Ân oán nghìn năm Nga - Ukraine - phương Tây (Kỳ 2): Vì sao Nga trở thành quốc gia rộng nhất thế giới?
Trong kỳ trước, chúng ta đã cùng chia sẻ góc nhìn về lịch sử Ukraine, vốn từng là anh em một nhà với nước Nga và Belarus. Nội dung kỳ này sẽ đưa chúng ta đến với nước Nga, một quốc gia đặc biệt.
Với diện tích gần gấp đôi nước Mỹ, rộng khắp Đông Âu và Bắc Á, lãnh thổ của nước Nga phía Tây từ Biển Baltic chạy mãi đến Thái Bình Dương ở phía Đông, từ Bắc Băng Dương ở phía Bắc kéo xuống phía Nam với một loạt các địa danh như Biển Đen, Kavkaz, Altai, núi Sayan, Amur, Sông Ussuri. Với lãnh thổ rộng mênh mông chiếm phần lớn của siêu lục địa Á - Âu, nước Nga có chung đường biên giới với rất nhiều quốc gia khác. Ở phía Tây Bắc, Nga giáp Na Uy và Phần Lan, phía Tây giáp Estonia, Latvia, Belarus, Ukraine, Ba Lan, và Litva, phía Tây Nam giáp Georgia và Azerbaijan, phía Nam giáp Kazakhstan, Mông Cổ, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Liên bang Nga bao gồm 21 nước cộng hòa trực thuộc.
Điều gì đã tạo nên một nước Nga rộng nhất hành tinh? Điều ấy thật xứng đáng để khám phá. Đó là nhờ yếu tố lịch sử, địa lý, khí hậu, dân tộc tính, bối cảnh thời cuộc và sự va chạm với các lực lượng phương Đông và phương Tây. Trước khi đi vào phân tích, nên chăng hãy giữ một tấm lòng bình thản, xem nhẹ yếu tố phe phái hay chút tình thương ghét để cùng nhìn lại quá khứ một cách khách quan không thiên vị, có thể khi ấy lịch sử nước Nga dần dần sẽ dẫn chúng ta đến với những biến cố đương đại một cách tự nhiên và ta sẽ vỡ lẽ ra rằng hóa ra mọi việc đều có nguyên do hết cả.
Nhưng khi trước hết, hãy cùng nhau nhìn lại về lịch sử nước Nga.
Lược sử nước Nga
Trước thời của quốc gia Kievan Rus thì nước Nga chưa phải là một quốc gia, chỉ là những thành phố Slav ở phía Đông và Nam châu Âu. Năm 988, nhà nước Kievan Rus được thành lập, là ngôi nhà chung của nhân dân ba quốc gia Nga, Ukraine và Belarus hiện tại.
Sau trận càn quét của lực lượng Mông Cổ vào nửa đầu thế kỷ 13, nhà nước Kievan Rus bị đánh tan, những tổ tiên của người Nga dần chuyển khu vực cư trú lên những thành phố ở phía Bắc như Smolensk, Novgorod, Vladimir, và Moscow, trong đó Moscow nổi lên cuối thời Trung Cổ với sự hình thành của nhà nước Muscovy.
Tình hình khi đó là toàn bộ phía tây nam nước Nga bị kiểm soát bởi quân đội Mông Cổ của Kim Trướng Hãn Quốc, còn Moscow và các thành phố Nga ở phía đông bắc thì có một mức độ tự trị nhất định, nhưng vẫn phải cống nạp cho Mông Cổ. Moscow nổi lên trong thế kỷ 14, trở thành thủ phủ tôn giáo của nước Nga khi khu giáo trưởng của nhà thờ Chính Thống Giáo Nga được chuyển về đây. Năm 1380 là một năm cực kỳ quan trọng với lịch sử nước Nga, vì nó đánh dấu thời điểm đế chế Nga trỗi dậy bằng trận chiến Kulikovo, đánh bại quân đội Mông Cổ của Kim Trướng Hãn Quốc.
Khi sức mạnh và sự tự tin của Moscow ngày càng tăng lên so với các thành phố khác của Nga, thì sự lo ngại của người Mông Cổ cũng tăng theo. Cuối cùng, việc Moscow từ chối cống nạp cho Kim Trướng Hãn Quốc đã trở thành lý do của trận chiến Kulikovo. Dưới sự hiệu triệu của Đại vương công Dmitry Ivanovich Donskoy sau này được coi như anh hùng dân tộc Nga, các lực lượng Nga đã tập hợp lại cho trận chiến lớn nhất thời Trung Cổ này. Hơn một trăm nghìn chiến binh đã tham gia trận đánh. Ban đầu quân Nga gặp bất lợi, bị kỵ binh Mông Cổ dồn ép và chuẩn bị tàn sát. Nhưng bất ngờ, quân đoàn mai phục Nga đã vùng dậy đánh tập hậu địch quân cực kỳ mãnh liệt khiến quân đội Mông Cổ trên chiến trường thua tơi tả, bị truy kích và tiêu diệt hoàn toàn.
Trận chiến Kulikovo là sự kiện quan trọng nhất trong thời Trung Cổ của nước Nga. Sau trận chiến này, sự tự tin của người Nga tăng lên, ý thức dân tộc được tăng cường, vùng tây bắc nước Nga được giải phóng khỏi Kim Trướng Hãn Quốc và là dấu mốc dẫn đến sự thống nhất của toàn nước Nga. Nhưng mãi 100 năm sau, tức là vào năm 1480, người Nga mới hoàn toàn lật đổ ách thống trị của Kim Trướng Hãn Quốc tại sông Ugra nhờ vào tài lãnh đạo của một nhân vật quan trọng trong lịch Nga: Đại công tước Ivan III, hay Ivan vĩ đại. Tuy nhiên, bước ngoặt của đế chế Muscovy và nước Nga là khi người cháu của Ivan III lên ngôi, chính là Ivan Đệ tứ mà sử sách vẫn gọi là Ivan Bạo Chúa.
Năm 1453 là một năm cực kỳ quan trọng đối với lịch sử châu Âu. Đây là năm mà Đế chế Đông La Mã ở vị trí Hy Lạp hiện nay bị đế quốc Ottoman của người Turk đánh đuổi. Rất nhiều nhà bác học xứ Byzantine này chạy sang châu Âu, đặt nền tảng cho thời đại Phục Hưng bắt đầu vào khoảng 50 năm sau đó. Còn một số người khác chạy đến nước Nga mang theo mình những kinh nghiệm chính trị, quân sự, và hành chính cần thiết cho công cuộc xây dựng đế chế. Ivan Bạo Chúa đã có cơ hội để tiếp thu và áp dụng những kinh nghiệm này và mở ra một thời đại chinh phục như vũ bão cho nước Nga đế chế. Ông ta đã đánh bại người Tatar Kazan, mở đường về phía Đông tới dãy Ural; rồi vượt qua Ural tiếp tục đông tiến để chinh phục Sibir nhờ đánh bại Hãn quốc Sibir gần sông Irtysh, phía tây bắc của Mông Cổ ngày nay. Chỉ chưa đầy sáu thập kỷ sau, vào đầu thế kỷ 17, người Nga đã có mặt tại biển Okhotsk, bên rìa tây của Thái Bình Dương, đó là khởi phát từ những cuộc chinh phục của Ivan Bạo Chúa.
Về phía Nam, Ivan Bạo Chúa thôn tính Hãn quốc Hồi giáo Astrakhan. Sau chiến thắng ở miền nam, ông tiếp tục chinh phạt về phía Tây, tới khu vực của Estonia và Latvia ngày nay, nhưng đã bị đánh bại bởi một liên minh của Liên hiệp Hansa và Giáo phẩm Đức Livonia. Đây là vào năm 1560, chính là thời kỳ Phục Hưng sôi nổi của châu Âu, và bởi thất bại này, nước Nga bị cách biệt với văn hóa Phục Hưng huy hoàng của phương Tây, và rơi vào ảnh hưởng của những vùng đất mới chiếm được ở Trung Đông và châu Á. Nước Nga từ đó luôn là một quốc gia không hẳn Á, không hẳn Âu.
Vào cuối đời, Ivan Bạo Chúa thất bại và suy sụp, đế chế Muscovy cũng thế. Năm 1604, nước Nga bước vào thời kỳ rối loạn trong 8 năm, Ba lan nhân đó cũng xâm lược nước Nga, Muscovy sụp đổ vì bị Thụy Điển, Ba Lan, Litva, và Cossack xâu xé. Mãi đến năm 1613, người Balan mới bị trục xuất khỏi Moscow và Mikhail Romanov được tôn lên trở thành Sa Hoàng của nước Nga. Triều đại Romanov bắt đầu trị vì nước Nga cho đến 304 năm sau đó.
Nhà Romanov có công lao rất to lớn trong việc xây dựng nên một đế quốc Nga hùng mạnh ở châu Âu. Trong dòng họ này, có 3 vị quân chủ mạnh mẽ nhất, 1 đàn ông và 2 phụ nữ, trong đó nổi bật lên trên tất cả là vị Sa Hoàng Pyotr Đại Đế. Đây là nhà cải cách kiệt xuất, vị hoàng đế vĩ đại nhất của dòng họ Romanov, người đã đi khắp Tây Âu để học tập sự ưu việt của các quốc gia này rồi đem về áp dụng có chọn lọc ở nước Nga. Dưới triều đại của Pyotr Đại Đế, nước Nga được hiện đại hóa, kinh tế phát triển, thể chế chính trị được cải tổ, các cơ cấu tổ chức hành chính cho quân đội Nga được đổi mới, lực lượng hải quân được xây dựng hùng mạnh, đánh bại cả đế quốc Thụy Điển và lấy được vùng đất vốn của Thụy Điển để xây dựng kinh đô mới Saint Petersburg. Nước Nga muốn gần gũi hơn với châu Âu.
Nhưng sau khi Pyotr Đại Đế mất đi, nước Nga trải qua nhiều triều đại ngắn ngủi, yếu kém, và không kế tục được những cải cách của ông, có khi còn bị người Đức can thiệp cả vào việc triều chính. Nhưng sau đó có hai vị nữ hoàng Elizabeth Petrovna - con gái của Pyotr, và đặc biệt là nữ hoàng Catherine II, hay Catherine Đại Đế đã khôi phục địa vị cường quốc của nước Nga ở châu Âu.
Trong suốt 304 năm trị vì của triều đại Romanov, nước Nga đã chinh phục Ba Lan và Litva, đánh bại Thụy Điển, hạ nhục nước Pháp, lấy lại Ukraine bằng cách chinh phục lực lượng Cossack, mở rộng sang Crimea và vùng Balkan, làm thiệt hại cho người Ottoman Turk, mở rộng và thu vào lãnh thổ của nó vùng Kavkaz, Trung Á và Sibir cho tới tận Trung Quốc và Thái Bình Dương. Song nước Nga cũng luôn phải chống đỡ với những cuộc tấn công từ phương Tây, có lúc họ chiến thắng, chẳng hạn như đánh bại cuộc xâm lược của Napoleon nước Pháp, nhưng cũng có lần họ thất bại, ví dụ trước phe đồng minh gồm Đế quốc Pháp, Đế quốc Anh, Đế quốc Ottoman và Vương quốc Sardegna trong chiến tranh Crimea (1853-1856) và chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).
Triều đại Romanov đã sụp đổ dưới thời Sa Hoàng Nicholas II vào tháng 3 năm 1917 và nước Nga trải qua một khủng hoảng quyền lãnh đạo cho đến khi chính quyền Bolshevik của Lenin được thành lập vào tháng 10 cùng năm. Nước Nga Xô Viết đã đi theo con đường cộng sản; trải qua những thay đổi dữ dội về văn hóa và xã hội trên toàn đất nước; đánh bại quân Đức phát xít trong Thế chiến 2; và sau năm 1945, nổi lên thành một quốc gia binh lực hùng mạnh, đứng đầu một hệ thống đối chọi với Mỹ và phương Tây. Thời kỳ này, nước Nga dưới cái tên Liên Xô lại càng mở rộng địa bàn lãnh thổ với sự hợp nhất của 15 nước cộng hòa, đế chế Nga trở nên to lớn chưa từng thấy.
Vào năm 1990, Liên Xô bắt đầu tan rã. Các nước cộng hòa trong liên bang cũng bắt đầu tuyên bố độc lập. Ở nước Cộng hòa Nga, ông Boris Yeltsin lên làm tổng thống và vào đêm ngày 31/12/1991, lá cờ Xô Viết trên đỉnh Kremlin được thay thế bằng lá cờ ba màu của nước Nga. Ngày 7/5/2000, ông Vladimir Putin thay ông Boris Yeltsin làm tổng thống Nga gần như liên tục cho đến nay.
Lịch sử nghìn năm của nước Nga đầy rẫy những cuộc chinh phạt và xung đột qua 4 thời kỳ chính: nhà nước Kievan Rus, đế chế Muscovy, đế chế Romanov, đế chế Liên Xô và nay là thời kỳ hậu Xô Viết của ông Putin, liệu có thể giúp chúng ta rút ra điều gì khiến cho quốc gia này có lãnh thổ rộng nhất hành tinh?
Khí hậu và tính cách Nga
Từ vùng đồng bằng đất đen, sau sự sụp đổ của nhà nước Kievan Rus, tổ tiên của người Nga cuối cùng đã chọn những thành phố ở phía Bắc và Đông Bắc làm nơi cư ngụ, điển hình như Moscow là thủ phủ của nước Nga sau này. Nhưng nơi ấy đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu đã khác, nên con người Nga dần dần cũng khác.
Người ta vẫn ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của nước Nga, mà những họa phẩm kiệt tác “Mùa thu vàng” của Levitan hay “Rừng sồi” của Ivan Shishkin là minh chứng. Song chúng ta cũng đừng quên rằng, nước Nga có một đặc điểm địa lý, khí hậu cực kỳ khác biệt so với phần còn lại của thế giới.
Khí hậu của Nga là kiểu khí hậu lục địa của Bắc vĩ tuyến, cực kỳ lạnh. Cái lạnh khắc nghiệt tôi rèn nên bản tính cương cường của con người nơi đây.
Mùa đông nước Nga bao la tuyết trắng, vắng vẻ quạnh hiu, đẹp vô ngần mà cũng sầu vô đối, đã đi vào kiệt tác thơ “Con đường mùa đông” của thi hào Nga Pushkin:
Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua,
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn giăng xa.
Trên đường mùa đông vắng vẻ
Cỗ xe tam mã băng đi,
Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ
Đều đều khắc khoải lòng quê.
Bài ca của người xà ích
Có gì phảng phất thân yêu:
Như niềm vui mừng khôn xiết,
Như nỗi buồn nặng đìu hiu…
Không một mái lều, ánh lửa
Tuyết trắng và rừng bao la…
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta…
(Thúy Toàn dịch)
Triết gia Nga cuối thế kỷ 19 là Ivan Alexandrovich Ilyin viết: “Nước Nga đặt chúng ta mặt đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và bao quát với mùa đông giá lạnh và mùa hè thiêu đốt, với mùa thu tuyệt vọng và mùa xuân bão táp khủng khiếp. Thiên nhiên làm ta phải do dự, buộc ta phải sống bằng quyền lực và độ sâu của nó. Chính vì vậy mà tính cách Nga rất mâu thuẫn”.
Một triết gia Nga khác cùng thời với Ilyin là Sergei Nikolayevich Bulgakov thì viết rằng khí hậu lục địa cách biệt nhau quá lớn giữa độ nóng và độ lạnh, có nơi khoảng cách này đến 104 độ C, có lẽ là tác nhân làm cho tính cách Nga có đặc trưng là mâu thuẫn: “vừa khao khát tự do tuyệt đối vừa thuần phục kiểu nô lệ, vừa tín ngưỡng vừa vô thần” – tính cách dân tộc Nga này rất khó hiểu đối với người châu Âu, tạo cho nước Nga một vòng bí ẩn.
Chẳng hạn như, người Nga có truyền thống hiếu khách, vì ở xứ sở đó ai chẳng có lúc nhỡ độ đường giữa tiết trời lạnh giá, và việc đón chào họ trong một ngôi nhà ấm áp là một nghĩa vụ. Nhưng người Nga cũng rất khát khao những cuộc chinh phạt, nếu không thì sao có lãnh thổ rộng bát ngát thế kia?
Hoặc tỷ như người Nga đa sầu, chậm chạp, vì cần phải bảo tồn năng lượng để chống lại cái lạnh… nhưng khi họ hành động thì rất quyết liệt, suy nghĩ lâu nhưng hành động nhanh chóng. Cũng phải thôi vì biết làm gì đây khi những tháng mùa đông giá lạnh kinh khủng đóng khung người Nga trong ngôi nhà ấm áp, chỉ có thể nhìn ra ngoài trời băng tuyết để mơ mộng, buồn bã, suy tư và lười nhác. Nhưng khi tuyết tan, cần phải hành động gấp gáp cho kịp mùa vụ ngắn ngủi, người Nga lại biến thành những người say mê lao động.
Nhà sử học người Anh là Philip Longworth viết rằng cái lạnh cực đoan dường như đã rèn cho người Nga “một kháng lực lớn đối với những nỗi khổ cực, một thái độ chia sẻ ở mức độ nào đó, và thậm chí một sự sẵn sàng hy sinh cá nhân cho lợi ích chung”. Ông giải thích rằng, sự ngắn ngủi của mùa thu hoạch trên những vĩ độ cao đã buộc người nông dân phải tương trợ lẫn nhau và “cố sức đáng kể để làm việc đến tận đêm khuya, thậm chí chấp nhận cả lao động của trẻ em, nhằm kết thúc mùa thu hoạch trước khi mùa đông đến.”
Người Nga khát khao tự do, vì vậy ưa nổi loạn. Song chính người Nga cũng thừa nhận rằng trong điều kiện lãnh thổ bao la này, khí hậu khắc nghiệt và thay đổi nhanh chóng này, con người tính khí cương cường này, tình trạng đa sắc tộc và tôn giáo này… cần phải có một bàn tay cứng rắn của kẻ cai trị để đưa mọi việc vào khuôn khổ, để hành động trước khi quá muộn. Do vậy, người Nga cũng lại là những người ưa thích sự bảo hộ. Và cũng vì thế, kẻ cai trị dễ biến thành kẻ độc tài toàn trị. Không có lửa làm sao có khói?
Nhà thơ Nga cuối thế kỷ 18 là Pyotr Andreyevich Vyazemsky viết: “Nếu anh muốn cho một người thông minh, người Đức hay người Pháp, nói ra một điều xuẩn ngốc, thì hãy đòi anh ta nói ra suy luận của mình về nước Nga. Đó là đối tượng buộc anh ta phải chóng mặt và làm khả năng suy nghĩ của anh ta giảm thiểu ngay tức thì”.
Xem vậy thì thấy, đánh giá về người Nga quả là không dễ dàng, họ là một khối những mâu thuẫn nội tại. Một kiểu khí hậu ngược ngạo đã tạo nên tính cách Nga với những thái cực ngược chiều, nhưng hoàn cảnh địa lý góp thêm phần quan trọng của nó trong lịch sử chinh phạt của nước Nga với các vùng đất lân cận.
Hoàn cảnh địa lý và hệ quả khiến biên giới Nga ngày càng mở rộng
Vào cuối thời Trung cổ, Moscow đã trở thành trung tâm quyền lực của nước Nga nhờ vị trí thuận lợi về thương mại ở nơi giao nhau của các tuyến đường giữa những dòng sông thuộc trung và thượng lưu Volga. Trong giai đoạn lịch sử này, người Nga cư ngụ ở vùng đất có rừng bao bọc kín không thể xuyên thủng, và tránh nơi thảo nguyên bằng phẳng dễ dàng bị tấn công bởi dân Tatar. Muscovy thời trung cổ nằm trong vùng lục địa bằng phẳng không có biển; phía đông là rừng taiga, thảo nguyên, và quân Mông Cổ; ở phía nam, người Turk và Mông Cổ chặn mất lối tiếp cận Biển Đen; về phía tây và tây bắc, người Thụy Điển, Ba Lan và Litva chặn lối ra Biển Baltic.
Người ta vẫn hay nói địa hình nước Nga bằng phẳng không có núi hay biển bao bọc để làm biên giới phòng ngự tự nhiên, khó phòng thủ, dễ tấn công khiến người Nga luôn có cảm giác bất an, thế là họ áp dụng chiến lược lấy tấn công làm phòng thủ, gọi là “tiên hạ thủ vi cường”, dẫn đến sự liên tục mở rộng lãnh thổ… nhưng ít ai đặt câu hỏi vì sao xứ Ukraine cũng sở hữu địa hình trống trải tương tự, dân Cossack cũng hung dữ hiếu chiến không kém, hẳn cũng có tính toán tương tự, mà không thể làm được như nước Nga? Đến đây, có thể lấy một tham chiếu hơn 2000 năm trước từ Trung Hoa thời Chiến Quốc.
Trong 7 nước tranh hùng thời Chiến Quốc bao gồm: Tần, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Yên… thì nước Hàn và Ngụy không có khả năng mở rộng lãnh thổ, vì một lý do rất quan trọng, họ là những quốc gia cỡ nhỏ và trung bình nằm ở trung tâm. Ở vị trí này, Hàn và Ngụy bị vây quanh bởi các nước ở Trung Nguyên lại nằm trên lộ tuyến di chuyển chính, nên chỉ chống đỡ là chính, khó có thể mở rộng lãnh thổ. Nước Tề phía đông bắc giáp biển không thể mở rộng, nước Yên ở phía bắc không đủ mạnh, nước Triệu mạnh mẽ có tính giai đoạn nhưng phần lớn thời gian phải đối phó với người Hung Nô thiện chiến ở phía Bắc, nước Sở phía nam to lớn nhưng đã hết khả năng bành trướng do đối mặt với các nước đệm xung quanh đều mạnh.
Chỉ còn nước Tần phía Tây Bắc ở ngoài rìa Trung Nguyên, có thể dễ dàng mở rộng lãnh địa bằng cách thôn tính chừng 20 tiểu quốc du mục nhỏ yếu khác của người Tây Nhung ở phía Tây, cũng như hai nước Ba và Thục giàu có ở phía Nam, dần dần trở thành cường quốc rộng lớn, có binh lực mạnh nhất trong số 7 nước. Tần cũng xuất hiện các vị quân chủ mạnh mẽ như Tần Mục Công, Tần Hiếu Công và đặc biệt là Tần Thủy Hoàng thực hiện các cải cách binh bị và chính trị khiến quốc lực ngày càng mạnh, cuối cùng tiêu diệt 6 nước, thống nhất Trung Nguyên.
Bây giờ chúng ta hãy quay lại vùng đồng bằng đất đen Ukraine để nhận thấy sự tương đồng của quốc gia này với hai nước Hàn, Ngụy thời Chiến Quốc. Vị trí của Ukraine bị bao quanh bởi các quốc gia mạnh, như Ba Lan, Litva, Belarus, sau này còn chịu tác động của Đức, Áo ở xa hơn… đó là chưa kể lực lượng Tatar hiếu chiến phía nam luôn xâm nhập quấy rối, sau này còn có đế chế Ottoman của người Turk ở xa hơn về phía nam tràn lên chinh phạt. Ukraine mãi mãi là vùng đất biên giới bị quấy nhiễu, khó mà ổn định để hình thành một quốc gia độc lập, nói gì đến việc mở rộng lãnh thổ hay xưng bá ở khu vực.
Còn nước Nga có tình huống tương tự như nước Tần. Khi đã thoát lên phía Bắc, đế chế Muscovy phóng tầm mắt về phía đông là một vùng thảo nguyên bao la, nơi không có các quốc gia lớn mạnh, chỉ có những nhóm nhỏ các tộc du mục sinh sống rải rác. Như đã nói, thời tiết lạnh khắc nghiệt của phương Bắc đã tôi rèn cho người Nga trở nên cương cường. Từ trong lòng dân tộc ấy đã xuất hiện những thủ lĩnh mạnh mẽ đủ tạo nên những bước ngoặt lịch sử, như Đại vương công Dmitry Ivanovich Donskoy vào năm 1380 dám khước từ cống nạp và sau đó đánh bại quân đội Kim Trướng Hãn Quốc trong trận Kulikovo; hoặc như Ivan Đệ tam vào năm 1480 xé bỏ hoàn toàn thể lệ cống nạp cho người Mông Cổ; hay Ivan Đệ tứ (Ivan Bạo Chúa) từ năm 1552 đã nam phục đông chinh để mở ra lãnh thổ rộng mênh mông cho nước Nga; hoặc như Pyotr Đại Đế của triều đại nhà Romanov cải cách nước Nga theo Tây Âu, đại thắng Thụy Điển ở phía Tây và chiếm được nhiều đất của đế chế Thụy Điển v.v. Đến cuối triều đại nhà Romanov, nước Nga đã có hình thế như hiện nay do liên tục bành trướng mà động cơ ban đầu là mở rộng biên cương để tăng cường phòng vệ và cảm giác an toàn, cũng là tìm kiếm một con đường ra vùng biển nước ấm để phá thế bị cô lập trong lục địa. Lấy tấn công làm phòng thủ đã trở thành tính cách dân tộc Nga; nỗi sợ bị tấn công này đã hình thành trong tâm thức người Nga từ sau những trận chiến thất điên bát đảo.
Sự hiềm khích giữa Nga và Phương Tây đâu phải ngày nay mới có
Một nghìn năm lịch sử có lẽ đã hằn in trong ký ức xa xưa của người Nga nỗi sợ bị tấn công. Đầu tiên là sự kiện nhà nước Kievan Rus bị Mông Cổ tàn phá vào nửa đầu thế kỷ 13, buộc người Nga phải di cư lên phía Bắc và Đông Bắc. Thế cũng chưa được yên mà người Mông Cổ của Kim Trướng Hãn Quốc còn tiếp tục đàn áp, bắt người Nga cống nạp đến tận cuối thời Trung Cổ. Sau đó, khi Ivan Đệ tứ thất bại và sup sụp, nước Nga cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 bị Thụy Điển, Ba Lan, Litva, và Cossack xâu xé, sau khi nhà Romanov lên ngôi vẫn phải chấp nhận mất đi một phần đất đai cho Ba Lan, Thụy Điển. Việc thu hồi những lãnh thổ đã mất bắt đầu từ giữa thế kỷ 17 khi cuộc nổi dậy Chmielnicki tại Ukraine chống lại quyền cai trị Ba Lan đưa tới Hiệp ước Pereyaslav được ký kết giữa Nga và người Cossack Ukraine. Đến năm 1812, hơn nửa triệu quân Pháp của hoàng đế Napoleon xâm lược nước Nga và phải chịu một trận thua vô cùng đau đớn, điều tương tự xảy ra khi đội quân khổng lồ mạnh nhất châu Âu của nước Đức phát xít xâm lược nước Nga năm 1941.
Số lần nước Nga chủ động tấn công các quốc gia láng giềng còn nhiều gấp bội. Trong nghìn năm lịch sử, ⅔ thời gian đó của nước Nga là dành cho các cuộc chiến. Từ giữa thế kỷ thứ 16 cho đến đầu thế kỷ 19, Nga có 10 cuộc chiến với Thụy Điển. Từ cuối thế kỷ 16 cho đến 241 năm sau đó, Nga đánh với đế quốc Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) 12 trận. Có 10 trận chiến lớn nhỏ giữa Nga và Ba Lan từ đầu thế kỷ 17 đến nửa cuối thế kỷ 19.
Giữa Nga và phương Tây chẳng lẽ còn ít ân oán hay sao?
Nước Nga chinh chiến biết bao giờ nguôi và sai lầm của những người trong cuộc
Về mặt kinh tế, nước Nga đất rộng, lại sinh nở ít, nhất là ở phần phía Tây gần châu Âu, nên luôn thiếu sức sản xuất, người quản lý, và tốn kém khi duy trì bộ máy quân sự để phòng vệ đất nước. Có thể nói, với dân số hiện tại khoảng 146 triệu người và chỉ đang giảm đi mà không tăng thêm, người Nga ngày càng phải căng ra để bao trọn toàn bộ lãnh thổ. Với khí hậu ấy, địa hình ấy, sự phức tạp dân tộc ấy… người Nga gắng gượng để duy trì được cũng là một nỗ lực vượt bậc rồi. Do vậy, Nga chỉ có thể trở thành một đế chế quân sự, chứ không thể trở thành một cường quốc về kinh tế. Rốt cuộc, cách làm kinh tế thuận tiện nhất là đào mọi thứ dưới lòng đất lên để dùng và mang đi bán. Những tài nguyên này, nước Nga vốn lại rất sẵn như dầu, khí, khoáng sản và gỗ. Nhưng ngày nay sức mạnh quân sự duy trì được chẳng phải do nguồn lực kinh tế hay sao? Chiến tranh hiện đại ngày càng tốn kém.
Về văn hóa, nước Nga đất rộng, người thưa, đa sắc tộc và tôn giáo với một trình độ văn minh không thể gọi là cao đồng đều trên toàn đất nước. Tính cách phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, khoảng cách địa hình lớn khiến những nhà cai trị người Nga thường khi có những bàn tay hà khắc, đòi hỏi ở kẻ bị trị sự tuân phục tuyệt đối nếu không muốn phải chịu những hình phạt nặng nề… đó là một điểm hạn chế trong văn hóa trị quốc của nước Nga từ xưa vốn thiếu đi sự mềm mại, hòa hợp, thu phục nhân tâm, mà thiên về cứng rắn, bạo lực, áp đặt, dường như luôn ở trong tình trạng chiến tranh.
Hơn 2000 năm trước, đại mưu thần Lục Giả sau thành công của nhà Hán trong cuộc tranh hùng Hán - Sở đã thẳng thắn hỏi Hán Cao tổ Lưu Bang rằng:
“Nhà vua ngồi trên mình ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ không? Vả chăng, các vua Thành Thang, Vũ Vương lấy được thiên hạ một cách nghịch, nhưng lại giữ thiên hạ một cách thuận. Dùng cả văn lẫn vũ là cái thuận lâu dài. Ngày xưa, vua Ngô Phù Sai, Trí Bá đều hết sức mạnh mà vẫn bị diệt vong, nhà Tần dùng hình pháp không thay đổi nên cuối cùng họ Doanh bị diệt. Giả sử trước đây sau khi nhà Tần đã thôn tính thiên hạ, lại thi hành nhân nghĩa, theo phép tắc của các vị thánh ngày xưa thì bệ hạ làm sao mà có được thiên hạ?”
Không chỉ nước Nga, kẻ cai trị nước Nga một thời là Mông Cổ cũng ở trên mình ngựa mà giành được thiên hạ, song lại không thể ở trên mình ngựa để cai trị được thiên hạ. Phong cách trị quốc kiểu trại lính cũng chỉ giúp đế quốc Mông Cổ trải rộng một thời rồi biến mất, mà không tạo dựng được một nền văn minh hay các thành tựu văn hóa, xã hội. Một quốc gia rộng lớn, đa sắc tộc và tôn giáo như Nga, vốn chỉ đành sử dụng “bàn tay sắt” để cố kết các nhóm sắc tộc manh mún trên một “biển” đất đai trải từ Âu sang Á, đã không thể tạo dựng nên một nền văn hóa đủ hấp dẫn, để giống như thỏi nam châm hút các dân tộc thiểu số tự nguyện đến xưng thần, có lẽ người Nga cũng đã tận sức rồi.
Liên Xô tan rã sau tuyên bố của cựu tổng thống Gorbachev. Những lãnh thổ ngoại vi tự tách khỏi phần nước Nga trung tâm, giống như khi nhà nước Kievan Rus sụp đổ hồi giữa thế kỷ 13, Muscovy thời Trung cổ đầu thế kỷ 17, và đế chế của Romanov trong những năm đầu thế kỷ 20. Dựa trên quy luật lịch sử này, sử gia Philip Longworth lưu ý rằng “sự mở rộng và sụp đổ lặp đi lặp lại trên một nền địa hình có hình thể bằng phẳng đã từng là đặc điểm chủ yếu của lịch sử nước Nga”. Nước Nga càng mở rộng, thì lại càng mau chóng sụp đổ. Không rõ tổng thống Putin có lưu ý đến đặc điểm này không?
Mặt khác, thế giới ngày nay đã khó chấp nhận lối hành xử bạo lực, gây chiến và xâm lược như xưa. Thế mà ngược lại, tổng thống Putin đều lợi dụng những cơ hội nước Nga bị tấn công để thôn tính quốc gia láng giềng, ví như cuộc đánh bom của khủng bố Chechnya năm 1999 vào tòa chung cư 8 tầng phía Đông Nam Moscow đã dẫn đến chiến tranh Chechnya lần thứ 2 và kết quả của nó là Nga đã chiếm lấy toàn bộ lãnh thổ của Cộng hòa Chechnya. Ông Putin nhân đó cũng có cơ hội từ thủ tướng lên làm tổng thống nước Nga. Dường như lần này, ông cũng có ý định áp dụng kịch bản cũ cho đối tượng mới Ukraine khi cáo buộc quốc gia này có dính líu đến cuộc xả súng ở khán phòng hòa nhạc trong trung tâm thương mại Crocus City Hall hôm 22/3/2024. Xét đến dữ kiện hiện có từ các bên liên quan trong cuộc khủng bố và theo logic thông thường, sự gán ghép này quả là gượng gạo.
Người Việt có câu: “không có lửa thì sao có khói”. Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, chỉ có thể phản đối sự xâm lược của chính quyền ông Putin, chứ khó có thể bênh vực vì một bên có chính nghĩa. Hỏi ai là người có chính nghĩa? NATO được sinh ra để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô, khi Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw đã sụp đổ mà NATO vẫn tồn tại đã khiến Nga không hài lòng. Đã vậy, NATO không ngừng kết nạp những thành viên mới có biên giới ngày càng tiến sát với Nga liệu có thể coi là một việc làm khôn ngoan trước một nước Nga vốn nổi tiếng với nỗi bất an biên giới và chiến lược lấy tấn công làm phòng thủ? Rốt cuộc, những ai trong NATO đang chủ trương điều này và họ làm vậy để làm gì? Tin tức mới đây cho biết Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người hăng hái trong việc dẫn đầu trừng phạt Nga và cung cấp quân sự cũng như viện trợ khác cho Ukraine, đang bị điều tra tham nhũng liên quan đến việc mua gần hai tỷ liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho EU vào thời điểm đại dịch virus corona đang ở đỉnh điểm.
Từ đó, câu hỏi đặt ra là: “Các chính trị gia phương Tây liệu có lợi ích nhóm hay động cơ riêng tư nào không khi họ tham gia và thúc đẩy hỗ trợ tài chính hay quân sự cho Ukraine?” Ở thời điểm này, thật khó khẳng định rằng ai vì đại cuộc ai vì bản thân? Ai chính nghĩa và ai phi nghĩa? Ai đang nói một đằng đang làm một nẻo? Ai đang diễn xuất trên sân khấu chính trị và ai đang ngầm giao dịch bất minh? Làm sao mà kẻ ngoài cuộc chúng ta có thể xác quyết được khi mà làn khói súng mù mịt vẫn chưa tan hết. Và đó cũng chính là một bài học từ lịch sử.
Xem: Phần 1
Nguyên Vũ