Các công ty cân nhắc di dời nhân viên Đài Loan khỏi Trung Quốc sau mối đe dọa án tử hình

Các công ty cân nhắc di dời nhân viên Đài Loan khỏi Trung Quốc sau mối đe dọa án tử hình
Các công ty cân nhắc di dời nhân viên Đài Loan khỏi Trung Quốc sau mối đe dọa án tử hình.(Ảnh công cộng)

Asia One ngày 5/7 đưa tin, một số công ty nước ngoài đang cân nhắc việc di dời nhân viên người Đài Loan khỏi Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với những "kẻ cứng đầu" ly khai Đài Loan.

Thông tin này được tiết lộ bởi bốn nguồn tin thân cận, bao gồm một luật sư và hai giám đốc điều hành có kiến thức trực tiếp về các cuộc thảo luận.

Theo những nguồn tin này, các quy định mới của Trung Quốc khiến một số người Đài Loan đang cư trú và các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải lo lắng về rủi ro pháp lý và sự an toàn của họ.

Trước quy định mới của Trung Quốc nhiều doanh nghiệp cân nhắc việc đưa nhân viên là người Đài Loan khỏi Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Luật sư James Zimmerman, đối tác tại công ty luật Perkins Coie có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: "Nhiều công ty đã đến gặp chúng tôi để đánh giá rủi ro cho nhân viên của họ." Ông từ chối tiết lộ tên các công ty hoặc ngành nghề vì lý do bảo mật.

Zimmerman nói thêm: "Các công ty vẫn lo ngại về những vùng xám pháp lý, chẳng hạn như liệu một bài đăng vô hại trên mạng xã hội hoặc việc bỏ phiếu cho một đảng phái chính trị hoặc ứng cử viên cụ thể trong các cuộc bầu cử ở Đài Loan có thể bị coi là hoạt động ủng hộ độc lập hay không."

Reuters trước đây cũng đã từng tham khảo ý kiến ​​của Công ty luật Perkins Coie về những vấn đề không liên quan ở Trung Quốc.

Theo khảo sát gần đây nhất của chính phủ Đài Loan, tính đến năm 2022, có khoảng 177.000 người Đài Loan đang làm việc tại Trung Quốc. Nhân viên Đài Loan được nhiều công ty đa quốc gia tại Trung Quốc tuyển dụng vì họ có khả năng ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa của đất nước này.

Có rất nhiều các công ty Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc và theo ước tính của chính phủ Đài Loan nguồn đầu tư của họ vào Trung Quốc đã đạt hơn 200 tỷ đô la kể từ năm 1991. Khoản đầu tư này được cho là đóng góp vào sự tăng trưởng của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các giám đốc điều hành của một số công ty và tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp với nhân viên về vấn đề an toàn. Có nhiều nguồn tin cho hay, một số lao động Đài Loan tại Trung Quốc đã nhận được và chấp nhận lựa chọn rời khỏi đất nước này.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ của mình. Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cũng liên tục bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Ông Lại Thanh Đức nói rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ, và lên án các quy định mới của Trung Quốc.

Bên cạnh quy định mới về việc có thể áp dụng mức án tử hình đối với những người theo chủ nghĩa ly khai đòi độc lập cho Đài Loan, hướng dẫn tư pháp mới ngày 21 tháng 6 của Trung Quốc cũng coi hành vi thúc đẩy Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế có điều kiện là quốc gia, hoặc "các hành vi khác nhằm mục đích tách Đài Loan khỏi Trung Quốc" là hành vi phạm pháp.

Quy định mới này cũng nêu rõ, trong số "những kẻ cầm đầu hoặc những kẻ phạm tội nghiêm trọng", "nếu gây hại cho đất nước và nhân dân đặc biệt nghiêm trọng và hoàn cảnh đặc biệt tồi tệ, họ có thể bị kết án tử hình".

Cách tiếp cận gây lo ngại

Khi được yêu cầu bình luận về phản ứng của các công ty và nhân viên Đài Loan đối với các hướng dẫn này, Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời Reuters trong một tuyên bố: "Sử dụng các biện pháp luật hình sự để trừng phạt các phần tử ly khai tội phạm và bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước là thông lệ chung của tất cả các quốc gia”.

Bộ này cho biết: "Cần phải nhấn mạnh rằng văn bản lập pháp có liên quan nhắm vào nhóm thiểu số cực đoan ủng hộ 'độc lập cho Đài Loan' và các hoạt động ly khai của họ, chứ không liên quan đến đại đa số người dân Đài Loan".

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốct uần trước, họ cho biết phần lớn người Đài Loan không có gì phải lo lắng và có thể đến làm việc "với tinh thần phấn chấn".

Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan, đơn vị giám sát quan hệ với Bắc Kinh, đã nói với Reuters trong một tuyên bố: "Chính phủ nhắc nhở các doanh nhân Đài Loan và nhân viên Đài Loan tại Trung Quốc đại lục rằng họ phải chú ý nhiều hơn đến sự an toàn cá nhân của mình ngay bây giờ. Rủi ro thực sự đang gia tăng.”

Tuần trước, hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan đã kêu gọi người dân Đài Loan tránh mọi chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao do các quy định mới.

Có tám sĩ quan quân đội và cảnh sát Đài Loan nghỉ hưu đã bị giam giữ tại Trung Quốc trong năm ngoái. Năm ngoái, hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan đã cảnh báo rằng các học giả Đài Loan bị giam giữ và thẩm vấn khi nhập cảnh vào Trung Quốc, ngay cả khi họ tham gia các chương trình trao đổi chính thức.

Theo Asia One
Bảo Thư biên dịch