Đài Loan có thể bẻ gẫy một cuộc tấn công của Trung Quốc ra sao?

Đài Loan có thể bẻ gẫy một cuộc tấn công của Trung Quốc ra sao?
Binh sĩ quân đội vận hành xe tăng M-60A3 do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận chống xâm nhập ở Đài Đông ngày 31/1/2024.

Đài Loan - hòn ngọc viễn đông của ngành công nghệ cao, tàu sân bay không thể chìm ở Thái Bình Dương hay một quốc gia không được thừa nhận? Mang trong mình những mâu thuẫn và nghịch lý khó tin, nó vẫn là vùng lãnh  thổ mà Trung Quốc khao khát thèm muốn và có thể bất chấp mọi thủ đoạn để giành lấy - ngay cả đó là một cuộc chiến tranh thậm chí còn khủng khiếp hơn ở Ukraine lúc này!

Hòn đảo này chỉ có diện tích hơn 35.000 km2. So với gã hàng xóm khổng lồ bên trong đại lục, nó chỉ là một chàng David tí hon đứng cạnh gã khổng lồ Goliath. Nhưng David đã từng chiến thắng Goliath. Và Đài Loan cũng không cảm thấy e dè trước sức mạnh quân sự và áp lực uy hiếp ngày càng lớn của Bắc Kinh. Hơn 7 thập niên qua, người dân hòn đảo này đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý chiến tranh đón nhận cuộc chiến có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Và chính quyền Đài Bắc đương nhiên có những quân bài tẩy bí mật cực kỳ nguy hiểm, đủ khiến lãnh đạo Trung Quốc phải e dè… 

Đã qua lâu rồi cái thời quân đội Đài Loan có thể hy vọng đối mặt và chiến thắng Quân đội Trung Quốc (PLA) trong một cuộc chiến cân xứng và theo một cách thông thường. Tạp chí Mỹ The National Interest nhận định: Định nghĩa chiến thắng phải được điều chỉnh để thể hiện được thực tiễn. Đối với PLA, chiến thắng trước Đài Loan là tiêu diệt toàn bộ quân đội vùng lãnh thổ này, hay theo nghĩa ít cực đoan hơn, là thuần phục được Đài Loan bằng dọa nạt hoặc các hành động kìm hãm. Ngược lại, đối với Đài Loan, chiến thắng nằm trong khả năng phòng thủ. 

Đài Loan cũng không thể mãi trông chờ vào những lô vũ khí được bán từ Mỹ - quốc gia vẫn mập mờ về lập trường ở eo biển Đài Loan. Gần đây nhất, lô chiến đấu cơ F-16V mà Washington định bán cho Đài Bắc cũng đang liên tục bị trì hoãn. Vậy thì quốc đảo này ắt phải tự phát triển nền quân sự, quốc phòng của mình tới mức ít nhất là đủ cầm cự được trước một cuộc tấn công toàn diện từ đại lục. Nếu không thể đẩy lùi PLA thì chí ít Đài Loan cũng phải đủ lực chống trả cho đến lúc Nhật Bản hay Mỹ đến cứu viện. 

Nhưng lại có một câu hỏi khác đặt ra ở đây là: Vì sao Đài Loan không phát triển vũ khí hạt nhân, chế tạo các tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân để răn đe Bắc Kinh. Đương nhiên, Trung Quốc rất sợ việc một vùng lãnh thổ, một quốc gia bên cạnh sở hữu những đầu đạn hạt nhân có thể bắn phá vào các căn cứ quân sự, nhà máy và thành phố ven biển đông đúc của mình. Song kịch bản Đài Bắc có thể sở hữu vũ khí hạt nhân là không thực tế. 

Với quy mô hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Đài Loan, thì Đài Loan khó có đủ thời gian để có thể hoàn tất chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng sẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc chọn cách chủ động tấn công hơn là tìm cách đánh chặn. Bởi vậy những loại vũ khí mà chúng tôi liệt kê dưới đây sẽ không bao gồm vũ khí hạt nhân. Chúng thực dụng hơn, phi đối xứng hơn và có tính sát thương đủ để đội quân “con một” của Trung Quốc phải e dè. 

Các binh sĩ quân đội tham gia cuộc tập trận chống xâm nhập ở Đài Đông ngày 31/1/2024.

Thứ nhất là: Máy bay chiến đấu không người lái tầm xa (UAV)

Các sân bay Đài Loan rất dễ bị tổn thương trước dàn tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Diện tích nhỏ bé của vùng lãnh thổ này và việc nằm sát ngay bên cạnh Trung Quốc tạo ra những hạn chế lớn đối với khả năng sắp xếp vị trí đồn trú cho các máy bay của Lực lượng Không quân Đài Loan (TAF).

Một giải pháp cho thách thức này là việc sở hữu hoặc phát triển các loại UAV được trang bị tên lửa không đối đất và có tầm bay đủ xa để tiến vào trong không phận của Trung Quốc. Sử dụng mẫu máy bay không người lái giống loại “Thần Chết” MQ-9 Reaper của Mỹ, mẫu UAV có kích cỡ tương đối nhỏ, sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công dàn trải của Đài Loan. Các mẫu UAV này có thể xuất phát từ các đảo xa, tàu hải quân và tàu sân bay cải tiến của Đài Loan.

Với kích thước nhỏ, khó bị phát hiện, UAV Đài Loan có thể khai thác được các điểm yếu hay “các điểm mù” trong hệ thống phòng không Trung Quốc, từ đó có thể xâm nhập vào không phận Trung Quốc để quấy rối các sân bay, các trạm radar, điểm chỉ huy, các căn cứ hải quân, doanh trại pháo binh và những cơ sở trọng yếu khác. 

Với loại tên lửa không đối đất như mẫu Vạn Kiếm do Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Chung Sơn (Đài Loan) phát triển, UAV Đài Loan có thể tạo ra thiệt hại nặng cho các sân bay Trung Quốc và làm cản trở khả năng tiến hành các chiến dịch trên không tại Eo biển Đài Loan của Không quân nước này. 

Ngoài ra, Đài Loan cũng có thể trang bị tên lửa chống radar cho UAV của mình để vô hiệu hóa hệ thống radar của Trung Quốc, để sau đó có thể dùng máy bay thông thường hoặc một đợt UAV thứ hai để đánh bom các sân bay Trung Quốc. 

Đài Loan còn có thể dùng UAV giống với mẫu Harpy của Israel cho chiến thuật tấn công cảm tử vào các trạm radar của PLA. Harpy mang những đặc điểm của một tên lửa tấn công và khi được phóng đi sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ song song là dò tìm, tấn công tiêu diệt các trận địa tên lửa và ra đa cảnh báo dẫn đường của đối phương. 

Một cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV sẽ có chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 và điều này cho phép không quân Đài Loan có thể sở hữu nhanh chóng một số lượng lớn UAV. Quan trọng hơn là việc hi sinh UAV trong cuộc chiến chống Trung Quốc sẽ dễ chấp nhận hơn, nhất là về mặt tiền thuế lẫn về nguy cơ mất các phi công chiến đấu. 

Thứ hai là: Chiến đấu cơ đa nhiệm cất cánh/hạ cánh thẳng đứng

Mặc dù UAV chiến đấu hoặc UAV “cảm tử” có thể tiến hành nhiều chiến dịch tấn công khác nhau ngay trong lòng Trung Quốc, nhưng Đài Loan vẫn cần một số khả năng, chẳng hạn như quyền kiểm soát không phận, để đảm bảo cho hoạt động của các loại chiến đấu cơ có người lái thông thường. 

Bất luận điều gì xảy ra, Đài Loan vẫn không thể để Không quân Trung Quốc kiểm soát không phận của mình. Bởi nếu thiếu sự yểm trợ trên không, các hệ thống dưới mặt đất cần thiết cho việc phòng thủ lãnh thổ, chẳng hạn như phi đội trực thăng chiến đấu AH-64E Apache mới mua của Mỹ, sẽ chỉ còn là “những con vịt nằm phơi mình dưới đất”. 

Tuy nhiên, nguy cơ Trung Quốc dùng tên lửa để vô hiệu hóa các sân bay thách thức nghiêm trọng đến việc giành quyền kiểm soát không phận của Đài Loan. Giải pháp để đối phó thách thức này chính là các máy bay hạ cánh/cất cánh từ đường bay ngắn hoặc loại hạ cánh/cất cánh thẳng đứng. 

Đài Loan đã từng thể hiện “mối quan tâm” đến mẫu chiến đấu cơ F-35B do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, nhưng vì các lý do mang tính chính trị và ngân sách, Đài Loan khó có thể sở hữu mẫu chiến đấu cơ tối tân này. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có các lựa chọn khác, chẳng hạn như mẫu chiến đấu cơ hạ cánh/cất cánh ngắn đa nhiệm JAS 39 “Gripen” do tập đoàn  SAAB (Thụy Điển) sản xuất, hoặc dùng loại sản xuất trong nước.

Thông qua đầu tư vào các loại chiến đấu cơ hiện đại, Đài Loan sẽ có thể cản trở khả năng giành quyền kiểm soát không phận của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan, vốn là địa điểm đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho chiến dịch tấn công Đài Loan của Bắc Kinh.

Ngoài ưu tiên giành quyền kiểm soát không phận, việc sở hữu chiến đấu cơ đa nhiệm hiện đại với độ phát tín hiệu radar thấp và tầm tác chiến xa hơn mẫu F-16 hiện có sẽ giúp Không quân Đài Loan cải thiện khả năng tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc. Nó nằm trong một phần trong chiến thuật tấn công nhiều lớp, bao gồm chiến tranh mạng, tên lửa hành trình và UAV tầm xa. 

Thứ ba là: Tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm trung/xa

Đài Loan tiếp tục phát triển gia đình tên lửa hành trình Hùng Phong như HF-2E, giúp quân đội Đài Loan có thêm các lựa chọn chống hạm và tấn công mặt đất. Được phát triển bởi Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn (CSIST), chương trình tên lửa Hùng Phong trong những năm gần đây nhận được một lượng lớn kinh phí từ ngân sách quốc phòng cho quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Theo các báo cáo, CSIST có thể đang trong quá trình phát triển một loại tên lửa hành trình đất đối đất với tầm bắn khoảng 1.200km.

Việc phát triển tên hành trình tầm trung/xa sẽ bổ sung cho các tên lửa Hùng Phong-2E (có tầm bắn khoảng 650 km) và giúp quân đội Đài Loan có thể tấn công các mục tiêu như hệ thống C4ISR (hệ thống chỉ huy, kiểm soát, máy tính, tình báo, trinh sát, giám sát và thông tin liên lạc), radar, các hệ thống phóng tên lửa Đông Phong-15, sân bay và các thành phố quan trọng khác nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. 

Được trang bị các đầu đạn thông thường hay chống bức xạ, các tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hùng Phong tầm mở rộng có thể khai thác các điểm yếu trong Quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc và vô hiệu quả khả năng đơn vị này thực hiện các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Đài Loan. Sử dụng các nguồn tình báo tin cậy, Đài Loan cũng có thể đe dọa làm tê liệt khả năng tấn công hạt nhân của Trung Quốc bằng cách tấn công vào các trung tâm chỉ huy.

Bằng cách kết hợp các hệ thống phóng cố định và di động, Đài Loan có thể đảm bảo an toàn cho các bãi phóng để duy trì khả năng tấn công các mục tiêu trọng yếu trên lãnh thổ Trung Quốc.

Mặc dù Washington tuyên bố chỉ ủng hộ Đài Loan mở rộng tầm bắn của các vũ khí tấn công theo Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), nhưng tình hình khu vực thay đổi bởi sự hiếu chiến của Trung Quốc và mong muốn biến Đài Loan thành một đối tác an ninh trong khu vực có thể thuyết phục chính phủ Mỹ hỗ trợ chương trình tên lửa của Đài Loan, thông qua hợp tác và nới lỏng các quy định chuyển giao các công nghệ quan trọng. 

Thứ tư là: Tàu ngầm diesel - điện

Lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan đang sở hữu 4 tàu ngầm được đánh giá là lạc hậu, gồm hai chiếc lớp Hải Sư được Mỹ chế tạo từ thời Thế chiến II và hai chiếc lớp Hải Long đóng vào giữa những năm 1980. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang biên chế tới 58 tàu ngầm, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân, theo dữ liệu Lầu Năm Góc. 

Dù vậy, kế hoạch mua các tàu ngầm diesel-điện để tăng cường cho Hải quân Đài Loan sẽ khiến Bắc Kinh đau đầu, bởi vì khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn hạn chế. Bất cứ phương tiện nào có khả năng tàng hình và có thể đe dọa các phương tiện của Hải quân Trung Quốc tại eo biển Đài Loan hay Tây Thái Bình Dương sẽ khiến Bắc Kinh bế tắc.

Một số kế hoạch đã được đưa ra cho chương trình tàu ngầm của Đài Loan. Hải quân Mỹ không có ý định đóng tàu ngầm diesel-điện. Nhưng một số nước châu Âu vẫn tiếp tục phát triển loại tàu ngầm này và có thể cung cấp những kiến thức hữu ích giúp Đài Loan phát triển các tàu ngầm diesel-điện có lượng giãn nước trung bình.

Đài Loan cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ từ phía Nhật Bản. Một lựa chọn khác cho Đài Loan là mua các tàu ngầm cũ của Nhật Bản, thường nghỉ hưu chỉ sau 18 năm hoạt động. Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cho biết chính phủ Mỹ cũng ủng hộ lựa chọn này vì nó dễ dàng cho việc tích hợp thiết bị cảm biến và hệ thống vũ khí.

Dữ liệu từ cuộc điều tra cho thấy Đài Loan đã âm thầm tìm kiếm nguồn công nghệ, linh kiện và chuyên gia từ ít nhất 7 nước để tiến hành dự án chế tạo lớp tàu ngầm mới, vốn được coi là loại vũ khí có thể gây thiệt hại nặng cho hải quân Trung Quốc nếu nổ ra xung đột ở eo biển.

Theo đó, các hãng công nghiệp quốc phòng Mỹ cung cấp cho đảo Đài Loan nhiều công nghệ tàu ngầm quan trọng như hệ thống tác chiến và thủy âm. Các công ty quốc phòng Anh cũng tham gia hỗ trợ quá trình này. 

Đến năm 2017, Đài Loan công bố chương trình chế tạo tàu ngầm diesel - điện hiện đại mang tên "Tàu ngầm Phòng thủ Nội địa" (IDS), tên mã Hải Xương. Tập đoàn CSBC khởi đóng tàu ngầm lớp IDS đầu tiên vào năm 2020 và dự kiến bàn giao chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm Hải Xương vào năm 2025. Chương trình tàu ngầm IDS của Đài Loan có tổng trị giá lên tới 16 tỷ USD, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London. 

Giới chuyên gia nhận định trong trường hợp nổ ra xung đột, 8 tàu ngầm hiện đại mà Đài Loan đang chế tạo có thể cho phép hòn đảo hỗ trợ Mỹ và đồng minh giữ chân hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất, khái niệm dùng để chỉ nhóm các đảo chạy từ Nhật Bản tới Đài Loan, Philippines và kết thúc ở đảo Borneo của Indonesia.

Các tàu ngầm được trang bị ngư lôi và có thể cả tên lửa hành trình (chẳng hạn như Hùng Phong-3) sẽ là một bước tiến dài trong những nỗ lực ngăn chặn Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan hay tấn công Đài Bắc từ Tây Thái Bình Dương. Các tàu ngầm mới cũng giúp bảo vệ các tuyến đường liên lạc, vận tải của Đài Loan. 

Khi sở hữu 8 tàu ngầm Hải Xương mới cùng hai chiếc lớp Hải Long, phòng vệ trên biển Đài Loan sẽ tăng đáng kể uy lực phòng thủ. Trong trường hợp nổ ra chiến sự, Trung Quốc sẽ phải huy động nhiều chiến hạm, tàu vận tải cho chiến dịch đổ bộ lên hòn đảo và chúng nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu cho những tàu ngầm Đài Loan trang bị ngư lôi và tên lửa diệt hạm.

Hai nguồn tin ở Đài Loan cho biết các tàu ngầm mới sẽ được triển khai ở vùng biển sâu hơn phía đông hòn đảo, nơi cách xa Trung Quốc đại lục nhất. Cách bố trí lực lượng này giúp các căn cứ tàu ngầm Đài Loan tránh được đòn tập kích tên lửa và duy trì hoạt động khi chiến sự nổ ra. 

Cuối tháng 9/2023, Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người khởi xướng kế hoạch đóng tàu ngầm nội địa khi bà nhậm chức vào năm 2016, đã giới thiệu chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm mới tại thành phố Cao Hùng, Đài Loan. 

"Trước đây, việc đóng tàu ngầm nội địa được coi là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng ngày nay, một tàu ngầm do người Đài Loan thiết kế và sản xuất đã hiện hữu trước mắt chúng ta", bà Thái tuyên bố tại lễ hạ thủy tàu ngầm.

Nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết tàu ngầm mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sức mạnh của lực lượng phòng vệ trên biển.

Đài Loan dự kiến hạ thủy ít nhất 2 tàu ngầm nội địa mới vào năm 2027. Các mẫu tàu mới có thể được trang bị tên lửa nhằm răn đe và tăng cường khả năng bảo vệ các tuyến tiếp tế quan trọng.

"Nếu thành công xây dựng năng lực chiến đấu từ dự án, tôi không nghĩ chúng ta sẽ thua khi nổ ra xung đột", Hoàng Thúc Quang, cố vấn an ninh của bà Thái và là người phụ trách chương trình tàu ngầm, tuyên bố.

Ông Hoàng đã mô tả các tàu ngầm là "công cụ răn đe chiến lược", giúp duy trì "huyết mạch" của hòn đảo với Thái Bình Dương bằng cách giữ cho các cảng dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan luôn rộng mở.

Phát biểu với các phóng viên ở Đài Bắc, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết, trước mối đe dọa ngày càng tăng từ chiến thuật gây áp lực "vùng xám" của quân đội Trung Quốc gần hòn đảo bằng các hoạt động trên không và trên biển, Đài Loan buộc phải tăng cường phòng thủ.

"Có một tàu ngầm mới là một trong những chiến lược đó. Đối với bất kỳ ai thắc mắc về chiến lược tàu ngầm của Đài Loan, tôi sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Đài Loan mua tàu ngầm vì điều đó là cần thiết để ngăn chặn chiến tranh xảy ra", ông Wu nói.

Tàu ngầm đầu tiên, trị giá 49,36 tỷ đài tệ (1,54 tỷ USD), sẽ sử dụng hệ thống chiến đấu của Lockheed Martin Corp và trang bị ngư lôi hạng nặng MK-48 do Mỹ sản xuất. Con tàu sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm trên biển vào tháng tới, trước khi được bàn giao cho Hải quân Đài Loan vào cuối năm 2024.

Đối với các mẫu tiếp theo, Đài Loan sẽ trang bị thêm tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm. Sự bổ sung này phụ thuộc phần lớn vào khả năng sản xuất của Mỹ và sự tham gia của các công ty giấu tên. 

Thứ năm là: Lực lượng đặc nhiệm và dự bị tinh nhuệ

Yếu tố con người cũng có thể coi là một thứ vũ khí cực kỳ quan trọng của Đài Loan để ngăn chặn Trung Quốc. Các lực lượng đặc nhiệm sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng khi xung đột vũ trang lớn nổ ra ở eo biển Đài Loan. Đó cũng là phần duy nhất của chiến lược phòng thủ nhiều lớp mà các hoạt động sẽ chỉ diễn ra trên đất Đài Loan. Trong trường hợp mọi phòng tuyến khác đã bị chọc thủng và quân đội Trung Quốc tiếp cận các bãi biển của Đài Loan, các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng dự bị tinh nhuệ sẽ tấn công vào các đơn vị đổ bộ. 

Họ có thể được trang bị một số loại vũ khí tối tân, nguy hiểm bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn MGM-140 ATACMS để nhắm mục tiêu vào các khu vực tập kết dọc theo bờ biển Phúc Kiến. Bên cạnh đó, nhiều loại vũ khí chống đổ bộ, chống tăng cũng sẽ được huy động cho lực lượng đặc nhiệm Đài Loan. Họ sẽ sở hữu các phương tiện có tính cơ động cao, phân tán nhanh và khả năng sống sót lớn. 

Mặc dù Đài Loan đã có các đơn vị lực lượng đặc nhiệm sẵn có, nhưng vẫn cần phải có thêm nhiều đơn vị tương tự nữa để tạo thành lực lượng răn đe đáng tin cậy chống lại các lực lượng đổ bộ và chiếm đóng của Trung Quốc. Để bù đắp cho sự bất lợi về số lượng, một tỷ lệ nhỏ trong số hơn 2 triệu quân dự bị của Đài Loan đủ tiêu chuẩn được đào tạo nâng cao sẽ sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu cường độ cao, chiến tranh đô thị, phá hoại và các hoạt động phi thông thường. 

Mục tiêu là để đảm bảo rằng các binh sĩ Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một chỗ đứng trên Đài Loan sẽ bị tấn công liên tục bởi các lực lượng du kích. Họ có thể biến mất nhanh chóng khi quân địch còn chưa kịp nhắm bắn. Không dễ dàng để không quân Trung Quốc có thể yểm trợ cho lực lượng đổ bộ của mình, dẫu cho khi ấy Trung Quốc có chiếm được ưu thế trên không ở eo biển Đài Loan đi chăng nữa. 

Mục đích của tất cả những điều này là buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ không chỉ về cái giá phải trả khi tấn công Đài Loan, mà còn về những gì sẽ xảy ra với những binh sĩ của họ khi đổ bộ lên hòn đảo. Những kinh nghiệm gần đây ở Iraq và Afghanistan đã cho thấy rất rõ rằng, chiến thắng trong giai đoạn chiến tranh thông thường là chuyện dễ dàng nhất. Song việc bình định và trị an ở một vùng đất xa lạ thì phức tạp hơn nhiều. Nó có thể gây ra những cơn đau đầu nghiêm trọng nhất với lực lượng chiếm đóng. Nếu các lực lượng công nghệ thấp như du kích Iraq hay phiến quân Taliban có thể đối đầu với quân đội Hoa Kỳ và liên minh quân sự hàng đầu thế giới, thì chắc chắn quân du kích Đài Loan được đào tạo bài bản, hiểu biết về công nghệ và được trang bị phù hợp cũng có thể đạt được những chiến công tương tự, nếu không muốn nói là làm tốt hơn. 

Lúc này, ngay chính bản thân quân đội Trung Quốc cũng đang trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất. Hàng loạt lãnh đạo quân sự hàng đầu của họ đã bị thanh trừng, đặc biệt là các chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược - thứ vũ khí vốn được chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị sẵn cho chiến tranh với Đài Loan. Sự đa nghi, ngờ vực của ông Tập với lòng trung thành của cấp dưới chính là một tử huyệt của quân đội Bắc Kinh. Khi các tướng lĩnh không được tin tưởng và giao quyền tuyệt đối thì họ cũng không dại gì phải xả thân vì nhà lãnh đạo. Nhưng nếu giao toàn quyền cho cấp dưới mà không mảy may đề phòng thì ông Tập hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của một cuộc đảo chính từ các quan chức cấp cao trong quân đội. 

Sự tập trung quyền lực tối đa của chủ tịch Tập giờ đây lại gây cho ông nhiều phiền toái hơn bao giờ hết. Bởi vì khi càng nắm trong tay nhiều quyền lực, bạn càng sợ hãi, nghi ngờ xung quanh, ngay cả tay chân thân tín cũng không là ngoại lệ. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ở cấp tướng lĩnh đã như vậy thì làm sao binh sĩ dưới quyền có thể dốc toàn tâm toàn ý mà chiến đấu cho “giấc mộng Trung Hoa” thống nhất Đài Loan của chủ tịch Tập Cận Bình được đây?

Lê Minh

Đọc tiếp