Đài Loan xây dựng mạng lưới vệ tinh trước nguy cơ chiến tranh

Đài Loan xây dựng mạng lưới vệ tinh trước nguy cơ chiến tranh
Vệ tinh internet của nhà cung cấp vệ tinh OneWeb (Ảnh: @SprinterFamily/X)

Khi một số khu vực ở phía đông Đài Loan bị mất kết nối vào tháng 4/2024 sau trận động đất mạnh 7,4 độ richter làm hư hại các trạm viễn thông, chính hệ thống truyền thông vệ tinh đã giúp Đài Loan giải nguy.

Chỉ trong vài ngày, khu vực Thiên Tường ở Công viên quốc gia Taroko ( Thái Lỗ Các) đã hoạt động trở lại nhờ các thiết bị vệ tinh đầu cuối được vận chuyển đến đây bằng đường hàng.

Những người bị mắc kẹt sau đó có thể đoàn tụ với gia đình, trong khi lực lượng cứu hộ có thể truyền những hình ảnh quan trọng về trung tâm ứng phó tình huống khẩn cấp. 

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên hòn đảo sử dụng vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) để hỗ trợ trong thảm họa; và kể từ đó chính phủ Đài Loan đang thúc đẩy kế hoạch lắp đặt 700 máy thu vệ tinh trên khắp Đài Loan vào cuối năm 2024. 

Tính đến cuối tháng 6, cư dân của hai đảo xa xôi Kim Môn và Matsu của Đài Loan cũng đã có thể nhận được tín hiệu từ vệ tinh.

Cùng lúc đó, Đài Bắc đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng trị giá 4 tỷ Đài tệ để phát triển vệ tinh riêng nhằm đảm bảo kết nối dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Một vệ tinh nội địa đầu tiên trong số hai vệ tinh của Đài Loan dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2026. 

Cơ quan vũ trụ Đài Loan cho biết sẽ hợp tác với các nhà thầu tư nhân để phóng thêm bốn vệ tinh nữa vào quỹ đạo. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết trên thực tế, Đài Loan sẽ cần nhiều hơn các vệ tinh nội địa để cung cấp quyền truy cập internet không bị gián đoạn.

Các chuyên gia về truyền thông vệ tinh tại Đại học Quốc gia Trung ương Đài Loan cho biết: "Đài Loan sẽ cần hàng trăm vệ tinh LEO để cung cấp vùng phủ sóng liên tục, 24 giờ một ngày". 

Đài Loan vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của tham vọng vệ tinh. Và sẽ dễ dàng và rẻ hơn nếu họ dựa vào nhà cung cấp là bên thứ ba như Starlink. Với gần 6.000 vệ tinh Starlink gần như thống trị lĩnh vực này.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo về những điều cần cân nhắc với nền an ninh quốc gia khi làm như vậy. 

Tiến sĩ Brad Tucker, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết việc bắt đầu với một số ít vệ tinh sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều vệ tinh khác nữa.

Ông cho biết: “Giống như nhiều lĩnh vực thương mại khác, sản xuất hàng loạt có nghĩa là nhanh hơn và rẻ hơn, và vệ tinh cũng không ngoại lệ, và Đài Loan có thể nhanh chóng tìm ra khả năng xây dựng nhiều hơn cho một mạng lưới lớn hơn trong tương lai”.

“Mạng lưới mà Đài Loan đề xuất là quan trọng và cần thiết”, ông nói thêm. “Có khả năng phục hồi, độc lập, có chủ quyền phải là ưu tiên hàng đầu của mọi người”.

Bên cạnh việc hòn đảo dễ bị thiên tai, các yếu tố địa chính trị cũng làm tăng tính cấp thiết của các kế hoạch như vậy.

Đài Loan luôn phải đối mặt với mối đe dọa xâm lược từ Trung Quốc, quốc gia vẫn coi hòn đảo này là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được "sự thống nhất". 

Trong tình huống cực đoan khi tất cả các mạng lưới liên lạc cố định và di động đều ngừng hoạt động do thảm họa lớn hoặc chiến tranh, hệ thống liên lạc của chính phủ vẫn có thể duy trì các chức năng cơ bản với sự trợ giúp của hệ thống vệ tinh sẽ giúp các quốc gia an tâm hơn. 

Đài Loan có thể đã rút ra được bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine, nơi hệ thống vệ tinh dự phòng như vậy đã tỏ ra hữu ích. Khi quân đội Nga đánh sập nhiều thành phố của Ukraine trong nhiều ngày vào năm 2022, các ăng-ten vệ tinh Starlink đã được triển khai nhanh chóng để cung cấp quyền truy cập internet đáng tin cậy cho cả người dân và quân đội. 

Mối lo ngại về lỗ hổng mạng ở Đài Loan là rất thực tế khi hòn đảo này được kết nối với thế giới thông qua 15 tuyến cáp ngầm, nơi mà phần lớn lưu lượng truy cập internet của hòn đảo này phải phụ thuộc rất nhiều. 

Vào tháng 2 năm 2023, quần đảo Matsu xa xôi của Đài Loan đã bị cắt đứt tín hiệu kỹ thuật số khi hai tuyến cáp ngầm duy nhất kết nối đến quần đảo này bị cắt đứt sau khi các tàu thuyền treo cờ Trung Quốc đi qua.

Trong nhiều tuần, 14.000 cư dân trên đảo đã phải cắm trại tại các văn phòng viễn thông địa phương để truy cập Internet tại đó để truy cập internet bằng công nghệ truyền dẫn vi sóng vô tuyến cũ chậm chạp

Trước đó, một trận động đất năm 2006 đã làm hỏng tám tuyến cáp ngầm dưới biển quanh Đài Loan cũng đã làm chậm tốc độ internet trên đảo và làm gián đoạn hoạt động ngân hàng kỹ thuật số trên khắp châu Á.

Ngược lại, dịch vụ internet vệ tinh khó bị vô hiệu hóa hơn nhiều. Muốn thực hiện điều này đòi hỏi phải sử dụng nhiều tên lửa, tia laser hoặc công nghệ vi sóng để gây nhiễu thông tin liên lạc. 

Kết nối được cung cấp thông qua một “chòm sao vệ tinh LEO” quay quanh Trái Đất ở độ cao 200km, có thể truyền internet đến cả những địa điểm xa xôi nhất trong không gian. 

Theo Straits Times, trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với tờ Financial Times, ông Elon Musk, người sở hữu khoản đầu tư đáng kể vào Trung Quốc cho biết ông tin rằng xung đột về Đài Loan là điều không thể tránh khỏi. Ông cũng gợi ý rằng hòn đảo này có thể trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc. 

Do đó, việc có một mạng lưới vệ tinh do Đài Loan sản xuất sẽ đảm bảo rằng Đài Bắc vẫn giữ được quyền kiểm soát hoàn toàn. 

Tiến sĩ Kenny Huang, chủ tịch Trung tâm thông tin mạng Đài Loan, một tổ chức phi lợi nhuận được chính phủ tài trợ một phần cho biết: “Chi phí ban đầu và chi phí hoạt động rất lớn, nhưng những lợi ích tiềm năng về an ninh quốc gia, quản lý thiên tai và tăng trưởng kinh tế có thể biện minh cho khoản đầu tư này”. 

Trong khi mạng lưới bản địa đang được phát triển, Đài Loan vẫn tiếp tục tìm kiếm quan hệ đối tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để tiếp cận các mạng lưới vệ tinh hiện có theo từng dự án. Ví dụ, trong nỗ lực phục hồi sau động đất ở Hoa Liên, chính quyền đã truy cập internet bằng thiết bị của OneWeb, có nhà đầu tư là chính phủ Anh. 

Khi được hỏi liệu Đài Loan có hợp tác với Starlink hay không, giới chức Đài Loan cho biết họ sẵn sàng xem xét khả năng này miễn là các dịch vụ được cung cấp phải "tuân thủ các quy định về an ninh quốc gia và an ninh thông tin có liên quan". 

Bất chấp mọi thách thức trong việc theo đuổi truyền thông không gian, Tiến sĩ Huang vẫn lạc quan rằng Đài Loan đang đi đúng hướng. Ông cho biết: “Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, quan hệ đối tác chiến lược và kế hoạch rõ ràng về tạo doanh thu sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của dự án”.

Ông nói thêm: “Đài Loan có thể phát triển hệ thống vệ tinh riêng của mình, đặc biệt là nếu tận dụng được thế mạnh công nghệ hiện có và tìm kiếm sự hợp tác quốc tế.”

Theo The Straits Times
Bảo Thư