Con trẻ có những tính cách này đa phần là không hiếu thảo, cha mẹ đừng nên hy vọng quá nhiều
Trong lòng cha mẹ, con cái là sự tiếp nối của cuộc sống và là niềm hy vọng cho tương lai. Họ làm việc vất vả để nuôi dạy con cái lớn khôn, mong nhận được lòng hiếu thảo và sự quan tâm từ con cái trong những năm cuối đời…
Tuy nhiên, nếu con cái có những thói quen sau đây, phần lớn sẽ không hiếu thảo, thân là cha mẹ không nên quá kỳ vọng mà nên tự tìm cho mình một lối thoát.
1. Ích kỷ và tự cho mình là trung tâm
Một số trẻ được nuông chiều từ nhỏ và đã hình thành tính cách ích kỷ, mọi việc chỉ nghĩ đến mình và không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người khác. Trong cuộc sống, chúng chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân có được đáp ứng hay không mà coi sự hy sinh của cha mẹ là điều hiển nhiên. Khi cha mẹ cần sự chăm sóc lúc tuổi già, họ thường trốn tránh trách nhiệm vì sợ rắc rối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình.
Chẳng hạn, trong việc ra quyết định trong gia đình, chúng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân và không bao giờ nghĩ đến cha mẹ. Khi mua nhà ở, họ chỉ nghĩ đến nhu cầu sinh hoạt của bản thân mà bỏ qua vấn đề dưỡng già của cha mẹ; khi phân chia tài sản của gia đình, chúng cố gắng giành phần nhiều hơn cho mình, chứ không quan tâm đến tình cảm và nhu cầu của cha mẹ. Kiểu hành vi ích kỷ này khiến cha mẹ khó nhận được lòng hiếu thảo và sự chăm sóc của con cái trong những năm tháng cuối đời.
2. Thiếu lòng biết ơn
Lòng biết ơn là một mỹ đức, cũng là nền tảng của lòng hiếu thảo. Tuy nhiên, có những trẻ lại thiếu lòng biết ơn và làm ngơ trước công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Chúng cho rằng sự hy sinh của cha mẹ là điều đương nhiên và bản thân chúng không cần phải báo đáp. Trong quá trình trưởng thành, chúng được hưởng cuộc sống vật chất, được cha mẹ chăm sóc, yêu thương, nhưng không bao giờ biết cảm ân và báo đáp.
Ví như, cha mẹ làm việc vất vả để cung cấp cho con trẻ điều kiện sống tốt, nhưng chúng lại không biết trân quý và phung phí tiền bạc theo ý muốn của mình; cha mẹ chăm sóc chu đáo khi ốm đau, nhưng cha mẹ ốm đau lại nhắm mắt làm ngơ. Loại hành vi thiếu lòng biết ơn này khiến sự hy sinh của cha mẹ trở nên hoàn toàn vô nghĩa và khiến họ khó nhận được lòng hiếu thảo từ con cái trong những năm cuối đời.
3. Không tôn trọng cha mẹ
Sự kính trọng là một trong những biểu hiện quan trọng của lòng hiếu thảo. Tuy nhiên, có những trẻ lại không tôn trọng cha mẹ và thường nổi nóng, cãi lại cha mẹ, thậm chí xúc phạm, mắng chửi cha mẹ. Trong cuộc sống, chúng không coi trọng cha mẹ, phớt lờ những ý kiến, đề xuất của cha mẹ.
Chẳng hạn, khi giao tiếp với cha mẹ, chúng có thái độ không tốt, giọng điệu cứng nhắc, thường xuyên ngắt lời cha mẹ; khi cha mẹ đưa ra những yêu cầu chính đáng, con trẻ không những không đáp ứng, mà còn oán trách rằng bố mẹ đòi hỏi quá nhiều. Kiểu cư xử thiếu tôn trọng này khiến cha mẹ khó có được sự tôn trọng và quan tâm từ con cái trong những năm tháng tuổi già, khiến cuộc sống sau này của họ đầy rẫy đau khổ và bất lực.
4. Quen sống dựa dẫm
Thuận theo sự phát triển của xã hội, hiện tượng sống dựa dẫm cha mẹ ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Có những đứa con sau khi trưởng thành vẫn sống dựa dẫm vào cha mẹ, không muốn tự lập và cố gắng. Chúng phụ thuộc cha mẹ về tài chính, trong sinh hoạt hàng ngày cũng cần cha mẹ giúp đỡ, quan tâm. Hành vi sống dựa dẫm này khiến cha mẹ phải gánh chịu áp lực to lớn về tài chính và gánh nặng cuộc sống trong những năm cuối đời.
Ví dụ, có trẻ sau khi tốt nghiệp không tìm việc làm, ở nhà cả ngày không làm gì, hoàn toàn sống dựa vào cha mẹ; có những đứa con sau khi kết hôn vẫn xin tiền bố mẹ, thậm chí còn đòi bố mẹ giúp họ trả các khoản tiền mua nhà, mua xe. Kiểu hành vi thích sống dựa dẫm này khiến cha mẹ khó có được cuộc sống ổn định trong những năm cuối đời, đồng thời khiến họ thêm lo lắng cho tương lai của con cái.
5. Lạnh lùng vô tình
Có những đứa trẻ lạnh lùng vô tình với cha mẹ và thiếu vắng hơi ấm của tình cảm gia đình. Trong cuộc sống, họ ít giao tiếp với cha mẹ, cũng không quan tâm đến cuộc sống và tình trạng sức khỏe của cha mẹ. Khi cha mẹ gặp khó khăn, chúng sẽ không chủ động ra tay giúp đỡ mà chọn cách đứng sang một bên.
Chẳng hạn, khi bố mẹ ốm đau nằm viện, họ hiếm khi đến thăm, thậm chí đến cả một cuộc điện thoại cũng không gọi; khi bố mẹ gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng cũng sẽ không chủ động giúp đỡ mà để bố mẹ tự giải quyết. Kiểu hành xử lạnh lùng, vô tâm này khiến cha mẹ khó cảm nhận được sự quan tâm và ấm áp của con cái khi về già.
Đối mặt với những đứa trẻ có những thói quen trên, cha mẹ cần nhận thức rõ ràng rằng họ không thể đặt hết hy vọng vào con mình. Để có được cuộc sống ổn định, hạnh phúc khi về già, bạn cần phải chừa cho mình một lối thoát.
Đầu tiên, bạn cần lên kế hoạch tài chính. Thời còn trẻ, bạn nên dành đủ tiền cho cuộc sống sau này, đừng để lại toàn bộ tài sản cho con cái. Bạn cần có một khoản tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống ổn định sau này.
Thứ hai, cha mẹ cần giữ gìn sức khỏe tốt. Sức khỏe là tài sản lớn nhất của đời người, với tuổi già thì nó càng là tài sản vô giá. Chỉ khi có cơ thể khỏe mạnh, bạn mới có thể tận hưởng được cuộc sống tốt đẹp lúc tuổi già. Bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, vận động vừa phải, giữ cho mình một tâm thái tốt đẹp, kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Cuối cùng, bạn nên mở rộng vòng kết nối xã hội của mình. Bạn bè và các hoạt động xã hội có thể mang lại nhiều niềm vui và sự hỗ trợ cho bạn trong cuộc sống sau này. Bạn có thể tham gia một số trung tâm hoạt động dành cho người cao tuổi, tổ chức cộng đồng, v.v. để kết bạn và làm phong phú thêm cuộc sống sau này.
Tóm lại, nếu con trẻ có những thói quen trên thì rất khó trông mong chúng báo hiếu cha mẹ lúc về già. Là cha mẹ nên nhìn nhận một cách thực tế, lập kế hoạch cho những năm tháng sau này của mình, chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào con cái. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể có được cuộc sống ổn định và hạnh phúc trong những năm cuối đời.
Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch