6 từ cần ghi nhớ khi con cái không tôn trọng và phớt lờ bạn

Trong cuốn sách Người Vô Danh có một câu nói như sau: "Con cái càng độc lập, cha mẹ càng cô đơn, mặc dù vậy, cha mẹ vẫn học cách hiểu chuyện, luôn nói với bạn: Bố mẹ ổn, không sao đâu, con cứ bận việc của con đi."
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con cái dần dần trưởng thành, khoảng cách giữa chúng ta và con cũng ngày càng xa, thậm chí đôi khi còn thể hiện sự bất kính, xa cách.
Đối mặt với sự thay đổi này, trong lòng chúng ta có thể dâng lên cảm giác mất mát, hoang mang thậm chí là bất mãn. Nhưng ngàn vạn lần đừng tức giận, đừng nói đạo lý, hãy nhớ 6 chữ này là đủ.
Không nổi giận, giữ vững tinh thần, mỉm cười cho qua
Trong chương trình Biến Hình Ký từng gây sốt khắp Trung Quốc, nhân vật Vương Cảnh Trạch đến từ thành phố đã để lại ấn tượng sâu sắc.
Vương Cảnh Trạch sinh ra trong một gia đình giàu có ở Cát Lâm, từ nhỏ đã được nuông chiều, cha mẹ bận rộn nên ít quan tâm đến việc học tập và giáo dục của cậu. Trốn học, gây rối, đánh nhau trở thành chuyện thường ngày của cậu, không tôn trọng người khác, cũng không tôn trọng cha mẹ.
Ngày đầu tiên tham gia chương trình đến vùng nông thôn, khi nhân viên chương trình thu dọn hành lý, cậu đã mất kiểm soát cảm xúc, thậm chí còn đánh người. Đến nhà ông bà ở nông thôn, cậu vẫn giữ thái độ ngông cuồng, hống hách.
Bà nội ở quê tốt bụng nấu cơm cho cậu, nhưng lại nhận được câu nói hỗn xược: "Tôi, Vương Cảnh Trạch, thà chết đói, chết ngoài đường, nhảy từ đây xuống, cũng không ăn một miếng đồ ăn nào của các người!"
Đối mặt với sự thiếu tôn trọng của đứa trẻ thành phố, ông bà ở nông thôn không hề tức giận, mà mỉm cười đối mặt, và làm lại những món ăn ngon cho cậu. Sau đó, bà nội đã đi bộ ba tiếng đồng hồ đường núi, về nhà với vẻ mặt nhân từ ân cần hỏi han Vương Cảnh Trạch, và dặn dò cậu phải học hành chăm chỉ.
Trải qua hơn một tháng trải nghiệm cuộc sống, tình yêu thương âm thầm của ông bà đã chạm đến trái tim cậu, cậu không còn kiêu ngạo, ngang ngược nữa. Sau khi trở về nhà ở thành phố, cậu cũng trở nên hiểu chuyện hơn, chủ động làm hòa với cha mẹ vốn ít dành thời gian cho mình.
Về sau, Vương Cảnh Trạch vẫn giữ liên lạc với gia đình trao đổi ở nông thôn, xây nhà vệ sinh mới cho ông bà, mỗi dịp lễ Tết đều gửi quà biếu.
Khi con cái không tôn trọng và phớt lờ bạn, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, tức giận không giải quyết được vấn đề mà còn làm tổn thương tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Sự ấm áp và quan tâm chính là cách tốt nhất để hóa giải tâm lý chống đối của con.
Nhớ lại câu chuyện mà thầy giáo nổi tiếng Đổng Vũ Huy đã chia sẻ về một buổi học của mình: Vào đầu buổi học, các học sinh trong lớp liên tục gây ồn ào ảnh hưởng đến lớp học. Một nữ sinh ngồi bàn đầu cứ đập sách xuống bàn tạo ra tiếng ồn, một lúc sau lại ho lớn.
Thầy Đổng Vũ Huy nói, lúc đó thầy biết cách đơn giản nhất là quát lên: "Còn đập nữa thì ra khỏi lớp". Nhưng thầy đã chọn cách thấu hiểu học sinh bằng sự thiện chí lớn nhất, thầy pha một cốc thuốc đưa cho cô gái và dặn cô ấy chú ý sức khỏe. Sau đó, trong thời gian còn lại của buổi học, mọi thứ trở nên yên tĩnh.
Napoleon đã từng nói: "Người kiểm soát được cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn cả vị tướng chiếm được một thành trì." Người ổn định về mặt cảm xúc không chỉ có thể giảm bớt xung đột, mâu thuẫn với con cái mà còn có thể giải quyết vấn đề tốt hơn.
Nếu muốn con cái tôn trọng và hiếu thảo với mình, trước hết hãy học cách kiểm soát cơn giận của bản thân, đừng bao giờ làm nô lệ cho cảm xúc. Giữa những xô bồ của cuộc sống, không phải cứ lớn tiếng là nắm giữ chân lý, đôi khi im lặng lại là câu trả lời mạnh mẽ nhất. Hãy giữ sự bình yên cho gia đình, để thời gian phân định đúng sai, gia đình hòa thuận thì mọi việc đều hanh thông.
Không tranh cãi, kìm nén sự phản bác, lấy lui làm tiến
Benjamin Franklin từng nói: "Tranh cãi là trò chơi của một người. Tuy nhiên, đó là một trò chơi kỳ lạ, không bên nào từng thắng."
Quá nhiều người tỏ ra hòa nhã với người ngoài nhưng lại thiếu kiên nhẫn với người thân, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái, rất dễ mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến cãi vã.
Một số cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái, không cho phép phạm sai lầm, thậm chí không cho phép chúng tự quyết định bất cứ điều gì. Khi con cái tỏ ra nổi loạn, họ thường chọn cách phản bác gay gắt hơn, điều này chỉ khiến mâu thuẫn giữa hai bên thêm trầm trọng.
Là cha mẹ, khi con cái không tôn trọng, không quan tâm đến mình, nên giữ thái độ khách quan. Nếu bản thân có lỗi, hãy chủ động nhận lỗi, làm gương cho con cái.
Nếu con cái có lỗi, cũng đừng dùng uy quyền để áp chế con, kích thích tâm lý nổi loạn của chúng. Kìm nén sự phản bác, im lặng không tranh luận, mới có thể dẫn dắt con cái tự kiểm điểm bản thân.
Nhà văn Pháp André Maurois từng nói: "Nghĩ rằng hai người có cùng suy nghĩ, cùng phán đoán, cùng mong muốn là ý nghĩ ngớ ngẩn nhất, điều đó là không thể, cũng không nên."
Nhiều khi, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái không phải là ai đúng ai sai. Mỗi thế hệ đều có thói quen sống khác nhau, cũng gánh vác những trách nhiệm khác nhau.
Những khác biệt này thường là nguồn gốc của khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến hai thế hệ khó đạt được sự đồng thuận về quan điểm. Người trẻ có thể vì thiếu kinh nghiệm mà bỏ qua lời dạy bảo của cha mẹ, tỏ ra chưa trưởng thành. Người già cũng có thể vì tuổi tác mà trở nên cố chấp và hay cằn nhằn.
Lúc này, điều chúng ta có thể làm là bao dung, thấu hiểu nhiều hơn, kiềm chế sự phản bác trước con cái, giữ khoảng cách thoải mái nhất với con.
Như trong cuốn "Sự thức tỉnh của cha mẹ" có viết: "Chúng ta nên dần dần trở thành người cha, người mẹ thích ứng với nhu cầu của con cái." Con cái lớn lên, chúng ta già đi, nên thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của con, cố gắng chấp nhận và nhìn thoáng những cảm xúc tiêu cực của con.
Thay vì tự giam mình trong những chuyện vụn vặt với con cái, chi bằng chuyển trọng tâm sang tận hưởng phần đời còn lại của mình. Chăm sóc tốt cảm xúc và sức khỏe của bản thân, dành cho mình đường lui lúc tuổi già, mới là việc đáng làm nhất hiện tại.
Không bàn tán, giữ miệng, đóng cửa sống cuộc sống của mình
Schopenhauer đã viết trong cuốn Trí tuệ nhân sinh: "Chúng ta phải coi chuyện riêng tư của mình là bí mật. Những gì bạn bè thân thiết của chúng ta không thể tận mắt chứng kiến, chúng ta đừng để họ biết."
Nhà nào cũng có chuyện khó nói, người khác nghe được thường sẽ không thông cảm, mà có thể sẽ đem ra làm trò cười sau lưng, truyền đến tai con cái, lại càng làm gia tăng mâu thuẫn gia đình.
Có những người con tuy bề ngoài tỏ ra ngỗ nghịch, không tôn trọng cha mẹ, nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn rất khao khát được cha mẹ công nhận. Nếu cha mẹ thường xuyên kể lể những khuyết điểm, thiếu sót của con cái trước mặt người ngoài, sẽ chỉ khiến hình ảnh của con cái bị tổn hại trong mắt người khác, đánh mất sự tự tin của con, thậm chí còn khiến chúng rơi vào tình trạng buông xuôi, chán nản.
Là cha mẹ, nên thể hiện lòng bao dung, mâu thuẫn gia đình nên giải quyết nội bộ, tránh chỉ trích những thiếu sót của con cái trước mặt người khác. Một gia đình, đối nội nên thấu hiểu lẫn nhau, đối ngoại cần cẩn trọng lời nói. Dù quan hệ với con cái như thế nào, ra ngoài cũng nên giữ thể diện cho con, đừng để người ngoài phán xét hay can thiệp.
Gia đình là nơi chốn quay về, cũng là nơi che chở. Vì sự hòa thuận, yên ấm của gia đình, nhất định phải giữ kín những chuyện trong nhà, các thành viên trong gia đình nên bảo vệ lẫn nhau, cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong cuốn sách Trước khi các con rời xa, có đoạn viết: "Giữa cha mẹ và con cái là một cuộc chia ly ngày càng xa, cũng là sự tu hành trân trọng từng khoảnh khắc." Cha mẹ con cái một đời, vừa là quá trình trưởng thành của con, cũng là con đường tu dưỡng của cha mẹ.
Gia đình thực sự hòa thuận sẽ không lãng phí thời gian vào những tranh chấp, mâu thuẫn vô ích. Cha mẹ thực sự khôn ngoan, khi đối mặt với sự bất kính, xa cách của con cái sẽ làm được: không tức giận, không tranh cãi, không bàn tán.
Tầm nhìn của người cha, cảm xúc của người mẹ quyết định tương lai của con cái và sự thịnh vượng của gia đình. Phần đời còn lại, mong rằng chúng ta đều có thể thấu hiểu và bao dung nhiều hơn, trách móc và than phiền ít đi, cùng nhau vun đắp một gia đình ấm áp, hạnh phúc.
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt