Cảm ngộ: Chỉ cần ta biết đủ, hạnh phúc sẽ luôn ở bên

Cảm ngộ: Chỉ cần ta biết đủ, hạnh phúc sẽ luôn ở bên
Cảm ngộ: Chỉ cần ta biết đủ, hạnh phúc sẽ luôn ở bên. (Ảnh miền công cộng)

Đời người vốn không thiếu vắng hạnh phúc, điều ta thiếu chính là cặp mắt nhận ra hạnh phúc. Đời người vốn không hề thiếu đi hạnh phúc, mà chỉ thiếu cái tâm biết đủ vô dục vô cầu…

Một người biết đủ, ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công, nhưng hẳn trong tâm là sẽ vui vẻ, hạnh phúc. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay. Vào triều đại nhà Minh, có một ông thầy đồ, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc.

Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”. Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức chịu đói  chịu rét, đó là cái hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc sao?”.

(Ảnh miền công cộng)

Nhiều người nhìn ông đồ này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông biết đủ.

Kỳ thực, trên đời này, người ta không cần quá nhiều những thứ vật chất để có thể duy trì cuộc sống và sức khỏe. Thế nhưng chúng ta vẫn thường quá coi trọng tiền tài. Ai cũng cho rằng mình kiếm tiền vẫn chưa đủ nhiều, nhà chưa đủ rộng, ăn chưa đủ ngon. Nhưng một người quá coi trọng vật chất thì thường mệt mỏi về tinh thần.

Điều đáng tiếc nhất cuộc đời là con người đang sống trong hạnh phúc nhưng lại không tự nhận ra. Chỉ đến khi mất đi rồi thì mới biết mình đã từng hạnh phúc như thế nào.

Mấy ngày trước tôi ngồi nói chuyện phiếm với một cô bạn, cô kể về mẹ của mình, gia đình của cô tính ra cũng thuộc hàng khá giả, nhà ở chung cư cũng hơn 100m², nhưng mẹ của cô không biết đủ, luôn hâm mộ biệt thự của người khác, lúc nào cũng âu sầu, kể lể với con cháu.

Bà nói cuộc sống phải như nhà người ta mới gọi là sang trọng. Anh trai cô vì để cho mẹ có thể được ở trong biệt thự, quyết định lấy sổ đỏ vay vốn làm ăn, không ngờ làm ăn thất bại, tài chính eo hẹp, đành phải bán nhà đi để trả nợ. Mẹ cô giờ chỉ còn cách chui vào căn nhà có khoảng 20 m² trong hẻm để ở… Đúng là đang sống trong hạnh phúc mà không tự biết, dục vọng của người ta thật đáng sợ.

Câu chuyện mẹ cô bạn khiến tôi nhớ đến câu chuyện cá vàng trả ơn: Cá vàng bởi vì muốn báo đáp ông lão đánh cá đã cứu mạng, nên đáp ứng tất cả yêu cầu của ông lão. Vợ ông lão muốn có máng lợn mới, liền có được cái máng lợn mới, vợ ông lão muốn có căn nhà lớn thì có được căn nhà lớn.

Nhưng vậy vẫn chưa đủ, bà còn muốn là một quý phu nhân, sau khi thành quý phu nhân thì lại muốn trở thành nữ hoàng, nhưng vẫn chưa đủ… cuối cùng cá vàng không quan tâm đến bà nữa, cuộc sống của bọn họ lại trở lại như lúc ban đầu. Qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy dục vọng của con người đáng sợ đến mức nào.

Một ngày, tôi tình cờ đọc được ở trên mạng: “Cuộc sống vốn hạnh phúc, chỉ có con người không biết đủ. Nếu cho gánh vác là khổ, thì không làm gì là hạnh phúc, nếu cho đi bộ là khổ, thì cưỡi lừa là hạnh phúc, nếu cho đói rét là khổ, vậy thì ấm no là hạnh phúc…”.

Thật đúng như vậy, chỉ người biết đủ thì mới tìm thấy hạnh phúc, đa số mọi người đều đồng ý với quan điểm này, nhưng trong cuộc sống thực tế có bao nhiêu người có thể làm được như vậy?

Đôi khi không phải là cuộc sống của chúng ta bất công, mà là dục vọng của chúng ta quá nhiều, đang sống trong hạnh phúc mà không tự biết. Chỉ khi gặp phải sự việc gì không như ý, mất hết tất cả, chợt nhớ lại cuộc sống trước kia, mới thấy rằng chỉ cần như thế là hạnh phúc lắm rồi.

Có người than vãn rằng cha mẹ già lẩm cẩm, hay đòi hỏi con cái thế này thế kia. Chỉ đến khi cha mẹ khuất núi rồi, họ mới thấu hiểu nỗi trống trải vô biên của hai chữ “mồ côi”.

Có người than phiền rằng, con mình chẳng được giỏi giang như con nhà người ta. Chỉ có ai hiếm muộn cô đơn, mới hiểu niềm hạnh phúc vô bờ được làm cha mẹ.

Có người một đời phấn đấu, một đời thất vọng, mộng công danh không thành. Chỉ đến khi sắp lìa bỏ cõi đời, mới nhận ra được sống làm người đã là diễm phúc.

Có câu nói khiến tôi rất tâm đắc, rằng: “Khi ta biết đủ thì mấy cũng thành đủ, nhưng khi ta thấy thiếu thì vẫn cứ thiếu. Cho nên đủ hay thiếu thì cũng từ tâm ta suy nghĩ mà ra”.

Lòng người giản đơn, thì tâm tham sẽ ít; tâm tham ít rồi, vậy nên dễ dàng biết đủ. Biết đủ rồi, thì dễ dàng có được hạnh phúc.

Đời người vốn không thiếu vắng hạnh phúc, điều ta thiếu chính là cặp mắt nhận ra hạnh phúc. Đời người vốn không hề thiếu vắng hạnh phúc, mà chỉ thiếu tâm thái cảm nhận hạnh phúc trong ta. Đời người vốn không hề thiếu đi hạnh phúc, mà chỉ thiếu cái tâm biết đủ vô dục vô cầu.

Hạnh phúc kỳ thật rất giản đơn, nó cũng rất bình dị!
Những lúc buồn ngủ có chiếc giường để ngả lưng;
Những lúc khát nước có được ly nước cho ta giải khát;
Những lúc đói bụng có gì đó cho ta lót dạ;
Những lúc giá lạnh có một chiếc áo mang lại hơi ấm cho ta;
Những lúc nóng nực có cây quạt xua tan giúp ta xua tan cái nóng;
Những lúc ôm đau có người bên cạnh chăm nom;
Những lúc khổ đau có người bên cạnh an ủi; 
Những lúc khóc thương có người giúp ta lau khô nước mắt;
Những lúc vui cười có người bên cạnh chia vui…

Những chuyện vặt vãnh nhỏ nhoi trong cuộc sống này, nghĩ kỹ lại có chuyện nào không phải hạnh phúc? Kỳ thực, hạnh phúc chính là đạt được một cách thản nhiên, hạnh phúc chính là cảm giác của tự mình. Chỉ cần ta biết đủ, hạnh phúc sẽ luôn ở bên.

Kể từ hôm nay, bạn hãy thử tập quan sát xung quanh mình và kể tên ra những phúc lành mà bạn đang có. Tôi tin là, cuộc sống của bạn sẽ nhanh chóng lấp đầy bằng niềm vui và cảm ân.

Thiện Quân 

Đọc tiếp