Biệt danh thanh tao của trà và trí tuệ người xưa

Biệt danh thanh tao của trà và trí tuệ người xưa
Biệt danh thanh tao của trà và trí tuệ người xưa. (Ảnh: Pixabay)

Trong lịch sử, mối quan hệ giữa văn nhân, sĩ đại phu với trà đã có từ rất lâu đời. Trà không chỉ là thức uống trong cuộc sống hàng ngày của họ, mà còn là phương tiện quan trọng để giao lưu văn hóa và gửi gắm tinh thần.

Lịch sử Trung Quốc đã chứng kiến trà phát triển qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là vào thời Tống, khi niềm yêu thích trà của giới văn nhân sĩ đại phu đạt đến đỉnh cao. Có lẽ chính vị đắng mà lại thơm ngon tự nhiên của trà đã mang đến những triết lý và thiền vị, nên trong lịch sử trà đã được gán cho nhiều biệt danh thanh tao.

Ngoài ra, giới văn nhân sĩ đại phu còn hình thành một quan niệm thẩm mỹ độc đáo về trà. Thông qua các hoạt động như hội trà, đấu trà, họ đã thúc đẩy sự phát triển của văn hóa trà. Những hoạt động này không chỉ đơn thuần là thưởng thức trà, mà còn là nơi để văn nhân trao đổi tư tưởng, thể hiện tài năng, thể hiện sự theo đuổi cuộc sống và tình yêu nghệ thuật của họ.

Cam lộ

Trong kinh dịch có câu: "Nhất âu cam lộ cánh trì danh, kháp nhị canh, mộng đoạn tửu sơ tỉnh." (Trung Lữ. -Hỉ Xuân Lai) - Một chén trà ngon càng thêm nổi tiếng, đúng lúc canh hai, giấc mộng tan khi rượu vừa tỉnh. Cam lộ trong câu này không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, mà chính là trà mà chúng ta thường uống, ngụ ý đặc tính bổ dưỡng tâm hồn của trà.

Thời Nam Bắc triều, Lưu Tống Dự Chương vương Lưu Tử Thượng đến thăm đạo sĩ Đàm Tế ở núi Bát Công. Đạo sĩ dùng trà để tiếp đãi Lưu Tử Thượng, Tử Thượng thưởng thức và nói: "Đây là cam lộ, sao lại gọi là trà?"

Ngày nay, chúng ta không thể biết được loại trà mà Lưu Tử Thượng gọi là cam lộ có hương vị như thế nào, nhưng những người thường xuyên uống trà chắc chắn biết rằng, có những loại trà ngon, lúc đầu uống vào tuy đắng, nhưng sau đó sẽ có vị ngọt hậu, khiến người ta nhớ mãi không quên. Nói như vậy, việc ví trà như cam lộ từ trên trời rơi xuống quả là đúng.

Tiên Chưởng (Bàn tay tiên)

Tiên Chưởng được dùng làm biệt hiệu tao nhã cho trà bắt nguồn từ một bài thơ của thi tiên Lý Bạch:

Đáp tộc chất tăng Trung Phu tặng Ngọc Tuyền Tiên Chưởng trà

Thường nghe Ngọc Tuyền sơn,
Sơn động đa nhũ quật.
Tiên thử như bạch nha,
Đảo huyền thanh khê nguyệt.
Mính sinh thử trung thạch,
Ngọc tuyền lưu bất hiết.
Căn kha sái phương tân,
Thái phục nhuận cơ cốt.
Tùng lão quyển lục diệp,
Chi chi tương tiếp liên.
Bộc thành Tiên Nhân chưởng,
Tự phách Hồng Nhai kiên.
Cử thế vị kiến chi,
Kỳ danh định thuỳ truyền.
Tông anh nãi thiền bá,
Đầu tặng hữu giai thiên.
Thanh kính chúc vô diêm,
Cố tàm Tây Thi nghiên.
Triều toạ hữu dư hứng,
Trường ngâm bá chư thiên.

Lý Bạch đã miêu tả loại trà này có hình dáng giống như bàn tay, cây trà mọc rễ trong đá, được nuôi dưỡng bởi dòng suối, cành lá nối liền nhau. Ngay cả thi tiên cũng phải cảm thán đây là loại trà ngon hiếm thấy từ xưa đến nay. Từ đó, Tiên Chưởng trở thành biệt hiệu tao nhã của trà và được lưu truyền rộng rãi.

"Nhàn dữ cố nhân trì thượng ngữ,
Trích tương Tiên Chưởng thí thanh tuyền."

(Minh. Viên Hoành Đạo - Ngọc Tuyền tự)

"Định từ thân bổng cánh doanh doanh,
Tiên Chưởng sơ khuynh"

(Thanh. Đổng Dĩ Ninh - Họa đường xuân)

"Khát giải tự thường Tiên Chưởng lộ,
Hồn thanh như cận ngọc hồ băng.
Thuỳ tri thử tế siêu nhiên xứ,
Bất giảm Lư Sơn nhập định tăng?"

(Tống. Lục Du - Dạ toạ trung đình lương thậm)

Người Trung Quốc yêu thích uống trà, không chỉ đơn thuần vì hương vị của nó, mà còn bởi những công dụng tuyệt vời mà trà mang lại. Đông y cho rằng uống trà có tác dụng lợi tiểu, bổ gan, thanh nhiệt, tỉnh táo, giảm đau, hạ hỏa, tiêu trừ mệt mỏi và tăng cường hoạt động tư duy. Y học hiện đại cũng phát hiện ra rằng trà chứa nhiều loại vitamin và axit amin, có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong sách "Đường Quốc Sử Bổ" có ghi chép rằng: Thường Lỗ Công đi sứ Tây Tạng, pha trà trong lều. Vua Tây Tạng hỏi: "Đây là thứ gì?". Thường Lỗ Công đáp: "Thứ này có thể rửa sạch phiền muộn và giải khát, gọi là trà". Từ đó về sau, người ta cũng gọi trà là Tẩy Phiền Tử. Có câu thơ rằng: "Vò đỉnh kỷ tư kim chưởng lộ, tẩy phiền thuỳ tá ngọc hồ băng" (Tiền Duy Diễn - Dạ Ý). Người xưa uống trà để giải tỏa ưu phiền, tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn.

Sách Bác Vật Chí có viết: Uống trà thật khiến người ta ít ngủ. Uống trà vào ban đêm khiến con người hưng phấn, khó đi vào giấc ngủ. "Chiêm nha cựu tính dư cam thị, phá thụy tu phong bất dạ hầu" (Tống - Hồ Kiều - Phi Long Giản Ẩm Trà). Trà được yêu thích bởi công dụng giúp tỉnh táo, minh mẫn, nên người xưa còn gọi trà là Bất Dạ Hầu.

Gió sinh ra từ nách

Cụm từ này bắt nguồn từ câu thơ của Lư Đồng, một nhà thơ đời Đường, trong bài thơ "Tẩu bút tạ Mạnh gián nghị ký tân trà" - Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh - Chỉ cảm thấy hai bên nách gió mát khẽ khẽ sinh ra.

Câu thơ này miêu tả cảm giác sảng khoái, thư thái sau khi uống trà, như có làn gió mát thổi ra từ hai bên nách. Phong sinh dịch sau này được dùng để chỉ cảm giác khoan khoái, nhẹ nhõm, lâng lâng như có gió mát thổi qua người khi uống trà ngon.

Ngoài ra, phong sinh dịch cũng được dùng như một biệt danh của trà, xuất phát từ chính câu thơ trên của Lư Đồng.

Lục Du - Nhật cao ngủ dậy

Nhật cao mộng đẹp ngủ say sưa,
Tiếng quân sút bóng bỗng la đà.
Kẻ truyền tin bảo thư quan gián nghị,
Lụa trắng phong xiên ấn ba vòng.

Mở thư như thấy mặt quan ngay,
Tay xem từng miếng bánh tròn đầy.
Nghe nói đầu năm vào núi ấy,
Côn trùng bừng tỉnh gió xuân lay.

Vua ngự nên nếm trà Dương Tiễn,
Trăm cỏ chẳng dám nở hoa nay.
Ơn vua thầm kết chuỗi châu báu,
Chớm xuân nhú búp mạ vàng hoe.

Hái tươi sao kỹ gói ghém liền,
Tinh hoa mỹ vị chẳng hề phô.
Của ngon vua ban dành vương giả,
Cớ sao lại đến chốn sơn gia?

Cửa liếp then cài khách tục không,
Khăn the trùm đầu tự pha xong.
Mây biếc theo gió bay không dứt,
Bông trắng nổi trên mặt bát trong.

Một chén làm cổ họng ngọt thanh,
Hai chén tan hết nỗi ưu phiền.
Ba chén ruột gan như cạn sạch,
Chỉ còn năm ngàn quyển sách in.
Bốn chén mồ hôi nhẹ toát ra,
Chuyện đời bất bình đều tan cả.

Năm chén gân cốt thấy trong lành,
Sáu chén thông suốt tới thần linh.
Bảy chén thì không thể uống thêm,
Chỉ thấy hai nách gió mát lanh.
Núi Bồng Lai, ở nơi chốn nào?
Ngọc Xuyên Tử, theo gió muốn bay vào.

Trên núi tiên nhân coi sóc hạ giới,
Địa vị cao sang chẳng ngại mưa rơi.
Sao biết được trăm triệu sinh linh nhỏ,
Rơi nơi vực thẳm chịu khổ đau thôi.
Xin hỏi quan gián nghị thay muôn dân,
Đến cuối cùng có được nghỉ ngơi?

Bài thơ miêu tả trạng thái khi uống trà của nhà thơ một cách tinh tế và sống động. Từ việc làm ẩm cổ họng, xua tan cô đơn, gột rửa phiền muộn đến thanh lọc tâm hồn, từng tầng từng lớp nâng cao, giống như thế giới tinh thần của một vị tu sĩ đang ngồi thiền nhập định. Khi uống đến chén thứ sáu, thậm chí cảm thấy hai bên nách sinh gió, lâng lâng như muốn bay lên tiên.

"Nấu lên thoang thoảng gió sinh nách, tựa như đứng trên đỉnh La Phù." (Tống. Trần Hoán - Hoàng Long động khẩu đạo nhân tặng trà cập quỳnh trúc trượng), "Ngắm nhìn ngài uống xong gió sinh nách, bay đến Bồng Lai cùng nhật nguyệt trường." (Tống. Hồ Dần - Hoàng Thối sinh nhật tặng trà thọ chi) Cách gọi tao nhã như vậy, hàm ý sâu xa, cũng không thua kém cái tên tiên chưởng, chẳng trách hậu thế văn nhân lại thích gọi trà là "gió sinh nách".

Lạc nô

Là một biệt danh của trà trong lịch sử. Khác với đa số các biệt danh khác mang ý nghĩa ca ngợi, lạc nô lại hàm chứa ý nghĩa tiêu cực.

Vào thời Nam Bắc triều, Vương Hoạn nhà Nam Tề bị tội tru di tam tộc, chỉ có con trai là Vương Túc trốn thoát được đến Bắc Ngụy. Những năm đầu ở phương Bắc, Vương Túc vẫn giữ thói quen ăn uống của người miền Nam. Tầng lớp quý tộc thống trị người Tiên Ti Thác Bạt vẫn lấy thịt dê và sữa dê làm thức ăn chính, thường chế giễu người Hán đến từ phương Nam vì hay ăn những món ít năng lượng như canh rau câu, cua, củ sen, ếch, rùa và cả trà.

Tất nhiên, về việc sữa dê ngon hay trà ngon hơn, nhiều văn nhân đã bày tỏ quan điểm riêng của mình. Như câu "Bình sinh lạc nô báng, mạch mạch khí vị thân" (Tống - Trần Dữ Nghĩa - Bồi chư công đăng Nam lâu) hay "Cam tuyền hương mính thắng đề hồ, bất tín tiền nhân hoán lạc nô" (Thanh - Phương Văn - Đề Lưu Tử Lương sơn nhân phẩm tuyền đồ). Điều thú vị là, sau khi trà được truyền bá sang châu Âu, giới quý tộc Pháp thời bấy giờ đã sáng tạo ra cách uống trà sữa, sự kết hợp văn hóa ẩm thực Đông Tây này thật kỳ diệu.

Trà còn có rất nhiều biệt danh khác như thủy ách; thanh hữu; long đoàn; vân du; tùng phong; nhũ hoa; khổ khẩu sư... Mỗi biệt danh đều gắn liền với một câu chuyện riêng. Khi chúng ta mệt mỏi với cuộc sống xô bồ, chi bằng hãy học tập người xưa, rủ bạn bè cùng nhau thưởng trà, trò chuyện về đủ thứ trên đời, thật là một điều thú vị!


Theo Secrechina
Minh Nguyệt