Bạn có hiểu giang hồ nghĩa khí trong Thuỷ Hử?

Những ai đã từng đọc tiểu thuyết chương hồi Thủy Hử viết bằng bạch thoại của Thi Nại Am, chắc chắn không còn xa lạ với giang hồ nghĩa khí. Một trăm lẻ tám vị hảo hán có thể tụ họp tại Lương Sơn Bạc chính là nhờ vào giang hồ nghĩa khí: hào sảng hiệp nghĩa, chẳng tiếc tiền của giúp đỡ người khác, vì bạn bè sẵn sàng xả thân, dám làm dám chịu.
Tuy nhiên, khác với những người từ nhỏ đã luyện võ, mang chí hướng hành hiệp trượng nghĩa trên giang hồ, họ còn cướp của người giàu chia cho người nghèo, bênh vực kẻ yếu, trừng trị những kẻ xấu xa trong võ lâm.
Tinh thần nghĩa hiệp giang hồ trong Thủy Hử có những hạn chế rất lớn và mang tính vụ lợi. Phần lớn bọn họ đều bị ép lên Lương Sơn, trong thâm tâm vẫn không muốn sống cuộc đời giang hồ, mà mong muốn được làm quan trong triều đình, cố gắng đạt được chức vị tốt, lấy vợ sinh con, vinh danh dòng tộc. Lâm Xung là giáo đầu 80 vạn cấm quân, khi đối mặt với việc Cao Cầu sỉ nhục vợ mình, vẫn còn nhiều băn khoăn, không dám đắc tội với Cao Cầu, bị hãm hại vào ngục, vẫn mong có ngày được minh oan, được hoàng đế trọng dụng. Cuối cùng, sau khi bị đốt cháy trại cỏ, nhận ra âm mưu muốn giết mình của Cao Cầu, Lâm Xung bất đắc dĩ phải lên Lương Sơn, trở thành thảo khấu.
Trong tiểu thuyết Thủy Hử, nhân vật nổi bật nhất là Võ Tòng. Thi Nại Am đã dành nhiều bút mực để miêu tả nhân vật này một cách chi tiết và kỹ lưỡng.
Võ Tòng vì đánh chết người nên phải lưu lạc tha phương. Sau này, vì nhớ người anh trai Võ Đại Lang nên chàng muốn trở về quê nhà. Trên đường đi, chàng đã đánh chết con hổ dữ ở Cảnh Dương Cương, được quan huyện trọng dụng và bổ nhiệm làm Đô đầu bộ binh. Võ Tòng rất cảm kích trước sự tin tưởng và đề bạt của quan huyện, chàng muốn làm việc thật tốt để có một tương lai tươi sáng.
Nào ngờ đâu, Võ Tòng phát hiện ra chị dâu Phan Kim Liên dan díu với Tây Môn Khánh, hãm hại anh trai mình. Trong cơn phẫn nộ, Võ Tòng đã giết chết cả hai, rồi vướng vào vòng lao lý. May nhờ quan huyện ra sức dàn xếp, chàng chỉ bị kết án đi đày.
Tại nhà tù Thương Châu, Hà Bắc, để báo đáp ân huệ của Thi Ân, Võ Tòng giả say đánh Tưởng Môn Thần, giúp Thi Ân giành lại khu rừng Khoái Hoạt. Khi được Đô giám đề bạt, tin tưởng và trọng dụng, Võ Tòng rất cảm kích, chỉ muốn làm tốt công việc của mình để báo đáp ân tình. Nào ngờ, chàng lại một lần nữa trúng kế bị kết án đày ải.
Bất đắc dĩ, Võ Tòng đại náo Phi Vân Phố, đêm đó quay trở lại nhà Đô giám, tại lầu Uyên Ương giết chết Tưởng Môn Thần, Đô giám cùng gia quyến và đám gia nhân. Vì không muốn liên lụy người khác, Võ Tòng dùng máu viết lên tường tám chữ lớn "Giết người là Võ Tòng đánh hổ", rồi bước chân lên con đường lưu vong giang hồ.
Cuối cùng, sau khi 108 anh hùng Lương Sơn Bạc tụ họp, nội bộ bọn họ chỉ lo ăn thịt uống rượu, đối ngoại thì cướp của nhà giàu, cướp bóc thương nhân qua đường để tích trữ lương thực, dùng vũ lực đánh bại quan binh đến tiễu trừ, bảo vệ nơi ẩn náu của mình. Vì vậy, tuy rằng họ tụ tập vì nghĩa khí giang hồ, vì bị quan bức ép, nhưng trong thâm tâm vẫn cầu danh lợi, không hề dùng sở trường của mình để mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho bách tính một phương. Bởi vậy, kết cục của họ đã được định sẵn là bi thảm.
Trên mạng có một câu chuyện luân hồi mang tên "Tiền kiếp tai tinh khởi, mệnh trung quý nhân lai", kể về một vị giang hồ hành hiệp trượng nghĩa.
Kiếp đó tác giả là tiểu thư con nhà giàu ở Dương Châu thời Trung Đường, cha nàng bị một thầy tướng chặn lại, nói rằng trên mặt ông có sát khí, ứng vào con gái trong nhà, trong vòng nửa năm sẽ có tai tinh giáng xuống, tính mạng nguy kịch. Cuối cùng cha nàng tìm được cách hóa giải: trong vòng một tháng phải tìm được một người họ Đồng, người đó bằng lòng ra tay giúp đỡ mới có thể tránh được kiếp nạn này. Ngày thứ 28, cha nàng tìm được chàng trai họ Đồng này. Hóa ra anh ta là một vị hiệp khách võ nghệ cao cường, dưới sự giúp đỡ của anh ta, phải mất hơn một năm mới bắt được ba tên dâm tặc, đều là bại hoại trong võ lâm, đã gây án ba lần. Từ đó về sau, vị phú thương này kinh doanh khắp cả nước, cung cấp nơi ăn chốn ở và tiền bạc cho những người trong võ lâm trừ bạo an dân, còn con gái ông cũng được bình an suốt đời.
Đây mới chính là đạo nghĩa chân chính, là nghĩa khí giang hồ không màng danh lợi, mục đích hành tẩu giang hồ chính là: trừ bạo an dân, hành hiệp trượng nghĩa.
So sánh với nghĩa khí giang hồ thời xưa, nhìn lại Trung Quốc đại lục ngày nay, rất nhiều người cũng luyện võ, bỏ ra rất nhiều tiền bái sư học nghệ khắp nơi, mục đích là gì? Làm vệ sĩ cho kẻ giàu có nào đó để kiếm tiền, cũng chẳng cần biết kẻ giàu đó có phải là kẻ bất nhân hay không. Nếu đối phương trả tiền, có khi giết người họ cũng sẵn sàng làm. Những người như vậy không thể nào dính dáng đến chữ "nghĩa"!
Người Trung Quốc ngày nay, không thấy một chút bóng dáng nào của văn hóa truyền thống, giữa người với người cũng thiếu đi nghĩa khí giang hồ, càng là người quen người thân thì càng bị lừa gạt sâu sắc, ngay cả sự tin tưởng cơ bản nhất cũng không còn. Vì danh lợi tiền tài, không từ thủ đoạn nào, thực phẩm bẩn, cờ bạc, mại dâm, ma túy tràn lan, cười người nghèo chứ không cười người điếm, chạy chọt cửa sau, dựa vào quan hệ, tham ô hối lộ đã trở thành phương thức sinh tồn cơ bản nhất của con người, kẻ có tiền, có quyền coi việc bao nuôi nhân tình là biểu tượng của thân phận và năng lực, tiền tài quyền lực trở thành tiêu chuẩn đánh giá năng lực của một người. Những điều như hành hiệp trượng nghĩa, trừ bạo an dân, vì bạn bè xả thân quên mình đều trở thành trò cười, ai làm vậy chính là kẻ ngốc.
Tại sao Trung Quốc ngày nay lại trở nên như vậy? Nếu mọi người có thể tiếp xúc nhiều hơn, và quay trở về với nền văn hóa truyền thống Trung Hoa thuần thiện thuần mỹ 5000 năm, thiện niệm và lương tri trong tâm sẽ được thức tỉnh, hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, khi đó mới có tương lai thực sự tươi đẹp.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt