Chính sách cha truyền con nối hé lộ bí ẩn gia tộc họ Kim ở Triều Tiên (Kỳ 2)

Chính sách cha truyền con nối hé lộ bí ẩn gia tộc họ Kim ở Triều Tiên (Kỳ 2)
(Ảnh: Tri Thức Mới)

Sân bay Kuala Lumpur Malaysia ngày 13/2/2017 vẫn nhộn nhịp như thường ngày.

Bên một chiếc bàn cafe nhỏ kê sát  tường, có hai người châu Á đang ngồi uống cà phê và bàn việc. Người đàn ông hướng dẫn cho một cô gái chi tiết của công việc ngày hôm đó, vẫn là những gì cô đã quen làm từ mấy tháng qua. 

Theo như người phụ nữ Indonesia có tên Siti Aisyah sau này kể lại thì, cô đã được tiếp cận bởi một người đàn ông, tự giới thiệu là một nhà sản xuất chương trình truyền hình. Anh ta hỏi Siti có muốn tham gia vào một phim ngắn hài hước hay không? Việc của cô là trêu đùa người khác. Siti đồng ý. Và thế là trong hàng tháng trời, cô và một người phụ nữ Việt Nam khác phục kích những người lạ trong đám đông vốn không hề nghi ngờ trò đùa của hai cô gái này, làm họ ngạt thở bằng kem trang điểm, kem dưỡng da, dầu em bé v.v.

Nhưng vào ngày 13/2/2017 ấy, hóa chất gây ngạt không phải là mỹ phẩm thông thường, mà là chất độc thần kinh. Và người bị chơi khăm không phải là một người bất kỳ, mà là một nhân vật quan trọng trong gia tộc họ Kim ở Triều Tiên: Kim Jong-Nam - anh trai cùng cha khác mẹ của Kim Jong-Un. Đương nhiên, để đảm bảo mọi việc diễn ra chính xác, không chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, thì hai cô gái này vẫn tưởng rằng mình đang thực hiện một trò vui được trả tiền và quay phim.

Khi Kim Jong-Nam xuất hiện ở sân bay Kuala Lumpur trong bộ jacket màu xám, ông không ngờ rằng đã bị hai cô gái này bám theo. Khi Kim Jong-Nam trên đường đi ra máy bay, một cô gái đã choàng tay qua mặt ông từ phía sau đầu, ấp chiếc khăn tay đẫm chất độc thần kinh VX lên mặt ông, cô kia phun vào người ông một loại chất lỏng không được xác định và sau đó cả hai tháo chạy. Kim Jong-Nam chạy đến yêu cầu bộ phận y tế của sân bay sơ cứu, song đã muộn. Ông qua đời 1 giờ sau đó.

Kim Jong-Nam vì sao bị hạ thủ? Và ai đứng đằng sau vụ ám sát chính trị chấn động này?

Thân thế của Kim Jong-Nam và lý do dẫn đến cái chết của ông

Kim Jong-nam (1971 – 2017) là con trai cả của cố lãnh đạo Kim Jong-Il của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cho đến trước năm 2001, ông đã được xác định là người thừa kế của cha mình để lãnh đạo Triều Tiên. Năm 2001, Kim Jong-nam đã bí mật bay sang Nhật Bản bằng hộ chiếu giả để đi du lịch tại Disneyland Tokyo, tuy nhiên sau đó ông đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ khi đang ở sân bay. Sau khi bị giam giữ vài ngày, ông bị trục xuất đến Trung Quốc theo chỉ thị của chính phủ Nhật Bản. Kim Jong-nam có vẻ như đã kể với người thẩm vấn mình rằng ông đến Nhật Bản là để thăm Disneyland Tokyo tại Urayasu, gần Tokyo. Sự kiện này đã khiến Kim Jong-il hủy bỏ một kế hoạch viếng thăm Trung Quốc.

Sau sự kiện này, Kim Jong-Nam bị thất sủng. Người ta tin rằng, đây là lúc mà Kim Jong-Un được chỉ định làm người thay thế ông. Còn vào năm 2003, Hwang Jang-yop, người trước tác tư tưởng chủ thể Juche đã đào thoát đến Hàn Quốc năm 1997 thì cho rằng Kim Jong-Nam bị thất sủng vì mẹ của ông không phải là người phụ nữ mà Kim Jong-Il yêu thích nhất. Còn chính Kim Jong-Nam thì kể nguyên do như sau trong một thư điện tử gửi cho biên tập viên của tờ Tokyo Shimbun:

"Khi tôi trở về Triều Tiên sau thời gian học tập tại Thụy Sĩ, tôi càng trở nên xa cách cha tôi hơn vì tôi nhấn mạnh về cải cách và mở cửa thị trường và cuối cùng được nhìn nhận bằng sự nghi ngờ." Ông Kim Jong-Nam cũng viết: "Cha tôi cảm thấy rất cô đơn sau khi gửi tôi đi học ở nước ngoài. Sau đó các em trai khác mẹ của tôi là Jong-chol và Jong-un cùng em gái khác mẹ Yo-jong được sinh ra và sự quý mến của ông được chuyển sang cho họ. Và đến khi ông cảm thấy rằng tôi đã trở thành một tên tư sản sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, ông đã rút ngắn thời gian học ở hải ngoại của các em tôi”.

Kim Jong-Nam từ đó sống ẩn cư ở Macau, có lần trở về Triều Tiên để cùng khâm liệm cha mình vào tháng 12/2011 cùng với em trai Kim Jong-Un sau một vài ngày và trở về ngay, không tham dự tang lễ để tránh bị hiểu nhầm tranh giành quyền kế nhiệm.

Kim Jong-Nam có lần đã công khai chỉ trích em trai mình là một kẻ tham quyền và nói rằng: "Cậu ta không có đủ tư cách cũng như kinh nghiệm để trở thành một nhà lãnh đạo! Nếu như cậu ta lên nắm quyền thì ngày tàn sẽ đến với Triều Tiên!". Ông cũng nói rằng "Nếu không có cải cách, Triều Tiên sẽ sụp đổ, và khi thay đổi đó diễn ra, chế độ sẽ sụp đổ." Không những vậy, ông còn nhiều lần chỉ trích, lên án chế độ gia tộc họ Kim lên nắm quyền ở Triều Tiên và là một người ủng hộ việc đưa quốc gia này trở thành một nước tư bản, thân phương Tây.

Điều này đã dẫn đến cái chết của ông trong vụ ám sát năm 2017, là kết quả của một kế hoạch chi tiết và được tập dượt kỹ lưỡng. Kẻ chủ mưu đương nhiên không ngoài ai khác chính là Kim Jong-Un em trai ông, một yếu nhân chính trị hay một ông trùm mafia?

Kim Jong-Un - ông Trùm Michael Corleone của gia đình họ Kim ở Triều Tiên

Trong bộ phim The Godfather phần 1 & 2, nhân vật chính Michael Corleone lúc này đã kế nhiệm vị trí ông Trùm của gia đình Mafia Corleone mạnh nhất nước Mỹ. Tất nhiên, cũng giống như gia đình nhà họ Kim không phải một hoàng gia, vị trí ông Trùm không phải là cha truyền con nối, bởi vậy Michael đã phải vượt qua thử thách để trở thành ông Trùm kế nhiệm. Khi ấy, người anh cả Santino của ông đã chết vì bị đối thủ hạ sát, song còn các caporegime trợ tá cho cha anh và cả người anh trai Fredo nữa.

Fredo là anh trai thứ hai của Michael, được gửi xuống Las Vegas vừa để lánh nạn, vừa để chăm lo việc làm ăn của gia đình Corleone ở đó. Fredo luôn cho mình là thông minh và cũng đủ khả năng gánh vác trách nhiệm đầu lĩnh của gia đình. Dần dần, Fredo có những giao dịch riêng tư với các gia đình Mafia khác mà có thể làm tổn hại đến lợi ích của gia đình Corleone. Chính lúc này, Michael đã cảnh cáo:

"Fredo, anh là anh trai của em, và em yêu anh. Nhưng đừng bao giờ đứng về phía bất kỳ ai chống lại Gia đình nữa. Không bao giờ."

Dù được cảnh báo như vậy, nhưng Fredo tiếp tục “đi đêm” với các gia đình Mafia khác, và Michael từ đó cấm cửa anh trai. Sau này, dù Michael có chấp nhận cho Fredo quay lại với gia đình, nhưng đã cho người hạ sát anh ta trên một chiếc thuyền câu cá ở ngoài khơi.

Theo lời kể của những người đã tiếp xúc với Kim Jong-Un, nhất là vào thời kỳ ông ta du học tại Thụy Sĩ, thì Kim là một người có sự ưa thích nhất định với văn hóa phương Tây, và ông ta cực kỳ hiếu thắng. Chỉ cần nhìn việc xây dựng kế hoạch chi tiết để hạ sát Kim Jong-Nam và các bước thực hiện tỉ mỉ của nó đã có thể thấy sự nham hiểm và máu lạnh của Kim Jong-Un có lẽ còn vượt qua cả nhân vật Michael Corleone trong series phim Bố Già lừng danh cuối thế kỷ trước.

Kim Jong-Un thực ra đã từng có lần lên kế hoạch ám sát anh trai mình vào năm 2012 nhưng lần ấy không thành công. Song vào tháng 12/2013, thì một nhân vật khác trong gia đình họ Kim - người chú dượng Jang Song-Thaek cùng toàn gia bị xử tử với cáo buộc rằng ông Jang Song-Thaek phạm tội phản đảng, phản cách mạng và có âm mưu đảo chính. 

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, "cuộc xử tử quy mô lớn đã được tiến hành với tất cả người thân trong gia đình Jang Song-thaek".

Trong số những người bị hành quyết có em gái của ông Jang là Jang Kye-sun cùng chồng. Con gái, con trai và thậm chí cả cháu của hai người anh của ông Jang cũng đều bị xử tử. Còn có Đại sứ Triều Tiên tại Cuba Jon Yong-jin, cháu của Jang là Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Jang Yong-chol cùng hai con trai cũng bị xử tử. Những người này đều được triệu hồi về Bình Nhưỡng từ cuối tháng 12/2013.

Những người có quan hệ hôn nhân với thành viên trong gia đình ông Jang, trong đó có vợ Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia, bị đưa về các ngôi làng xa xôi hẻo lánh cùng với gia đình bố mẹ đẻ.

Điều này gợi nhớ đến câu nói của Michael Corleone trong The Godfather phần 2: 

"Tôi không cảm thấy mình phải tiêu diệt tất cả mọi người, Tom. Chỉ kẻ thù của tôi thôi." 

Cũng giống như nhân vật Michael Corleone trên phim có em gái Connie Corleone càng già càng biến tính một cách nguy hiểm, Kim Jong-Un có một cô em gái hỗ trợ đắc lực trong các hoạt động thanh trừng đối thủ. Với biệt danh là “công chúa ngọt ngào”, cô Kim Yo-Jong này được coi là người chỉ huy chủ chốt đã cho nổ tung tòa nhà nơi hai miền Triều Tiên tổ chức hội đàm vào tháng 6/2020. Có những cơ sở để tin rằng chính “công chúa ngọt ngào” này đã đưa ra nhiều mệnh lệnh hành quyết, là người đóng vai kẻ xấu để giúp giải quyết những tình thế khó xử của anh trai mình. 

Những so sánh thú vị này giữa Kim Jong-Un và Michael Corleone có lẽ mới là một gợi ý để nhìn nhận gia đình nhà họ Kim dưới một góc nhìn mang tính tội phạm học. Song hoạt động làm ăn thực tế của họ mới khẳng định tính chất Mafia của gia đình này.

Một gia đình hoạt động như tổ chức Mafia quyền lực nhất ở Triều Tiên

Các nhà phân tích về Triều Tiên, nhất là của phương Tây, đã phân loại chế độ gia đình trị nhà họ Kim là một doanh nghiệp tội phạm kiểu gia đình rất tham nhũng, coi thường luật pháp quốc tế và liên quan đến buôn lậu, buôn bán vũ khí, bao gồm phổ biến vật liệu hạt nhân và các bộ phận tên lửa, buôn bán ma túy, tiền giả… tất cả để tạo ra doanh thu cho giới cầm quyền giàu có.

Vào năm 2012, các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng các ống trụ than chì do Triều Tiên sản xuất có khả năng được sử dụng để sản xuất tên lửa đạn đạo. Năm 2005, một quan chức Ireland bị bắt vì phân phối tờ 100 USD được làm giả với chất lượng cao do Triều Tiên sản xuất, được gọi là "siêu tiền giấy". Và vào năm 2016, một công dân Anh đã bị kết án 15 năm tù vì âm mưu nhập khẩu 100 kg methamphetamine của Triều Tiên vào Hoa Kỳ.

Các hoạt động bất hợp pháp của Triều Tiên giúp họ trốn tránh các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế áp đặt cho những nỗ lực không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã bị Liên Hợp Quốc cấm.

Ông Robert Kelly thuộc Đại học Quốc gia Pusan ​​cho biết: “Họ chỉ không tuân theo các quy tắc trong và ngoài nước. Họ đối xử tệ bạc với người dân của mình và ở nước ngoài, về cơ bản, họ đã tham gia vào nền kinh tế bất hợp pháp khổng lồ này và không có gì đáng ngạc nhiên khi điều đó cũng bao gồm các hành vi chính trị bất hợp pháp như ám sát”.

Sự bế tắc của mô hình cai trị nhà họ Kim và bài toán khó giải của những người kế nhiệm

Nếu coi gia đình nhà họ Kim như một tổ chức Mafia gia đình theo quan điểm của giới phân tích phương Tây, thì cũng có phần đúng, nhưng chưa đủ. Chế độ của Triều Tiên hiện nay có lẽ là một dạng quái vật chính trị có đủ các “đặc điểm di truyền” của những giống loài đối lập nhau trong mình nó.

Ban đầu, Kim Nhật Thành đi theo con đường cộng sản, ông ta vốn là đảng viên của ĐCSTQ và dựa vào mối quan hệ với khối các nước cộng sản để đi lên, song đến năm 2009, các mối liên hệ với chủ nghĩa cộng sản truyền thống đã bị quốc hội Triều Tiên chính thức loại bỏ khỏi Hiến pháp. Theo Hiến pháp sửa đổi năm 2019, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một nhà nước xã hội chủ nghĩa "kiểu mới" kiêm "nhà nước Cách Mạng", tư tưởng Kim Nhật Thành cùng tư tưởng Kim Chính Nhật thay thế cho tư tưởng Marx-Engels-Lenin là những hệ tư tưởng chỉ đạo cho mọi hoạt động của đất nước, và Đảng Lao động Triều Tiên là đảng lãnh đạo duy nhất.

Theo tư tưởng chủ thể Juche của Kim Nhật Thành, thì Triều Tiên là nhà nước một mình một kiểu không giống ai. Còn theo tư tưởng “tiên quân chính trị” của Kim Chính Nhật, nghĩa là quân đội trên hết, thì đây là một nhà nước quân phiệt. Triều Tiên về danh nghĩa là một nước Cộng Hòa, song lại duy trì chế độ gia đình trị cha truyền con nối như một nước quân chủ. Nhà nước Triều Tiên là một thể chế chính trị nhẽ ra hoạt động công khai và hợp pháp, song lại có những hoạt động ở thế giới ngầm như một tổ chức tội phạm khét tiếng.

Thế giới đang vận động mãnh liệt và Triều Tiên cũng không thể quây nhốt nhân dân và đất nước mình được mãi, mô hình cai trị theo kiểu bưng bít thông tin và thực hiện chính sách ngu dân sớm thôi sẽ đi vào phá sản. Có lẽ, đó chính là chỗ khó nghĩ của ông Kim Jong-Un hiện nay và là động cơ khiến ông ngập ngừng thể hiện ý muốn hiện đại hóa, bằng việc xuất hiện trước công chúng cùng đệ nhất phu nhân Triều Tiên và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Điển hình như cuộc hội đàm giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-Un tại DMZ năm 2019. Song việc mở cửa ra với thế giới mặt khác lại là tự triệt hạ quyền lực đã mấy đời xây dựng dựa trên việc bế quan tỏa cảng. Tâm lý lưỡng lự này của ông Kim Jong-Un lại cũng có phần giống với nhân vật ông Trùm Michael Corleone muốn đưa doanh nghiệp tội phạm gia đình này trở về thế giới hợp pháp và cuối cùng thất bại.

Ai sẽ là người kế nhiệm ông Kim Jong-Un trở thành lãnh tụ kế tiếp của Triều Tiên? Cô con gái Kim Ju-Ae hay cô em gái biệt hiệu “công chúa ngọt ngào” giết người như ngóe Kim Yo-Jong, hay là ai khác? Đến như Kim Jong-Un là nhân vật mạnh mẽ nhất hiện nay của gia đình họ Kim mà còn đang lúng túng về đường đi nước bước tiếp theo của chế độ thì cần gì phải kể đến con thơ, gái góa nào khác. Có lẽ nếu không có gì bất trắc xảy ra với ông Kim Jong-Un, thì ông sẽ là lãnh tụ cuối cùng của chế độ gia đình trị nhà họ Kim ở Triều Tiên. Đương nhiên, đây cũng là suy đoán mang tính cá nhân.

Xem: ​Phần 1, Phần 2

Nguyên Vũ


Đọc tiếp