Ba thời điểm giúp ta nhìn rõ nhân phẩm của một người

Ba thời điểm giúp ta nhìn rõ nhân phẩm của một người
Nhân phẩm là tấm danh thiếp của một người, cũng là nền tảng đứng vững trong xã hội của một người. (Ảnh: pxhere)

Nhìn rõ nhân phẩm của một người, bạn không cần phải thăm dò thường xuyên, chỉ cần nhìn vào ba khoảnh khắc này sẽ có câu trả lời…

Có câu nói rất hay như vậy: "Trân trọng một người bắt đầu từ vẻ bề ngoài, kính trọng bởi tài hoa, hòa hợp bởi tính cách, lâu dài bởi thiện lương, trọn vẹn bởi nhân phẩm”.

Kết giao với người, phẩm hạnh luôn được xếp ở vị trí thứ nhất. Tuy nhiên, lòng người rất phức tạp, khó đoán, có người còn giỏi giả trang hơn.

Nếu không biết làm sao để nhận biết tính cách của một người, cuối cùng rất có thể sẽ bị dối gạt, từ đó chịu thiệt chịu tội. Vậy làm sao để nhìn rõ nhân phẩm của một người? Trên thực tế, chỉ cần nhìn vào 3 thời điểm này là đủ.

1. Khi tức giận

Có người đã nói: “Thái độ của một người khi tức giận thường là phản ứng chân thực nhất của anh ta đối với thế giới này”.

Rõ ràng là khi một người có tâm trạng tốt, thì đối với mọi người đều có thể vui vẻ, hòa nhã. Chỉ khi một người tâm tình kích động hoặc suy sụp, thì bộ mặt chân thật nhất của anh ta mới được bộc lộ.

Tôi có biết một chàng trai như vậy, lúc bình thường dù có làm gì hay nói gì đều luôn khiến mọi người cảm thấy rất thoải mái. Nhưng rồi cuối cùng có một lần, trong bữa tiệc liên hoan ở nhà hàng, chàng trai đã tỏ tình với cô gái mình thích trước mặt nhiều người, nhưng đã bị từ chối.

Lúc đó, anh ta tức giận ném bó hoa trên tay, lớn tiếng chửi bới rồi bước ra ngoài. Vì đi quá nhanh nên đụng vào người phục vụ đang đi tới. Anh ta không những không xin lỗi, mà còn chửi bới người phục vụ, lời nói của anh ta càng khó nghe hơn.

Mãi đến lúc đó, tôi mới cảm thấy mình mới thật sự biết rõ con người thật của anh ta, từ đó tôi dần dần giữ khoảng cách với anh ta.

Nhân phẩm và sự tu dưỡng chân thật của một người được ẩn giấu trong cảm xúc của anh ta. Người có phẩm hạnh tốt sẽ biết kiềm chế cảm xúc của mình, dù dễ xúc động cũng sẽ không giận cá chém thớt những người xung quanh. Chỉ những người ích kỷ và hẹp hòi mới trút giận lên người khác khi họ tức giận.

2. Khi trả lại tiền

Trong bộ phim truyền hình "Tôi là Dư Hoan Thủy” có một tình tiết như vậy: Khi người bạn tốt là Lã Phu Mông gặp khó khăn, Dư Hoan Thủy đã cho người bạn vay 130.000 tệ mà người mẹ đã khuất để lại cho anh.

Nhưng sau đó, khi Dư Hoan Thủy muốn Lã Phu Mông trả tiền cho mình để mua ô tô, đối phương đã tìm mọi cách để tránh mặt anh. Cho dù cuối cùng Dư Hoan Thủy đã đứng trước mặt, Lã Phu Mông vẫn không chịu trả tiền, thậm chí còn nói một câu: “Tiền thì tôi sẽ trả, nhưng còn phải xem tâm trạng của tôi nữa”.

Tác giả Trương Sầm Tích từng nói một câu rằng: “Khi ai đó giúp đỡ bạn và không đòi hỏi bất cứ điều gì, đó là đức độ to lớn của đối phương; nhưng nếu bạn không đáp lại, mà thay vào đó lấy oán báo ân, điều đó cho thấy nhân cách của bạn quá tệ hại”.

Có câu: “Mượn tiền thấy chân tình, trả tiền rõ phẩm hạnh”.

Tiền bạc của mỗi người đều không phải từ trời rơi xuống, việc cho bạn mượn hay không đó không phải là nghĩa vụ của họ, còn người đồng ý cho bạn vay tiền, đó là  vì người ta thật sự tin tưởng và trân trọng bạn, nên họ mới sẵn lòng giúp đỡ bạn.

Trong cuộc sống, loại người thiếu tiền không trả cũng giống như con sói vô ơn trong câu chuyện “Ông Đông Quách và con sói”, chẳng những không biết quý trọng lòng tốt của người khác, mà còn lấy oán báo ân. Nếu gặp phải người như vậy, thì bạn nên tránh xa càng sớm càng tốt, nếu không người thiệt thòi nhất định sẽ là chính bạn.

3. Khi chán nản

Khi con người rơi xuống vực thẳm, họ rất dễ sinh tâm oán hận với thế giới này, hoặc oán trách cuộc đời bất công, hoặc lên án sự đen tối của xã hội, hoặc thậm chí họ thù ghét tất cả những người đang sống tốt.

Tuy nhiên, có người ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời, họ vẫn có thể soi sáng người khác, vẫn có thể đối xử tử tế với người khác,  thiện lương của họ nhất định đã khắc sâu vào xương tủy.

Tôi đã từng đọc câu chuyện này trên mạng: Kinh tế gia đình của một người đàn ông giàu có rơi vào cảnh suy tàn. Ông không chỉ bán hết tài sản của mình, mà hầu như mọi người xung quanh đều rời xa ông.

Khi một mình đang đi trên đường, ông gặp một cậu bé ăn xin đứng trước mặt và ngửa tay xin tiền. Trước tình huống này, người đàn ông giàu có không hề tức giận, mà còn lấy mấy đồng lẻ còn lại trong túi ra đưa hết cho cậu bé ăn xin. Ông cũng nhẹ nhàng khuyên bảo cậu bé ăn xin hãy về nhà sớm.

Lỗ Dự nói: “Muốn biết tu dưỡng của một người hãy xem thiện lương của họ khi đang bế tắc, chán nản”.

Tu dưỡng chân chính là thứ đã bám rễ sâu trong tâm, là phẩm hạnh được hình thành từng chút một theo thời gian, là thứ không thể giả mạo được. Cũng giống như người đàn ông giàu có trong truyện, dù cuộc đời đầy rẫy những tổn thương, nhưng ông vẫn sẵn sàng cho người khác một chút ánh sáng.

Những lúc thất bại là thời điểm có thể nhìn rõ bộ mặt chân thật nhất của một người. Những người có phẩm hạnh tốt vẫn sẽ đối xử tử tế với thế giới ngay cả khi họ đang rơi xuống đáy vực. Bởi vì trong lòng họ có lòng yêu thương, nên họ cũng tràn đầy tình yêu đối với thế giới.

Triết gia Francis Bacon từng nói: "Việc đánh giá một con người không nên dựa trên sự giàu có, địa vị hay học vấn cao thấp của anh ta, mà là phải xem phẩm đức chân thật của anh ta”.

Nhân phẩm là tấm danh thiếp của một người, cũng là nền tảng đứng vững trong xã hội của một người.

Trong cuộc sống, kết giao với người cần phải nhìn thấu phẩm hạnh của anh ta, từ đó tránh xa những người có nhân cách thấp kém và gần gũi với những người có nhân cách tốt đẹp. Chỉ bằng cách này, cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng và thoải mái hơn.

Theo Aboluowang
Thiện Quân  biên dịch

Đọc tiếp