Ba giác ngộ lớn của người trưởng thành: Hiểu sự tha thứ, biết bao dung và dám đột phá
Nhà văn Châu Quốc Bình nói: "Trong tất cả các loại sức mạnh, sức mạnh bên trong không thể thiếu nhất chính là sự giác ngộ”...
Cuộc đời là một quá trình không ngừng thức tỉnh, trưởng thành không có nghĩa là đã chín chắn, chỉ có giác ngộ mới mang lại sự lột xác.
Sự giác ngộ là sự trưởng thành của bản thân là quá trình một người liên tục bén rễ sâu, tìm kiếm từ bên trong và vươn lên phát triển.
Người thực sự giác ngộ hiểu rằng không ngừng học hỏi, không ngừng tự suy ngẫm qua mọi sự vật của thế gian, qua muôn hình vạn trạng của cuộc sống, biến những con đường đã đi, những cảnh vật đã thấy thành trí tuệ của đời mình.
Sức mạnh bên trong của một người thường bắt đầu từ ba lần giác ngộ:
1. Hiểu sự tha thứ là trí tuệ nhìn thấu chúng sinh
Hoằng Nhất đại sư nói: "Chúng sinh chính là nhân tính, yêu ma, quỷ quái, danh vọng, quyền lực, tình cảm. Vì hiểu được chúng sinh, hiểu được nhân tình thế thái, do đó biết bao dung, do đó biết từ bi”.
Chúng sinh đều khổ, khi gặp nhiều người, sẽ hiểu được đủ loại cuộc đời, sẽ cảm thông nhiều hơn với những mảnh đời và chấp nhận nhiều hơn thế giới này.
Khi dần dần học được cách tha thứ, lòng người sẽ bình thản và rộng lượng hơn.
Trong cuốn "Cuộc đời như biển rộng", nhân vật "Tôi" vốn có cuộc sống hạnh phúc đơn giản, nhưng vì một lời đồn thổi từ "gã mù" mà khiến gia đình "Tôi" tan vỡ.
Ông nội không chịu được sự bôi nhọ của lời đồn, đã bán đứng Thượng tá và treo cổ tự tử trước sự chế giễu của dân làng. Người anh cả với tư cách là con cả bị ép ở rể, chịu đủ sự sỉ nhục. Người mẹ và anh trai thứ hai chịu đủ sự giày vò, uất ức đến chết; cha sống như người mất hồn.
Còn "Tôi" bị buộc phải tha phương cầu thực, sống cuộc sống đầu đường xó chợ, ăn gió nằm sương ở Tây Ban Nha. Nhân vật "Tôi" căm hận “gã mù” đến tận xương tủy.
Nhiều năm sau, khi đã thành công trong sự nghiệp, nhân vật "Tôi" đã trở về quê hương ngày đêm thương nhớ.
Nhìn thấy “gã mù” giờ đây bị cắt mất lưỡi, tay chân què quặt, lê lết ăn xin trên phố, mình mẩy bốc mùi hôi thối, "Tôi" nguyền rủa cho hắn chết sớm.
Nhưng theo thời gian, khi đi đến nhiều nơi hơn, gặp nhiều mảnh đời hơn, "Tôi" nhận ra rằng trên đời này có rất nhiều người sống cuộc đời khiến người ta nhìn vào đều thấy chua xót, nhưng họ vẫn sống vui vẻ.
Khi trở lại quê làng lần nữa, gặp lại “gã mù”, “Tôi" không còn khinh miệt như trước, mà chủ động đưa cho hắn hai tờ 100 đồng. Hắn dùng đôi tay cứng đờ viết một dòng chữ trên mặt đất: "Đại nhân không ghi hận lỗi lầm của kẻ hèn này, thật cảm ơn”.
"Tôi" tất nhiên không cần lời cảm ơn của gã, nhưng hành động thiện ý bất ngờ này lại mang đến cho "Tôi" sự an ủi vô bờ bến.
"Tôi" tha thứ cho hắn ta, cũng bằng như đã tha thứ cho chính mình, và cảm nhận được sự bình yên chưa từng có.
Tiểu thuyết gia Mạch Gia trong sách nói rằng: "Con người phải học cách buông bỏ, buông bỏ không chỉ là lòng tốt tha thứ cho người khác, mà còn là trí tuệ tha thứ cho chính mình”.
Thật vậy, tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình, để bản thân không còn quằn quại với nỗi đau.
Cuộc đời như biển cả, càng bám cứng hận thù trong quá khứ, gánh nặng trong lòng càng lớn. Thay vì đau khổ trong ngục tù của hận thù, tốt hơn là đi ra khỏi ngục tù, nhìn thấy muôn vẻ của cuộc đời, rồi học cách tha thứ, thử buông bỏ, để lòng bình an tận hưởng sự yên tĩnh của nội tâm.
2. Bao dung sự khác biệt là phẩm chất rộng lớn
Trong "Tiêu dao du" có một câu chuyện như vậy:
Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng ở Biển Bắc rằng: “Chúng tôi khi cất cánh, hễ gặp cây du hoặc cây phượng thì dừng lại, nếu không bay được thì đậu xuống đất là xong, sao anh phải cố gắng bay đến tận Biển Nam chi cho mệt?".
Tuy nhiên, đại bàng không vì lời châm chọc mà nghi ngờ chính mình, vẫn tuân theo nhịp điệu của mình, bay vút lên trời cao chín vạn dặm, cuối cùng đến được Biển Nam. Với đại bàng bay lượn trên trời cao chín vạn dặm mà nói, trời đất bao la rộng lớn, và muôn vật chỉ như những hạt bụi bé tẹo.
Môi trường khác nhau tạo nên tầm nhìn khác nhau, cũng tạo nên nhận thức và tư duy khác nhau. Khi đứng từ góc độ của bản thân hoặc dựa vào sở thích cá nhân để định nghĩa hành vi của người khác, ta dễ dàng coi thường ý kiến của họ.
Trong vô vàn chúng sinh, giữ vững bản thân là điều dễ, nhưng khó ở chỗ vừa giữ được nhịp điệu của mình, vừa bao dung được sự khác biệt.
Trang Tử và Huệ Tử là hai người bạn như thế. Một người là triết gia, một người là quan viên nước Ngụy. Trang Tử khát khao sự tự do tinh thần, ông sống tiêu dao, không gò bó, thường ẩn mình trong núi rừng. Ông không hiểu tại sao Huệ Tử lại muốn làm quan, đắm chìm trong cõi trần tục. Huệ Tử quyền cao chức trọng, lo lắng cho nước nhà. Ông cũng không hiểu Trang Tử, rõ ràng nghèo đến mức không có gì ăn, không có áo để mặc, không có giày để đi, vậy mà suốt ngày vẫn mơ mộng tiêu diêu tự tại.
Hai người thường xuyên tranh luận không ngừng vì quan điểm trái ngược, nhưng dù thế nào, họ vẫn không vì vậy mà tuyệt giao, mà trái lại tình cảm ngày càng sâu đậm và càng trân quý nhau hơn.
Trang Tử và Huệ Tử đều là những người từng trải, nên họ hiểu được tính đa dạng của vạn vật trong thế gian, cũng có thể bao dung và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Giống như trong phim "Nhất Đại Tông Sư" có câu: "Thấy được trời đất, quan sát vũ trụ và chấp nhận sự khác biệt”.
Người trí tuệ thực sự là như thế, họ cho phép mình khác biệt với người khác, cũng chấp nhận người khác khác biệt với mình, luôn giữ tâm thế cởi mở và suy nghĩ rộng lớn.
Triết gia Bertrand Russell từng nói: "Sự đa dạng là điều cần thiết cho hạnh phúc”.
Nhiều khi, những tư tưởng và quan niệm tương đồng chỉ có thể khơi gợi sự đồng cảm trong bản thân.
Còn những suy nghĩ và quan điểm khác biệt mới có thể giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về vấn đề từ góc độ khác.
Vì vậy, hãy bước ra ngoài, khám phá một thế giới rộng lớn hơn, vượt qua sự hạn hẹp của bản thân, không để mình bị sa lầy trong sự so đo và thành kiến, có được một tấm lòng rộng lượng, dung hòa và bao trùm vạn vật.
3. Đột phá nhận thức là nhìn thấu sự tu dưỡng của chính mình
Trên mạng có người hỏi: "Tại sao tôi đã thử rất nhiều lần nhưng vẫn không làm được tốt? Tại sao tôi rõ ràng đã rất cố gắng nhưng vẫn thất bại?".
Có câu trả lời khiến người ta rất tâm đắc, rằng: "Đó là vì nhận thức của bạn về chính mình đã lệch khỏi thực tế khách quan”.
Thật vậy, chỉ khi có nhận thức đúng đắn và khách quan về bản thân, chúng ta mới có thể tự quan sát mình tốt hơn và dễ dàng nhận lại cho mình một cuộc đời tốt đẹp hơn.
Trong “Đạo Đức Kinh” có câu: "Biết điều không biết là cao; không biết điều đáng biết là bệnh”, ý muốn nói, một người biết được sự vô tri của mình là người khôn ngoan, còn không biết sự vô tri của mình thì thật là tồi tệ.
Sự thất bại của một người thường bắt nguồn từ nhận thức về bản thân không được khách quan, nhận thức với thế giới bên ngoài cũng là hời hợt, nông cạn.
La Tường - Giáo sư luật và giám đốc Viện Luật hình sự tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc từng kể về câu chuyện của chính mình trong một cuộc phỏng vấn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông cảm thấy mình đã đạt đến đỉnh cao của ngành luật, đã hiểu hết mọi thứ, vụ án nào cũng đều dám nhận, vụ án nào cũng dám mổ xẻ. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, ông càng giảng dạy mọi chuyên ngành trong luật học.
Nhưng khi kiến thức ngày càng sâu rộng, và khi tuổi tác ngày càng lớn, ông dần hiểu rằng cái gọi là "hiểu biết tất cả" trước đây thật là một sự ngu muội hết sức đáng thương.
Khi có người mời La Tường giải thích về luật pháp, ông sẽ nói rằng mình thực sự hiểu biết rất ít. Ông nói: "Dù bạn có xuất sắc đến đâu, dù bạn là người kiệt xuất trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó, sự hiểu biết của bạn về tri thức nhân loại vẫn rất ít. Vì vậy, thừa nhận sự vô tri của mình mới là cánh cửa lớn mở ra trí tuệ”.
Một người mà càng hiểu biết sâu rộng về thế giới này, người đó càng dễ dàng tự mình nhận thức, tránh sự tự mãn, từ đó có thể nhận thức và đánh giá bản thân một cách khách quan hơn, giữ cho mình một sự khiêm tốn.
Nữ văn sĩ Dương Giáng từng nói: "Cuộc đời của một con người cần ba sự tự giác: Nhận thức về bản thân, tôi luyện bản thân và tự nguyện tự giác thay đổi bản thân”.
Khó khăn lớn nhất trong đời người chính là nhận thức đúng đắn về chính mình. Chỉ khi hiểu rõ bản thân, ta mới nhìn thấy những giới hạn và thiếu sót của mình, từ đó mới trưởng thành và tiến bộ.
Tu dưỡng lớn nhất của một người là biết phát hiện những giới hạn của bản thân và liên tục tự phản tỉnh. Chỉ có như vậy, ta mới có thể phá vỡ nhận thức cũ, thay đổi tư duy vốn có, cuối cùng không ngừng giác ngộ, có được sự trưởng thành.
Có câu nói khiến tôi rất tâm đắc như sau: "Cuộc sống chính là một hành trình đối thoại, đối thoại với chính mình, đối thoại với xung quanh và đối thoại với thế giới”.
Thật vậy, cuộc đời là một quá trình giác ngộ, là sự tu hành không ngừng cải thiện bản thân. Thấy được chúng sinh, khi hiểu được muôn hình vạn trạng của cuộc đời, thì sẽ hiểu được sự tha thứ.
Thấy được trời đất, khi đã cảm nhận được sự to lớn và nhỏ bé, bạn sẽ học được cách bao dung. Thấy được bản thân, khi đã nhận ra giới hạn và thiếu sót của chính mình, bạn sẽ dám đột phá.
Mong rằng phần đời còn lại, bạn sẽ vượt qua muôn trùng sóng gió, nhìn thấy đủ mọi cảnh đời, phá tan màn sương và đón nhận sự giác ngộ của chính mình. Đó mới là dấu hiệu tốt nhất của một người trưởng thành thực thụ.
Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch