Cưới vợ cưới đức không cưới sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài

Cưới vợ cưới đức không cưới sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài
Cưới vợ cưới đức không cưới sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài. (Ảnh: Public Domain)

Việc lựa chọn bạn đời vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi người, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả hai, mà còn liên quan đến sự trưởng thành và hình thành tính cách của con cái. Người xưa rất coi trọng việc duy trì và kế thừa dòng tộc, nhiều người sống theo hình thức gia tộc, mối liên hệ giữa người với người càng thêm mật thiết.

Vì vậy, người xưa từ rất sớm đã hiểu được tầm quan trọng của việc chọn bạn đời tốt. Trong xã hội xưa, người phụ nữ không chỉ phải quán xuyến việc nhà, mà còn phải hiếu thuận với cha mẹ chồng, nên một người vợ hiền thục, nết na được xem là bảo chứng quan trọng cho sự hòa thuận và hạnh phúc của gia đình. Đúng như trong "Chu lễ" có nhắc đến "tứ đức", tức là đức, ngôn, dung, công, nhấn mạnh tầm quan trọng của phẩm đức.

Có một câu tục ngữ như thế này: "Cưới vợ cưới đức chứ không cưới sắc", người xưa dùng câu này để khuyên răn hậu thế, khi cưới vợ nhất định phải sáng suốt, nên coi trọng đức hạnh hơn là ngoại hình.

Xã hội hiện nay nhịp sống nhanh, thường mang lại cho con người cảm giác xô bồ, ít ai có thể tĩnh tâm tìm hiểu người khác, thêm vào đó lòng người khó đoán, nên nhiều người thường đánh giá đối phương qua ấn tượng đầu tiên.

Điều quan trọng là, dưới sự thúc đẩy của trào lưu chung, nhan sắc là tất cả đã trở thành câu châm ngôn của nhiều người ngày nay. Nhưng trên thực tế, ai cũng hiểu rõ, yếu tố quyết định đánh giá một con người là nội tâm, tức là tài năng và đức hạnh.

Mà yếu tố quyết định để lựa chọn một người cùng đi hết nửa đời còn lại chính là đức hạnh. Ví dụ một người phụ nữ rất xinh đẹp, nhưng lại ngang ngược vô lý, dẫn ra ngoài có lẽ rất nổi bật, nhưng gia đình đó có hòa thuận không? Cha mẹ có yên tâm không? Anh chị em có còn muốn qua lại không? Vì vậy mong mọi người đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, nhất là trong chuyện hôn nhân đại sự.

Nửa câu tục ngữ trên đã giáng cho chúng ta một đòn cảnh tỉnh, vậy nửa câu sau nói gì?

Nửa câu sau của câu tục ngữ này là: "Gả chồng gả tâm chứ không gả của", tiếp tục trình bày rõ trong hôn nhân nên coi trọng tình cảm hơn là vật chất. Nó khuyên răn phụ nữ khi chọn bạn đời, nên quan tâm đối phương có thật lòng yêu thương mình hay không, chứ không nên chỉ nhìn vào điều kiện kinh tế của họ. Quan điểm này vẫn còn phù hợp với xã hội hiện đại, bởi vì hạnh phúc đích thực thường đến từ sự thấu hiểu và ủng hộ lẫn nhau, chứ không phải của cải vật chất.

Có một câu nói kinh điển cho nửa sau của câu này, đó là: "Kết bạn kết tâm, không kết tài."

Người ta thường nói khi ra ngoài dựa vào bạn bè, có thể thấy được vị trí của bạn bè trong lòng mọi người. Nhưng bạn bè ở đây không phải là bạn bè nhậu nhẹt, mà là bạn bè thực sự.

Bạn bè nhậu nhẹt, chính là kết bạn kết của, dùng tiền để kết giao bạn bè. Những người bạn như vậy dễ dàng tụ tập đông đảo trong thời gian ngắn, nhưng cũng dễ dàng tan rã trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi bạn gặp khó khăn.

"Gấm thêm hoa, không bằng than sưởi ấm ngày tuyết lạnh." Bạn bè nhậu nhẹt nhiều chỉ có tác dụng gấm thêm hoa, than sưởi ấm ngày tuyết rơi mới là bạn bè thực sự. Những người bạn như vậy có thể không nhiều, nhưng lại vô cùng quý giá.

Những người bạn như vậy chính là những người bạn thực sự tâm giao, không phải là những người có vô số chuyện để nói với nhau, mà là những người ở bên nhau không nói chuyện cũng không cảm thấy ngại ngùng, những người bạn như vậy dù có thể châm chọc bạn cả trăm lần mỗi ngày, cũng sẽ không để người khác làm tổn thương bạn dù chỉ một lần. Thực ra của cải không phải là bạn bè thực sự, mà bạn bè mới là của cải thực sự, đáng tiếc rất nhiều người đều không hiểu điều này.

Câu tục ngữ này có thể nói là đã nói hết triết lý về giao tiếp giữa người với người, tin rằng nếu có thể ghi nhớ câu tục ngữ này trong lòng, dù không thể đại phú đại quý, cũng nhất định có thể sống thuận lợi và vui vẻ.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp