5 câu kinh điển trong Tây Du Ký như nước cam lồ tưới mát tâm hồn bạn

5 câu kinh điển trong Tây Du Ký như nước cam lồ tưới mát tâm hồn bạn
“Núi cao vẫn có người qua, sông sâu vẫn có đò đưa sớm chiều” - Chương 74 "Tây Du Ký" . (Ảnh: Public domain)

5 câu này trong Tây Du Ký có thể giúp bạn hiểu được sự thật trong cuộc sống, giúp bạn định hình lại trạng thái tinh thần và biến những khó khăn thành động lực…

Có người cho rằng mọi mâu thuẫn, xung đột suy cho cùng đều là sự đấu tranh trong nội tâm của chính mình.

Khi sự tự mâu thuẫn của một người trở nên nghiêm trọng, anh ta sẽ rơi vào vòng xoáy hao tổn tinh thần, bị cuốn vào những cảm xúc lo lắng, hoang mang và nghi ngờ bản thân, tự mình khó thoát ra được.

Lúc này, nếu bạn có thể dành chút thời gian để đọc những tác phẩm kinh điển, có thể bạn sẽ nhận được chút năng lượng từ chúng và tự cứu mình khỏi vũng lầy của cuộc sống.

Nếu bạn đang tổn thương tinh thần, nếu không ngại thì có thể đọc thử 5 câu này trong "Tây Du Ký", điều này có thể giúp bạn bước ra khỏi sự hoang mang và khó khăn tạm thời.

1. “Tâm sinh thì ma quỷ đều sinh; tâm diệt thì ma quỷ cũng diệt” - Chương 13 “Tây Du Ký”

Trước khi Đường Tăng bắt đầu hành trình thỉnh Kinh, ông cùng các sư ở chùa Pháp Môn ngồi lại với nhau đàm luận Phật Pháp và ý nghĩa của việc đi lấy Kinh. Người thì  nói đường xa thăm thẳm, vô số hùm beo; kẻ thì nói non cao vách dựng muôn vàn hiểm trở; còn có người nói dọc đường đầy rẫy yêu qua quỷ quái, chỉ e mạng cũng không còn.

Trước sự hoài nghi và lo lắng của các sư, Tam Tạng chầm chậm khai thị: “Tâm sinh thì ma quỷ đều sinh. Tâm diệt thì ma quỷ cũng diệt. Tôi đã nguyện rồi, đâu có dám không hết lòng”. 

Điều kiện tiên quyết để lấy được chân kinh chính là kiên định nội tâm, đây là trí huệ mà Đường Tăng dạy cho mọi người.

Trong cuộc sống hiện thực, mỗi người chúng ta ít nhiều cũng sẽ gặp phải một số khó khăn và khi đối mặt với những khó khăn này, thách thức lớn nhất chính là cái  tâm.

Khi con người mà trong tâm đầy rẫy những nghi ngờ, ham muốn, sợ hãi và những tạp niệm khác, điều đó thường khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn thực tế, thậm chí không biết bắt đầu từ đâu.

Điều chỉnh tâm thái, tăng cường tín tâm chính là chìa khóa để vượt qua khó khăn.

Vương Dương Minh, nhà tư tưởng vĩ đại của triều Minh từng nói: “Tâm ngoại vô vật, tâm ngoại vô sự, tâm ngoại vô lý”, tạm hiểu là tâm mà không có chướng ngại, thì sẽ chẳng có chuyện gì và cũng không cần bận tâm đến nó nữa. Chính là như vậy, ngọn nguồn của mọi đau khổ phần nhiều đều do cái tâm đưa đến, tiêu trừ ma chướng  trong tâm cũng chính là phải bắt đầu từ cái tâm.

Giảm bớt những kỳ vọng quá mức và buông bỏ những ám ảnh không cần thiết, có lẽ khi đó bạn sẽ nhận thấy rằng một số khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua chẳng qua chỉ là ảo ảnh do cái tâm huyễn hoặc ra mà thôi.

Khi một người học cách điều chỉnh nội tâm của mình, rồi hành động từng bước. Những áp lực trong cuộc sống, thử thách trong công việc hay những tranh chấp giữa các cá nhân sẽ trở nên dễ hiểu và giải quyết hơn.

2. “Bồ tát, yêu quái đều là ý niệm cả. Nếu luận bàn cho đến gốc, thảy đều không có” - Chương 17 “Tây Du Ký" 

Cẩm Lan cà sa của Đường Tăng bị Hắc Hùng Tinh ở núi Hắc Phong lấy trộm, Tôn Ngộ Không đã mời Bồ tát Quán Âm hàng phục Hắc Hùng Tinh. Ngộ Không nghĩ ra một kế, chính là để Bồ tát biến thành người bạn của Hắc Hùng Tinh là Lăng Hư Tử, còn mình lại biến thành một viên đan dược.

Khi Bồ tát Quán Âm biến hóa, trong nháy mắt đã biến thành Lăng Hư đạo nhân, Ngộ Không thấy quá đỗi thần kỳ, hết lời khen ngợi: "Tuyệt quá, tuyệt quá! Ngài là Bồ tát yêu tinh, hay là yêu tinh Bồ tát đấy?".

Bồ tát cười nói: "Ngộ Không, Bồ tát, yêu tinh đều là ý niệm cả. Nếu luận bàn cho đến gốc, thảy đều không có".

Nghe lời Bồ tát nói câu này xong, Ngộ Không lập tức ngộ ra.

Sự khác biệt giữa Bồ tát và yêu tinh hóa ra chỉ là một niệm, khoảng cách Phật và ma chỉ ở trong một niệm. Nếu có thể quản tốt niệm đầu của mình, thế thì mỗi người đều có thể trở thành Bồ tát.

Hắc Hùng Tinh mặc dù rất mạnh mẽ, nhưng nó cũng không phải là con yêu quái làm đủ chuyện ác, ngược lại còn có tâm tu hành, chỉ vì một niệm sai lầm mà lầm đường lạc lối. May thay được Bồ tát Quán Âm cứu vớt, mới từ yêu quái trở thành đại thần canh giữ núi.

Trong thời đại phát triển nhanh chóng này, con người phải đối mặt với đủ loại cám dỗ và áp lực, có thể lầm đường lạc lối bất cứ lúc nào.

Dù là trong công việc hay trong cuộc sống, một niệm sai biệt rất có thể đưa đến một con đường nhân sinh khác nhau.

Cũng như có người sẽ giống như Hắc Hùng Tinh, khi gặp cám dỗ sẽ lầm đường lạc lối; nhưng cũng có người có thể kiên định với bản thân, kiên định tín niệm, bước đi trên con đường đúng đắn.

Nếu bạn quản tốt niệm đầu của mình, từ bỏ ảo tưởng, giữ vững chánh niệm, bảo trì trái tim trong sáng, thì sẽ có thể đối mặt với muôn vàn khó khăn khác nhau trong cuộc sống với một tâm thái bình lặng, vô tư.

3. “Chỉ cần kiến tánh chí thành, tâm tâm niệm niệm, suy nghĩ giác ngộ, là tới ngay Linh Sơn đó” - Chương 24 "Tây Du Ký" 

Một ngày nọ, thầy trò Đường Tăng đến núi Vạn Thọ, thấy ngọn núi ở đây khác với những ngọn núi hiểm trở trước đó, chỉ thấy nơi đây phong cảnh đẹp tuyệt vời, có vầng khí đẹp chan hòa. 

Đường Tăng liền hỏi Ngộ Không: "Ta từ ngày sang phương Tây, trải qua nhiều núi non hiểm trở, nhưng chưa thấy đâu đẹp như ngọn núi này. Thật là nơi vô cùng u nhã! Hay là sắp tới chùa Lôi Âm chăng?".

Hai sư đệ cũng hỏi Ngộ Không, đường đến chùa Lôi Âm còn bao xa nữa? Ngộ Không nói với bọn họ, nếu là hai sư đệ thì mười ngày đã có thể đến nơi; nếu là lão Tôn một ngày có thể đi đi về về năm chục lần; còn nếu là sư phụ, thì đừng nghĩ tới nữa.

Đường Tăng nghe xong, liền vội vàng hỏi: “Ngộ Không, con nói bao giờ mới tới nơi?”.

Hành Giả thưa: “Sư phụ đi từ trẻ cho tới già, già rồi lại trẻ, một nghìn lần như vậy vẫn còn khó. Chỉ mong sư phụ kiến tánh chí thành, tâm tâm niệm niệm, suy nghĩ giác ngộ, là tới ngay Linh Sơn đó”.

Mặc dù Ngộ Không đề cập đến sự khó khăn trong việc lấy Kinh, nhưng cũng nói ra ý nghĩa thật sự của việc lấy Kinh: Chỉ cần sư phụ kiến tánh chí thành, không quên tâm nguyện ban đầu, có thể tập trung vào con đường dưới chân mình, như vậy, Linh Sơn cũng không còn quá xa nữa.

Trong thế giới luôn thay đổi này, tinh lực của con người thường bị phân tán, cũng bị các loại lo lắng và hoang mang quấy nhiễu.

Tuy nhiên, chính những thử thách này khiến con người hiểu rằng chỉ khi duy trì được sự vững chãi và kiên trì trong tâm, chúng ta mới có thể nắm bắt được phương hướng trong môi trường không ngừng thay đổi.

Vì vậy, con người phải học cách buông bỏ những lo lắng trong lòng, toàn tâm toàn ý bước đi thật chắc mỗi một bước dưới chân, nỗ lực hết mình không ngừng nghỉ. Cho đến một ngày, khi bạn ngẩng đầu nhìn lên, bạn sẽ nhận ra cái nơi xa xôi mà bạn từng khao khát đã ở ngay dưới chân bạn.

4. “Núi cao vẫn có người qua, sông sâu vẫn có đò đưa sớm chiều” - Chương 74 "Tây Du Ký" 

Ngày hôm đó, mấy thầy trò cùng đi đến Sư Đà lĩnh tám trăm dặm, Đường Tăng nhìn thấy ngọn núi cao vút tận mây xanh này, trong lòng có chút sợ hãi và lo lắng, lo rằng phía trước sẽ không có đường đi.

Ngộ Không cười nói: “Sư phụ nói gì vậy! Từ xưa có câu: ‘Núi cao vẫn có người qua, sông sâu vẫn có đò đưa sớm chiều’. Làm gì có lý không đi qua được?”.

Đường Tăng cảm thấy Ngộ Không nói rất đúng, ngay lập tức trong lòng tràn đầy tự tin, tiếp tục tiến về phía trước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên đường, nhưng cuối cùng đoàn người cũng thành công bước ra khỏi Sư Đà lĩnh và tiếp tục đi về phía tây.

Một người không dám tiến về phía trước, phần lớn là do thiếu dũng khí, thiếu tự tin, bị nỗi sợ hãi trói buộc, nếu cứ mãi dậm chân tại chỗ, thì sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của đời mình.

Khi đối mặt với khó khăn, trước tiên hãy để bản thân bình tĩnh, phân tích kỹ nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, cố gắng chia nhỏ vấn đề lớn thành các mục tiêu nhỏ, rồi thực hiện chúng từng bước một.

Ngay cả khi bạn nhất thời không thể nghĩ ra giải pháp tốt, thì cũng đừng nản lòng, bạn hãy thử cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Biết đâu họ có thể cho bạn những góc độ và giải pháp khác nhau.

Cũng giống như thầy trò Đường Tăng trên con đường thỉnh Kinh, mỗi khi gặp phải khó nạn lớn không giải quyết được, Tôn Ngộ Không sẽ tìm sự giúp đỡ từ chúng Phật Đạo Thần.

Suy cho cùng, khả năng của mỗi cá nhân là có hạn, học cách mượn sức cũng là một loại trí tuệ. Phải biết rằng, núi dù có cao hơn thì cũng sẽ tìm được đường đi, sông dù có sâu hơn cũng tìm được thuyền đò chở ta qua sông. Ông trời không tuyệt đường người, chỉ cần lòng bạn có phương hướng, thì dưới chân sẽ có sức mạnh.

5. “Trời đất cũng không trọn vẹn. Bộ kinh này vốn vẫn đầy đủ, nay dính rách, đó cũng là một sự huyền diệu ứng với sự không trọn vẹn đó thôi” - Chương 99 "Tây Du Ký"

Trên đường đi lấy kinh, thầy trò Đường Tăng gặp nạn, bất ngờ rơi xuống nước, toàn bộ kinh sách đều bị ướt hết, nên phải phơi khô ngay tại chỗ.

Sau đó, được thôn dân Trần gia trang nồng nhiệt mời đến làm khách. Trong khi dọn dẹp, chợt phát hiện mấy quyển kinh bị dính vào đá, rách mất mấy trang cuối quyển, một số chữ còn in trên đá.

Đường Tăng vô cùng hối hận: “Tại chúng ta cẩu thả, không xem xét cẩn thận đấy mà”.

Ngộ Không thấy vậy vội khuyên giải: “Không phải! Không phải! Ấy là tại trời đất cũng không trọn vẹn đấy. Bộ kinh này vốn vẫn đầy đủ, nay dính rách, đó cũng là một sự huyền diệu ứng với sự không trọn vẹn đó thôi. Sức người giữ làm sao được!”.

Trải qua bao nhiêu kiếp nạn, vậy mà kinh sách lại bị hư hại, dù là ai cũng đều khó tiếp nhận sự thật đau lòng này, may thay được Ngộ Không khuyên giải, Đường Tăng mới không cảm thấy ân hận như thế nữa.

Trong cuộc sống, có người mọi việc đều cố theo đuổi sự hoàn hảo, luôn đòi hỏi bản thân phải hoàn thiện về mọi mặt, thành ra lại làm khổ chính mình.

Nhưng khả năng của con người là có giới hạn, không thể chuyện gì cũng đều hoàn hảo đến từng chi tiết được.

Nghiên cứu cho thấy những người theo chủ nghĩa cầu toàn rất dễ bị áp lực tâm lý. Họ thường chỉ trích bản thân một cách gay gắt. Một khi gặp phải những yếu tố không thể kiểm soát được hoặc kết quả không như mong muốn, họ sẽ sinh ra cảm giác thất bại và phủ nhận bản thân.

Có câu nói rất hay như vậy: "Cảnh giới cao nhất mà chúng ta có thể đạt đến không phải vì cuộc sống hoàn hảo, mà là vì cuộc sống vốn không hoàn hảo".

Chính vì cuộc sống không hoàn hảo, nên chúng ta mới phải cố gắng hết sức để trân trọng mỗi lần cơ hội và mỗi một lần trưởng thành. Đôi khi bạn có thể tổn thương, nhưng đừng mắc kẹt trong đó và không thể tự giải thoát được.

Bạn phải biết rằng sự không hoàn hảo là trạng thái bình thường của cuộc sống. Học cách chấp nhận sự không hoàn hảo là cách duy nhất để thực sự hòa giải với chính mình.

Học giả nổi tiếng là Khang Chấn từng nói: “Hãy nghiền ngẫm thật kỹ mỗi từng chi tiết trong Tây Du Ký, mỗi chỗ trong đó đều đang nhắc nhở bạn, mỗi chỗ trong đó đều đang giáo hóa bạn”.

Quả đúng như vậy, mỗi từng dòng chữ trong Tây Du Ký, đâu đâu cũng đều có trí huệ. Ngay cả việc đọc 5 câu này trong đó cũng có thể giúp bạn hiểu được sự thật trong cuộc sống, giúp bạn định hình lại trạng thái tinh thần và biến những khó khăn thành động lực.

Mặc dù những tổn thương về mặt tinh thần có thể gây ra một số rắc rối cho con người, nhưng nó cũng giống như một tấm gương, cho chúng ta cơ hội dừng lại xem xét lại bản thân, khám phá ra những vấn đề và thiếu sót tiềm ẩn.

Mong mỗi người đều có thể hóa giải những mâu thuẫn trong tâm, thả lỏng bản thân và sống một cuộc sống không lo lắng, không hao mòn nội tâm.

Theo Aboluowang
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp