Dành tiền tiết kiệm hay không, cuộc sống sẽ thật sự khác biệt sau tuổi trung niên

Dành tiền tiết kiệm hay không, cuộc sống sẽ thật sự khác biệt sau tuổi trung niên
Tiết kiệm không phải là làm chậm sự tiến triển, mà là xây dựng nền tài chính vững chắc cho tương lai. (Ảnh: Pixabay)

Nhà thơ Charles Lamb từng nói: “Tiền là tấm hộ chiếu đưa chúng ta đến bất kỳ mặt trận địa phương nào ngoại trừ thiên đường; đồng thời, nó có thể mang lại cho chúng ta bất cứ thứ gì ngoại trừ hạnh phúc”...

Dù bạn có nguyện ý thừa nhận hay không, thì trong thâm tâm bạn đều luôn háo hức muốn có được nó. Trong tay có tiền rồi thì trong tâm cũng bớt hoang mang hơn.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ chưa bao giờ nếm trải sự tàn khốc của cuộc sống, ngoài miệng thường hay cao giọng coi nhẹ tiền bạc, càng không nguyện ý thừa nhận tầm quan trọng của tiền bạc.

Khi tuổi trung niên dần đến gần, cha mẹ già đi, con cái dần trưởng thành, khả năng và thể chất có dấu hiệu đi xuống, lúc này rất có thể bạn mới nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của tiền bạc và hối hận vì khi còn trẻ đã không tiết kiệm tiền đúng cách.

Nếu nửa đời trước không biết tiết kiệm tiền bạc, nửa đời sau sẽ sống rất khó khăn. Giữa việc dành tiền hay không dành tiền, cuộc sống của bạn sẽ thật sự khác biệt sau tuổi trung niên.

1. Đứng trước “Họa phúc sớm chiều”, tiền chính là chỗ dựa vững chắc

Hôm nay, bạn tôi đã kể cho tôi một chuyện đau lòng xảy ra mấy hôm trước:

Con trai của cô bạn tôi ẩu đả với bạn học đã vô tình làm gãy răng cửa của đối phương. Trẻ đã qua tuổi thay răng, điều đó có nghĩa là chiếc răng đó sẽ đi theo thằng bé suốt đời. Nếu mất đi một chiếc, trẻ chỉ có thể trồng một chiếc răng “giả” khác, không chỉ thằng bé chịu tội, ảnh hưởng đến cả một đời, mà số tiền bỏ ra cũng không phải ít.

Khi cha mẹ thằng bé nghĩ đến việc con mình còn nhỏ như vậy đã phải mang chiếc răng giả, họ đã gọi điện cho bạn tôi kể khổ.

Bạn tôi biết rằng không chỉ phải trả tiền cho chiếc răng, mà còn phải bồi thường  khoản tiền về mặt tinh thần. Dù kết quả đàm phán cuối cùng có như thế nào, thì chắc chắn đó cũng sẽ là một khoản tiền lớn.

Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, thấy chỉ còn lại vài chục triệu, hơn nữa còn là tiền lương vừa được trả. Trong cơn tức giận, cô bạn đã nổi giận với con.

Sau khi bình tĩnh lại, cô mới nhận ra rằng trong những năm qua, thu nhập của vợ chồng cô đều không hề thấp, việc quan trọng duy nhất mà họ làm được là trả hết khoản tiền vay để mua nhà. Tuy nhiên, với thu nhập của mình, thì cũng không đến nỗi khoản tiết kiệm chỉ còn mấy chục triệu như vậy.

Nghĩ về cuộc sống thường ngày, hễ không muốn nấu cơm thì cả nhà lại đi ăn ngoài, muốn mua thứ gì thì mua, hoàn toàn không biết tiết chế. Tiền lương hàng tháng về cơ bản chỉ có thể miễn cưỡng chèo chống cho đến đầu tháng sau. Về phần hai vợ chồng, ngoài tiền lương cứng hàng tháng ra, họ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện “kiếm thêm”.

Người trẻ luôn không hiểu người trung niên, thậm chí còn cho rằng những người trung niên không biết tận hưởng cuộc sống, tiền kiếm được thì cứ thỏa sức mà tiêu, đợi đến khi về già không tiêu được thì số tiền đó khác chi giấy vụn.

Lời tuy nói như vậy, nhưng đời không ai có thể đoán trước được ngày mai liệu có điều gì bất trắc xảy đến hay không. Nếu chẳng may có chuyện như vậy, thì việc tích trữ một khoản tiền lớn là cách duy nhất để một người có đủ tự tin để đối phó với những điều bất trắc.

Trường hợp của bạn tôi chỉ là con trẻ gây họa, số tiền bỏ ra cũng không tính là nhiều.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đặc biệt khác như cha mẹ già yếu, ốm đau bệnh tật, ma chay cưới hỏi,… đều cần có tiền, nếu không có tiền thì đến cơ hội lựa chọn cũng sẽ không có.

Khi còn trẻ, bạn có thể tận hưởng cuộc sống, nhưng cũng phải biết chuẩn bị cho những ngày mưa bão và có những  hành động trong khả năng của mình. Phải biết rằng, trời có mưa gió khó đoán, người có hoạ phúc sớm chiều. Họa phúc của con người xảy đến nhanh chóng và bất ngờ khó đoán. Nếu không có đủ tiền để trụ vững tinh thần, thì rất có thể khi đó bạn sẽ hoàn toàn mất phương hướng.

Tiền, thực sự không phải là tất cả; tiền kiếm được cũng là để tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, những bất ngờ và cú sốc cũng là một phần của cuộc sống. Chỉ bằng cách dành dụm được một số tiền lớn cho bản thân, thì bạn mới có đủ tự tin để ứng phó với nó.

2. Tiết kiệm tiền có thể làm dịu cơn khủng hoảng tuổi trung niên

Mọi người thường dùng câu “tiền không phải là tất cả” để nhắc nhở mọi người đừng vì kiếm tiền mà hy sinh sức khỏe và thời gian bên gia đình. Dù nói như vậy, nhưng nếu thực hiện triệt để một chiều thì bạn sẽ tự đẩy mình vào một tình thế tuyệt vọng khác.

Bạn phải biết rằng trên đời này vốn không có thứ gì và càng không có ai là toàn năng cả; bất cứ ai, bất cứ thứ gì đều hai mặt tốt xấu của nó.

Còn tiền lại là thứ xuyên suốt một đời con người và thẩm thấu vào mọi thứ trong cuộc sống. Nó không phải là toàn năng, nhưng nó có thể giải quyết được 80% vấn đề trong cuộc sống, 20% còn lại cũng có thể dùng tiền để hòa hoãn.

Chính như nhà văn Oscar Wilde đã nói: “Khi tôi còn trẻ, tôi từng cho rằng tiền là thứ quan trọng nhất trên đời, bây giờ tôi già rồi mới biết rằng nó thật sự đúng như vậy”.

Khi bạn đến tuổi trung niên, vấn đề không phải là bạn có thể uống bao nhiêu ly bên bàn rượu mà không say xỉn, không phải là bạn đã đi du lịch được bao nhiêu quốc gia, càng không nói đến việc bạn có bao nhiêu túi xách hay đồng hồ trong tủ, mà là trong thẻ ngân hàng của bạn có bao nhiêu tiền.

Khi bạn muốn hỗ trợ việc học của con mình, bạn có thể lấy nó ra mà không cần đắn đo suy nghĩ. Khi muốn cho cha mẹ mình một cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn thì bạn có thể đưa ra những quyết định không chút do dự. Khi muốn cải thiện môi trường sống của mình, bạn có thể đưa ra những lựa chọn mà không cần phải lo lắng quá nhiều.

Phải nói rằng khi con người đến tuổi trung niên, cảm giác an toàn và tự tin lớn nhất của họ phần lớn đều đến từ số tiền họ tích cóp được.

Cách đây một thời gian, con trai của bạn tôi khởi nghiệp thất bại, nợ hơn hai trăm triệu, chủ nợ ráo riết đòi nợ. Hết cách, người con phải cầu cứu bố mẹ. Thấy con khổ sở như vậy, bạn tôi cũng xót, quyết định lấy tiền trong tài khoản tiết kiệm ra giúp con.

Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, số tiền còn lại chỉ có hơn ba trăm triệu. Người bạn cho biết trước đây trong nhà có bao nhiêu tiền gần như không bao giờ để ý đến. Về cơ bản, mỗi tháng tiết kiệm được một ít, nhưng thực sự là không nhiều. Đôi khi, còn lấy ra một ít để thỏa mãn những ham muốn nhất thời của mình. Ví dụ, nếu muốn đổi điện thoại di động, tiền lương hàng tháng chắc chắn không đủ, khi đó anh sẽ lấy từ tiền tiết kiệm của mình; khi muốn nâng cấp lại chiếc xe, tiền lại không đủ, thế là tiền tiết kiệm lại giảm đi một cách vô hình.

Ngày thường nghĩ rằng chỉ cần tiết kiệm một ít tiền là đủ, không cần phải kiềm chế bản thân quá nhiều. Không ngờ ngày tháng tích lũy đã nhiều năm như vậy, hai người có thu nhập ở mức trung lưu mà số tiền tiết kiệm chỉ ba trăm triệu, chỉ một trận ốm nếu phải vào bệnh viện thì coi như hết sạch.

Lúc này, bạn tôi mới nhận ra cái gì là khủng hoảng ở tuổi trung niên, và cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên chính là tiết kiệm tiền bạc ngay từ khi còn trẻ.

Trên thực tế, nếu nhìn từ góc độ sâu hơn, việc tiết kiệm tiền phản ánh thái độ tích cực của một người đối với cuộc sống. Nếu hôm nào có tiền thì cứ ăn tiêu xả láng, trong nhiều trường hợp đó không phải là trân quý cuộc sống, mà là đang hao mòn cuộc sống. Ngược lại, tiết kiệm tiền một cách có kế hoạch đó mới là phản ứng tích cực của một người với cuộc sống.

Nếu muốn sống một cuộc sống nhàn nhã hơn ở tuổi trung niên, bạn cần phải tiết kiệm nhiều tiền hơn khi còn trẻ.

3. Tiết kiệm tiền là sự kỷ luật tự giác an toàn nhất của một người

Có lẽ nhiều người sẽ nói rằng ai cũng muốn tiết kiệm tiền, nhưng ngày nay tiền lương không tăng, vật giá lại không hề thấp, bình thường còn không đủ chi tiêu, nên không thể tiết kiệm được chút nào. Nói vậy cũng không sai, tuy nhiên, việc tiết kiệm tiền xưa nay không bao giờ là dễ dàng.

Hãy nhìn những người đã tiết kiệm được tiền, họ thường có tính tự giác cực cao và có những yêu cầu khắt khe đối với cuộc sống và bản thân.

Rất nhiều khi, không phải chúng ta kiếm được quá ít, mà là chúng ta tiêu tiền không có kế hoạch, không có sự ước thúc. Muốn mua là mua, muốn xài là xài, luôn cảm thấy trong túi vẫn còn tiền, không cần phải quá lo lắng.

Việc tiết kiệm tiền hoàn toàn phụ thuộc vào tính kỷ luật tự giác. Khi bạn kiếm được ít tiền hơn, bạn cần lập kế hoạch tốt hơn; nếu số tiền kiếm được thực sự không đủ chi tiêu, thì trong khi cắt giảm các khoản chi không cần thiết, bạn cũng nên tìm cách kiếm thêm.

Thời trẻ thêm một phần dành dùm, khi đến tuổi trung niên bạn sẽ bớt đi một phần lo âu. Tiết kiệm tiền là sự chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình, cũng là làm tròn nghĩa vụ với gia đình. Quá trình tiết kiệm tiền cũng là thời gian để dưỡng thành thái độ sống tích cực và lạc quan.

Có câu nói rất hay như vậy: “Tiết kiệm không phải là làm chậm sự tiến triển, mà là xây dựng nền tài chính vững chắc cho tương lai”. Vậy nên, nếu muốn cuộc sống nửa đời sau được thanh thản hơn, bạn hãy bắt đầu tiết kiệm tiền từ ngay bây giờ.

Theo 163.com
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp