Anh hùng Tam Quốc Chu Du (5): Toàn lực phò tá thiếu chủ gây dựng sự nghiệp, kháng cự Tào Ngụy

Lỗ Túc lập tức lên đường thân chinh đến Kinh Châu liên lạc với Lưu Bị. Tương truyền ông cưỡi một con bạch mã, men theo Trường Giang thẳng tiến về phía tây. Bạch mã cõng chủ nhân vượt núi băng sông, ngày đêm gấp rút lên đường, vó sắt cũng mòn vẹt.
Trương Chiêu đối với thiếu chủ Tôn Quyền chăm sóc, ví như người mẹ lão thành cần mẫn, luôn luôn ân cần dặn dò, còn Chu Du đối với Tôn Quyền phụ tá, thì thường tập trung vào những điểm then chốt. Đối với vị thiếu chủ trẻ tuổi, tràn đầy tinh thần mạo hiểm, Chu Du ví như cha anh, dành cho sự ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối.
Ủng hộ quyết tâm của Tôn Quyền
Năm Kiến An thứ 5, trận Quan Độ, Tào Tháo đại phá Viên Thiệu, thống nhất phương Bắc. Năm Kiến An thứ 7, tức là hai năm sau khi Tôn Quyền kế vị, phương Bắc gửi chiếu thư, yêu cầu Tôn Quyền đưa con trai vào triều làm quan, ngầm ý muốn lấy làm con tin. Trương Chiêu cùng các lão thần đều cảm thấy khó xử, không biết nên làm thế nào. Vì vậy, Tôn Quyền liền dẫn theo Chu Du, đến trình bày với Tôn Thái phu nhân.
Lúc này, Chu Du thản nhiên đứng ra ủng hộ Tôn Quyền, ông nói với Tôn Thái phu nhân rằng: "Xưa kia nước Sở thời Chiến Quốc nằm bên sườn núi Kinh Sơn, chỉ có đất đai chưa đầy trăm dặm, con cháu đời sau hiền năng, mở rộng bờ cõi, xây dựng nền móng ở Dĩnh, bèn chiếm cứ hai châu Kinh, Dương, thẳng đến Nam Hải, kéo dài quốc tộ hơn chín trăm năm.
Nay tướng quân (Tôn Quyền) kế thừa cơ nghiệp của cha anh, sở hữu quân đội sáu quận, binh tinh lương đủ, tướng sĩ đều dũng cảm liều mình, hơn nữa trong nước giàu có, khai thác đồng trong núi có thể đúc thành tiền, lấy nước biển có thể nấu thành muối ăn, lòng người không nghĩ đến chuyện làm loạn. Dù muốn đi đến đâu, giao thông đều rất thuận tiện, sáng lên thuyền giương buồm, tối có thể đến nơi. Tướng sĩ mạnh mẽ, không gì địch nổi, lại hà tất phải vội vàng đưa thái tử làm con tin?
Con tin một khi vào triều, không thể không tạo quan hệ với họ Tào, một khi đã tạo quan hệ với họ, có triệu gọi thì không thể không đi, chẳng khác nào chịu sự khống chế của người ta, hơn nữa nhiều nhất cũng chỉ được phong hầu, có mười mấy người hầu, mấy chiếc xe, mấy con ngựa, làm sao có thể so sánh với việc xưng bá phương Nam? Chúng ta cứ việc không đưa con tin, từ từ quan sát tình hình.
Nếu họ Tào có thể dùng đại nghĩa thống nhất thiên hạ, tướng quân thần phục họ cũng chưa muộn. Nếu họ Tào chỉ là làm loạn thiên hạ, thì cũng sẽ tự chuốc lấy thất bại. Hiện nay tướng quân chỉ cần dũng cảm chống lại họ, chờ đợi thiên mệnh, cần gì phải đưa hoàng tử làm con tin?"
Tôn Thái phu nhân nghe xong quả nhiên không phản đối, còn nói với Tôn Quyền: "Công Cẩn (tự của Chu Du) nói đúng. Công Cẩn cùng tuổi với anh con, chỉ nhỏ hơn anh con một tháng, ta coi nó như con ruột, con cũng phải đối xử với Công Cẩn như anh trai ."
Tôn Quyền trẻ tuổi cuối cùng dưới sự ủng hộ của Chu Du, đã nhận được sự đồng ý của người mẹ cao tuổi, mạnh dạn từ chối yêu cầu cường thế của bá chủ Tào Tháo, rõ ràng hướng tới mục tiêu "xưng bá phương Nam" mà bước tới.
Hỗ trợ Tôn Quyền hoàn thành đại kế báo thù
Năm Kiến An thứ 8, Tôn Quyền tấn công Hoàng Tổ, Thái thú Giang Hạ, kẻ thù giết cha, đồng thời muốn nhân cơ hội này mở thông con đường tiến vào Kinh Châu, nhưng không thành công.
Năm Kiến An thứ 11, Chu Du dẫn theo Tôn Du, anh họ của Tôn Quyền, cùng nhau đánh dẹp "Sơn Việt" ở vùng núi phía Nam.
Trong lãnh thổ Giang Đông, dọc theo vùng hạ lưu sông Trường Giang, lưu vực sông Châu Giang và các khu vực rộng lớn khác, vẫn luôn tồn tại nhiều bộ tộc chưa khai hóa, gọi chung là "Sơn Việt", nghĩa là "người Việt dựa vào hiểm trở của núi non mà cư trú", bao gồm các tộc Bàn Hỗ Man, Ngũ Khê Di, cùng với những người Hán chạy trốn lên núi sinh sống. Những bộ tộc này chiếm cứ vùng núi, hung hãn ngạo mạn, thường xuyên cướp bóc tài sản của người dân, gây ra vấn đề lớn về quản lý.
Năm đó, Chu Du thống lĩnh quân đội đánh phá hai làng Sơn Việt là "Ma" và "Bảo". Cùng năm, Hoàng Tổ phái tướng lĩnh Đặng Long dẫn mấy nghìn quân xâm lược, Chu Du đem quân đánh dẹp, bắt sống Đặng Long.
Năm Kiến An thứ 12, Tôn Quyền lại tấn công Hoàng Tổ, nhưng không thu được nhiều kết quả.
Mùa xuân năm Kiến An thứ 13, Tôn Quyền một lần nữa tấn công Hoàng Tổ, cuối cùng đã báo thù cho cha một cách thống khoái.
Trận chiến này đã huy động rất nhiều tướng lĩnh tinh nhuệ của Đông Ngô, quá trình diễn ra vô cùng nguy hiểm. Lúc bấy giờ, Tôn Quyền phong Chu Du làm Đô đốc, Lã Mông theo quân xuất chinh. Hoàng Tổ, tướng của quân địch, ra lệnh dùng hai chiến thuyền phong tỏa cửa sông hiểm yếu, dùng dây thừng lớn buộc chặt đá lớn để cố định thuyền, tập trung hàng ngàn quân trên hai tảng đá lớn, trên thuyền còn có hơn nghìn người dùng cung nỏ bắn về phía quân Tôn Quyền. Cung nỏ bắn loạn xạ, tên như mưa, phong tỏa đường tiến quân của quân Tôn, khiến họ không thể tiến lên, tình thế có lúc tưởng chừng như mất kiểm soát.
Vì vậy, Chu Du phái Biệt tướng Đổng Tập và Tư Mã Lăng Thống mỗi người dẫn một trăm quân làm tiền bộ, mọi người mặc hai lớp áo giáp, ngồi thuyền lớn xông vào. Đổng Tập dũng mãnh cầm đao chém đứt dây nối liền hai chiến thuyền, mở đường cho đại quân tiến vào trận địa của địch [3], còn Lăng Thống cùng với mấy chục binh sĩ dũng cảm thiện chiến cùng đi trên một chiếc thuyền, chém chết tướng của Hoàng Tổ là Trương Thạc, công hạ thành trì.
Mặt khác, Hoàng Tổ vội phái Đô đốc thủy quân Trần Cứu dẫn quân phản công. Lã Mông, đại tướng của Tôn Quyền, thống lĩnh tiền quân, đích thân đánh chết Trần Cứu, chiếm lấy thuyền bè và binh lính của hắn. Hoàng Tổ một mình bỏ chạy, bị kỵ binh của Tôn Quyền chém chết [4]. Trận này, chủ soái Chu Du điều binh khiển tướng, vạch ra chiến lược tổng thể, lại càng làm nổi bật sức mạnh của các dũng tướng Giang Đông. Quân Ngô giành được thắng lợi lớn, một lần tiêu diệt kẻ thù truyền kiếp.
Chu Du hết lòng phò tá Tôn Quyền trẻ tuổi lập nên công danh sự nghiệp. Trong khoảng thời gian bảy năm, Tôn Quyền đã thể hiện năng lực độc lập gánh vác trách nhiệm.
Tào Tháo Nam chinh, Lỗ Túc chạy đôn chạy đáo
Năm Kiến An thứ 13 (năm 208 sau Công nguyên), tháng 7, Tào Tháo, sau khi thống nhất phương Bắc, bắt đầu tiến về phía Nam, mưu đồ thống nhất đại nghiệp.
Tào Tháo trước tiên vượt sông Trường Giang tấn công Kinh Châu của Lưu Biểu, không ngờ đại quân chưa đến nơi thì Lưu Biểu đã bệnh mất. Con trai út của Lưu Biểu là Lưu Tông được các đại thần ủng hộ, nhanh chóng kế vị, con trai trưởng Lưu Kỳ chỉ đành thất vọng trở về đóng quân gần Giang Hạ.
Tin Lưu Biểu qua đời truyền đến phương Nam, mưu sĩ của Tôn Quyền là Lỗ Túc nhanh chóng suy nghĩ đối sách. Lỗ Túc đề nghị với Tôn Quyền, lấy danh nghĩa đến Kinh Châu phúng viếng Lưu Biểu, thuyết phục Lưu Bị đang sống nhờ ở đó cùng con trai trưởng của Lưu Biểu là Lưu Kỳ, cùng nhau hợp tác, nhất định có cơ hội chống lại Tào Tháo, nếu chậm trễ, e rằng sẽ bị Tào Tháo chiếm tiên cơ. Kế hoạch của ông được Tôn Quyền chấp thuận .
Lỗ Túc lập tức lên đường đến Kinh Châu liên lạc với Lưu Bị. Tương truyền ông cưỡi một con ngựa trắng, men theo sông Trường Giang chạy về phía Tây. Ngựa trắng chở chủ nhân vượt núi băng sông, ngày đêm nhanh chóng, móng sắt cũng mòn hết, vẫn không ngừng chạy. Một ngày nọ, Lỗ Túc thúc ngựa phi nhanh, không ngờ trước mắt đột nhiên xuất hiện một hồ nước, không kịp dừng lại, ngựa trắng lao xuống hồ, sa lầy trong vũng bùn giãy giụa hồi lâu, cho đến khi không thể cử động được nữa mà ngã quỵ. Lỗ Túc thương tiếc con ngựa trắng chết vì kiệt sức, bèn chôn cất nó ở bãi đất hoang. Về sau, để tưởng nhớ con ngựa trắng này, người ta đặt tên cho bãi đất đó là Bạch Mã Châu.
Tháng 9, Lưu Tông nghe theo lời khuyên của thuộc hạ đầu hàng Tào Tháo, nhưng lại không dám nói với Lưu Bị đang sống nhờ ở Kinh Châu nhiều năm, đợi đến khi Lưu Bị biết tin thì đại quân của Tào Tháo đã tiến vào, Lưu Bị không nỡ giết Lưu Tông để thay thế, nên chọn cách bỏ trốn, rút lui khẩn cấp.
Lúc này, Lỗ Túc ngày đêm khẩn trương lên đường, cuối cùng cũng đuổi kịp Lưu Bị.
Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt