Cách sống thông minh nhất của người trưởng thành: Biết an ủi bản thân

Cách sống thông minh nhất của người trưởng thành: Biết an ủi bản thân
“Cuộc sống không gì khác hơn là tự dỗ dành bản thân. Một khi bạn thuyết phục được bản thân hiểu thì vấn đề cũng đã được giải quyết”. (Ảnh: Public Domain)

Biết an ủi bản thân là khả năng tuyệt vời nhất của con người. Chỉ bằng cách giải phóng những cảm xúc tiêu cực và biết an ủi bản thân, chúng ta mới có thể sống một cuộc sống vui vẻ, thoải mái và tiếp tục tiến về phía trước…

Không biết từ khi nào mà chúng ta dường như đã bước vào một thời đại mà mọi người đều rất dễ hao tổn bản thân. Làm việc thì do dự không quyết, cứ luôn bận tâm, lo lắng không biết có làm được không, nếu không làm tốt thì phải làm sao? Bạn thường xuyên tự nghi ngờ bản thân và lo lắng không biết mình có phù hợp với công việc này không? Liệu mình có bị loại không?

Những người bị mắc kẹt trong những lối nghĩa tiêu cực giống như bị mắc kẹt trong hố đen cảm xúc vô tận, không sao thoát ra được. Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ khiến chúng ta bị tổn hao thể chất và tinh thần, mà còn bào mòn cả niềm tin và hy vọng, khiến chúng ta dần dần đánh mất vẻ đẹp của cuộc sống.

Nếu muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn này, chúng ta cần học cách giải phóng những cảm xúc tiêu cực và biết cách an ủi bản thân.

1. Những cảm xúc tiêu cực đang bào mòn bạn

Có một câu hỏi trên Zhihu rằng: “Nguyên nhân gốc rễ khiến con người ta sống mệt mỏi là gì?”.

Một bình luận đã nhận được rất nhiều lượt “Thích” đã trả lời rằng: "Cái đó không liên quan gì đến năng lực hay ngoại hình, mà là chúng ta có quá nhiều cảm xúc tiêu cực và quá dễ bị tổn thương”.

Những cảm xúc tiêu cực giống như một hố đen, hút đi tâm trạng tốt đẹp của chúng ta và không ngừng bào mòn chúng ta.

Chỗ tôi làm có một nữ đồng nghiệp rất có năng lực, nhưng bản tính lại nhạy cảm, vì điều này mà cô đã tự mình chuốc lấy không ít đau khổ.

Có lần, khi cô đang báo cáo công việc của mình, thấy cấp trên hơi cau mày, cô bắt đầu cảm thấy bất an, nghĩ rằng có phải do mình ăn nói không tốt hay không, không biết cấp trên có ý kiến gì với mình không. Vốn dĩ cô có thể trực tiếp hỏi ý kiến của cấp trên, nhưng cô không dám vì sợ cấp trên sẽ khiến cô bẽ mặt. 

Sau khi buổi họp kết thúc, cô vẫn rất đau khổ và không có động lực làm việc. Mãi cho đến khi sếp đi tới và nói: "Báo cáo vừa rồi đã hoàn thành tốt. Cấp trên rất hài lòng, mong cô hãy tiếp tục phát huy”. Lúc này, đầu óc căng như dây đàn của cô cuối cùng cũng được thư giãn và thở phào nhẹ nhõm.

Khi cô bước ra khỏi phòng vệ sinh, nhìn thấy các đồng nghiệp đang uống trà sữa mà không có mình, cô lại tự hỏi liệu mình đã làm gì sai mà bị tẩy chay như vậy. Không ngờ sau khi tan sở, các đồng nghiệp lại chủ động mời cô đi ăn tối. Về chuyện trà sữa, là do lúc đó cô đang bận họp, hơn nữa trước đó cô có đề cập đến việc muốn giảm cân, nên các đồng nghiệp đã không hỏi cô.

Người mà hay có cảm xúc tiêu cực chính là như vậy, bất kỳ một chuyện nhỏ nhặt nào cũng sẽ khiến tâm họ dậy sóng, tăng thêm nhiều đau khổ và gánh nặng cho bản thân.

Có triết gia đã nói: “Một trong những điểm yếu đặc thù nhất trong bản chất con người là quá để tâm người khác nhìn nhận bạn như thế nào”.

Việc luôn sống trong ánh mắt của người khác và vở kịch nội tâm của chính mình sẽ chỉ khiến bạn chìm sâu trong vũng lầy của sự hao mòn nội tâm về mặt tinh thần. Theo thời gian lâu dần, ngay cả những dây thần kinh cứng rắn nhất cũng sẽ suy sụp.

Có một câu nói như thế này: “Một linh hồn lạc lối có thể giết chết bạn một cách mau chóng, điều này còn đáng sợ hơn vi khuẩn”.

Hãy ngừng việc bào mòn nội tâm và thoát ra khỏi lỗ đen cảm xúc, cuộc sống sẽ trở nên suôn sẻ và dễ dàng hơn.

2. Học cách dỗ dành bản thân và thoát ra khỏi hố đen cảm xúc

Nhà văn Romain Rolland đã nói: “Chủ nghĩa anh hùng đích thực là vẫn hết lòng trân quý cuộc sống sau khi nhận ra bản chất thật của cuộc sống”.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, khó tránh sẽ vấp phải gió mưa và trắc trở, khiến chúng ta rơi vào trong lo âu, bối rối, nhất thời không thể chịu đựng được.

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề từ một góc độ khác, chúng ta sẽ nhận thấy cuộc sống cũng không tệ đến như vậy.

Tưởng Nam Tôn trong bộ phim truyền hình "Lưu Kim Tuế Nguyệt" sinh ra trong một gia đình giàu có, từ nhỏ đến lớn cô chưa bao giờ chạm tay vào bất cứ việc gì.

Tuy nhiên, số phận đã chơi cô một vố đau điếng. Trong những năm tháng thanh xuân, công việc kinh doanh của cha cô bị phá sản, giao dịch chứng khoán của cha cô thất bại và ông phải gánh những khoản nợ khổng lồ. Do không thể chịu được áp lực, cha cô đã nhảy lầu tự sát.

Chỉ trong một đêm, Tưởng Nam Tôn từ một “phú nhị đại” trở thành con nợ với những khoản nợ chồng chất. Không chỉ căn nhà nơi cô sống bị thu hồi và bán đi, cô còn phải gánh trên vai những khoản nợ mà cha cô để lại.

Đối mặt với biến cố đột ngột này, Tưởng Nam Tôn rơi vào tuyệt vọng sâu sắc, cô đã suy sụp và đau khổ khóc trong chăn. Cô không hiểu tại sao mình lại phải gánh chịu quá nhiều đau đớn như vậy. Cô cảm thấy cuộc sống của mình không còn chút hy vọng nào cả, không cách nào thoát ra khỏi hố đen cảm xúc.

Cô đã nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng cô vẫn còn một người bà già yếu phải chăm sóc. Bất đắc dĩ, cô buộc phải phấn chấn lên. Trong vực thẳm tuyệt vọng, cô bắt đầu cố gắng tự an ủi mình: “Đây không phải lỗi của mình, mình không cần phải tự trách bản thân như vậy”.

Cô nhớ lại bản thân cô luôn yêu thích kiến ​​trúc, lúc nhỏ đã từng mơ ước trở thành kiến ​​trúc sư, nhưng  vì cuộc sống vô tư, cô đã phải gác lại. Lần này, cô tự nhủ: “Đây là ông Trời đang cho mình cơ hội để tìm lại ước mơ của mình”.

Cô đã lần lượt gõ cửa các công ty xây dựng, chấp nhận các điều kiện bổ sung về làm thêm giờ và thức khuya, cô đã làm việc chăm chỉ mà không phàn nàn.

Trong quá trình này, cô không ngừng tự khích lệ bản thân: “Mày giỏi như vậy, nhất định có thể làm được, nhất định có thể vượt qua tình cảnh khó khăn này”.

Cuối cùng, bằng nỗ lực và sự chăm chỉ của bản thân, cô đã nhanh chóng trở thành trụ cột của công ty và được thăng chức, tăng lương.

Ngoài công việc, cô còn tận dụng khả năng của mình để đảm nhận nhiều công việc bán thời gian trong các dự án trang trí. Sau này, cô không những trả hết nợ mà còn tiết kiệm đủ tiền để mua một căn nhà trả góp.

Nhìn lại quá trình này, Tưởng Nam Tôn cảm khái thở dài: "Chúng ta rất dễ dàng bị cuộc sống đánh bại, cũng dễ dàng bị cảm xúc nuốt chửng, nhưng đừng bao giờ quên rằng, chúng ta luôn có cơ hội để làm lại”.

Có một câu nói rất hay như vậy: "Đừng vì 5 phút không vui mà phá hỏng 23 giờ 55 phút hạnh phúc của bạn”.

Đường đời còn dài, vậy nên dù khó khăn có tồi tệ đến đâu, cuối cùng chúng cũng sẽ qua đi. Cho dù những lo lắng của bạn có lớn đến đâu, cuối cùng chúng cũng sẽ tan biến mất. Vậy nên, đừng vì thất bại nhất thời mà oán trời trách người, cũng đừng vì thất bại nhất thời mà chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, tuyệt vọng và đau khổ.

3. Học cách an ủi bản thân và bắt đầu từ mặt tích cực 

Chỉ khi có tâm trạng tốt, bạn mới có thể chịu đựng được mưa gió của cuộc sống và mỉm cười đối mặt với sự vô thường của cuộc đời.

Tự an ủi bản thân là khả năng tuyệt vời nhất của con người.

Như người ta thường nói: “Hạnh phúc không có ngày hôm qua, cũng không có ngày mai, mà chỉ có ở hiện tại”.

Ngày hôm qua đã qua rồi và dù có thế nào thì nó cũng sẽ không bao giờ quay trở lại. Ngày mai vẫn đang trên đường và chưa có đến. Những gì chúng ta có thể có và nắm bắt được là thời điểm hiện tại.

Sở dĩ nhiều người sống không hạnh phúc là vì trái tim họ bị ràng buộc bởi những tổn thương trong quá khứ, tay chân bị trói buộc bởi những lo lắng về tương lai. Tâm họ quá lo lắng về được và mất.

Không bị quá khứ đè nặng, không lo lắng về tương lai, sống tốt trong hiện tại là nền tảng hạnh phúc của một người.

Cụ thể thực hiện như thế nào? Bạn có thể bắt đầu từ hai điểm sau:

Buông bỏ nỗi đau trong quá khứ

Trong cuộc đời của mỗi người, không thể tránh khỏi những điều tiếc nuối dù lớn hay nhỏ.

Nếu bạn không thể buông xuống và hành hạ bản thân bằng cách níu giữ nỗi đau của quá khứ, bạn sẽ chỉ khiến mình sống trong đau đớn và điều đó cũng chẳng ích gì.

Trong cuốn sách “Cuộc hành hương bất ngờ của Harold Fry ”, con trai của nhân vật chính Harold Fry đã treo cổ tự tử vào ngày tròn 18 tuổi. Trong một thời gian, gia đình Harolds đau buồn và rơi vào tình trạng tự trách sâu sắc. “Giá như tôi có thể phát hiện con trai mắc chứng trầm cảm sớm hơn, giá như tôi có thể quan tâm đến con trai nhiều hơn, giá như…”.

Harold bắt đầu mượn rượu giải sầu và uống đến mức say bí tỉ, còn người vợ suốt ngày nhìn ảnh con trai mà rửa mặt bằng nước mắt. Hai người bắt đầu chiến tranh lạnh, đổ lỗi cho nhau, sự việc này đã kéo dài suốt mấy năm.

Sau đó, Harold một mình rời khỏi nhà và có một chuyến đi dài. Cuộc chia ly dài ngày khiến cả hai nhận ra đối phương quan trọng với mình như thế nào, vậy mà họ đã lãng phí bao nhiêu thời gian và bắt đầu nhớ về nhau. Cuối cùng, cả hai quyết định buông bỏ quá khứ và quay lại với nhau, cuộc sống bắt đầu tốt đẹp trở lại.

Nhà văn Quý Hâm Lâm từng nói: “Trong cuộc sống, chúng ta phải có trí tuệ để ‘nhìn thấu’ và có khả năng buông bỏ, nếu không nỗi đau lúc nào cũng sẽ luôn tươi mới và sống động”.

Cuộc sống mang lại cho chúng ta đau khổ không phải là để chúng ta níu giữ không buông hay tự hành hạ mình bằng lỗi lầm của mình, mà là để chúng ta trưởng thành, để chúng ta học cách trân trọng.

Tục ngữ có câu: “Không có người cũ và chuyện cũ không thể buông xuống được, mà chỉ có quá khứ và chấp niệm không muốn buông xuống mà thôi”.

Hãy học cách buông xuống, không bám víu, không dính mắc và không đắm chìm trong quá khứ. Chỉ khi biết cởi trói cho tâm hồn và hòa giải với quá khứ, đó mới là người khôn ngoan trong cuộc sống.

Đối mặt với những lo lắng về tương lai và giải tỏa chúng

Nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng Aaron Baker đã nói: “Điều thực sự khiến con người suy sụp không bao giờ là bản thân sự việc, mà là sự lo lắng quá mức và những dự đoán bi quan của chúng ta về sự việc”.

Một người luôn lo lắng về tương lai và hành xử một cách bi quan sẽ chỉ khiến bản thân hao mòn trong lo lắng, chịu đủ dày vò.

Trong nghiên cứu tâm lý học có một thí nghiệm nổi tiếng về “chiếc hộp lo lắng”. Những người tham gia viết ra tất cả những lo lắng mà họ nghĩ sẽ xảy ra trong ba tuần tới và đặt chúng vào hộp.

Ba tuần sau, các nhà tâm lý học mở "chiếc hộp lo lắng" và kiểm tra những điều lo lắng mà những người tham gia đã viết ra. Hóa ra hơn 90% những lo lắng trong lòng đó lại không bao giờ xảy ra, hơn nữa những người tham gia cũng tin rằng những lo lắng ban đầu không còn là điều lo lắng nữa.

Hầu hết những lo lắng, băn khoăn trong cuộc sống đều do chính trí tưởng tượng của chúng ta tạo ra. Những lo lắng vô căn cứ không có ý nghĩa gì khác ngoài việc khiến chúng ta sa lầy trong những đau khổ về mặt tinh thần.

Thiền sư Vân Môn nói: “Mỗi ngày đều là một ngày tốt lành”. Vậy nên, cách sống khôn ngoan nhất là sống trong những phút giây của hiện tại, đừng nghĩ về ngày hôm qua, đừng lo lắng về ngày mai, mỗi ngày đều là một ngày tốt lành.

Có một câu nói rất hay: “Cuộc sống không gì khác hơn là tự dỗ dành bản thân. Một khi bạn thuyết phục được bản thân hiểu thì vấn đề cũng đã được giải quyết”.

Nhiều khi thứ vây hãm ta không phải là núi non bên ngoài, mà là chiếc lồng trong trái tim ta. Chỉ bằng cách buông bỏ những suy nghĩ thái quá và những suy nghĩ không cần thiết, bạn mới có thể sống một cuộc sống vui vẻ, thoải mái và tiếp tục tiến về phía trước.

Vậy nên, bắt đầu từ hôm nay, mong bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp