vực thẳm thì đã quá muộn.
Bởi vậy mới nói, nếu bạn không hiểu bản chất của chính mình, bạn sẽ không thể có một cuộc sống tốt đẹp. Nếu chúng ta sớm nhìn ra được bốn điểm yếu này của mình trên con đường nhân sinh phía trước thì đường đời sẽ thuận lợi bình yên.
1. Thích nghe những điều tốt đẹp
James nói: “Niềm khao khát sâu sắc nhất của bản chất con người là được khen ngợi”. Tuy nhiên, ngợi khen quá mức cũng giống như những viên đạn đại bác bọc đường. Nếu bạn quá coi trọng nó, cũng giống như bạn đang hại chính mình.
Trong cuốn sách “Trí tuệ sinh tồn cần biết sau tuổi 22” có một câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc.
Thiên Vũ tốt nghiệp xuất sắc ở trường đại học, anh làm việc trong một công ty do bạn của cha mình làm chủ. Nhờ mối quan hệ của cha, anh đã trở thành quản lý ngay khi mới vào công ty. Tất cả đồng nghiệp xung quanh đều yêu mến, khen ngợi anh là người trẻ tuổi và có triển vọng.
Lúc đầu, anh ấy có phần hổ thẹn, nhưng thời gian trôi qua, anh ấy coi đó là điều đương nhiên, thậm chí có chút tự mãn và không thể nghe những lời khó nghe mà người khác góp ý.
Một lần, có một vấn đề xảy ra với dự án mà anh ấy chịu trách nhiệm, một nhân viên cũ đã chỉ thẳng vấn đề với anh ấy và đề xuất giải pháp. Nhưng sau khi Thiên Vũ nghe thấy điều này, anh ta trở nên tức giận, ngay lập tức tỏ vẻ quyền lực và nói:
"Ai mới là lãnh đạo? Chuyện của tôi không đến lượt anh quan tâm". Cứ như vậy, hai người mới nói vài câu rồi cãi nhau, kết quả là sự việc càng trở nên nghiêm trọng, làm chậm tiến độ của dự án khiến ông chủ tức giận, Thiên Vũ bị chỉ trích nghiêm trọng.
Kể từ đó, đồng nghiệp không còn dám nói ra sự thật trước mặt anh, thậm chí bắt đầu xa lánh, Thiên Vũ cũng cảm thấy vô cùng hối hận, nhưng đã đến lúc này, hối hận thêm nữa cũng vô ích.
Nhà văn Mỹ - Thoreau đã nói: "Cần có hai người để nói lên sự thật, một người dám nói và một người sẵn sàng lắng nghe". Không có gì sai khi lắng nghe những điều tốt đẹp, nhưng việc lắng nghe những lời khen ngợi của người khác mù quáng sẽ chỉ khiến bạn mắc bẫy trong sự dối trá.
Những người thực sự quyền lực biết rằng lời nói dối thì dễ nghe nhưng lời chân thật thì khó cầu được. Họ sẽ lắng nghe những lời khuyên tốt, lấy người khác làm gương, đối diện với nhược điểm của bản thân và không ngừng tu dưỡng chính mình. Như vậy, dù thế giới bên ngoài có náo nhiệt đến đâu, họ vẫn có thể vững tâm tiến về phía trước.
Trong hành trình khó khăn này của cuộc đời, chúng ta không thể tách rời khỏi những lời khuyên chân thành, cần biết trân quý và lắng nghe sự thật, phân biệt đúng sai và cuối cùng bạn sẽ thoát ra khỏi tự ngã.
2. Chú trọng diện mạo
Ngôi sao phim truyền hình kỳ cựu Phương Lôi từng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong một chương trình tạp kỹ. Một lần, khi đang tạm dừng quay phim ở Quảng Châu, anh ấy đã mời một số người bạn kinh doanh cùng ăn tối.
Không ngờ những người bạn này lại gọi thêm hai bàn người nữa. Khi những người này đến, họ không giữ phép lịch sự chút nào, cầm thực đơn và tự nhiên gọi món.
Đến lúc thanh toán, anh đã bị sốc bởi con số ghi trên hóa đơn. Một bữa ăn có giá hơn 30.000 nhân dân tệ, nhiều hơn cả tiền lương đóng phim hàng tháng của anh.
Nhưng vì muốn giữ thể diện nên anh vẫn gọi một chai rượu tiếp đón bạn bè. Cuối cùng, anh phải gọi giám đốc sản xuất của đoàn phim đến giúp đỡ.
Tưởng rằng sau khi trải qua sự việc này, anh sẽ phải lưu ý hơn, nhưng khi một người bạn vay tiền không trả, anh lại thắt lưng buộc bụng, suốt hai tháng trời không dám ra ngoài vì xấu hổ khi không đòi được nợ để trả tiền nhà.
Cuối chương trình, anh tự cười mình là người điển hình trong những “kẻ đau khổ vì muốn giữ thể diện” và người chịu thiệt chính là anh ta.
Trong cuộc sống, luôn có những người phải trả giá đắt cho cái gọi là giữ thể diện: Khi còn đi học, vì muốn giúp bạn bè giữ thể diện cuối cùng mình lại bị đánh trọng thương phải nhập viện;
Sau giờ làm việc, người ta thích sự xa hoa phù phiếm, ham mê tiêu xài quá mức và tự đưa mình vào tù; Sau khi kết hôn, họ dường như không muốn tách rời, thà giữ thể diện và hành hạ nhau còn hơn là chia tay.
Khi còn trẻ, bị điều khiển bởi sự xa hoa phung phí, thà chịu đau khổ trong tâm còn hơn tỏ ra bất hạnh trước mặt người khác; Chỉ khi đến một độ tuổi nhất định, chúng ta mới hiểu rằng thể diện đó thật vô giá trị trước cuộc đời.
Nó hạn chế gia đình có cơm ăn, áo mặc, cũng không cho phép một người sống một cuộc sống an yên. Sự trưởng thành của một người bắt đầu từ việc buông bỏ việc phải giữ thể diện của mình.
Thay vì bảo vệ thể diện, thà rằng gánh trên vai gánh nặng, nhưng chúng ta được sống thực tế là chính mình, bình tĩnh đối diện để có được một cuộc sống nội tâm như ý.
3. Ác cảm về sự tổn thất
Có một hiệu ứng trong tâm lý học gọi là "hiệu ứng ác cảm với sự mất mát", nghĩa là khi con người đối mặt với những tổn thất và lợi ích ngang nhau, họ tin rằng những mất mát sẽ khó có thể chịu đựng hơn.
Một cư dân mạng đã chia sẻ: Cách đây vài năm, vợ chồng cô quyết định cải tạo ngôi nhà của mình trong một khu trung tâm. Ban đầu họ dự định hoàn thành việc cải tạo vào cuối năm, nhưng họ đã bị mắc kẹt khi chuẩn bị lắp cửa vào tháng 11.
Đầu tiên, không liên lạc được với cửa hàng về việc đặt cửa theo yêu cầu, sau đó cửa đã đặt không thể giao đúng hẹn. Sau nhiều lần thúc giục của cô, người bán hàng đã giao cửa.
Cô nghĩ nó sẽ được hoàn thành đúng thời hạn nhưng cô lại nhận được thông báo rằng trình tự cài đặt không khả dụng. Vài tuần sau, khi thợ lắp đặt đến lắp cửa, anh ta nói với cô: "Cánh cửa không đúng kích cỡ nên không vừa".
Câu nói này khiến cô rất bực mình. Người nhà khuyên cô nên chuyển đổi nhà cung cấp khác, nhưng cô nghĩ chuyển đổi sẽ phiền phức và sẽ bị mất tiền đặt cọc.
Cứ thế, mãi đến năm thứ hai, cửa mới được lắp, lúc này cô đang có bầu em bé thứ hai. Sau khi sự việc này, cô nhận ra:
Nếu kịp thời ngăn chặn tổn thất và tìm được một thương gia khác thì chuyện này đã không xảy ra, giống như Buffett đã nói: "Nêú bạn đi sai đường thì có chạy cũng vô ích".
Người thực sự mạnh mẽ biết dừng lại khi đủ và quay đầu lại đúng lúc. Nhưng những người ngu ngốc thường sẵn lòng đi ngày càng xa hơn vào con đường sai lầm. Vậy mới nói, không phải mọi thứ trong cuộc sống đều phù hợp để kiên trì.
Nếu bạn không muốn từ bỏ chi phí nhỏ và nhất quyết đi sai đường, bạn sẽ thường xuyên va phải bức tường phía trước và phải trả giá đắt hơn. Nếu bạn dám dừng lại những mất mát nhỏ và buông bỏ ác cảm của mình, cuối cùng bạn sẽ nhìn thấy được tương lai tươi sáng.
Khi bạn lỡ đi sai đường, quay lại kịp thời cũng là một cách hoàn thiện bản thân. Chỉ khi có thêm dũng khí và bớt do dự, bạn mới có thể nắm bắt được bước đi đúng đắn của ngã rẽ cuộc đời.
4. Không biết nhìn lại chính mình
Một cư dân mạng hỏi: “Tại sao mọi người không biết thừa nhận sai lầm của mình?” Và một câu trả lời rất có ý nghĩa: “Đổ lỗi cho người khác thì dễ, nhưng nhìn lại chính mình lại là điều khó nhất”.
Cuốn sách “Làm người có ơn và làm việc có trách nhiệm” kể một câu chuyện như sau: Có một khu chợ cá đặc biệt ở Seattle, Mỹ, rất nhiều du khách và khách hàng thích tới đây để mua cá và người dân gần đó đôi khi còn dùng bữa với những người bán cá.
Những người bán cá dù suốt ngày quanh quẩn trong mùi cá nhưng vẫn luôn mỉm cười khi gặp khách hàng. Họ còn hát cho nhau nghe khi bán cá. Nhiều người kinh doanh thậm chí còn đến đây để học hỏi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chợ cá cách đây vài năm trở thành nơi thiếu sức thu hút. Người bán cá thường phàn nàn về môi trường nghèo nàn và hoạt động kinh doanh mờ nhạt. Sau khi tiếp tục một thời gian, họ thấy rằng tiếp tục thế này cũng không giúp ích được gì.
Do đó, họ mạnh mẽ quyết định bắt đầu cải tạo chợ cá, quy hoạch lại cách bố trí chợ, giới thiệu số lượng lớn sản phẩm và sử dụng các phương thức dịch vụ mới lạ, độc đáo để thu hút khách du lịch qua lại.
Những hành động này đã khơi dậy hoàn toàn sức sống của chợ cá, và sự xuất hiện vui vẻ của những người bán cá đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị chưa từng có.
Một người bán cá địa phương nói với vẻ xúc động: “Thật ra không phải cuộc sống đối xử tệ bạc với chúng ta, mà là chúng ta quá bận phàn nàn với nhau mà bỏ quên sức lực của chính mình”.
Tagore đã nói: “Điều dễ làm nhất trên đời này là đổ lỗi cho người khác; điều khó làm nhất là nhận ra chính mình”.
Khi bạn chỉ một ngón tay vào người khác, luôn có ba ngón tay chỉ vào bạn. Trí tuệ thực sự không phải khi bạn trốn tránh trách nhiệm mà là cần tìm ra nguyên nhân bên trong mình, dũng cảm nhận lỗi và tìm cách giải quyết vấn đề.
Hướng nội vào mọi việc và đối chiếu với bản thân kịp thời là bước khởi đầu để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.
Khi bạn sống trên thế giới này, hãy cho mình cơ hội nhìn lại bản thân thường xuyên hơn, hướng nội và tiếp tục trau dồi phẩm hạnh, nhân cách, và cuối cùng bạn sẽ sống theo cách bạn muốn.
Có một câu ngạn ngữ Pháp: "Sự khôn ngoan lớn nhất trên thế giới nằm ở việc hiểu được điểm yếu của chính mình".
Thay vì phải chịu khuất phục trước những điểm yếu của mình, tốt hơn hết là chúng ta nên nỗ lực bài xích và loại bỏ chúng. Thái độ của mỗi người đối với bản thân mình ra sao sẽ quyết định tầm cao cuộc sống của chính mình trong tương lai.
Trên hành trình cuộc đời này, hy vọng chúng ta có thể hiểu được chính mình. Nếu bạn không thể, bạn sẽ không bao giờ biết được bạn có thể làm được những gì. Chỉ khi chúng ta vượt qua được chính mình, chúng ta mới có thể vượt qua mọi thử thách cuộc đời và bước tới thành công.
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt biên dịch