Ai mới trả lời được rằng Đập Tam Hiệp sẽ vỡ hay còn?

Ai mới trả lời được rằng Đập Tam Hiệp sẽ vỡ hay còn?
(Ảnh: Tri Thức Mới)

Những trận lũ trên sông Trường Giang càng ngày càng nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn. Năm nào đến mùa lũ, Trung Quốc cũng tái diễn những hiện tượng mưa lớn - xả lũ lặp đi lặp lại, gây nên thảm cảnh mất mát đau thương. Và mỗi lần như thế, câu hỏi “Đập Tam Hiệp có thể vỡ hay không” lại nóng lên với những lý giải theo tâm thái khác nhau. Hôm nay, chúng tôi xin đưa ra một số quan điểm hiện thời của mình để quý khán thính giả rộng đường bàn luận. 

Sự can ngăn vô hiệu của giới chuyên gia đối với dự án

Đối với con đập Tam Hiệp khổng lồ này, ngay từ thời gian chuẩn bị kế hoạch xây dựng nó, rất nhiều chuyên gia thủy lợi và các công trình sư đều cho rằng không nên, trong đó điển hình là chuyên gia thủy lợi vào loại giỏi nhất Hoàng Vạn Lý. Ông Hoàng đã gửi thư lên Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP), thỉnh cầu được cho 30 phút để trình bày về tai hại của đập thủy điện Tam Hiệp. Nhưng chờ mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, Hoàng Vạn Lý vẫn chưa có được 30 phút đó. Khi hấp hối, ông vẫn luôn miệng nói: “Không được xây Tam Hiệp”. 

Chuyên gia thủy lợi này đã đưa ra 12 dự đoán về Tam Hiệp như sau:

  1. Hạ du sông Trường Giang cạn, đê bờ sạt lở.
  2. Trở ngại vận tải thủy.
  3. Vấn đề di dân.
  4. Vấn đề ngập lụt.
  5. Chất lượng nước xấu đi.
  6. Lượng phát điện không đủ.
  7. Khí hậu dị thường.
  8. Động đất liên tiếp xảy ra.
  9. Bệnh do côn trùng hút máu lan rộng.
  10. Môi trường sinh thái xấu đi.
  11. Lũ lụt khu vực thượng du nghiêm trọng.
  12. Cuối cùng sẽ buộc phải cho nổ phá bỏ.

Cho tới nay, 11 dự đoán ban đầu của Hoàng Vạn Lý đều đã thành hiện thực, chỉ còn một điều cuối cùng cho nổ phá bỏ là chưa xảy ra. Giả sử như đập Tam Hiệp chưa bị nổ phá bỏ mà gặp cảnh tức nước vỡ bờ, thì thứ vẫn được ví von là quả bom nước này sẽ gây nên một tai họa khủng khiếp thế nào?

Kịch bản phỏng đoán khi đập Tam Hiệp vỡ

Tất nhiên, đập Tam Hiệp vỡ là điều chẳng nên mong muốn. Nhưng giả sử nó xảy ra vì lý do nào đó thì hậu quả sẽ như thế nào?

Giáo sư Chương Thiên Lượng của trường Đại học Phi Thiên vào năm 2020 đã phỏng đoán rằng: “Mực nước bình thường của đập Tam Hiệp luôn cao hơn 140m so với vùng hạ nguồn. Hiện tại còn cao hơn do tình hình lũ lụt vì mưa lớn gần đây. Đập luôn ở trạng thái tích tụ áp lực nước. Vì vậy, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ. Hơn 100 mét lũ sẽ đổ xuống phía hạ nguồn. Và sẽ nhanh chóng quét đến Nghi Xương chỉ sau vài giờ, phá hủy con đập Cát Châu Bá vốn mỏng manh yếu ớt, và tất cả các nhà máy phát điện.

Đến lúc đó, tốc độ lũ quét có thể đạt 100 km/giờ. Nó nhanh như một chiếc ô tô đang chạy trên đường cao tốc. Và chiều cao của bức tường lũ này sẽ cao ít nhất từ 70 đến 100 mét. Khái niệm này có nghĩa là gì? Nó giống như một cơn sóng lớn cuốn trôi hết tất cả cát, quét sạch mọi thứ mà nó đi qua.

Tất cả những tòa nhà lớn nhỏ ở Nghi Xương sẽ bị chôn vùi ở mực nước cao 20 mét. Không ai có thể sống sót và sẽ không có khả năng trốn thoát. Trừ khi có người nghe nói đập Cát Châu Bá đã bị vỡ. Sau đó kịp thời lên trực thăng tẩu thoát. Nếu không thì thực sự không có hy vọng.

Trận lũ lụt này sẽ không chỉ gây ra những thiệt hại như vậy ở Nghi Xương. Nó sẽ tiếp tục tràn xuống. Đến Kinh Châu, đến Tương Dương rồi đến Vũ Hán. Toàn bộ thành phố Vũ Hán sẽ bị phá hủy. Và sau đó dọc theo đồng bằng Giang Hán, đến Hồ Nam rồi đến Giang Tây. Cuối cùng lũ sẽ tràn đến Nam Kinh, toàn bộ vùng Nam Kinh sẽ chìm trong biển nước.

Vì lượng nước tích trữ ở Tam Hiệp tương đương với lưu lượng hàng năm của sông Hoàng Hà. Do đó, nếu Tam Hiệp sụp đổ, từ Nghi Xương đến Nam Kinh sẽ chìm trong mực nước lũ cao hàng chục mét. Đây sẽ là một cảnh tượng khủng khiếp đến mức nào?

Đến lúc đó, hàng triệu thậm chí hàng chục triệu người sẽ phải chết. Tất cả các khu vực kinh tế phát triển nhất ở Trung Quốc sẽ bị ngập lụt. Chẳng khác gì một cơn Đại Hồng Thủy Noah. Tất nhiên đây chỉ là xem xét từ tính toán của máy tính.”

Vậy đập Tam Hiệp có thể bị vỡ hay không? Chúng ta hãy xét điều này từ cả hai góc độ: ý người và ý Thần.

Trung Quốc ngày nay có còn người tốt hay không?

Ý người ở đây tức là nói đến tính toán của chính quyền Trung Quốc. CCP có khẩu hiệu “Vĩ đại, quang vinh, chính xác”. Như đã chứng kiến nhiều năm, chúng ta biết rằng họ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thực sự nhận sai, và chịu sửa, nhất là với công trình mang tính biểu tượng chính trị như đập Tam Hiệp. Và do vậy, thì họ chắc chắn sẽ không để con đập này chứa nước với dung lượng vượt mức cho phép để có nguy cơ sụp đổ. Nếu cần, thì họ sẽ xả lũ mà không cần cân nhắc nhiều về hậu quả dưới hạ nguồn, giống như chúng ta đã chứng kiến nhiều lần trong những năm gần đây. Điều này đã không còn lạ lẫm gì nữa.

Nhưng có câu “người tính không bằng Trời tính”. Giả sử như vì lý do nào đó mà chính quyền Bắc Kinh không xả lũ, và đập Tam Hiệp tức nước vỡ bờ, thì Trời có để xảy ra việc này hay không? Ở đây, nếu từ góc độ vô Thần, thì không nói làm gì, niềm tin là tự cá nhân lựa chọn. Nhưng từ góc độ người hữu Thần, có tín ngưỡng vào Thần Phật, thì hỏi ý Trời có để cho đập Tam Hiệp bị vỡ hay không? Thiết nghĩ, điều ấy lại phụ thuộc vào chính đạo đức, tâm thái của con người. Ta hãy cùng nhau phân tích điều này.

Người ta đã nhiều lần luận giải về việc CCP phá hoại nền tảng đạo đức và văn hóa truyền thống của người Trung Hoa xưa. Để đến ngày hôm nay, Trung Quốc từ một quốc gia lễ nghi (hay Lễ nghi chi bang) trở thành một quốc gia băng hoại đạo đức; từ văn hóa Thần truyền trở thành văn hóa sói lang; tốt xấu đảo lộn, đổi đen thay trắng; người thiện bị vùi dập, kẻ ác lại ngông nghênh.

Chẳng hạn như, ngày 13/8 vừa rồi đánh dấu 7 năm ngày luật sư Cao Trí Thịnh bị chính quyền bắt cóc và sau đó mất tích. Ông Cao Trí Thịnh tự học thành tài và bắt đầu hành nghề luật sư từ năm 1996. Năm 2001, ông được Bộ Tư pháp Trung Quốc phong tặng danh hiệu là thuộc “10 luật sư hàng đầu Trung Quốc”.

Ông Cao Trí Thịnh đã dũng cảm đứng ra bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương. Năm 2004, ông bắt đầu đại diện cho các vụ án liên quan đến học viên Pháp Luân Công. Kể từ tháng 10/2005, ông đã viết 3 bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào và cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người tập Pháp Luân Công.

Vào tháng 3/2006, sau khi hành vi thu hoạch nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công bị vạch trần, ông Cao Trí Thịnh đã công khai bày tỏ mong muốn tham gia vào cuộc điều tra và tích cực mời ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương, và ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, tới Trung Quốc để điều tra. Bắt đầu từ tháng 6/2006, hai ông David Kilgour và David Matas yêu cầu được vào Trung Quốc để điều tra độc lập, nhưng chính quyền Bắc Kinh liên tục từ chối.

Vào tháng 8/2006, ông Cao Trí Thịnh bị bắt và bị kết án bí mật 3 năm tù và 5 năm quản chế. Với tỷ lệ thương tật nặng sau khi ra tù, luật sư Cao còn bị cho biến mất vào năm 2017. 

Việc bức hại và cướp mổ nội tạng học viên Pháp Luân Công giờ đây không còn là điều gì bí mật nữa và đã được những tờ báo lớn và có uy tín trên thế giới đăng tải. Mới đây, tờ báo The Diplomat đã đăng bài viết có tiêu đề: Người đầu tiên sống sót sau vụ mổ cướp nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc lên tiếng. Bài viết này kể về câu chuyện vượt thoát kỳ diệu rồi sau đó hồi tưởng lại của nạn nhân bị cưỡng mổ nội tạng đồng thời là học viên Pháp Luân Công Trình Bồi Minh. 

Ngược lại, nhiều kẻ đã mất hết nhân tính ở Trung Quốc ngày nay lại được coi là hình mẫu đáng học tập. Mới đây, xảy ra một vụ việc gây chấn động về một chuỗi công nghiệp đen liên quan đến vụ trộm và mua bán 4.000 thi thể. Vụ án có tới 75 bị cáo liên quan và kẻ thao túng đằng sau là ông Lý Bảo Hưng, Tổng giám đốc Công ty Osteorad Sơn Tây.

Nhưng điều còn đáng sửng sốt hơn đó chính là, ông Lý Bảo Hưng, 69 tuổi, giáo sư nghiên cứu khoa học cấp cao, chuyên về giải phẫu người, từng được mệnh danh là “Lao động kiểu mẫu quốc gia”.

Jiemian News đưa tin, ngày 8/8, luật sư Trung Quốc Dịch Thắng Hoa đã công bố trên mạng tài liệu về một vụ án trộm cướp, lăng nhục và cố ý tiêu hủy thi thể. Tài liệu này được Văn phòng Công an thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây soạn thảo vào ngày 23/5 cho thấy, vụ án đã được chuyển đến Viện kiểm sát thành phố Thái Nguyên để xem xét và truy tố.

Bản cáo trạng nêu rõ có 75 nghi phạm trong vụ án.

Từ năm 2015 – 2023, Công ty Osteorad Sơn Tây đã mua trái phép hài cốt người và cắt chân tay làm nguyên liệu thô ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, đồng thời chặt xác và xương thu được trái phép một cách dã man. Trong thời gian này, doanh thu của công ty này đạt 380 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.329 tỷ VNĐ).

Thật đáng ghê sợ!

Vậy ở Trung Quốc ngày nay có còn người tốt hay không? Xin trả lời ngay là còn, và còn không ít.

Suốt từ cuối tháng 6 đến những ngày đầu tháng 8, lũ lụt hoành hành tại Trung Quốc đã cướp đi nhiều mạng người. Nhưng trong những khoảnh khắc cận kề cái chết lại có những người Trung Quốc dám xả thân cứu đồng bào mình. Điều đó trái ngược với những gì ngoại giới vẫn quan niệm, và nhất định không thể là diễn xuất có chủ đích.

Ngày 10/7, một cặp vợ chồng ở tỉnh Hồ Nam bị dòng nước xiết cuốn trôi vào vùng nước sâu 3m. Người đàn ông bằng mọi cách đã giữ cho người vợ đang mang bầu của mình nổi trên mặt nước trong suốt 3h. Và khi lực lượng ứng cứu đến, câu khẩn cầu đầu tiên anh nói đó là: Xin hãy cứu vợ tôi trước. Tất cả mọi người cuối cùng đều được an toàn.

Ngày 19/7, cảnh sát huyện Hòa Tĩnh thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương đã giải cứu thành công hai người bị mắc kẹt trong chiếc ô tô bị lũ cuốn. Hai người này đang trên đường đi ra đồng để thu hoạch bắp cải thì bất ngờ gặp lũ quét. Người đàn ông họ Chu đã gọi điện cho cảnh sát huyện Hòa Tĩnh. Lực lượng chức năng đã trải qua 1,5h vật lộn với nước lũ để kéo được hai nạn nhân lên bờ thoát nạn.

Ngày 2/8, xuất hiện cảnh tượng một người đàn ông lái máy xúc cùng với 2 nhân viên cứu hộ lao ra cứu người giữa dòng nước xiết. Các nạn nhân cố thoát ra ngoài chiếc ô tô bị lũ cuốn trôi, còn người lái máy xúc và hai nhân viên cứu hộ cũng sắp ngập trong dòng lũ nhưng vẫn cố với lấy các nạn nhân. May mắn là cuối cùng họ đều thoát nạn, chiếc máy xúc sau khi cứu được người đã lùi dần lên bờ, nhưng chiếc ô tô sau đó thì lăn lông lốc giữa vùng nước dữ.

Những người này không những đã cứu người, mà còn phần nào cứu được niềm tin vào lòng tốt của con người vẫn còn, dù cái ác có hoành hành bá đạo đến đâu. Vậy Thiên ý sẽ phán xét việc này ra sao, vẫn trên góc độ tín Thần, chúng ta có thể tham khảo một câu chuyện trong Kinh Thánh - Sáng Thế ký.

Phán xét của Thiên Chúa về đô thành bại hoại Sodom

Kinh Thánh - Sáng Thế ký có chép về việc Abraham - ông tổ của người Do Thái và Arab có lần được Thiên Chúa cho biết rằng: Ngài sẽ tới đô thành Sodom và Gomorrah để tận mắt chứng kiến sự tội lỗi của dân chúng trong 2 thành đó, vì tiếng oan khiên ở đó đã bốc lên thấu các tầng trời. Nếu quả thật dân chúng đã hoàn toàn bại hoại, thì Ngài sẽ có cách khu xử.

Abraham hiểu ngay rằng, người dân tội lỗi trong 2 ngôi thành đó đang gặp nguy hiểm. Ông vật nài cầu xin Thiên Chúa rằng, giả sử như chỉ có 50 người tốt trong ngôi thành đó thôi, thì chẳng lẽ họ phải chịu chết cùng với toàn thành hay sao? Thiên Chúa trả lời: nếu có đến 50 người tốt, thì ta sẽ không hủy diệt cái thành đó. Abraham tiếp tục cầu xin và đặt giả thiết nếu chỉ có 45 người tốt, rồi 40 người tốt, 30 người tốt, 20 người tốt… thì Thiên Chúa có tha chết cho toàn thành ấy không? Thiên Chúa thực ra trong lòng đầy thương xót nên đồng ý với Abraham rằng sẽ tha cho họ, thậm chí nếu chỉ với 20 người tốt. Abraham liều mình cầu xin lần nữa và con số cuối cùng là: nếu chỉ có 10 người tốt thì cả ngôi thành ấy sẽ được cứu.

Nhưng cuối cùng thì cũng chẳng có được đến 10 người tốt. Người dân toàn thành đều kéo đến nhà Lot - cháu trai của Abraham, và định dở trò đồi bại với hai vị khách là hai Thiên sứ trú ngụ ở đó. Những người tốt ít ỏi của ngôi thành này thuộc về gia đình Lot, và cũng chỉ bao gồm Lot và hai cô con gái của Lot được thoát mà thôi, không bao gồm hai người con rể đã trở thành xấu xa. Cuối cùng hai ngôi thành này bị hủy diệt hoàn toàn trong lửa và lưu huỳnh.

Sự hủy diệt của thành phố Sodom và Gomorrah được ghi lại trong Kinh Thánh, bao gồm Sách Sáng Thế, kinh Tân Ước và cả trong kinh Koran.

Vào năm 2015, giới khảo cổ đã khai quật ở Tall el-Hammam, Jordan một thành phố cổ rất lớn, lớn gấp 5-10 các thành phố khác ở vùng này, có những bằng chứng rất phù hợp với miêu tả trong Kinh Thánh về Sodom. Các dấu vết còn lại cho thấy, thành phố này đã bị xóa sổ hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn bất ngờ và không có người ở trong 700 năm tiếp theo. Các nhà khoa học cuối cùng đã nhận định rằng đây chính là thành phố Sodom khét tiếng trong quá khứ. Đây được coi như phát hiện khảo cổ lớn nhất trong thế kỷ 21 của Tiến sĩ Steven Collins, chuyên gia khảo cổ, cùng với nhóm của ông.

Đập Tam Hiệp sẽ không vỡ nhưng con người cần sám hối để được cứu vớt

Trung Quốc ngày nay đã trở thành một quốc gia gieo rắc tai họa và cái chết với nhãn hiệu “Death by China”, nhưng như đã kể, chỉ ngay trong thảm họa lũ lụt này, cũng nhìn ra được rằng nơi ấy vẫn còn nhiều người tốt, thậm chí còn có nhiều triệu người đang cố gắng tu dưỡng để tốt hơn nữa, con số ấy vượt xa con số 10 người tốt rất nhiều. Vậy thì Thiên ý hay Thần ý có lẽ sẽ không khiến cho đập Tam Hiệp vỡ để dẫn tới thảm cảnh người tốt kẻ xấu cùng trôi theo dòng nước. 

Nhưng cũng không nên vội mừng, bởi vì tai họa sẽ vẫn còn đó, dù không bằng cách này thì bằng cách khác, đã, đang, và sẽ tìm tới những người Sodom và Gomorrah thời hiện đại đã đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức truyền thống hay quy phạm của Thần. Có lẽ mỗi cá nhân chỉ có thành tâm sám hối và thực sự sửa đổi, mới có lối thoát. Ông Trời có đức hiếu sinh, những ai trong tâm còn giữ được sự lương thiện ắt hẳn sẽ còn tương lai, sẽ còn hy vọng. 

Đọc tiếp