6 chữ Hán cấu trúc nên 6 cảnh giới nhân sinh

6 chữ Hán cấu trúc nên 6 cảnh giới nhân sinh
6 chữ Hán cấu trúc nên 6 cảnh giới nhân sinh. (Ảnh: Public Domain)

Theo truyền thuyết, chữ Hán được Thương Hiệt, sử quan của Hoàng Đế sáng tạo ra. Thương Hiệt được mô tả là người có "tròng mắt kép", có thể nhìn thấy thần linh và tạo ra chữ viết từ những hình dạng và hình ảnh quan sát được trong tự nhiên. Do đó, cấu trúc của chữ Hán có những ưu điểm độc đáo.

Nhiều chữ Hán không chỉ có cấu trúc hình thái độc đáo mà còn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Ví dụ, chữ "心" (tim) không chỉ đại diện cho cơ quan sinh lý mà còn tượng trưng cho nơi gửi gắm tinh thần và tình cảm. Chữ "滅" (diệt) gồm ba bộ phận là thủy (nước), tuất (đất) và hỏa (lửa), thể hiện nguyên lý tương khắc trong ngũ hành: Thủy khắc Hỏa, Thổ sinh Hỏa.

Ngẫm nghĩ kỹ 6 chữ Hán dưới đây, có thể lĩnh hội được 6 cảnh giới nhân sinh.

Liệt (劣): Ít ra sức lực

Chữ "liệt" được ghép từ chữ "thiểu" (少) và chữ "lực" (力), có nghĩa là nếu bạn ít bỏ sức lực, bạn sẽ trở nên ngày càng kém cỏi, giống như hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn. Chữ này thể hiện một cách sinh động tầm quan trọng của sự nỗ lực, nhắc nhở mọi người trong cuộc sống và công việc phải cố gắng hết sức, tránh làm việc qua loa, đại khái.

Sự tốt xấu, ưu việt hay kém cỏi của một đời người, không phải do trời sinh mà do quá trình rèn luyện tạo nên. Cấu tạo của chữ "liệt" chính là 'ít' bỏ ra 'sức lực' hơn người khác.

Nếu bạn kém hơn người khác, không phải bản chất đã kém, sinh ra đã kém, mà là do hậu thiên lười biếng, chểnh mảng, không chịu bỏ ra nhiều nỗ lực hơn người khác.

Lộ (路): Ngay dưới chân mỗi người

Chữ "Lộ" (路) bên trái là bộ "Túc" (足) - nghĩa là bàn chân, bên phải là chữ "Các" (各) - nghĩa là mỗi người. Con đường nhân sinh nằm ngay dưới chân mỗi chúng ta. Câu nói "Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ" chính là đạo lý này, mỗi người đều phải bắt đầu từ dưới chân mình, từng bước vững chắc tiến về phía trước, mới có thể đi ra con đường thuộc về riêng mình.

Vì vậy, mỗi người đều có thể tạo nên một con đường nhân sinh cho riêng mình, nhưng phải tự mình bước đi, không thể trông chờ vào người khác.

Thư (舒): Sẵn sàng cho đi

Chữ "Thư" (舒), bên trái là chữ "Xá" (舍) trong "xá đắc" (舍得 - sẵn sàng), bên phải là chữ "Dư" (予) nghĩa là cho, trao tặng, hợp lại có nghĩa là sẵn sàng cho đi. Cái gọi là 'thư tâm' (舒心 - thoải mái, vui vẻ) chính là sẵn sàng cho đi, bản thân sẽ thu hoạch được niềm vui.

Cách giải thích này không chỉ thể hiện trong cấu tạo chữ Hán, mà còn hàm chứa triết lý sâu sắc trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Người xưa cho rằng, chỉ khi sẵn sàng cho đi, nội tâm mới có thể đạt được sự thỏa mãn và hạnh phúc thực sự. Quan niệm này vẫn còn phù hợp trong xã hội hiện đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tương trợ lẫn nhau và hơi ấm tình người.

Phúc(福): Có áo mặc, có cơm ăn.

Chữ Phúc (), bên trái là Y (衣), bên phải là Nhất khẩu điền (一口田). Người xưa khi tạo ra chữ này, cho rằng một người có áo mặc, có cơm ăn, chính là Phúc.

So với người xưa, cuộc sống vật chất của người hiện đại phong phú hơn rất nhiều, họ phổ biến đều có áo mặc, có cơm ăn, phổ biến đều được ấm no; không ít người còn đạt đến mức khá giả, thậm chí giàu sang phú quý. Nhưng rất nhiều người lại vẫn không hạnh phúc.

Điều này là bởi vì sự thỏa mãn của người hiện đại không còn dừng lại ở việc có áo mặc, có cơm ăn, không còn là tri túc thường lạc nữa. Họ có nhiều dục vọng hơn, một khi không được thỏa mãn, sẽ đau khổ phiền não, không thoải mái.

Đau khổ và phiền não của người hiện đại chủ yếu bắt nguồn từ sự bành trướng vô hạn của dục vọng, tâm lý so sánh, sự mất cân bằng giữa nhu cầu vật chất và tinh thần, áp lực cạnh tranh xã hội cũng như sự thiếu hụt khả năng nghỉ ngơi. Muốn giải quyết những vấn đề này, cần phải học cách tri túc thường lạc, giảm bớt những dục vọng không cần thiết, đồng thời tìm thấy sự bình yên và thỏa mãn trong tâm hồn.

Hạnh phúc, không phải là đã sở hữu, mà là đã thỏa mãn.

Đạo (道): Điều quan trọng nhất là bước chân ra đi

Chữ "Đạo" (道), được cấu tạo bởi bộ "chẩu" (辶) - tượng trưng cho sự di chuyển, bước đi - và chữ Thủ (首) - nghĩa là đầu tiên, quan trọng nhất. Điều này cho chúng ta biết rằng, để đi trên con đường đời, điều quan trọng nhất là phải hành động, phải bước đi. Cấu trúc của chữ Hán này nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động. Cho dù lý tưởng, niềm tin, sự kiên trì có quan trọng đến đâu, nếu không được đưa vào hành động, tất cả sẽ trở thành con số không.

Khi đặt ra mục tiêu cho cuộc sống, chỉ có kế hoạch và lý tưởng thôi là chưa đủ, phải bắt tay vào thực hiện mới có thể đạt được mục tiêu.

Hoạn (患): Nhiều tâm, không phải điều tốt

Chữ "Hoạn" (患), phía trên là bộ "xuyến" (串), phía dưới là chữ "tâm" (心), ghép lại có nghĩa là một "chuỗi" những "tâm", tức là nhiều tâm, nhiều lo lắng.

Một người không thể "nhất tâm" đối mặt với được mất, cái này cũng muốn, cái kia cũng muốn, cái này cũng sợ mất, cái kia cũng sợ mất, làm sao có thể không lo lắng? Một người không thể "nhất tâm" khi làm việc, việc này cũng muốn làm, việc kia cũng muốn làm, ba tâm hai ý, khó mà thành công.

Một người không thể nhất tâm đối đãi với người khác, luôn nghi ngờ, đố kỵ, không làm người quân tử ngay thẳng, mà làm kẻ tiểu nhân lo lắng, làm sao có thể là một người khỏe mạnh? Vì vậy, làm người không nên nhiều tâm, nhiều tâm ắt mệt tim.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt