4 ‘phong thủy’ trong gia đình, dưỡng tốt sẽ phú quý giàu sang
Rất nhiều người cho rằng, sự hài hòa, thịnh vượng của một gia đình phần lớn có quan hệ với việc phong thủy có tốt hay không; kỳ thực, trên thực tế không phải là phong thủy dưỡng người, mà là người dưỡng phong thủy.
Phong thủy tốt của một gia đình thường không tách khỏi 4 điều này.
1. Thiện lương có thể dưỡng Đức
Phong thủy tốt nhất của một gia đình, chính là thiện lương. Khổng Tử từng giảng: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, tạm hiểu là người muốn đứng vững thì cũng nên giúp người khác đứng vững, muốn mình thành đạt thì cũng nên giúp người khác thành đạt.
Muốn người khác đối đãi thiện lành với mình, thì trước hết mình phải đối đãi tử tế với người khác.
Một nông phu nọ có giống ngô rất tốt, hàng năm đều bội thu. Ông không tiếc rẻ, mà ngược lại hào phóng chia sẻ giống ngô của mình cho hàng xóm láng giềng. Hàng xóm hỏi ông sao lại hào phóng như vậy? Ông nói: “Mảnh đất chúng ta liền kề nhau, cây ngô trong quá trình thụ phấn đều nhờ gió thổi, nếu như ngô của những nhà xung quanh đều có phẩm chất kém, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ngô của tôi. Bởi vậy, tôi sẵn sàng phân phát giống ngô tốt của mình cho hàng xóm, vừa là để tốt cho người, mà cũng là tốt cho mình”.
Nhà Phật thường nói: “Phúc báo ở phía sau”. Người thiện lành chỉ là chịu thiệt trước mắt, nhưng tương lai của họ sẽ có phúc trạch sâu dày, thậm chí có thể mang lại cho con cháu.
2. Nhẫn có thể dưỡng Phúc
Có một cặp vợ chồng, họ đã cùng nhau trải qua bao khó khăn sóng gió mấy chục năm. Người chồng là chủ quản của một đơn vị. Một lần nọ, cả hai vợ chồng cùng đến dự lễ cưới của cấp dưới. Một cậu thanh niên hỏi hai vợ chồng họ bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân mấy chục năm qua. Người chồng trả lời: “Chỉ có một chữ ‘Nhẫn”. Người vợ đứng bên cạnh bổ sung một câu: “Nhẫn rồi lại nhẫn” .
Sống chung một mái nhà, cái muôi sao tránh va phải cái nồi được. Trong hôn nhân sẽ luôn có những mâu thuẫn hoặc lớn hoặc nhỏ, dù không có thâm thù đại hận gì, nhưng cãi vã là điều khó tránh. Vậy nên giữa vợ chồng với nhau thì phải biết nhường nhịn lẫn nhau.
Tục ngữ nói: “Tu mười năm mới đi chung đò, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”. Giữa biển người mênh mông, hai người có thể cùng nhau đi đến cuối cuộc đời là chuyện không hề dễ dàng. Vậy nên, biết trân trọng tình cảm của nhau thì năm tháng mới có thể dài lâu.
Nhà là nơi để yêu thương, không phải là nơi để cãi lý hoặc phân tranh đúng sai. Bởi dù phân được đúng sai rồi, thì tình yêu cũng sẽ không còn nữa. Gia đình là bến cảng của hai người, có thể khoan dung và nhường nhịn lẫn nhau, mới là bí quyết để gia đình hòa thuận dài lâu.
3. Chuyên cần có thể phát Tài
Ngày nay, điều kiện sống và điều kiện vật chất của mỗi gia đình đều khá giả hơn xưa rất nhiều. Những đứa trẻ sống trong điều kiện vật chất sung túc thường được cha mẹ ra sức nuông chiều, nhiều gia đình đều ôm giữ quan niệm dành mọi thứ tốt nhất cho con, họ sợ con mình sẽ phải chịu khổ, chịu mệt. Chính vì vậy, kết quả dưỡng thành những đứa trẻ không biết chăm chỉ làm việc. Những đứa trẻ này chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ, hơn nữa trở nên ham hư vinh và lười biếng. Chúng khi còn bé ở nhà thì cái gì cũng không làm, ngửa tay là được cho tiền, khi trưởng thành cũng vẫn như cũ, không thể tự lực cánh sinh, không thể chịu khổ.
Thân là cha mẹ hãy giúp cho con trẻ có thể tự mình cố gắng, tự mình đi làm việc, giúp con hiểu được “chuyên cần và nỗ lực’” đây mới là món quà tốt nhất mà cha mẹ nên dành cho con cái.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Nhìn một gia đình có hưng thịnh hay không, thì hãy nhìn xem thế hệ con cháu có ngủ nướng hay không”.
Một gia đình thịnh vượng là bởi mỗi người đều biết nỗ lực, chứ không phải là đời cha vất vả kiếm tiền, đời con thì tiêu xài hoang phí, trở thành đứa con phá của. Một gia đình, có một đứa con ngỗ nghịch, thì tất cả người trong gia đình đều sẽ bị kéo xuống. Có rất nhiều gia đình vốn giàu có, nhưng thường thích khoe khoang bản thân, nghĩ rằng mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng tiền, và kết quả gia đạo ngày càng sa sút.
Trong một gia đình, con cái chăm chỉ chịu khó, sống có đạo đức, chính là phúc khí của cả gia đình. Con cái ngày càng tự lập và có thể tự mình gây dựng sự nghiệp, sẽ càng làm tăng phúc khí cho gia đình, đời sau mới có thể tốt hơn đời trước được.
4. Đọc sách có thể giúp trau dồi phẩm hạnh
Nhà văn người Pháp Voltaire từng nói: “Một gia đình không có sách bằng như một ngôi nhà không có cửa sổ”. Cửa sổ mang lại ánh sáng và gió mát cho ngôi nhà, cũng vậy, sách mang đến tri thức và định hình “Tam quan” (giá trị quan, thế giới quan, nhân sinh quan) cho một người.
Thông qua đọc sách, chúng ta có thể có được trí huệ từ các nhà hiền triết, tìm thấy câu trả lời cho những nghi hoặc trên con đường nhân sinh.
Đối với một gia đình mà nói, không có thói quen nào tốt hơn việc đọc sách, nhất là đọc sách thánh hiền.
Đọc sách thánh hiền mới giúp ta hiểu được đạo lý, đạo đức, ngược lại, con người không đọc sách, không biết đạo lý, cũng chỉ như con trâu con bò chỉ biết kéo xe. Học mà không hành thì cũng không đủ. Đọc sách, chính là thói quen tốt của một gia đình, cũng là phương pháp giáo dục tốt nhất cho con trẻ.
Đại thi hào Tô Thức từng viết: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa”, ý là bụng chứa sách vở tất mặt mũi sáng sủa. Cho dù trên thân khoác bộ áo vải thô kệch, như nếu trong tâm đầy thơ ca bác học, thì tướng mạo bên ngoài tự nhiên cũng sẽ quý phái cao sang.
Trạng nguyên, nhà chính trị thời nhà Thanh là Diêu Văn Điền, từng nói: “Thế gian hàng trăm năm qua, việc nhà đơn giản là tích đức, việc tốt trong thiên hạ không có gì bằng đọc sách Thánh hiền”. Người trên khuôn mặt luôn hiển lộ phúc khí đẹp đẽ như đóa hoa, khẳng định là người yêu thích đọc sách Thánh hiền.
Tóm lại, Thiện lương có thể dưỡng Đức, Nhẫn có thể dưỡng Phúc, Chuyên cần có thể phát tài, Đọc sách có thể bồi dưỡng phẩm chất đức hạnh. Bốn điều này chính là phong thủy tốt nhất làm nên phú quý của một gia đình.
Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch