Cổ phiếu châu Á phục hồi sau một ngày bán tháo toàn thế giới

Cổ phiếu châu Á phục hồi sau một ngày bán tháo toàn thế giới
Người dân theo dõi chuyển động thị trường chứng khoán tại Nhật Bản (@GABBYiSACTiVE/X)

Các nhà đầu tư ở châu Á đã lấy lại được sự bình tĩnh vào thứ Ba (6/8), sau một ngày bán tháo điên cuồng trên toàn thế giới vì lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ.

Tại Nhật Bản, nơi có mức lỗ lớn nhất vào thứ Hai (5/8), cổ phiếu đã tăng trở lại. Chỉ số Nikkei 225 tăng 11% sau khi giảm 12,4% vào ngày hôm trước. Đó là mức giảm điểm trong một ngày lớn nhất của chỉ số chuẩn, lớn hơn mức giảm mạnh trong vụ sụp đổ được gọi là Thứ Hai Đen vào tháng 10 năm 1987.

Cổ phiếu ở Hàn Quốc, vốn cũng giảm hơn 10% vào thứ Hai, đã tăng trở lại khoảng 4%.

Sự biến động trên thị trường chứng khoán bắt đầu vào tuần trước tại Nhật Bản, nơi những lo ngại về tình hình kinh tế Hoa Kỳ càng gia tăng. 

Vào thứ sáu tuần trước (2/8), một báo cáo về việc làm của người Mỹ cho thấy sự chậm lại đáng kể trong việc tuyển dụng, điều này thúc đẩy một đợt bán tháo trên thị trường Hoa Kỳ.

Sự hoảng loạn lan rộng hơn đã diễn ra vào thứ hai vì lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể đã quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất, làm đe dọa đến sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ. Tại Phố Wall, S&P 500 giảm 3%, mức giảm hàng ngày mạnh nhất kể từ tháng 9 năm 2022.

Cục Dự trữ Liên bang dự kiến ​​sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Mức lãi suất hiện tại đang ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ..

Tình hình ở Nhật Bản đã trở nên phức tạp hơn do sự thay đổi chính sách theo hướng ngược lại. Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất chủ chốt lên một phần tư điểm vào thứ Tư tuần trước (31/7). Đây chỉ là lần tăng lãi suất thứ hai của ngân hàng trung ương kể từ năm 2007. Sau nhiều năm các nhà hoạch định chính sách giữ lãi suất ở mức thấp để cố gắng thúc đẩy giá cả và tiêu dùng, điều này khiến lạm phát đã tăng lên mức mà họ cảm thấy có thể bắt đầu tăng lãi suất.

Triển vọng lãi suất cao hơn khiến đồng yên mạnh lên, một xu hướng có thể tốt cho nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn nhưng sẽ là lực cản đối với lợi nhuận của công ty, đặc biệt là đối với các công ty lớn phụ thuộc vào việc bán ra nước ngoài.

Sự lạm phát tại Nhật Bản đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, một số người lo ngại rằng đồng yên mạnh hơn sẽ báo hiệu sự kết thúc của đợt tăng giá kéo dài hơn một năm của cổ phiếu Nhật Bản vốn được thúc đẩy bởi đồng tiền đang yếu đi.

Đồng yên mạnh hơn cũng làm giảm giá một số khoản đầu tư toàn cầu. Các khoản đầu tư này được thực hiện khi đồng tiền này rẻ hơn. Một giao dịch phổ biến trong số một số nhà đầu tư liên quan đến việc vay bằng đồng yên, sau đó đầu tư vào các thị trường như Hoa Kỳ. Nhưng khi sức mạnh của đồng đô la bắt đầu suy yếu trong năm nay, lợi nhuận từ giao dịch đó cũng bắt đầu đảo ngược hướng đi.

Đồng yên suy yếu vào thứ Ba (6/8) và giao dịch ở mức khoảng 145 yên đổi ra 1 đô la, so với mức 141 yên đổi 1 đô la của ngày trước đó.

Trong khi phản ứng dây chuyền của đồng tiền Nhật mạnh lên và việc chứng khoán giảm có vẻ đã lắng xuống, các nhà phân tích dự đoán những biến động lớn trên thị trường vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn về hướng đi của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Theo Telegraphindia
Bảo Thư