Của cải không vào cửa bẩn, 7 món đồ cũ không nên để trong nhà đón Tết

Của cải không vào cửa bẩn, 7 món đồ cũ không nên để trong nhà đón Tết
Của cải không vào cửa bẩn, 7 món đồ cũ không nên để trong nhà đón Tết. (Ảnh: Public Domain)

Người xưa cho rằng: "Tiền tài không vào cửa bẩn," trong nhà có 7 món đồ cũ nên vứt đi thì vứt, nên thay thì thay, không chỉ trông bẩn thỉu mà còn có thể mang lại xui xẻo, đừng giữ lại để đón Tết!

1. Bát đĩa bị sứt mẻ

Bát đĩa bị sứt mẻ trong nhà, thứ nhất là mất thẩm mỹ; thứ hai là có nguy cơ mất an toàn, khi rửa bát bị mẻ cứa vào tay, may mắn thì chỉ bị xước một chút, không may thì bị đứt thịt.

Người xưa có câu: bát vỡ không tụ tài, ý nói nếu bát đĩa bị sứt mẻ thì cũng không tốt cho đường tài lộc của gia đình, chúng ta là con cháu nên tin là có còn hơn là không.

2. Đũa dùng cả năm

Đũa dễ bị trầy xước, nấm mốc, mặc dù bề ngoài có vẻ sạch sẽ nhưng thực chất có thể đã bị nhiễm độc tố aflatoxin.

Aflatoxin là một loại độc tố rất mạnh, gấp 68 lần thạch tín, nếu ăn phải trong thời gian dài có thể phá hủy tế bào gan, nếu ăn phải trên 20mg có thể bị ngộ độc cấp tính, gây nguy hiểm rất lớn cho cơ thể con người.

Ngay cả khi không có aflatoxin, theo thời gian, đũa cũng sẽ tích tụ nhiều loại vi khuẩn, cặn thức ăn, vi khuẩn E. coli,... gây hại mãn tính cho cơ thể.

3. Quần áo không mặc vừa

Nhiều người mở tủ quần áo ra, thực chất phần lớn là quần áo không mặc vừa, không thích, lỗi mốt, thậm chí có cả những bộ từ mười mấy năm trước, rất nhiều bộ đã nhiều năm không động đến, khuyên mọi người nên sớm dọn dẹp bớt, ít nhất cũng có thể giải phóng được một nửa tủ quần áo.

Ngoài quần áo, những đồ lót bị biến dạng, áo len bị xù lông, tất,... cũng nên bỏ đi thì bỏ.

Sau khi dọn dẹp như vậy, bạn sẽ thấy tủ quần áo gọn gàng, việc thay đổi quần áo theo mùa cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

4. Gối không giặt trong nhiều năm

Ga trải giường, vỏ chăn, vỏ gối nên giặt hai tuần một lần, nhưng gối lại thường xuyên không được giặt giũ thay mới, thử nghĩ xem bên trong bẩn đến mức nào?

Cơ thể con người sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi, da chết, có một cuộc khảo sát cho thấy, một chiếc gối đã sử dụng hai năm, khoảng 10% trọng lượng là chất thải của mạt bụi. Da của nhiều người trở nên xấu đi, nổi mụn trên mặt, đều có liên quan rất lớn đến gối.

Vì vậy, việc vệ sinh, thay gối định kỳ là rất quan trọng, nếu gối của bạn không thể giặt được thì tối đa hai năm phải thay một lần.

5. Thực phẩm tích trữ trong ngăn đá tủ lạnh

Có nghiên cứu chỉ ra, cho dù là thịt bò, thịt cừu hay thịt gà, vịt, ngan, tốt nhất không nên đông lạnh quá 10 tháng, các loại hải sản thì càng ngắn, chỉ nên trong vòng 4 tháng.

Nếu thời gian quá lâu, bề mặt thịt tuy có vẻ vẫn tốt, nhưng thực chất bên trong đã bị biến chất, một khi rã đông, hoặc nhiệt độ có sự biến động, vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi, thậm chí vượt quá mức cho phép.

Vì vậy, nếu trong nhà có thịt đông lạnh quá lâu, hãy nhân dịp tổng vệ sinh cuối năm, nhất định phải dọn dẹp sạch sẽ, nên bỏ thì bỏ, đừng để đến Tết.

6. Gia vị, thuốc hết hạn

Nhân dịp cuối năm, hãy kiểm tra tất cả các loại gia vị, loại nào hết hạn thì nhanh chóng vứt bỏ, tránh chiếm diện tích, nhỡ bị mốc, mọt còn ảnh hưởng đến các loại gia vị khác.

Ngoài ra, thuốc hết hạn cũng vậy, những thứ này đừng "tận dụng phế liệu", để đảm bảo an toàn, vẫn nên bỏ đi thì bỏ.

7. Các loại đồ lặt vặt vô dụng

Đôi khi nhà cửa bừa bộn là do có quá nhiều đồ lặt vặt, dọn dẹp thì không biết dọn dẹp thế nào, vứt đi thì tiếc.

Ví dụ như hóa đơn hết hạn, dây cáp dữ liệu bị hỏng, hộp đóng gói vô dụng, pin phế thải, lịch hết hạn, đồ chơi bị hỏng, ô bị hỏng,... đều có thể nhân dịp cuối năm dọn dẹp hết.

Sau đó bạn sẽ thấy, đồ đạc trong nhà ít đi, gọn gàng sạch sẽ hơn rất nhiều, tâm trạng con người cũng sẽ trở nên khác biệt.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt