Cần cù quyết định vận mệnh; đức hạnh giúp cải biến cuộc đời
Một người nếu muốn có được một cuộc sống tốt đẹp, thì không thể thiếu hai thứ: một là Cần (chuyên cần), một nữa chính là Đức. Cần, quyết định vận mệnh; Đức, thay đổi cuộc đời.
Sự chuyên cần quyết định vận mệnh của một người. Bởi không ai có thể nhờ sự lười biếng để có được cuộc sống như mong muốn. Sự giàu có và thành công đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và sự bứt phá không ngừng để gặt hái vận may cho chính mình.
Đức hạnh có thể thay đổi cuộc đời của một người. Chỉ có đức dày mới có thể nâng đỡ vạn vật. Nếu bạn không có phúc đức thì dù có đạt được điều mình muốn, cuối cùng cũng sẽ mất đi. Tuy nhiên, những người có tấm lòng thiện lương và đạo đức tốt, dù cho hiện tại cuộc sống không được như mong muốn, thì cũng có thể chào đón phúc lành trong tương lai.
Người chuyên cần, vận may sẽ tự tìm đến
Trong “Tam Tự Kinh”, cuốn sách vỡ lòng dành cho con trẻ, có câu: “Cần hữu công, hý vô ích, giới chi tai, nghi miễn lực”, tạm hiểu là những người cần cú có chí tiến thủ đều sẽ gặt hái được những thứ tốt đẹp; ngược lại những kẻ chỉ biết ham chơi, lãng phí thời gian cuối cùng sẽ phải hối hận.
Đây là khuyên răn các em nhỏ rằng nếu muốn có cuộc sống tốt thì phải dựa vào sự chăm chỉ, chịu khó của mình. Nếu không có sự gieo trồng vất vả của vụ xuân hè, thì làm sao có được thu hoạch vào mùa thu.
Tục ngữ có câu: “Cần cù bù thông minh, đạo Trời ban thưởng cho người chuyên cần”. Một chữ “cần” (cần cù, chăm chỉ) là từ quan trọng nhất để chỉ sự kiên trì. Người mà chăm chỉ, chịu khó, thì người đó dễ thành công; nhà nào có người chuyên cần, chịu khó, thì nhà đó ắt thịnh vượng.
Cả trong và ngoài nước từ xưa đến nay, những người có thể thành tựu được những điều vĩ đại và có cống hiến to lớn cho xã hội đều là những người không ngừng trau dồi, phấn đấu trên con đường đầy chông gai và cuối cùng đạt được thành công.
Từng có phóng viên phỏng vấn tỷ phú giàu nhất Hồng Kông là ông Lý Gia Thành và thỉnh giáo ông về bí quyết thành công. Ông Lý Gia Thành khi đó đã không trả lời trực tiếp, mà kể một câu chuyện.
"Bậc thầy tiếp thị" là ông Ippei Hara của Nhật Bản cũng được hỏi câu hỏi tương tự trong khóa giảng thứ 69 của mình. Ông Hara cũng không đưa ra câu trả lời trực tiếp, mà thay vào đó cởi giày và mời người đặt ra hỏi lên sân khấu, để anh ta sờ thử bàn chân của mình.
Sau khi sờ thử, người đặt câu hỏi rất ngạc nhiên khi thấy vết chai trên chân ông Hara rất dày. Ông Hara nói với người đặt câu hỏi rằng: "Vì con đường tôi đi nhiều hơn người khác, vì tôi chịu khó chạy bộ hơn những người khác, vậy nên vết chai mới tự nhiên dày như vậy”.
Khi ông Lý Gia Thành kể xong câu chuyện này, ông nói với phóng viên rằng: “Tôi không đủ tư cách để bảo cậu sờ vào lòng bàn chân của tôi, nhưng tôi có thể nói với cậu rằng chân tôi cũng có rất nhiều vết chai”.
Ông Lý Gia Thành lúc nhỏ làm chân sai vặt trong một quán trà, phụ trách châm trà cho khách, mỗi ngày làm việc hơn 10 giờ đồng hồ. Sau này, khi đã trở thành người bán hàng, ông vẫn vác theo một chiếc túi lớn đi bộ hơn chục tiếng mỗi ngày.
Những người khác làm việc 8 giờ đồng hồ, còn ông làm việc 16 giờ đồng hồ. Không còn cách nào khác, vì ông hiểu rằng trong hoàn cảnh đó, chỉ có dựa vào sự chăm chỉ, chịu khó, ông mới có thể sinh tồn được.
Năm 11 tuổi, ông đến Hồng Kông, sống cảnh ăn nhờ ở đậu. Năm 15 tuổi, cha ông qua đời và ông phải bỏ học để đi làm thuê. Trên con đường này, chàng trai trẻ Lý Gia Thành, vận khí không thể nói là tốt được.
Nhưng ông không bỏ cuộc, mà trái lại còn làm việc chăm chỉ hơn, cắn chặt hàm răng, dù khó khăn đến đâu ông vẫn kiên trì làm việc. Ông đã từ một người làm công ăn lương làm đến chức giám đốc, từ giám đốc nhà máy nhựa trở thành một người giàu có hàng đầu, hai lớp vết chai ở lòng bàn chân là minh chứng rõ nhất cho sự chăm chỉ bền bỉ của ông.
Như người ta thường nói: “Ông Trời luôn ưu ái những người đặc biệt siêng năng”.
Sự nghiệp của ông Lý Gia Thành càng làm càng tốt, vận khí cũng theo đó ngày càng hưng thịnh. Mỗi lần thời đại đổi thay, ông đều nắm bắt được cơ hội. Mà cơ hội thường dành cho những người có sự chuẩn bị. Mỗi khi cơ hội đến, ông Lý Gia Thành đều sẽ sẵn sàng đón nhận nó.
Cũng giống như chiếc đồng hồ của ông, nó thường được chỉnh sớm hơn 10 phút so với thời gian bình thường. Chỉ 10 phút ngắn ngủi lại chính là thước đo cho một đời chăm chỉ của ông.
Cơ hội không phải là ngẫu nhiên, mà là điều tất yếu. Thường chỉ những người siêng năng mới có được nhiều cơ hội hơn để thực hiện mục tiêu và đạt được thành công.
Chuyên cần nuôi dưỡng vận may, vậy nên sự chuyên cần mới là con đường tắt hướng đến thành công.
Người thiện lương tự có phước báo
Có câu nói: “Thiện lương khó hơn thông minh, bởi thông minh là một loại thiên phú, còn thiện lương lại là một sự lựa chọn”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thiện lương là sự lựa chọn trong bản tính con người. Người thiện lương ôm giữ thiện niệm trong tâm, có tấm lòng chính trực, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Bởi vậy, người sống thiện lương thì phước báo tự nhiên sẽ tìm đến.
Ở quận Ngân thuộc vùng Chiết Giang, Trung Quốc, có một người trông coi thư viện tên là Dương Tự Trừng, là người nhân hậu, làm việc ngay thẳng, không xu nịnh.
Lần nọ, một tù phạm đã chọc giận quan huyện, vị quan huyện này tính tình hà khắc, ra lệnh cho cấp dưới dùng cực hình với tên tù phạm này. Dương Tự Trừng nhìn thấy cảnh này, đã lên tiếng cầu xin cho tên tù phạm.
Quan huyện khi đó rất lấy làm khó hiểu, bèn hỏi: “Tù phạm này đã làm nhiều chuyện xấu xa như vậy, thật khiến người ta căm phẫn không thôi”.
Dương Tự Trừng quỳ lạy thưa rằng: “Triều đình nguyên cũng có lỗi, thành ra dân chúng mới mất niềm tin vào triều đình, dẫn đến lòng người hoảng loạn, người dân phạm pháp. Lỗi cũng là vì không có người dạy dỗ kịp thời. Và trách nhiệm của việc dạy dỗ này chung quy là thuộc về ai? Chính là quan phụ mẫu là người thầy của dân, học trò có lỗi là bởi người thầy đã không giáo dục chúng được tốt. Anh ta đã làm điều xấu cần phải bị trừng trị nghiêm khắc, còn ngài thì nên thương xót anh ta thay vì giận dữ với anh ta”.
Nghe xong những lời này, quan huyện cảm thấy rất có lý, sau đó cũng không tức giận nữa.
Dương Tự Trừng là một người có đạo đức tốt, sau khi vào nha môn, ông rất có lòng thương xót các tù phạm. Khi trong tù thiếu lương thực, tù nhân bị đói, ông sẽ tìm đủ cách để giúp đỡ họ. Ông sẽ tìm đến những người giàu có như các nhà sư cầu xin sự bố thí để giúp các tù nhân có cơm ăn và không bị đói.
Thậm chí có lần, có mấy tên tù không có cái để ăn, dù gia cảnh khốn khó, lương thực trong nhà không nhiều, nhưng ông cũng lấy ra một nửa số đó để giúp đỡ họ.
Không chỉ vậy, Dương Tự Trừng còn là một người rất ngay thẳng, khi có người tìm ông giúp đỡ, sau đó tặng quà cho ông, ông đều sẽ thẳng thắn từ chối, làm việc một cách quang minh chính đại.
Sau này, Dương Tự Trừng có hai con trai. Các con ông sau khi lớn lên đều làm quan lớn, thậm chí đến đời con cháu đều vẫn làm quan.
Cũng chính vì ông sống lương thiện, phẩm đức ngay thẳng, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo, giúp cho gia đình hưng thịnh, con cháu ngày càng tốt hơn.
Thật đúng như câu nói: “Tích đức dù không ai thấy, hành thiện tự có trời biết”. Hành thiện không cần người khác biết, nhưng phúc báo và đức hạnh sẽ dần dần tăng trưởng. Nhiều khi, khi làm việc thiện, chúng ta không chỉ giúp đỡ người khác, mà cũng đang giúp đỡ chính mình.
Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch