Các tuyệt tác của Giotto: Bức họa 7 đức hạnh và 7 tội lỗi

Các tuyệt tác của Giotto: Bức họa 7 đức hạnh và 7 tội lỗi
Bên trong Nhà nguyện Scrovegni với những bức bích họa thế kỷ 14 của Giotto. (Ảnh: Public Domain)

Cùng thưởng thức và trải nghiệm hành trình trưởng dưỡng tâm hồn tại Nguyện đường Scrovegni danh tiếng ở Padua, Ý.

Nguyện đường Scrovegni ở Padua, Ý, là một trong những kho báu nghệ thuật vĩ đại nhất của Ý. Điều này có phần đáng ngạc nhiên, bởi lẽ so với nhiều công trình đồ sộ khác của nền nghệ thuật nước Ý, Nhà nguyện Scrovegni có không gian khá nhỏ và khép kín.

Cách đó không xa là Vương cung thánh đường Thánh Anthony tráng lệ, với quy mô và tham vọng lớn lao, ngoài những kiến trúc tuyệt vời, đồng thời còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của những tên tuổi lớn như Donatello. Nếu chỉ xét về quy mô hoành tráng, Nhà nguyện Scrovegni có thể sẽ hơi kém hơn. Nhưng thực tế không phải vậy.Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu và tầm quan trọng của nhà nguyện Scrovegni bé nhỏ này?

Bên trong Nhà nguyện Scrovegni với những bức bích họa thế kỷ 14 của Giotto. (Ảnh: Public Domain)


Giotto và tầm ảnh hưởng của ông

Những bức tranh trang trí nhà nguyện của Giotto là tác phẩm của một nghệ sĩ lớn thời Phục hưng. Thật vậy, một số người cho rằng ông là người khởi xướng phong trào Phục hưng trong nghệ thuật, bởi vì phong cách của ông đã ảnh hưởng đến tất cả các nghệ sĩ sau này. Một khía cạnh trong ảnh hưởng của ông chính là sự độc đáo trong việc mô tả cảm xúc của con người. (Người bạn và đồng nghiệp cùng thời của ông, Dante, đã làm điều tương tự cho thơ ca.)

Nghệ thuật Kitô giáo trước thời Giotto chủ yếu là tranh biểu tượng (icon). Đây là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, nhưng chúng nhấn mạnh bản chất thần thánh của Chúa Kitô, vốn có xu hướng được cách điệu hóa và tĩnh tại, hơn là tính nhân văn của Ngài. Giotto đã mang tính nhân văn vào nghệ thuật Kitô giáo.

Cảnh số 6 trong Chu kỳ cuộc đời của Joachim, “Cuộc gặp gỡ tại Cổng Vàng,” giữa năm 1303 và 1306, của Giotto Fresco. Bức bích họa tại Nhà nguyện Scrovegni, Padua, Ý. (Ảnh: Public Domain)

Ví dụ, hãy nhìn vào tác phẩm "Cuộc gặp gỡ tại Cổng Vàng" trong nhà nguyện, vẽ cảnh Anna (mẹ của Đức Mẹ Maria) vội vã tiến đến ôm hôn Joachim, chồng bà, sau thời gian dài xa cách. Bức họa đặc tả khuôn mặt họ, Joachim kéo Anna vào lòng và bà hôn ông (môi chạm môi) một cách trìu mến. Tình yêu đôi lứa ở đây vượt ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc thường thấy trong các tác phẩm tôn giáo như Chúa Kitô trên Thập tự giá hay Đức Mẹ và Chúa Hài đồng.Việc Giotto đưa yếu tố nhân văn vào nghệ thuật dường như mang ý nghĩa thần học sâu sắc. Đây không phải là nghệ thuật vị nghệ thuật, mà là nghệ thuật vị Thiên Chúa, nếu có thể nói như vậy. Nguyện đường nhỏ bé này chứa đựng vô vàn tư tưởng thần học biểu thị qua nghệ thuật một cách tuyệt diệu.

Một ví dụ điển hình: Ở hai đầu đối diện của nguyện đường (phía Tây và phía Đông) là Chúa Cha, được bao quanh bởi các Thiên Thần, và Chúa Kitô ở trung tâm của "Sự Phán Xét Cuối Cùng". Nghệ thuật ở đây thật ngoạn mục, nhưng điều thú vị hơn là thần học sâu sắc được truyền tải qua những hình ảnh này. Chúa Cha và Chúa Con đối diện nhau qua gian giữa nhà nguyện, và họ là hình ảnh phản chiếu của nhau! Đây không phải là Chúa Cha - một ông già tóc bạc, kiểu như ông già Noel, như thường được mô tả và chế giễu trong văn học vô Thần là "ông già trên trời."Thay vào đó, giống như Chúa Kitô, Chúa Cha trẻ trung và tràn đầy sinh lực, có thể nói là vĩnh hằng. Điều này, tất nhiên, phù hợp với nhiều đoạn Kinh Thánh bác bỏ ý tưởng "ông già trên trời": Rõ ràng nhất là khi Chúa Kitô nói trong Phúc âm của John: "Ai đã thấy ta là đã thấy Cha." (John 14.9) Nói cách khác, người này là hình ảnh phản chiếu của người kia.Tuy nhiên, gác lại những vấn đề thần học lớn về bản chất của Thiên Chúa, điều khiến người viết ấn tượng nhất khi đến thăm nguyện đường gần đây là những vấn đề nhân văn, như sự thân mật của Joachim và Anna, hoặc biểu cảm trên khuôn mặt của Judas khi Judas hôn Chúa Kitô trong vườn Gethsemane, hoặc 14 bức chân dung của Giotto về 7 tội lỗi chết người ở phía Bắc của lối đi, đối diện với 7 đức hạnh Thiên Đường ở phía Nam - và mỗi bức đều tương ứng.

14 bức chân dung này thật đáng kinh ngạc, và mục đích của chúng cũng vậy: chữa lành.

Cuộc bắt giữ Thiên Chúa (Nụ hôn của Judas)” từ Chu kỳ cuộc đời của Joachim, (giữa năm 1303 và 1306), tranh của Giotto. Fresco. Nhà nguyện Scrovegni, Padua, Ý. (Ảnh: Public Domain)

Bảy đức hạnh và bảy tội lỗi

Bảy đức hạnh và bảy tội lỗi của Giotto không hoàn toàn trùng khớp với danh sách do Gregory Đại đế đưa ra hoặc danh sách của Thánh Thomas Aquinas (mà danh sách này là cơ sở cho bài thơ "Thần khúc" của Dante). Theo chuyên gia Giuliano Pisani trong cuốn sách "Nguyện đường Scrovegni", Giotto chịu ảnh hưởng của nhà thần học Friar Albert của Padua, người đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi phái thần học Augustinian.

(Ghi chú của người dịch: Thần học Augustinian, được đặt theo tên nhà thần học và triết gia Augustine thành Hippo vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5, là một loại thần học Kitô giáo phát triển để đáp lại vấn đề bằng chứng về cái ác. Do đó, nó cố gắng giải thích khả năng tồn tại của một vị Thần toàn năng và toàn thiện giữa bằng chứng về cái ác trên thế giới. Một số biến thể của loại thần học này đã được đề xuất trong suốt lịch sử; điểm tương đồng của chúng lần đầu tiên được mô tả bởi triết gia thế kỷ 20 John Hick, người đã phân loại chúng là "Augustinian". Họ thường khẳng định rằng Chúa hoàn toàn (lý tưởng) tốt, rằng Ngài đã tạo ra thế giới từ hư không, và rằng cái ác là kết quả của tội lỗi nguyên thủy của loài người. Sự xâm nhập của cái ác vào thế giới thường được giải thích là hậu quả của tội lỗi nguyên thủy và sự hiện diện liên tục của nó do con người sử dụng sai ý chí tự do và ham muốn. Theo thuyết thần học của Augustinô, lòng tốt và lòng nhân từ của Chúa vẫn hoàn hảo và không chịu trách nhiệm về điều ác hay đau khổ)

Nghệ thuật được sắp xếp để tạo ra hiệu ứng trị liệu, hiệu ứng chữa lành. Và nguyên tắc y học làm nền tảng cho nó được gọi là nguyên tắc đối lập hoặc học thuyết về sự tương phản, theo đó - theo Hippocrates của Hy Lạp - bệnh tật được cho là phát sinh từ sự mất cân bằng trong cơ thể. Chúng chỉ có thể được điều chỉnh (có nghĩa là bệnh nhân khỏi bệnh) bằng cách áp dụng nguyên tắc đối lập. Ví dụ, dư thừa nhiệt sẽ đòi hỏi các biện pháp làm mát, hoặc nếu một người bị lạnh, thì cần phải áp dụng nhiệt.

Do đó, dọc theo lối đi của Nguyện đường Scrovegni, chúng ta thấy, quay mặt về phía Bắc, một tội lỗi cụ thể, nhưng quay về phía Nam và đối diện, chúng ta thấy phương thuốc của nó - đức hạnh sẽ loại bỏ thói xấu đó. Chiêm ngưỡng một tội lỗi trong tất cả các khía cạnh của nó, như được mô tả trong nghệ thuật, làm tăng sự tự nhận thức và sự ghê tởm của một người về khía cạnh này trong cuộc sống con người; sau đó, làm thế nào để thoát khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi được thể hiện trong bức tranh đối diện.

Do đó, phòng trưng bày này không chỉ có phẩm chất thẩm mỹ mà còn có phẩm chất đạo đức và tinh thần.

Chúng ta có 7 tội lỗi - 4 tội lỗi chính sau đó là 3 tội lỗi tinh thần - đối diện với các đức hạnh tương ứng của chúng. Vậy chúng là gì?

Thực hiện 4 đức hạnh chính dẫn chúng ta đến Thiên Đường nơi Trần thế, và thực hiện 3 đức hạnh tinh thần dẫn đến Thiên Đường trên Thiên Thượng.Nhân đây, xin lưu ý rằng trình tự không chỉ hoạt động theo chiều ngang mà còn theo chiều dọc: Sự dại dột tương phản với Sự thận trọng, nếu không, nó sẽ dẫn đến Sự bất kiên định; và Sự bất kiên định dẫn đến Sự phẫn nộ, v.v.. Đến tận cùng, khi hoặc nếu chúng ta ghen tị với tất cả những người khác, thì chúng ta sẽ kết thúc bằng việc mất hết hy vọng vào chính mình.

Sự dại dột và Sự thận trọng

Để xem điều này diễn ra như thế nào, hãy xem xét cặp đôi đầu tiên - Sự dại dột và Sự thận trọng. Từ "dại dột" trong tiếng Latinh là "stultitia". Nó có nghĩa đơn giản là ngớ ngẩn. Các hành động dai dẳng được coi là thiếu suy nghĩ, phi lý và không lành mạnh được chỉ ra; nó bao gồm việc ra quyết định không khôn ngoan và một trạng thái chung của việc thiếu trí tuệ hoặc thậm chí thiếu hiểu biết về các lẽ thường.Bây giờ hãy nhìn vào bức tranh. Chúng ta thấy gì?

Sự dại dột (trái) và Sự thận trọng trong bức 7 tội lỗi và đức hạnh của Giotto. (Ảnh: Public Domain)

Chúng ta thấy một người đàn ông với một số đặc điểm cho thấy thiếu ý thức hoặc trí tuệ. Anh ta béo phì, nên nghiện khoái cảm giác quan; anh ta đứng ở một góc hơi nghiêng, không thẳng đứng; đội một chiếc vương miện lông vũ phóng đại như thể là gì nhỉ? Là  tự mình đăng quang; với một đoàn tàu lông công tương ứng phía sau như thể anh ta tự nghĩ mình quan trọng hoặc hoàng gia. Từ thắt lưng của anh ta, những chiếc lục lạc nhỏ treo lủng lẳng, như thể liên tục thu hút sự chú ý vào bản thân khi chúng kêu leng keng; miệng anh ta há hốc, cho thấy sự thiếu hiểu biết - một loại há hốc thiếu suy nghĩ; bàn chân trần, giống như biểu hiện của động vật; trong tay phải của anh ta là một cây gậy lớn và có hình dạng không hoàn hảo, cho thấy thường phải dùng đến vũ lực mà không có bất kỳ sự khéo léo nào (ví dụ, như một thanh kiếm mỏng cạnh sắc hoặc thanh gươm). Tóm lại, chúng ta có ở đây tất cả những gì nhân loại không nên có.

Hãy nhìn vào nhân vật này, phải chăng đó chính là bạn? Chúng ta có thấy bất cứ điều gì của bản thân mình trong bức tranh này không? Và nếu thực sự là thế, nghĩa là chúng ta đang gặp vấn đề về tâm linh sâu sắc!

Khi chúng ta quay mặt về phía Nam, chúng ta thấy thuốc giải độc, phương thuốc! Vì ở đây, đối diện, chúng ta thấy Prudentia tương phản với Stultitia. "Prudentia" là một từ Latinh có nghĩa là "thận trọng" hoặc "khôn ngoan" trong tiếng Anh. Nó đề cập đến phẩm chất hoặc đức hạnh của việc thận trọng, khôn ngoan và thể hiện sự phán đoán tốt trong việc ra quyết định; đó là khả năng đưa ra lựa chọn đúng đắn dựa trên việc xem xét cẩn thận các hậu quả và đánh giá chu đáo các lựa chọn có sẵn.Ở đây, chúng ta thấy một người phụ nữ đằng sau sự bảo vệ của một chiếc bàn; cô ấy đang học tập, tìm hiểu, rõ ràng là hình thành một loại bảo vệ chống lại sự thiếu hiểu biết và thiếu suy nghĩ. Cái bàn này là một phần của một nghiên cứu thanh lịch và điềm tĩnh, nó cho thấy sự trật tự và có mục đích. Trong tay phải, cô cầm một chiếc la bàn, biểu thị khoa học, và trong tay trái, một chiếc gương mà cô nhìn vào: Cô đang tuân theo nguyên tắc trung tâm cổ điển của "biết chính mình." Để làm điều đó, chúng ta phải tham gia vào một hình thức tự vấn nội tâm nhất định và nhìn thấy bản chất thực sự của chính mình, có nghĩa là, như Chúa thấy chúng ta. Hãy lưu ý, rằng không giống như người đàn ông trong Stultitia, đầu của cô ấy hơi nghiêng về phía trước - một góc điển hình cho một người lắng nghe hơn là nói quá nhiều. Và đây chính là phương thuốc.

Chúng ta có thể tiếp tục, nhưng điểm mấu chốt, như Giuliano Pisani  - nhà ngữ văn cổ điển, học giả về văn học Hy Lạp và Latinh cổ đại, đồng thời là nhà sử học nghệ thuật - chỉ ra, là "liệu pháp do Prudentia đưa ra là phương thuốc chữa trị tình trạng không thể phân biệt được điều gì là tốt, và nó cho phép chúng ta tiếp tục trên con đường của chính mình". Nói cách khác, nếu ngay từ đầu chúng ta không biết điều gì là tốt và điều gì là xấu, thì làm sao chúng ta có thể tiến bộ trong đời sống tâm linh mà tất cả chúng ta nên hướng đến?

Bây giờ, đã đến lúc ngắm nhìn tất cả 14 bức tranh để xem chúng ta đang tiến triển như thế nào nhé! Hãy tự mình xem những biện pháp khắc phục các tội lỗi này.

Bảy tội lỗi (từ trái sang phải): Tuyệt vọng, Đố kỵ, Không chung thủy, Bất công, Phẫn nộ, Bất ổn, Dại dột. (Ảnh: Public Domain)
Bảy đức tính (từ trái sang phải): Hy vọng, Bác ái, Đức tin, Công lý, Tiết độ, Sức mạnh, Thận trọng. (Ảnh: Public Domain)

Theo James Sale - The Epoch Times

Tác giả James Sale đã xuất bản hơn 50 cuốn sách, gần đây nhất là "Mapping Motivation for Top Performing Teams" (Routledge, 2021). Ông đã được đề cử cho Giải thưởng thơ Pushcart năm 2022, và giành giải nhất trong cuộc thi thường niên năm 2017 của Hiệp hội Các Nhà thơ Cổ điển, diễn ra ở New York vào năm 2019. Tuyển tập thơ gần đây nhất của ông là "StairWell". Để biết thêm thông tin về tác giả và về dự án Dante của ông, hãy truy cập EnglishCantos.home.blog

Minh Bảo biên dịch