Anh hùng Tam Quốc - Chu Du (8): Hùng liệt đảm lược, thiên cổ anh hào
Chu Du luôn hết lòng ủng hộ thiếu chủ Tôn Quyền, dũng cảm tiến về phía trước với mục tiêu 'xưng bá phương Nam'. Khi quốc gia đối mặt với sự tồn vong trước hàng chục vạn đại quân của Tào Tháo, Chu Du đã gạt bỏ mọi ý kiến phản đối, một mình gánh vác trọng trách chống lại đại quân của siêu cường Tào Tháo.
Sau trận Xích Bích, Tào Tháo rút lui về phương Bắc, Lưu Bị ngay lập tức dâng biểu xin phong Lưu Kỳ làm Kinh Châu mục, còn bốn quận Vũ Lăng, Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa nhanh chóng chủ động xin quy thuận. Không lâu sau, Lưu Kỳ qua đời, Lưu Bị được suy tôn làm Kinh Châu mục.
Như vậy, Lưu Bị sau nhiều năm nương nhờ đã chính thức sở hữu bốn quận Kinh Nam, còn Tôn Quyền có được Từ Châu và Nam quận (một trong tám quận của Kinh Châu), Chu Du được bổ nhiệm làm Nam quận thái thú.
Nhờ trận chiến này, Tôn Quyền rũ bỏ sự non nớt, lột xác thành một vị vua thực sự độc lập tự chủ, thế chân vạc tam phân thiên hạ được xác lập. Năm đó, Tôn Quyền 27 tuổi, Lưu Bị 48 tuổi, Tào Tháo 53 tuổi.
Chu Du biết người trọng dụng, bổ nhiệm Bàng Thống
Sau trận Xích Bích, Chu Du trấn giữ Nam Quận, phía bắc chống Tào Tháo, phía nam cự Lưu Bị, gánh vác trọng trách bảo vệ Giang Sơn nhà Đông Ngô. Trong thời gian này, Chu Du bổ nhiệm Bàng Thống quản lý chính sự Nam Quận, bản thân thì hoàn toàn giao phó việc cai trị.
Vậy Bàng Thống là ai? Bàng Thống là cháu của Lộc Môn tiên sinh Bàng Đức. Theo ghi chép trong Hậu Hán Thư - Dật Dân Truyện, Bàng Đức là một dị nhân sống ẩn dật, mọi người đều tôn xưng ông là Bàng Đức Công. Ngày thường lấy việc cày cấy đọc sách làm nghiệp, thậm chí chưa từng vào thành, cùng vợ chồng sống với nhau rất kính trọng. Về sau, Bàng Đức Công cùng vợ "lên núi Lộc Môn, hái thuốc không về", không rõ tung tích.
Gia Cát Lượng lúc trẻ cũng quen biết Bàng Đức Công, mỗi lần đến thăm, nhất định cung kính quỳ lạy dưới giường, Bàng Đức tiên sinh cũng không để ý, không hề ngăn cản, mà em gái của Gia Cát Lượng cũng gả cho con trai của Bàng Đức tiên sinh là Bàng Sơn Dân, hai nhà trở thành thông gia.
Lúc bấy giờ ở đất Kinh Châu, còn có một vị ẩn sĩ nổi tiếng là Tư Mã Huy, ông học thức uyên thâm, giỏi nhìn người, người đời gọi là Thủy Kính tiên sinh. Tư Mã Huy nhỏ hơn Bàng Đức tiên sinh mười tuổi, hai người kết giao rất thân thiết, như người thân.
Bàng Thống lúc trẻ trông có vẻ chất phác, dung mạo không nổi bật, ngoài Bàng Đức Công ra, không ai nhìn ra tài năng của ông. Hai mươi tuổi, Bàng Thống đến gặp Tư Mã Huy, lúc đó Tư Mã Huy đang hái lá dâu, Bàng Thống ngồi dưới gốc cây, hai người từ sáng trò chuyện đến tận đêm khuya. Sau một cuộc trò chuyện dài, Tư Mã Huy đánh giá rất cao Bàng Thống, xưng Bàng Thống là người đứng đầu sĩ nhân Kinh Nam, là người có 'đức thịnh'. Từ đó Bàng Thống mới dần dần có tiếng tăm. Bàng Đức còn gọi Gia Cát Lượng là Ngọa Long, Bàng Thống là Phụng Sồ, tràn đầy tin tưởng vào tài năng của hai người.
Chu Du biết người trọng dụng, đã trọng dụng Bàng Thống mới ba mươi tuổi, và trao cho ông sự tin tưởng và quyền lực tuyệt đối.
Chí lớn đầy mình, bệnh nặng không dậy
Vì lãnh thổ của Lưu Bị mở rộng nhanh chóng, Tôn Quyền muốn gả em gái cho Lưu Bị để củng cố tình nghĩa đôi bên. Lỗ Túc cho rằng hai nước kết thông gia sẽ có lợi cho việc chống lại Tào Tháo, nhưng Chu Du lại có thái độ hoàn toàn khác.
Năm Kiến An thứ 15, Lưu Bị chuẩn bị đến Ngô quốc gặp Tôn Quyền, thỉnh cầu mượn đất bờ nam Nam Quận. Chu Du lập tức khuyên Tôn Quyền:
"Lưu Bị có tư chất của bậc hào kiệt, lại có Quan Vũ, Trương Phi là những mãnh tướng như hổ báo, chắc chắn sẽ không chịu khuất phục lâu dài dưới trướng người khác. Tôi cho rằng nên giữ Lưu Bị lại Ngô quốc, xây dựng cung thất nguy nga cho ông ta, ban tặng nhiều mỹ nữ, trân bảo, để ông ta chìm đắm trong hưởng lạc, chia cắt Quan Vũ, Trương Phi mỗi người một nơi, phái đại tướng như tôi thừa cơ đánh úp bọn họ, đại sự ắt thành. Nay lại cắt đất giúp đỡ đại nghiệp của ông ta, để ba người này tụ họp một chỗ, sau này trên chiến trường, e rằng sẽ như rồng gặp mây mưa, cuối cùng không phải vật trong ao!". Tuy nhiên, Tôn Quyền cho rằng Tào Tháo ở phương bắc mới là mối đe dọa lớn nhất, lúc này nên rộng rãi kết giao với người tài, vì vậy không nghe theo.
Tiếp đó, Chu Du lại kiến nghị với Tôn Quyền, nên thừa lúc Tào Tháo mới bại, quốc lực suy yếu, tấn công Lưu Chương, chiếm lấy Ích Châu (Thục), thu phục Trương Lỗ ở Hán Trung, để lại tướng lĩnh trấn giữ khu vực đó, sau đó kết minh với Mã Siêu ở tây bắc, rồi Chu Du sẽ trở về Đông Ngô, thống lĩnh quân đội từ Kinh Châu đánh lên phía bắc, hai đường nam bắc giáp công, có thể chiếm được phương bắc.
Chiến lược này của Chu Du, táo bạo và đầy sáng tạo, đã nhận được sự ủng hộ của Tôn Quyền, Tôn Quyền thậm chí bắt đầu bàn bạc với Lưu Bị về việc mượn đường Kinh Châu để tấn công Lưu Chương, tuy nhiên mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, đúng lúc Chu Du bắt tay vào chuẩn bị các việc liên quan, thì đột nhiên mắc bệnh nặng không dậy nổi.
Lời trăn trối lúc lâm chung, lòng vẫn hướng về quốc sự
Trong lúc lâm bệnh, Chu Du viết một bức thư ngắn gửi cho Tôn Quyền: "Nay thiên hạ đang lúc rối ren, thần cũng vì thế mà ngày đêm lo lắng, mong chủ công hãy nhìn xa trông rộng, lo trước tính sau, rồi mới có thể hưởng được quả ngọt.
Hiện nay ta đối địch với Tào Tháo, Lưu Bị lại đóng quân ở Công An, rất gần biên giới của ta, dân chúng vẫn chưa hoàn toàn quy phục, nên phái lương tướng đến trấn an, Lỗ Túc có trí tuệ và mưu lược đủ để đảm đương trọng trách này, xin hãy phái Lỗ Túc thay thế chức vụ của thần, thần sắp lìa đời, muốn nói cũng đã nói hết rồi."
Bức thư ngắn gọn súc tích, vẫn một lòng lo cho quốc sự, không chỉ không sợ hãi cái chết, mà còn tiến cử Lỗ Túc, người có ý kiến bất đồng với mình, tiếp nhận chức vụ trấn giữ tiền tuyến, có thể thấy ông tin tưởng người bạn cũ này như thế nào, thể hiện tấm lòng rộng mở không chút so đo, và một lòng trung quân ái quốc. Có thể nói, sống đến lúc này, không thẹn với lòng.
Tôn Quyền mặc đồ tang, nỗi nhớ thương vô hạn
Chu Du qua đời, năm đó mới ba mươi sáu tuổi. Tôn Quyền đích thân mặc đồ tang, để tang cho Chu Du. Ông vô cùng đau buồn, khóc lóc nói: "Công Cẩn có tài Vương Tá, nay yểu mệnh mà chết, ta sau này biết dựa vào ai đây?"
Sau khi Chu Du mất, Tôn Quyền đã tận tâm sắp xếp chu đáo, chăm sóc hai con trai một con gái mà Chu Du để lại. Con trai trưởng của Chu Du là Chu Tuần cưới con gái của Tôn Quyền và Bộ phu nhân là công chúa Tôn Lỗ Ban, làm quan đến chức Kỵ đô úy; con trai thứ của Chu Du là Chu Dận cũng cưới con gái trong tông thất họ Tôn, làm quan đến chức Đô úy, phong tước Đô Hương hầu; còn con gái trưởng của Chu Du thì gả cho Thái tử Tôn Đăng.
Tôn Quyền cho con cháu trong tông thất kết hôn với con cháu nhà Chu Du, đủ thấy ông đối với Chu Du ân tình sâu nặng, vì vậy sau này thường tự than thở: "Cô niệm Công Cẩn, khởi hữu dĩ hồ?" (Ta nhớ Công Cẩn, nào có lúc nào ngừng đâu!) than thở nỗi nhớ thương vô hạn đối với Chu Du.
Hùng tâm tráng chí, anh hùng thiên cổ
Trong thời gian diễn ra trận Xích Bích, Lưu Bị và Chu Du có sự tương tác mật thiết, từ đó có sự quan sát và hiểu biết sâu sắc về Chu Du, ông ca ngợi Chu Du "văn võ kiêm toàn, vạn người chọn một, khí lượng rộng lớn", có thể nói là anh hùng trọng anh hùng, nhận thức sâu sắc về tài năng và khí độ phi phàm của Chu Du.
Là một trong những khai quốc công thần của Đông Ngô, Chu Du luôn tâm đầu ý hợp với Tôn Sách, hai người từ năm hai mươi tuổi đã cùng nhau chinh phạt Giang Đông, lập chí tạo nên sự nghiệp. Sau khi Tôn Sách qua đời, Chu Du phò tá Tôn Quyền khoảng mười năm, luôn ủng hộ Thiếu chủ Tôn Quyền, hướng tới mục tiêu "xưng bá phương Nam" mà dũng cảm tiến lên, khi đất nước đứng trước nguy cơ sinh tử trước mấy chục vạn đại quân của Tào Tháo, Chu Du đã gạt bỏ mọi ý kiến phản đối, một mình gánh vác trọng trách chống lại đại quân của bá chủ Tào Tháo. Ông lấy ít địch nhiều, nhưng ý chí kiên định, mưu lược vững vàng, không hề nao núng, tràn đầy trí tuệ và dũng khí, chẳng trách Gia Cát Cẩn, Bộ Chất nhiều năm sau dâng sớ lên Tôn Quyền, nhắc đi nhắc lại lòng trung nghĩa của Chu Du, ca ngợi ông xả thân vì nước, "thân mình hứng chịu tên đá, hết lòng tận tụy, coi cái chết như trở về", khiến hậu thế mãi mãi không quên.
Vương Mậu Hoành đời Thanh từng nhận xét: "Nếu Chu Du không chết yểu giữa chừng, nhất định sẽ công chiếm Thục Hán, vậy thì Lưu Bị sẽ không có chỗ đứng... tất cả đều là ý trời, không phải sức người có thể can thiệp!"
Quả thật, thiên ý chia ba, không phải sức người có thể thay đổi. Thông qua những tình tiết lịch sử về các anh hùng thời Tam Quốc tranh giành đất đai, cuối cùng người ta nhận ra được những anh hùng thiên cổ với hào khí tráng chí đã thể hiện khí phách quả cảm, mưu trí hơn người.
Trận Xích Bích, Đông Ngô có thể hình thành thế chân vạc, Chu Du một trận định Giang Sơn, phong thái nho tướng tao nhã, mưu lược thông minh, táo bạo, cùng với tấm lòng trung nghĩa, độ lượng, cao thượng của ông, theo trận chiến Xích Bích vang danh thiên cổ, mãi mãi trường tồn.
Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt