Bí quyết sống: Tâm đơn giản một chút, làm người giả ngốc một chút
“Thay vì trở thành một người thông minh ngu ngốc, bạn nên trở thành một kẻ ngốc thông minh” - Shakespeare.
Có người nói rằng, thông minh là bẩm sinh, thiện lương là sự lựa chọn, giả ngu là bản lĩnh. Tôi đồng ý sâu sắc với câu nói này.
Người sống ở đời, học biết giả ngốc một cách thích hợp, điều đó há chẳng phải là một dạng hạnh phúc sao?
1. Không nói thẳng, không có nghĩa không nhìn thấu
Trước đây, tôi luôn thích nói về quan điểm, đánh giá của mình về một người nào đó, và viết những cảm xúc của mình lên trên mặt.
Sau bao năm tháng thăng trầm, trải qua biết bao chuyện thị phi, sau khi tận mắt chứng kiến biết bao ấm lạnh trong mối quan hệ giữa người với người, cuối cùng tôi cũng hiểu rằng im lặng kỳ thực cũng là một loại trí tuệ.
Khó chịu một người, không cần phải viết lên gương mặt; chán ghét một người, không cần phải nói ra miệng.
Ba năm trước, tôi có một cô bạn tên Huệ tự mình khởi nghiệp và đã mở một chuỗi nhà hàng. Không ngờ năm sau gặp phải dịch bệnh, 5 nhà hàng của cô phải lần lượt đóng cửa.
Bạn tôi không chỉ mất hết toàn bộ số tiền kiếm được trong vài năm qua, mà còn nợ nhà cung cấp hơn 800 triệu, cộng thêm tiền mặt bằng và nhiều chi phí khác, tính ra số tiền cũng hơn cả tỷ đồng.
Khi đó, nhiều người tưởng chừng như bạn bè thân thiết ngày thường lại tránh cô như tránh tà, đơn giản cũng vì họ sợ cô hỏi vay tiền.
Huệ buộc lòng phải bán đi căn nhà ở Sài Gòn, trả hết các khoản nợ và dần dần thoát khỏi cảnh khó khăn. Những người chẳng hề đưa ra sự giúp đỡ nào ngay khi cô gặp khó khăn lại lần lượt tìm đến.
Tôi hỏi Huệ rằng: "Những người kia, rõ ràng khi cậu sa cơ lỡ vận đã không có lấy một chút quan tâm, chia sẻ hay giúp đỡ gì, sao cậu không nghỉ chơi với họ luôn đi?”.
Huệ trả lời rằng: “Có rất nhiều chuyện trong lòng mình biết rõ là được rồi, từ giờ tớ sẽ không coi họ như bạn bè trong lúc hoạn nạn nữa, nhưng cũng không cần phải biến họ thành kẻ thù, làm thế chỉ khiến mọi chuyện rối tung lên chứ chẳng hay ho gì”.
Lúc nhỏ, tôi thật không hiểu tại sao người lớn phải mặt mày vui vẻ, lịch sự tử tế với tất cả mọi người. Dù là những người mà mình không thích lắm, nhưng họ vẫn có thể giao tiếp lịch sự và tươi cười với đối phương.
Sau này tôi nhận ra rằng đây là dấu hiệu trưởng thành thật sự của nội tâm, kỳ thực ai đang đối xử tốt với bạn và ai đang đạo đức giả, trong lòng mỗi người đều biết rất rõ. Ai đối tốt với bạn, thì bạn hãy trân trọng người đó gấp bội; ai không đủ chân thành, thì bạn hãy xem đó như những người quen ở mức bình thường.
Trong thế giới của người trưởng thành, không nhất thiết phải nói toạc ra mọi chuyện. Rất nhiều lúc, bạn nên học cách nhìn thấu mà không cần phải nói toạc ra.
Có triết gia từng nói rằng, sự im lặng là một loại triết học trong cách ứng xử; khi bạn vận dụng một cách linh hoạt, nó lại là một nghệ thuật.
Có những người chỉ cần nhìn thấu, chứ không cần phải nói ra; có những việc chỉ cần nhìn thấu, chứ không cần phải vạch trần.
Ai tốt ai xấu, ai thật ai giả, trong lòng hiểu rõ là được, không nhất thiết phải nói ra.
2. Không tranh cãi, không có nghĩa là bạn thực sự ngu ngốc
Có một câu chuyện như vậy:
Có một nhà tu hành đức cao vọng trọng, ông thường chỉ điểm con đường lầm lạc cho mọi người, nên rất được mọi người yêu mến.
Nhưng có một người lại rất ghét nhà tu hành này. Ông ta tìm đến nhà tu hành và lăng mạ ông một trận bằng những lời lẽ thậm tệ. Những người xung quanh đều cảm thấy rất tức giận, nhưng nhà tu hành chỉ im lặng lắng nghe mà không một chút tức giận, cũng không đáp lại người đó một lời.
Đợi khi anh ta mắng chửi chán chê rồi, nhà tu hành điềm tĩnh hỏi anh ta rằng: “Nếu anh nhất quyết muốn cho người ta một món đồ, nhưng họ không muốn nhận, vậy thì món đồ đó thuộc về ai? ".
Người đàn ông trả lời không chút do dự: "Tất nhiên món đồ đó vẫn là của tôi”.
Nhà tu hành nói tiếp: "Vậy những lời mà ông vừa mắng tôi đó, nếu tôi cũng không tiếp nhận, thì những lời đó có phải của tôi không?”.
Người đàn ông xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, vội vàng bỏ đi.
Khi bạn gặp phải những người không nói lý lẽ, không tranh cãi cũng là một lựa chọn khôn ngoan. Không tranh cãi, không dính mắc, mới là câu trả lời khôn ngoan nhất.
Có câu tục ngữ như vậy: “Có con chó cắn bạn một phát, nếu bạn cũng cắn lại nó một phát, chỉ khiến miệng bạn dính đầy lông lá mà thôi”.
Tranh luận với những người không cần thiết, dù cho bạn thắng, thì cũng chỉ đang lãng phí thời gian của mình; còn như bạn thua, trong tâm thể nào cũng bực bội khó chịu.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta sẽ gặp phải những người và những sự việc không mấy tốt đẹp. Thay vì dành sức lực cho những người, những việc không xứng đáng đó, tốt hơn hết chúng ta lờ chúng đi, tìm kiếm một phần tự tại và thoải mái trong tâm.
Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, dù bạn có tốt đến đâu thì cũng sẽ có một số người không hài lòng với bạn; vậy nên bớt tranh cãi, bớt hơn thua mới là cách sống khôn ngoan nhất. Chính như câu nói: “Sở dĩ người ta hạnh phúc không phải vì có được nhiều, mà vì họ bớt hơn thua”.
3. Biết giả ngốc, không có nghĩa là bạn thật sự ngốc
Trong “Hồng Lâu Mộng”, già Lưu là một nhân vật rất được mọi người yêu mến, tuy là một nhân vật nhỏ sống cảnh nghèo nàn túng thiếu, nhưng bà lại rất sáng suốt.
Có lần, Vương Hy Phượng cùng a hoàn là Uyên Ương vì để chọc cho Giả mẫu vui, đã cầm cả khay hoa cắm ngang cắm dọc, cắm loạn xạ lên đầu già Lưu.
Nhìn thấy khung cảnh hài hước này, Giả mẫu và mọi người đều không nhịn được cười.
Đối với một người già tuổi đã ngoài 60 mà nói, trên đầu cắm toàn là hoa, điều này có phần không nghiêm túc.
Nhưng già Lưu lại cười nói: “Không biết cái đầu tôi đã tu hành được phúc đức thế nào mà giờ đẹp đẽ như vậy”.
Mọi người cười nói: “Sao bà không rút hoa ném vào mặt nó, để nó cắm loạn xạ lên đầu bà như con ma già ấy”.
Già Lưu cười nói: “Tôi tuy già, nhưng thời trẻ cũng có vẻ phong lưu, cũng thích hoa thích phấn, nay hãy để cho bà già này làm đỏm một tý!”.
Sau đó Uyên Ương đã tìm đến gặp già Lưu để xin lỗi, nhưng già Lưu chỉ cười nói: “Chúng ta cùng khiến cho cụ vui, điều này có sá chi đâu! Quan trọng là thấy mọi người vui, thì già này cũng thấy vui lây!”.
Già Lưu có thật sự ngu ngốc không?
Đương nhiên là KHÔNG.
Kỳ thực, trong lòng bà rõ ràng và sáng suốt hơn ai hết.
Mục đích bà đến nhà họ Giả vốn là để kéo gần mối quan hệ, mong nhận được ít nhiều sự giúp đỡ. Cuối cùng, già Lưu cũng đã đạt được tâm nguyện và nhận được vật chất, tiền bạc từ nhà họ Giả, khiến gia đình bà không còn phải lo lắng về vấn đề sinh kế và chuyện cơm áo gạo tiền nữa.
Già Lưu đã dùng lời nói và hành động nhẹ nhàng, hài hước, không chỉ giải quyết bầu không khí ngượng ngùng, mà cũng là an ủi lòng mình, đồng thời đạt được mục đích của mình, vậy sao lại không vui vẻ mà làm?.
Trong cuộc sống, những điều không như ý thật sự quá nhiều. Đôi khi, chúng ta sống quá mệt mỏi không phải vì cuộc sống quá khắc nghiệt, mà vì quá bận tâm đến lời nói và cách nhìn của người khác.
Khi bị đối xử bất công, càng nghĩ càng khiến ta tức giận hơn. Khi gặp phải chuyện không vui, thì càng nói càng khiến ta thêm buồn.
Đôi lúc, chúng ta sống quá ganh đua, quá tỉnh táo, ngược lại cũng khiến chúng ta mất đi niềm vui và hạnh phúc.
Khi đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ nhận thấy rằng, làm người kỳ thực không cần quá thông minh; đôi khi, hồ đồ cũng là một loại hạnh phúc.
Đôi khi ta lựa chọn hồ đồ, không phải vì hèn nhát, cũng không phải vì ta thực sự ngốc, mà là vì có một số điều ta phải biết rẽ theo hướng khác, mỉm cười xem nhẹ, như vậy thân tâm ta sẽ bớt mệt mỏi hơn.
Thực tế, trong cuộc sống có quá nhiều sự phiền nhiễu, thật thật giả giả, tốt hơn hết là chúng ta đừng quá bận tâm về chúng.
Đôi lúc, tâm trí đơn giản hơn một chút, làm người hãy giả ngốc một chút.
Có câu nói rất hay như vậy, rằng: Không ai là kẻ ngốc cả, chỉ là đôi khi chúng ta chọn cách giả ngốc vì để cảm nhận được cái thứ gọi là hạnh phúc mà thôi.
Theo IFeng.com
Thiện Quân biên dịch