Cách dưỡng sinh tốt nhất trên đời: Ngừng oán trách, ít suy nghĩ, biết quên đi
Hòa thượng Hoằng Nhất từng nói: "Con người chết vì tức giận, hoa chết vì tưới quá nhiều nước. Phàm là bệnh nặng, ắt có liên quan đến cảm xúc, tinh thần. Cảm xúc, tinh thần không thoải mái trong thời gian dài, nhất định sẽ sinh ra bệnh nặng.
Giữ gìn sức khỏe không phải là cứ chú trọng ăn gì, uống gì. Giữ gìn sức khỏe thực ra là giữ gìn quan niệm sống, là giữ gìn tấm lòng."
Trăm bệnh đều bắt nguồn từ khí huyết không thông, giữ gìn sức khỏe quý nhất là giữ gìn tâm hồn. Tâm an thì thân an, thân an thì trăm bệnh tiêu tan. Vật chất có dư dả, ăn uống có tinh tế đến mấy, cũng không bằng một trái tim bình yên mang đến niềm vui và sự an nhiên.
Hạnh phúc của một người đến từ cảm nhận nội tâm. Mà lối sống lành mạnh nhất thế gian, không gì bằng ngừng oán trách, ít suy nghĩ, biết quên đi.
1. Ngừng oán trách để tu tâm dưỡng tính
Thời nhà Đường, thiền sư Đức Thành có bài thơ "Bát trác ca - Kỳ 1" đã viết:
"Đêm khuya nước lạnh cá không ăn,
Đầy thuyền trăng sáng chở về không."
Chuyện kể rằng, thiền sư Đức Thành một lần đi câu cá, vất vả cả ngày trời mà không thu hoạch được gì. Chèo thuyền về tay không, ông không hề oán trách cá không cắn câu, mà ngược lại, giữa cảnh trăng sáng thanh bình, ông tìm thấy sự tĩnh lặng và tươi đẹp. Dù không câu được cá, ông vẫn chở đầy thuyền ánh trăng trở về nhà.
Cuộc đời thăng trầm vô thường, than vãn cũng chẳng ích gì; chỉ có tâm bình khí hòa mới có thể thấu hiểu vẻ đẹp của cuộc sống. Những người ung dung tự tại, không phải là không có phiền não và áp lực, mà là họ biết dùng tâm thế lạc quan để hóa giải mọi khó khăn trong đời.
Cũng như câu chuyện cuộc đời của Tô Thức. Năm 44 tuổi, ông bị liên lụy vào vụ án "Văn chương Ô Đài", bị giáng chức đi Hoàng Châu. Vừa đến Hoàng Châu, ông nghèo túng, không nơi nương tựa, phải cùng con trai tá túc ở chùa, sống qua ngày nhờ cơm chay.
Sau đó, cả gia đình đoàn tụ, hơn chục người già trẻ chen chúc trong một trạm dịch bỏ hoang. Bạn bè thân thích vì muốn tránh liên lụy, đều cắt đứt thư từ qua lại, nỗi buồn của người đàn ông trung niên thỉnh thoảng lại dâng lên trong lòng Tô Thức.
Giữa nghịch cảnh, ông chưa từng oán trách, mà dành thời gian suy ngẫm. Ông nhận ra mình kiêu ngạo, tự phụ, với những người và việc mình không vừa ý, thường thẳng thắn phê bình, kết quả đắc tội không ít cấp trên và cấp dưới, mới dẫn đến cảnh ngộ này.
Nghĩ vậy, ban ngày Tô Thức đóng cửa tự soi xét bản thân, tối mới ra ngoài đi dạo. Khi rảnh rỗi, ông ra đồng làm việc, tận hưởng niềm vui điền viên. Mấy năm ở Hoàng Châu, ông không chìm đắm trong nỗi buồn bị thất sủng nơi quan trường, mà sống càng thêm thấu đáo, phóng khoáng.
Ông buông bỏ thân phận, học cách tu tâm dưỡng tính, biến cuộc sống thất ý thành thơ. Không chỉ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và cuộc đời, mà còn thực hiện sự chuyển mình từ Tô Thức thành Tô Đông Pha.
Tăng Quốc Phiên từng nói: "Chữa trị tâm bệnh nên lấy hai chữ 'rộng lớn' làm thuốc, chữa trị thân bệnh nên lấy hai chữ 'không thuốc' làm thuốc." Tu tâm và tu thân có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Tầm nhìn càng hạn hẹp, càng thích than phiền, phiền não càng nhiều; ngược lại, người có khí lượng càng lớn, càng hiểu cách tu tâm dưỡng tính, thân thể càng khỏe mạnh.
Than phiền là thuốc độc, càng than phiền càng bất hạnh, ngừng than phiền mới có thể tránh bị chìm đắm trong nghịch cảnh. Ngừng oán trách, tu tâm dưỡng tính, vừa có thể định hình lại lời nói và hành động của một người, vừa có thể lặng lẽ thay đổi thế giới nội tâm. Đồng thời với việc nhận được sự ưu ái của số phận, còn có thể đạt được cuộc sống rực rỡ cho chính mình.
2. Ít suy nghĩ để thanh lọc tinh thần
Cổ thư y học Thọ Thế Bảo Nguyên có câu: "Tiếc khí giữ tinh càng dưỡng thần, ít suy nghĩ, ít ham muốn đừng làm mệt tim." Thanh lọc tinh thần là chìa khóa của dưỡng sinh, cũng là bí quyết duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Con người muốn khỏe mạnh, cần phải biết tiết chế hơi thở, giảm bớt suy tư, nuôi dưỡng tinh thần.
Thời nhà Minh, đời vua Gia Tĩnh, Từ Giai và Tôn Thừa Tư cùng giữ chức Thượng thư, hai nhà ở cách nhau không xa. Từ Giai tính tình hướng ngoại, thích giao du, nhà thường xuyên có khách khứa ra vào, vô cùng náo nhiệt. Ngược lại, Tôn Thừa Ân tính tình trầm lặng, thanh bạch, không màng danh lợi. Sau khi tan triều, ông thích ở một mình, tận hưởng sự yên tĩnh và tự do không bị quấy rầy.
So với nhà họ Từ, phủ đệ của ông có vẻ vắng vẻ hơn, ít tiếng xe ngựa ồn ào. Những người làm trong nhà bàn tán riêng với nhau: "Cùng là Thượng thư, nhà họ Từ xe ngựa tấp nập, còn nhà chúng ta lại vắng tanh, quạnh hiu quá. Theo lão gia, chúng ta biết có tương lai gì không?"
Nghe người làm bàn tán, Tôn Thừa Ân không hề trách mắng. Ngược lại, ông còn khuyến khích họ, nếu thấy môi trường hiện tại không phù hợp, có thể tự tìm con đường riêng cho mình.
Sự điềm tĩnh và thoát tục của Tôn Thừa Ân khiến ông không bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài, cũng không bị ngoại vật làm vướng bận.
3. Quên đi để nuôi dưỡng tâm hồn
Trên Zhihu có người hỏi: "Những người sống vui vẻ, họ có điểm chung nào?" Một câu trả lời được nhiều người ủng hộ là: "Biết cách quên". Cuộc sống không dễ dàng, gánh nặng quá nhiều, chỉ khiến con người mệt mỏi. Thay vì cứ mãi bận tâm đến những điều không như ý, chi bằng học cách quên đi.
Khi bạn quên đi những điều không vui trong cuộc sống, tu dưỡng tâm tính, trưởng thành hơn, bạn đã không còn là chính mình của ngày xưa nữa.
Nhà văn Mộc Tâm cả đời trải qua biết bao sóng gió và gian truân. Ông từng ba lần vướng vào vòng lao lý, số phận long đong. Thời trẻ, vì không hòa đồng với các bạn học, ông bị vu oan giá họa, bị giam cầm hơn nửa năm trời. Trong tù, ông phải chịu đựng những trận đòn tra tấn tàn nhẫn của cai ngục; Còn ở bên ngoài, người mẹ yêu quý của ông vì quá lo lắng mà qua đời. Hay tin, Mộc Tâm đau đớn tột cùng nhưng bất lực.
Khi ra tù, ông mong muốn tìm lại sự bình yên và tự do cho cuộc sống, nhưng bất hạnh thay lại gặp phải thời loạn lạc. Vì bất đồng quan điểm với người khác, Mộc Tâm bị trả thù, lại một lần nữa vào tù.
Lần này, ông bị giam trong hầm tránh bom ẩm thấp, tối tăm. Ông phải làm những công việc nặng nhọc như dọn dẹp vệ sinh, thông cống, ngay cả khi bị sốt cao cũng không được nghỉ ngơi. Ngoài sự tra tấn về thể xác, sự tàn phá về tinh thần còn khiến con người ta suy sụp hơn.
Những lời lăng mạ, vu khống liên tiếp ập đến, thậm chí có người còn bôi nhọ ông không phải là đàn ông bình thường. Vì từ chối viết bản tự thuật, không chịu khuất phục trước sự bất công, ba ngón tay của ông đã bị đánh gãy.
Nhưng sự hủy hoại về thể xác lẫn tinh thần cũng không thể đánh bại Mộc Tâm. Ông dường như đã quên đi hoàn cảnh mình đang ở, những đau khổ mình đang phải chịu đựng.
Khi rảnh rỗi, ông vẽ đàn piano trên giấy trắng để "chơi nhạc", dùng giấy viết kiểm điểm để làm thơ, và ghi chép lại "Nhật ký nhà tù", viết ra tác phẩm dài 650.000 chữ. Ông từng nói: "Ban ngày tôi là nô lệ của người khác, ban đêm tôi là vua của chính mình".
Đến khi lần thứ hai được tự do, xuất hiện trước mắt mọi người không phải là một ông lão bị năm tháng đè nén, mà là một quý ông vẫn phong độ, nho nhã, thẳng thắn.
Cuộc đời Mộc Tâm tuy nhiều lần gặp phải những khổ nạn phi nhân tính, nhưng tâm hồn ông lại càng thêm kiên cường. Đúng như Trang Tử đã nói: "Biết quên thị phi, lòng mới thanh thản".
Quên đi, là một cách sống cao cấp, cũng là cách dưỡng sinh tốt nhất. Việc đến thì tâm ứng, việc đi thì quên. Những người thành công, họ giỏi ứng phó với mọi việc trong sự bình tĩnh, tự tại, tôi luyện tâm tính trong sự điềm đạm. Họ hiểu rằng, quên đi những gì nên quên, ghi nhớ những gì nên nhớ, thì trên hành trình của mình, họ sẽ gặp được những cảnh đẹp hơn của cuộc sống.
Bác sĩ Tần Vạn Chương từng nói: "Dưỡng sinh rất chú trọng đến việc bảo dưỡng tinh thần, nội dung của nó là điều hòa thất tình. Cái gọi là 'thất tình' là chỉ sự thay đổi của các trạng thái tình cảm như vui, giận, buồn, lo, thương, sợ hãi".
Cảnh giới mà Trung y theo đuổi là dưỡng sinh, nhưng cảnh giới mà dưỡng sinh theo đuổi lại là dưỡng tâm. Ngừng oán trách, thì lòng không vướng bận; ít suy nghĩ, thì tinh thần an định, khí huyết ổn định; biết quên, thì bồi dưỡng tính tình.
Điều chỉnh tốt cảm xúc, tu dưỡng tốt tâm tính, còn hơn cả những loại thuốc quý trên đời. Cười nhìn ân oán trên đời, thản nhiên với được mất của cuộc sống, buông bỏ mọi đúng sai.
Dù cho hồng trần xô bồ, đối mặt với muôn vàn lo âu, bạn vẫn có thể siêu nhiên thoát tục, để mọi phiền não, khổ đau tan biến như mây khói. Mong rằng chúng ta đều có thể giữ tâm thế thản nhiên đối mặt với cuộc sống, trên con đường nhân sinh hoang vắng, sống ra sự rực rỡ và tươi đẹp của chính mình.
Theo 163.com
Minh Nguyệt