Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc: Người dân Gaza đang vật lộn với việc bệnh viện đóng cửa, suy dinh dưỡng và nắng nóng

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc: Người dân Gaza đang vật lộn với việc bệnh viện đóng cửa, suy dinh dưỡng và nắng nóng
Bị di dời theo lệnh của Israel, người Palestine mang theo nhiều đồ đạc nhất có thể trước khi đi tìm nơi trú ẩn mới. (Ảnh: UNRWA)

Tại Gaza, các bệnh viện quá tải, nhiệt độ tăng cao, nạn đói và thậm chí thiếu thốn các điều kiện vệ sinh cơ bản đang gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với người dân đang liên tục bị tấn công, các tổ chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc cảnh báo vào ngày 9/7.

Trong buổi họp báo với các nhà báo tại Geneva, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết theo các cơ quan y tế tại Gaza, ít nhất 33 trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng, hầu hết ở các khu vực phía Bắc - nơi gần đây phải đối mặt với chiến dịch quân sự mà Israel phát động sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 ở miền Nam Israel.

Người phát ngôn của WHO nói với các nhà báo rằng: "Chỉ riêng tại bệnh viện Kamal Adwan [miền bắc Gaza], đã phát hiện 60 trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng vào tuần trước ".

Suy dinh dưỡng khiến người dân dễ mắc bệnh hơn

“Suy dinh dưỡng chắc chắn là một trong những yếu tố làm giảm khả năng miễn dịch, đặc biệt là ở nhóm dân số dễ bị tổn thương, người già và trẻ em, những người có sức đề kháng yếu”, ông Jasarevic cho biết, mô tả một “ vòng luẩn quẩn của việc không được tiếp cận đủ thực phẩm, nước sạch, vệ sinh sạch sẽ, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản”.

Ông Jašarević đã vinh danh sự tận tụy của các nhân viên y tế đã trở lại bệnh viện sau khi họ cảm thấy an toàn, để nỗ lực cứu chữa người bệnh. Trong số 36 bệnh viện ở Gaza, chỉ có 13 bệnh viện "hoạt động một phần" , ông cho biết.

Trung tâm y tế mở cửa trở lại

Trong một tin tức tích cực hơn, hàng trăm người dân Gaza đã tìm kiếm sự giúp đỡ tại một trung tâm y tế của Liên Hợp Quốc mới mở cửa trở lại tại Khan Younis, sáu tháng sau khi trung tâm này bị hư hại nghiêm trọng và buộc phải đóng cửa do giao tranh ác liệt, cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết hôm thứ Ba, ngày 9/7.

Đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Nhật Bản của UNRWA tại Khan Younis đã phải chạy trốn khi giao tranh xảy ra và xe tăng Israel lăn bánh trên đường phố.

“Người dân ở Gaza rất cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhưng chỉ một phần nhỏ các trung tâm y tế của UNRWA đang hoạt động do các hoạt động quân sự đang diễn ra và thiệt hại cũng như sự phá hủy các cơ sở của UNRWA”, Louise Wateridge, Cán bộ truyền thông cấp cao của UNRWA nói với UN News . “Ít hơn một phần ba các trung tâm y tế của chúng tôi đang hoạt động”.

Bà cho biết thêm trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại, 33 nhân viên y tế đã đến làm nhiệm vụ và hỗ trợ hơn 900 bệnh nhân đang tìm kiếm sự điều trị.

Không đủ năng lực

Tổng công suất tại sáu bệnh viện chỉ hoạt động một phần ở miền Nam Gaza - bao gồm ba bệnh viện ở Deir Al Balah và ba bệnh viện ở Khan Younis - chỉ là 1.334 giường.

Trong số 11 bệnh viện dã chiến ở Dải Gaza, ba bệnh viện đã phải đóng cửa tạm thời và bốn bệnh viện chỉ hoạt động một phần "do tình hình thù địch ở Rafah và khả năng tiếp cận hạn chế", WHO cho biết.

Về cơ sở hạ tầng bệnh viện, “mức độ tàn phá lớn đến mức khó có thể tưởng tượng được sẽ mất bao lâu để [xây dựng lại] sau khi chiến tranh kết thúc”, ông Jašarević nhấn mạnh.

Ông Tedros chỉ trích việc di tản

“ Thực sự không có góc an toàn nào ở Gaza ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định đồng thời cảnh báo trong một  bài đăng trực tuyến rằng các báo cáo mới nhất về lệnh sơ tán ở Thành phố Gaza “sẽ tiếp tục cản trở việc cung cấp dịch vụ chăm sóc rất hạn chế”.

“ Bệnh viện Al-Ahli và Bệnh viện thân thiện với bệnh nhân đã ngừng hoạt động ; bệnh nhân hoặc tự di tản, được xuất viện sớm hoặc được chuyển đến Kamal Adwan và các bệnh viện Indonesia, nơi đang thiếu nhiên liệu, giường bệnh và vật tư y tế chấn thương”, người đứng đầu WHO cho biết thêm.

“ Bệnh viện Indonesia đang quá tải gấp ba lần. Bệnh viện Al-Helou nằm trong các khối lệnh sơ tán nhưng vẫn hoạt động một phần. Bệnh viện As-Sahaba và Al-Shifa nằm gần các khu vực có lệnh sơ tán nhưng vẫn hoạt động cho đến nay. Sáu điểm y tế và hai trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng nằm trong các khu vực sơ tán.”

Không nơi nào và không ai được an toàn

Ông Jašarević cho biết ngoài hậu quả trực tiếp từ cuộc pháo kích và ném bom liên tục của quân đội Israel kéo dài suốt đêm đến tận thứ Ba, "mọi người ở Gaza" đều có nguy cơ bị bệnh và tử vong vì thiếu sự chăm sóc.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh mãn tính như ung thư hoặc tiểu đường, những người bị thương không được điều trị kịp thời và trẻ em bị đe dọa bởi các bệnh lây truyền qua đường nước.

Ông nhắc lại lời kêu gọi của cơ quan này về việc mở tất cả các cửa khẩu biên giới vào vùng đất này để có thể thực hiện các cuộc sơ tán y tế vô cùng cần thiết.

“Hơn 10.000 người cần được chăm sóc y tế chuyên khoa bên ngoài Gaza. Những người này không thể chờ đợi được nữa”, ông nhấn mạnh.

Việc cứu trợ y tế cũng bị đình trệ và cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết không có xe tải nào của cơ quan này đi vào Gaza vào tuần trước.

Khi được hỏi về tình trạng hiện tại của các cơ sở y tế tại Dải Gaza, ông Jašarević cho biết các bệnh viện đang được sơ tán hoặc bị phá hủy do ném bom, không có khả năng xây dựng lại cho đến khi giao tranh dừng lại.

Theo  bản cập nhật khẩn cấp mới nhất từ ​​văn phòng điều phối viện trợ của Liên Hợp Quốc (OCHA), chỉ trong vòng một tuần, bệnh nhân và nhân viên y tế đã sơ tán ba bệnh viện ở phía nam Gaza, "vì lo ngại các hoạt động quân sự gia tăng có thể khiến các cơ sở y tế không hoạt động hoặc không thể tiếp cận được". 

Theo UN News

Trọng Đức biên dịch