7 cấp độ hiếu thảo với cha mẹ, bạn đang ở cấp độ nào?

Kinh Hiếu nói: "Hiếu là gốc của đức, là nơi giáo hóa bắt đầu." Hiếu là nền tảng của mọi đạo đức, mọi sự giáo dục về phẩm hạnh đều bắt nguồn từ việc thực hành hiếu thảo.
Hậu Hán Thư nói: "Kẻ hiếu thảo đứng đầu trăm nết tốt, là khởi điểm của mọi điều thiện." Hậu Hán Thư cho rằng, hiếu là việc quan trọng hàng đầu, là khởi điểm của mọi hành vi tốt đẹp. Có thể nói, một người nếu ngay cả việc hiếu kính cha mẹ cũng không làm được thì đừng mong bàn đến những điều khác.
Vậy, hiếu là gì?
Ông Nam Hoài Cẩn nói: "Cha mẹ giống như hai người bạn, đã chăm sóc bạn hai mươi năm, giờ đây họ già yếu, không thể cử động được nữa, bạn quay lại chăm sóc họ, đó chính là hiếu." Lời của ông Nam Hoài Cẩn tuy mộc mạc nhưng lại rất đúng, nói một cách đơn giản là biết ơn và báo đáp.
Tôi tin rằng mỗi người đều có lòng hiếu thảo, chỉ là mức độ thực hiện khác nhau mà thôi. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau trao đổi về 7 cấp độ của việc hiếu kính cha mẹ, xem mình đã đạt đến cấp độ nào nhé!
1. Mức độ đầu tiên của lòng hiếu thảo: Sức khỏe thể chất là hiếu thảo
Mạnh Vũ Bá từng hỏi Khổng Tử: "Thế nào là hiếu thảo?"
Khổng Tử đáp: "Cha mẹ chỉ lo lắng khi con cái ốm đau."
Đúng vậy, con đi ngàn dặm mẹ lo âu. Khổng Tử cho rằng, điều cha mẹ lo lắng nhất là sự an toàn và sức khỏe của con cái. Có một kiểu lạnh gọi là mẹ thấy lạnh; có một kiểu đói gọi là cha thấy đói; có một kiểu ấm áp gọi là hỏi han ân cần của cha mẹ.
Con cái là máu thịt của cha mẹ, thân thể, da tóc đều do cha mẹ ban cho. Bao nhiêu ngày đêm cha mẹ lo lắng, bao nhiêu năm tháng cầu phúc phù hộ, luôn mong con cái được khỏe mạnh.
Vì vậy, bảo vệ tốt bản thân chính là lòng hiếu thảo lớn nhất.
Vì cha mẹ, xin đừng ăn uống vô độ làm hại bản thân; vì cha mẹ, xin đừng thức khuya chơi game làm hao mòn sức khỏe; vì cha mẹ, xin đừng ngồi ì cả ngày không vận động làm giảm sức đề kháng. Hãy nhớ rằng: sức khỏe thể chất là mức độ hiếu thảo đầu tiên, cũng là hiếu thảo nhất định phải nỗ lực thực hiện.
2. Mức độ thứ hai của lòng hiếu thảo: Không làm tăng gánh nặng cho cha mẹ là hiếu thảo
Thực ra, cha mẹ không đòi hỏi con cái quá nhiều, cũng không mong được báo đáp điều gì. Câu nói mà nhiều bậc cha mẹ thường nói là: "Chỉ cần các con tự chăm sóc tốt cho bản thân là được rồi, đừng bận tâm đến chúng ta." Một câu "tự chăm sóc tốt cho bản thân là được rồi", thật giản dị mà cũng thật khó thực hiện.
Trong xã hội hiện nay, cạnh tranh khốc liệt, nhiều người thực sự khó có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân.
Giá nhà quá cao, cần đến tiền dưỡng lão của cha mẹ để trả tiền đặt cọc; sinh con rồi, cần cha mẹ giúp đỡ chăm sóc, trong quá trình đó còn xảy ra mâu thuẫn; công việc không thuận lợi, có thể còn phải về nhà dựa dẫm cha mẹ.
Nếu cha mẹ có điều kiện kinh tế, tất cả những điều này đều không đáng kể. Nhưng nếu kinh tế eo hẹp, đó sẽ là áp lực tâm lý rất lớn cho cha mẹ.
Phải biết rằng, dù bạn lớn đến đâu, cha mẹ vẫn luôn mong muốn che chở cho bạn, luôn lo lắng cho những khó khăn của bạn. Để cha mẹ phải lo lắng cho những khó khăn của bạn, đó chính là bất hiếu.
Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực sống tốt, không tạo thêm gánh nặng cho cha mẹ.
Một người con hiếu thảo sẽ cố gắng học tập, nâng cao khả năng mưu sinh; một người con hiếu thảo sẽ nỗ lực làm việc, gây dựng sự nghiệp; một người con hiếu thảo sẽ chủ động gánh vác, chống chọi với những sóng gió của cuộc đời. Đó chính là mức độ hiếu thảo thứ hai: không làm tăng gánh nặng cho cha mẹ.
3. Cấp độ thứ ba của lòng hiếu thảo: Sự hiếu thảo về vật chất, đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho cha mẹ
Có thể nói, hai cấp độ đầu tiên của lòng hiếu thảo là chăm sóc bản thân thật tốt, từ cấp độ thứ ba trở đi mới bắt đầu là sự quan tâm dành cho cha mẹ. Sự quan tâm này bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần.
Hiếu thảo ở cấp độ thứ ba chính là sự đầu tư về mặt vật chất. Cha mẹ đã nỗ lực, phấn đấu hết mình trong nửa đời người, phần lớn là vì con cái. Giờ đây, cha mẹ tuổi đã cao, không còn khả năng làm việc kiếm tiền như trước nữa, đã đến lúc con cái tiếp quản trách nhiệm này.
Nếu mỗi người đều có thể chăm sóc tốt cho cha mẹ mình, để cha mẹ không phải lo lắng về cơm ăn áo mặc, thì đồng nghĩa với việc xã hội này cũng không còn ai phải lo lắng về cơm ăn áo mặc. Đây không chỉ là tình yêu thương dành cho cha mẹ, mà còn là sự đóng góp cho xã hội. Về điểm này, Mạnh Tử đã nói rất đúng:
Mạnh Tử viết: "Mọi người đều yêu thương người thân của mình, kính trọng người lớn tuổi, thì thiên hạ sẽ thái bình."
Mạnh Tử cho rằng, mỗi người đều có thể chăm sóc tốt cho người thân, bậc trưởng bối của mình, thì thiên hạ sẽ thái bình.
Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực làm việc, để cha mẹ không phải lo lắng về cuộc sống. Ba bữa cơm mỗi ngày, không cần cầu kỳ xa hoa, nhưng phải đảm bảo đầy đủ; thỉnh thoảng đưa cha mẹ đi dạo, không cần phải đi du lịch vòng quanh thế giới, chỉ cần thường xuyên được ra ngoài thư giãn là được. Đây chính là "hiếu thảo" ở cấp độ thứ ba: Đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho cha mẹ.
4. Cấp độ thứ tư của lòng hiếu thảo: Sự hiếu thảo về tinh thần, dành thời gian bên cạnh và trò chuyện cùng cha mẹ
Người già ngày nay, phần lớn đều không thiếu tiền, cái họ thiếu là sự bầu bạn và quan tâm. Đây cũng có thể coi là một hiện tượng của xã hội hiện đại. Chúng ta đang sống trong thời đại đô thị phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế rộng mở, rất nhiều người phải rời xa quê hương để lập nghiệp.
Con cái ở nông thôn lên thành phố phát triển, con cái ở thành phố ra nước ngoài phát triển, kết quả là gì? Rất nhiều người già, vì con cái quá giỏi giang, mà trở nên cô đơn. Người già cần có người bầu bạn, cần có người trò chuyện cùng.
Cha mẹ sẽ không trách con cái, nhưng con cái không thể không quan tâm đến điều này. "Con muốn báo hiếu nhưng cha mẹ không còn", "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng", báo hiếu phải kịp thời.
Chỉ cần có chút thời gian rảnh, chúng ta hãy chủ động gọi điện thoại cho cha mẹ; chỉ cần sắp xếp được thời gian, chúng ta hãy về nhà thăm cha mẹ; chỉ cần có thể làm được, hãy ngồi xuống trò chuyện cùng cha mẹ, cùng nhau tắm nắng, chơi cờ, đánh bài.
Trước đây có một bài hát "Thường xuyên về nhà thăm cha mẹ" nổi tiếng khắp nơi. Thực ra, cái nổi tiếng không phải là bài hát, mà là tấm lòng hiếu thảo, là nỗi nhớ mong của cha mẹ, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa.
Đừng quên cấp độ thứ tư của "hiếu thảo": Dành thời gian bên cạnh cha mẹ.
5. Cấp độ thứ năm của lòng hiếu thảo: Sự hiếu thảo với thái độ vui vẻ hòa nhã
Chúng ta vừa nói, hiếu thảo với cha mẹ cần phải thường xuyên ở bên cạnh và trò chuyện cùng cha mẹ. Tuy nhiên, có những người cứ gặp cha mẹ là cãi vã, không có sắc mặt tốt. Nếu vậy, thà rằng đừng ở bên cạnh cha mẹ còn hơn. Về điểm này, Tử Hạ đã từng hỏi Khổng Tử.
Tử Hạ hỏi: "Thế nào mới được coi là hiếu thảo?"
Khổng Tử trả lời hai chữ: "Sắc nan" (Khó ở chỗ sắc mặt).
Đúng vậy, có thể luôn giữ được sắc mặt vui vẻ hòa nhã để cha mẹ cảm thấy thoải mái quả thực không dễ dàng. Có một kiểu hiếu thảo, gọi là không làm phiền lòng cha mẹ; có một kiểu hiếu thảo, gọi là không cãi lại cha mẹ; có một kiểu hiếu thảo, gọi là không xúc phạm cha mẹ.
Người già rồi, phản ứng có thể chậm chạp, bạn hãy kiên nhẫn nói chuyện với họ; người già rồi, có những suy nghĩ không còn theo kịp thời đại, ý kiến không hợp với bạn, bạn hãy từ từ giải thích cho họ; người già rồi, không còn cảm giác tồn tại, luôn muốn quản lý một số việc, bạn hãy để họ quản lý.
Dù bạn làm quan to đến đâu, dù bạn có nhiều tiền đến đâu, trước mặt cha mẹ, bạn mãi mãi là đứa con của họ. Nói chuyện tử tế, nói chuyện với nụ cười trên môi, nói chuyện với thái độ vui vẻ hòa nhã, đó cũng là một kiểu hiếu thảo, hơn nữa là kiểu hiếu thảo ở cấp độ rất cao.
Hiếu kính cha mẹ cấp độ 6: Hiếu thảo khi cha mẹ lâm bệnh lâu ngày
Sinh lão bệnh tử là con đường tất yếu của đời người. Ai rồi cũng sẽ có lúc già yếu, ai rồi cũng sẽ có lúc đau ốm. Khi cha mẹ lâm bệnh, liệu bạn có thể túc trực bên giường, tận tâm chăm sóc không?
Tục ngữ có câu: "Giường bệnh lâu ngày không có con hiếu thảo". Câu tục ngữ này nói về một hiện tượng xã hội. Một người già bệnh tật triền miên quả thực là một gánh nặng không nhỏ đối với con cái. Một mặt là gánh nặng kinh tế, mặt khác là gánh nặng thời gian.
Con cái có đủ cả thời gian và kinh tế trong xã hội hiện nay thực sự không nhiều. Vì vậy, tôi xếp "hiếu thảo lúc cha mẹ lâm bệnh lâu ngày" vào cấp độ 6, bởi thực sự có những khó khăn hiện thực, người có thể làm được trọn vẹn là rất hiếm. Tuy nhiên, dù hiện thực có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải cố gắng vượt qua, nỗ lực làm được.
Sách Hiếu Kinh viết: "Hiếu là kinh trời, là nghĩa đất".
Hiếu kính cha mẹ là lẽ trời, là việc quan trọng nhất, thì nhất định phải kiên trì đến cùng. Vì vậy, làm con cái, phải cố gắng đạt tới cấp độ 6 của hiếu kính cha mẹ: hiếu thảo lúc cha mẹ lâm bệnh lâu ngày.
Hiếu kính cha mẹ cấp độ 7: Hiếu thảo làm rạng danh tổ tông
Trong các bộ phim cổ trang, chúng ta thường thấy cảnh tượng này. Một vị chưởng môn trước lúc lâm chung, gọi các đệ tử đến và bắt đầu dặn dò, điều dặn dò nhiều nhất chính là: "Nhất định phải phát dương quang đại môn phái". Môn phái là vậy, gia đình cũng vậy.
Sự hưng thịnh của một gia tộc cần có sự nỗ lực của nhiều thế hệ. Vì vậy, cha mẹ trên đời đều có một mong muốn, đó là "mong con trai thành rồng, mong con gái thành phượng". Kỳ thực, đây vừa là mong muốn của cha mẹ, vừa là nhu cầu phát triển của gia tộc.
Mỗi người đều là một thành viên trong gia đình, đều có trách nhiệm làm cho gia đình hưng thịnh. Đối với những gia đình có cơ nghiệp lớn (ví dụ: doanh nhân, gia đình quyền quý), trách nhiệm hàng đầu của con cháu là không được phá gia chi tử, trên cơ sở đó tiếp tục phát triển; đối với những gia đình bình thường, trách nhiệm của con cháu là bằng nỗ lực của bản thân để tạo nên thành tựu, trở thành người khai sáng cho gia tộc.
Làm rạng danh tổ tông, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nỗ lực hết mình trong lĩnh vực của mình. Hoặc trở thành tinh anh thương giới, hoặc trở thành lãnh tụ chính trị, hoặc trở thành tấm gương đạo đức, hoặc trở thành nhân viên xuất sắc...
Con cái thành đạt là niềm an ủi lớn lao cho cha mẹ, cũng là sự hiếu thảo ở cấp độ cao!
Sách "Sử Ký" viết: "Cha mẹ là gốc rễ của con người". Cha mẹ cho chúng ta sự sống, là cội nguồn của con người, chúng ta nên dốc hết sức để hiếu kính cha mẹ. Kẻ bất hiếu, cuối cùng sẽ bị người đời khinh miệt. Như Lỗ Tấn đã nói: "Kẻ bất hiếu là kẻ đáng ghét nhất trên đời".
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt