Campuchia khởi công dự án kênh đào Phù Nam

Campuchia khởi công dự án kênh đào Phù Nam
Hình ảnh tại buổi lễ khởi công dự án kênh đào Phù Nam tại Campuchia (Ảnh: @xuanhaifami

Thủ tướng Campuchia, Hun Manet hôm thứ Hai (5/8) đã khởi động dự án kênh đào Phù Nam (Funan) gây tranh cãi trị giá 1,7 tỷ đô la nhằm mục đích cung cấp một tuyến đường mới từ sông Mekong ra biển.

Thủ tướng Manet gọi dự án dài 180 km này là dự án “lịch sử” và cam kết “hoàn thành bằng mọi giá”. Ông Manet phát biểu tại lễ khởi động dự án trước khi pháo hoa bắn lên trời và tiếng trống vang lên sau khi ông nhấn nút khởi động dự án: “Chúng ta phải xây dựng kênh đào này bằng mọi giá”.

Kênh đào Phù Nam sẽ chạy từ sông Mekong, cách Phnom Penh khoảng một giờ lái xe về phía Đông Nam, đến biển ở Vịnh Thái Lan.

Chính phủ Campuchia cho biết kênh đào sẽ cung cấp một giải pháp thay thế cho việc quá cảnh qua Việt Nam và sẽ giảm sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam, tạo ra hoạt động kinh tế có giá trị cao hơn 21-30% so với chi phí, và tạo ra hàng chục nghìn việc làm

Cảnh báo: Kênh đào  Phù Nam Techo có thể khiến lượng nước về ĐBSCL giảm 50%

Chuyên gia tính toán kênh đào Phù Nam mà Campuchia triển khai ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ dòng Mekong về ĐBSCL có thể giảm 50%.

Thông tin này được TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ nói tại hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ, ngày 23/4.

Theo phân tích từ ông Tuấn, kênh Phù Nam sẽ liên quan đến dòng chính sông Mê Kông chứ không phải là nhánh sông hay phụ lưu và có tác động đến ĐBSCL một cách rõ ràng.

Cụ thể, vào mùa khô sau khi có kênh Phù Nam, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu – hai phân lưu của sông Mê Kông về đến ĐBSCL có thể giảm khoảng 50% và nghiêm trọng hơn vào những năm khô hạn.

“Sự thay đổi dòng chảy trên sông Mê Kông (qua sông Hậu và sông Tiền) sẽ làm thay đổi đặc điểm thủy văn tự nhiên, một phần dòng chảy sẽ bị kiểm soát bởi con người, cả với những chuỗi đập thủy điện và khai thác nước từ kênh Phù Nam”, ông Tuấn nói.

Dự án kênh Funan Techo còn tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học vào mùa mưa là không nhỏ. Kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ. 

Như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, ngập sẽ gia tăng diện tích phía bắc kênh đào trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết (như đập Thala ở biên giới An Giang) mà còn làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học…

Ngoài ra, các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao 3 vụ, khu dân cư vượt lũ… sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành khi có kênh Funan Techo.

Đặc biệt, Quy hoạch vùng ĐBSCL và các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể phải điều chỉnh vì trước đó đã không có xem xét yếu tố kênh đào Phù Nam là nhân tố mới liên quan nguồn nước.

Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của Chính phủ Việt Nam được cho là có thể bị ảnh hưởng do đặc điểm nguồn nước thiếu hụt và suy giảm sức khỏe đất, đặc biệt vào vụ Đông Xuân…

Thiếu hụt nước ngọt ở ĐBSCL sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng…, ông Tuấn phân tích.

Theo Digitaljournal
Bảo Thư