7 câu đối kinh điển nhất trong Hồng Lâu Mộng nói hết tận cùng kiếp nhân sinh

7 câu đối kinh điển nhất trong Hồng Lâu Mộng nói hết tận cùng kiếp nhân sinh
7 câu đối kinh điển nhất trong Hồng Lâu Mộng nói hết tận cùng kiếp nhân sinh. (Ảnh: Public Domain)

Trong chặng đường ngắn ngủi của kiếp người, tới mỗi giai đoạn tuổi tác khác nhau đọc lại "Hồng Lâu Mộng" thường lại có những cảm ngộ không giống nhau. Thời trẻ đọc và xem “Hồng Lâu Mộng”, tôi không hiểu ngụ ý của tác phẩm là gì, chỉ nghĩ rằng đây là tiểu thuyết nói về chuyện tình yêu nam nữ, quan trường chìm nổi, thói đời nóng lạnh một thời… Đến tuổi 40 đọc lại “Hồng Lâu Mộng”, lại nhận ra một thế giới khác, thì ra tác phẩm có ý nghĩa sâu xa, khuyên con người khám phá con đường Thần Tiên ở cõi hồng trần. 

Ở mỗi câu đối trong tác phẩm, từng câu từng chữ bên trong đều là ẩn chứa nhân sinh cuộc sống, bạn có để ý và cảm nhận được không?

1. "Giả tác chân thời chân diệc giả vô vi hữu xử hữu hoàn vô"

 Giải nghĩa: Giả đi chân đến, chân hơn giả, không nguyên là có, có nào phải không

Đây là câu đối xuất hiện trong Hồi 1 của Hồng Lâu Mộng, khi Chân Sĩ Ẩn đi theo một tăng nhân và một đạo sĩ tới Thái Hư ảo cảnh, trên phiến đá lớn nhìn thấy đôi câu đối này. 

Câu đối vô cùng xảo diệu, khéo léo chỉ ra sự ảo mộng của đời người. 

Người ta sống trên thế gian này, thật thật giả giả, cả cuộc đời luôn trong quá trình không ngừng tìm kiếm, phát hiện ra chân tướng và xóa đi ảo tưởng. Đây cũng chính là nói sự huyền ảo nơi thế gian nhân loại, hiển lộ cái lý của Phật và Đạo. Trong đó vế trước ẩn hàm tu “Chân” của Đạo gia; vế sau là nói đến “Không” của Phật gia, từ đó dung nhập Phật – Đạo hòa làm một thể, bao gồm các pháp lý của Phật gia và Đạo gia trong vũ trụ. Ở đây cũng đã nói rõ cảnh giới sau khi người ta nhìn thấu giả tướng thì chính là “Thật” thật sự, hư giả trở thành chân thực, hư vô biến thành có thực. Từ câu đối “Giả đi chân đến, chân hơn giả; không nguyên là có, có nào phải không”, xem kỹ thì không khó nhận ra đại Đạo bên ngoài sự huyền ảo: Thật ắt thắng giả, có ắt thắng không. Chỗ giả giả thật thật, cốt là ở cái ngộ của người đời! Hay cho một câu thật-giả, đã làm mê đảo bao người thế gian!

2. "Thân hậu hữu dư vong súc thủ nhãn tiền vô lộ tưởng hồi đầu"

Giải nghĩa: Sau lưng còn chỗ không quay lại, trước mắt không đường muốn quay đầu

Câu đối này ở chùa Trí Thông trong Hồi 2 của "Hồng Lâu Mộng", cũng là sự điểm hóa và cảnh báo cho sự nghiệp quan trường sau này của Giả Vũ Thôn. Câu đối thật sâu sắc, là lời ám chỉ của người xưa, chẳng phải nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác đó sao? Khi bị dục vọng điều khiển, biết rõ phía trước là vực sâu thăm thẳm, nhưng vẫn cứ nhắm mắt làm liều, không chịu dừng lại, hãm sâu vào nơi tăm tối, đến lúc bị dục vọng khống chế luôn rồi thì hối hận cũng đã muộn.

Câu đối này là lời châm biếm và là lời cảnh tỉnh cho những ai tham lam trong danh vọng và tiền bạc.

Mặc dù đã có rất nhiều, nhưng vẫn không chịu dừng lại và vẫn bị lòng tham điều khiển. Kết quả là phạm phải sai lầm hết này đến sai lầm khác cho đến khi rơi xuống vũng bùn và nhận ra rằng không có lối thoát.

Dục vọng là môi trường thích hợp để nảy sinh ra lòng tham. Ham muốn càng lớn, lòng tham càng lớn. Thường thì khi bạn muốn quay lại thì đã quá muộn. Trong lịch sử, có rất nhiều người bởi vì “không buông tay” mà gặp nạn lớn, bên cạnh đó cũng có những người bởi vì “biết buông tay” mà có thể an nhiên tự tại giữa đất trời.

3. "Thế sự động minh giai học vấn nhân tình luyện đạt tức văn chương"

Giải nghĩa: Việc đời sâu rộng, minh tỏ được là nhờ học vấn, nhân tình thế thái thông tỏ, tức là văn chương

Câu này trích từ Hồi 5 của "Hồng lâu mộng". Khi hai phủ Vinh và Ninh mở tiệc, trong lúc ăn Bảo Ngọc buồn ngủ, sau khi được Tần Khả Thanh dẫn lên lầu, nhìn thấy câu đối này treo bên cạnh "Nhiên Lê Đồ" trong phòng.

Câu đối này chứa đựng triết lý sâu sắc về cách làm người và ứng xử với mọi việc.

Làm người là phải học tập suốt đời, không chỉ học để có tri thức, học ăn, học nói, học cách đối nhân xử thế, học đạo lý làm người.

Cách xử lý các mối quan hệ giữa mọi người có liên quan đến sự trí huệ và tình cảm của mỗi người.

Cuộc sống chẳng qua chỉ là việc người khác cười bạn và bạn cười người khác.

Tấm lòng rộng mở bao dung, lạc quan và cởi mở, không lo lắng về mọi việc và không vì nó mà khổ sở, quấn quýt vây quanh, đó chính là trí huệ khi làm người.

4. "Tung hữu thiên niên thiết môn hạm chung tu nhất cái thổ man đầu"

Giải nghĩa: Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc, Đốt bùn một nắm cũng chôn vùi

Câu đối này ở trong Hồi 63 của Hồng Lâu Mộng, là do Hình Tụ Yên truyền đạt lại lời của Diệu Ngọc.

Vào thời xưa, các gia đình giàu có thường xây bậc cửa rất cao để thể hiện phong thái, khí phách của mình và phủ chúng bằng những tấm sắt để có thể tồn tại hàng nghìn năm mà không bị gãy.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn có ngưỡng sắt ngàn năm, khi đại nạn đến, tất cả những gì bạn cần chỉ là một chiếc bánh bao hấp. Người xưa dùng ẩn dụ "thổ man đầu", vừa khéo léo vừa mỉa mai. Người đã đi rồi, "bậc cửa" dù to dù hoành tráng, bề thế có còn ý nghĩa quan trọng gì nữa đâu?

Giống như bốn gia tộc lớn trong "Hồng Lâu Mộng", họ cực kỳ giàu có và quyền quý. Nhưng cuối cùng, tất cả đều đau khổ, tan đàn xẻ nghé, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vô cùng thảm thương.

Người ta đến với thế gian này là tay trắng và khi ra đi rồi cũng lại trắng tay, dù nghèo hay giàu, cuối cùng chẳng mang theo được gì. Khi sinh không mang theo đến, khi tử không thể mang được đi, vinh hoa phú quý rốt cuộc chỉ như mây khói bay ngang trước mặt.

5. “Ngọc tại độc trung cầu thiện giá thoa vu liêm nội đãi thời phi”

Giải nghĩa: Ngọc giấu đáy hòm chờ giá bán, Thoa nằm trong hộp đợi thời bay.

Câu này trích từ Hồi 1 của Hồng Lâu Mộng, có đoạn: "Sau khi Vũ Thôn ngâm xong bài thơ, nghĩ đến hoài bão cả đời của mình, nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Gãi đầu thở dài nhìn trời, lại ngâm thêm một câu đối: 'Ngọc giấu đáy hòm chờ giá bán, Thoa nằm trong hộp đợi thời bay'. Đúng lúc này, Sĩ Ẩn đi tới, nghe thấy, cười nói: 'Anh Vũ Thôn quả thực có hoài bão lớn!'"

Thơ có thể diễn tả khát vọng của một người, và câu đối cũng vậy. Trong câu đối đầu tiên, Giả Vũ Thôn so sánh mình với viên ngọc trong hộp, và trong câu đối thứ hai, ông so sánh mình với chiếc trâm tóc trong hộp. Cảnh tượng Giả Vũ Thôn chờ đợi thời cơ thích hợp để bán chiếc trâm ngọc của mình với giá cao cho thấy khát vọng mong muốn vươn lên của ông, và thế giới nội tâm háo hức gấp gáp muốn nhanh chóng đạt được thành tựu, vươn lên trong xã hội được thể hiện chỉ trong một câu đối. Đây chính là bức chân dung sống động về tâm hồn của những người khao khát danh vọng, tiền tài và cái giá phải trả là sự chờ đợi cả cuộc đời trong vô vọng đó sao?

6. "Hỉ tiếu bi ai đô thị giả tham cầu tư mộ tổng nhân si ”

Giải nghĩa: Cười, mừng, thương, tủi, đều là giả。 Ham, muốn, nhớ nhung chỉ vì si

Câu này trích từ chương 116 của "Hồng Lâu Mộng". Bảo Ngọc lại lần nữa đến Thái Hư ảo cảnh. Cậu mơ màng trông thấy tòa miếu ấy đồ sộ, không giống cảnh trong vườn Đại Quan chút nào. Liền dừng lại, ngẩng đầu trông thấy cái biển đề bốn chữ: “Dẫn giác tình si” (Đưa kẻ si đến nơi giác ngộ). Hai bên có đôi câu đối này. 

Người ta sống cả đời vì danh vọng, tiền bạc và tình yêu, nhưng cuối cùng tất cả đều chỉ là hư không. Bởi vì tất cả đều là ảo tưởng và hư vô.

Gợi lên những ham muốn hư vô như danh vọng, tiền bạc và tình yêu chính là từ tâm cuồng dại, si mê, và nó không dễ để có thể bị phát hiện.

Cho nên, nhìn thấy tâm trạng cuồng dại, say đắm, mê mờ bởi những vật chất nơi thế gian là điều then chốt. Nếu bạn cứ chấp trước chạy theo cuộc đấu tranh vì danh lợi, vì lợi , vì tình nơi thế gian, thì sẽ không bao giờ có thể đạt được sự tiêu diêu tự tại, thăng hoa về tâm hồn. 

7. “Xuân hận thu bi giai tự nhạ hoa dung nguyệt mạo vi thùy nghiên 

Giải nghĩa: Xuân hận, thu sầu mình chuốc lấy, Mặt hoa da phấn đẹp vì ai?

Câu này trong Hồi 5 của "Hồng Lâu Mộng". Bảo Ngọc ở trong Thái Hư ảo cảnh, nhìn thấy rất nhiều hoành phi câu đối treo ở hai bên hành lang, một trong số đó là "Bạc Mệnh Ti", câu đối ở đây chính là hai câu này..

Những hỷ nộ ai lạc trong cuộc sống này kỳ thực không liên quan gì đến những thứ bên ngoài, tất cả đều do bản thân ta tự cầu tự tìm lấy. Bởi vì tâm lý của bạn quyết định quang cảnh trong mắt bạn.

Một người lạc quan giống như mặt trời, tỏa sáng ở bất cứ nơi nào họ đi qua. Những người bi quan giống như mặt trăng, có sự khác biệt vào ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng.

Vì vậy, chìa khóa của hạnh phúc phải nằm trong tay chính bạn. Một người trưởng thành về tâm hồn không chỉ có thể tự làm bản thân cảm thấy vui vẻ mà còn có thể truyền niềm vui và hạnh phúc của mình cho những người xung quanh mình. 

Theo Secretchina
Bình Nhi

Đọc tiếp