Cuộc đời giống như một chuyến đi ngược dòng

Cuộc đời giống như một chuyến đi ngược dòng
Cuộc đời giống như một chuyến đi ngược dòng. (Ảnh: Bảo tàng cố cung Đài Loan)

"Nhân sinh như nghịch lữ" là một câu nói nổi tiếng của nhà thơ Tô Thức. Ông dùng hình ảnh "nghịch lữ" để ví von cuộc đời con người như một chuyến đi xa, và bản thân mỗi người chỉ là những lữ khách dừng chân tạm thời tại quán trọ cuộc đời.

Câu thơ thể hiện quan niệm về sự vô thường của cuộc sống, con người đến rồi đi, giống như khách trọ đến rồi lại rời đi. Nó cũng truyền tải thông điệp về sự buông bỏ, chấp nhận, và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc trong cuộc đời hữu hạn này.

Người xưa làm thơ rất thích dùng từ "nghịch lữ"

Không chỉ Tô Thức, rất nhiều văn nhân mặc khách thời xưa cũng dùng từ này trong tác phẩm của mình. Ví dụ như Lý Bạch từng viết: "Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ dã; quang âm giả, bách đại chi quá khách dã". Câu này có nghĩa là trời đất là quán trọ của vạn vật, thời gian là khách qua đường của trăm đời. Lại như trong thơ của Lưu Trường Khanh có câu: "Nghịch lữ hương mộng tần, xuân phong khách tâm tuý", nghĩa là giấc mơ quê hương thường xuất hiện nơi quán trọ, lòng người khách say trong gió xuân.

Tóm lại, chỉ cần tìm kiếm sơ qua, chúng ta có thể thấy hàng chục bài thơ có chứa từ "nghịch lữ". Có thể thấy, người xưa dành một tình cảm đặc biệt cho từ này.

"Nghịch lữ" trong ngữ cảnh này có nghĩa là quán trọ, nhà trọ trên đường xa. Nó mang hàm ý chỉ sự tạm bợ, nay đây mai đó, giống như kiếp người ngắn ngủi, chỉ là chốn dừng chân tạm thời trong dòng chảy vô tận của thời gian.

Hiểu "nghịch lữ" là "ngược dòng mà lên" là không chính xác

Có lẽ chính vì vậy, hiện nay nhiều người cảm thấy hai chữ "nghịch lữ" rất nên thơ, khi gặp phải những khó khăn trắc trở trong cuộc sống, họ sẽ cảm thán rằng "đời người như lữ khách ngược dòng". Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu "nghịch lữ" là ngược dòng mà lên, ví von rằng dù con đường đời có gian nan nhưng tôi vẫn sẽ là một người dũng cảm đi ngược dòng, cách hiểu này tuy có vẻ rất phù hợp với ý cảnh của "nghịch lữ" nhưng lại không chính xác.

"Nghịch lữ" nghĩa là quán trọ hoặc khách sạn

Vậy rốt cuộc "nghịch nữ" là gì? Thực ra, từ ý thơ của người xưa, chúng ta có thể biết rằng "nghịch nữ" dùng để chỉ quán trọ hoặc khách sạn. Nó không mang năng lượng tích cực như chúng ta tưởng tượng, cũng không có bất kỳ màu sắc cảm xúc nào, mà chỉ đơn thuần là một danh từ.

Ví dụ như câu thơ của Tô Thức: "Nhân sinh như nghịch lữ, ngã diệc thị hành nhân".

Hay như Lý Bạch: "Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ dã"- Nói rằng trời đất nơi chúng ta sinh sống, chẳng qua chỉ là quán trọ tạm trú của vạn vật, mọi thứ trên thế gian đều là khách qua đường.

Nhà thơ lớn Đào Tiềm Minh trong bài "Tự tế văn" của mình có viết: "Đào Tử tương từ nghịch lữ chi quán, vĩnh quy vu bản trạch"- Có nghĩa là ta sắp từ biệt cõi nhân gian tạm trú này, trở về nơi ở ban đầu. Đây là ngụ ý về sự viên tịch sau khi tu hành, nơi sinh mệnh trở về.

Chúng ta đến với thế giới này giống như ở trọ trong một quán trọ vậy

Thời xưa có hai loại hình quán trọ, một loại là trạm dịch do triều đình thiết lập, loại còn lại là quán trọ do người dân kinh doanh. Các văn nhân mặc khách thường cầu kỳ hơn, họ gọi quán trọ là "nghịch lữ", đôi khi cũng gọi là "khách xá".

Ví dụ như Vương Duy trong bài thơ "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây" có viết: "Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần, khách xá thanh thanh liễu sắc tân, khuyến quân canh tận nhất bôi tửu, tây xuất Dương Quan vô cố nhân".

Vậy tại sao các thi nhân thời xưa lại thích dùng "nghịch lữ" để ví von cho cuộc đời? Bởi vì tác dụng của quán trọ là nơi tạm trú chân trên đường lữ hành, điều này có nhiều điểm tương đồng với cuộc đời con người.

Sinh mệnh con người như ngựa trắng qua khe, chúng ta đều chỉ là tạm trú trên thế giới này, vì vậy Tào Phi có câu danh ngôn rằng: "Nhân sinh như ký, đa ưu hà vi, kim ngã bất lạc, tuế nguyệt kỳ trì" . Ý muốn nói rằng, nhân sinh vốn dĩ chỉ là tạm trú nơi trần thế, cần gì phải muộn phiền lo âu nhiều như vậy? Hiện tại ta không hưởng lạc, thời gian sẽ trôi qua nhanh chóng.

Vì vậy, "nhân sinh như ký" và "nhân sinh như nghịch lữ" đều mang ý nghĩa tương đồng. Cũng là để thể hiện một cảm ngộ nhân sinh khoáng đạt và thấu suốt.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp