Đạo Đức Kinh: Bí quyết may mắn của một người nằm ở 4 chữ này

Đạo Đức Kinh: Bí quyết may mắn của một người nằm ở 4 chữ này
Làm người hãy sống vị tha, bạn sẽ có thể nhìn thấy mặt khác của sự việc và có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn. (Ảnh: Pinterest)

Mỗi người chúng ta đều mong muốn mình sẽ gặp may mắn và mọi việc đều đều trôi chảy, thuận lợi; nhưng làm thế nào mới có thể gặp được vận may đây…

Trong Đạo Đức Kinh có nói: “Hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn”, tạm dịch là đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Một người biết khiêm tốn và nhường bước có thể tiến xa trong nhóm; nếu đặt mình sang một bên, trái lại người đó có thể bảo toàn bản thân và có được cuộc sống tốt đẹp.

Những người may mắn chính là vì họ không có tư tâm, giàu lòng vị tha vậy.

1. Về giàu có: Người “có lòng vị tha” được mọi người giúp đỡ

Tục ngữ có câu: “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”.

Trong lòng mỗi người đều mong trở thành người giàu có và sở hữu khối tài sản khổng lồ. Nhưng bi kịch là đức không tương xứng với địa vị, chính là nền tảng không vững chắc; đức không tương xứng với số tài sản thì cũng chẳng còn lại gì. Vậy nên, bước đầu tiên để một người có thể đạt được sự giàu có là tu dưỡng đức hạnh.

Vào cuối thời nhà Tùy, có một người đàn ông tên Lý Mật vì ham mê đọc sách nên được Triệu Quốc công Dương Tố yêu mến.

Lý Mật đã giúp con trai của Dương Tố là Dương Huyền Cảm tạo phản, nhưng thất bại và phải chạy trốn đến trại Ngõa Cương. Khi trại Ngõa Cương nổi dậy chống lại nhà Tùy, Lý Mật đã dẫn người mở kho lương ở Lạc Dương cứu tế dân nghèo.

Hàng trăm nghìn người nhận được lương thực, nhiều người trong số họ đã trở thành thành viên của trại Ngõa Cương, điều này đã giúp trại Ngõa Cương mau chóng lớn mạnh. Quân đội nhà Tùy cũng bất lực trước trại Ngõa Cương.

Sau khi có được sự yêu mến của mọi người, Lý Mật đã trở nên kiêu ngạo, mỗi khi  đánh thắng trận, ông ta không còn phân phát tài vật cho binh sĩ nữa, cũng không quan tâm đến người dân xung quanh.

Khi không có sự ủng hộ của quần chúng, Lý Mật dần dần bại trận rút lui, buộc phải nương nhờ Lý Uyên. Cuối cùng, Lý Mật phản bội Lý Uyên, muốn tự lập làm vương, sau cùng đã bị giết chết.

Nhà sử học Vương Thế Trinh bình luận: “Thời xưa người mà muốn có thiên hạ thì trước hết phải có đức hạnh của bậc quân vương đã…”.

Vì vô tư giúp đỡ người dân, Lý Mật đã thành tựu được sự nghiệp to lớn; nhưng khi ông ta dần dần trở nên ích kỷ, sự nghiệp lại dần dần thất bại, đáng tiếc là ông ta không biết làm thế nào để ngăn chặn những tổn thất của chính mình.

Chúng ta thường nói: “Người có Đạo thì được nhiều người giúp đỡ, còn kẻ vô Đạo thì ít ai quan tâm”. Nguồn gốc của “Đạo” chính là xem thái độ, ngôn hành của bạn với người khác thế nào. 

Cái gọi là “phú quý do trời” kỳ thực là cho chúng ta một đạo lý: trời không phải là cái gì đó huyền ảo mơ hồ, mà đó là ý chí của mọi người. Khi bạn hành động theo mong muốn của mọi người, thì phú quý tự nhiên sẽ đến với bạn.

Nếu bạn thấy mình không may mắn, thì hãy giúp đỡ người khác nhiều hơn mà không cầu hồi báo. Bằng cách này, bạn có thể được mọi người yêu mến, mở rộng danh tiếng và nâng cao vị trí của mình. Một cách vô tình, bạn sẽ có được nhiều của cải và tài nguyên hơn mà không biết không cảm giác thấy.

2. Về gia đình: Người “có lòng vị tha” có thể thúc đẩy công việc làm ăn của gia đình

Có câu nói như vậy: “Một người mẹ có thể nuôi được mười đứa con, nhưng mười người con không thể nuôi nổi một người mẹ”.

Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân cơ bản là người mẹ thương con một cách vô tư, còn người con khi nuôi dưỡng cha mẹ lại thường mang theo toan tính và tư tâm.

Khi một người có gia đình nhỏ của riêng mình, anh ta sẽ nghĩ nhiều hơn về bản thân và tổ ấm của riêng mình và ít nghĩ về đại gia đình hơn. Mọi người đều lấy lợi ích của đại gia đình về cho mình, lòng hiếu thảo tự nhiên đã mất đi.

Nếu một người may mắn, gia đình là chỗ dựa lớn, là lực lượng ủng hộ to lớn của anh ta. Không có gia đình tử tế, người nhà luôn cãi vã, khẳng định sẽ chẳng làm nên trò trống gì.

Vào thời nhà Hán, có một người tên Hứa Vũ, cha mẹ mất sớm, sống cùng hai người em trai. Sau khi làm ruộng, Hứa Vũ đốc thúc hai em đọc sách, nếu em trai không nghe lời, ông sẽ bắt em phải quỳ lạy trong nhà thờ tổ.

Các quan chức địa phương rất ngưỡng mộ cách làm của ông, tiến cử ông lên triều đình và được giữ một quan chức nhỏ. Hứa Vũ làm quan không lâu thì từ chức, lý do là “em trai ở nhà không có ai trông nom”.

Khi hai em lớn lên, ông chia tài sản của gia đình thành ba phần, bản thân ông chiếm lấy mảnh đất màu mỡ nhất và ngôi nhà tốt nhất cho mình. Kết quả là nó tạo nên mâu thuẫn trong gia đình và làm hoen ố hình ảnh của ông. Hai em trai ngược lại rất vâng lời và được mọi người khen ngợi. Lâu dần, cả hai người em đều được tiến cử làm quan.

Cuối cùng, Hứa Vũ đã ẩn cư và trao toàn bộ gia nghiệp cho hai em trai. Lúc này mọi người mới nhận ra việc làm quá đáng ngày trước của ông chỉ là để biểu dương danh tiếng của hai em trai. Nơi gia đình họ sinh sống được gọi là "làng Hiếu Đệ".

Trong Chu Tử gia huấn (tác phẩm gia huấn kinh điển giáo dục con, quản lý gia đình, phương pháp đối nhân xử thế của Nho gia) có câu: "Gia đình hòa thuận là gia đình có phúc, dù không giàu sang thì vẫn hạnh phúc".

Một gia đình có phúc báo dồi dào hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hòa thuận của anh em, con cháu trong gia đình. Gia đình càng hưng thịnh, con cháu càng hưởng phúc, gia đình càng ăn nên làm ra, đời đời viên mãn.

3. Về tâm thái: Người “có lòng vị tha” sống tự do nhất

Triết gia Francis Bacon từng nói: “Vận khí tốt là điều khiến người ta ngưỡng mộ, còn chiến thắng vận khí xấu càng khiến người ta kinh ngạc hơn”.

Vận khí của một người dù có tốt đến đâu thì cũng sẽ luôn có những sự việc chen ngang, thật sự khiến người ta rất khó chịu. Nên biết rằng, dù vào thời điểm ngày xuân ấm áp, thỉnh thoảng cũng có những ngày se lạnh hệt như ngày đông, bạn cũng sẽ thấy cảnh lá héo tàn.

Khi một người có thể chịu đựng được vận rủi, thế thì người đó rất mau sẽ gặp vận may. Như người ta vẫn nói “tái ông thất mã chưa biết họa phúc thế nào”.

Hãy mở rộng trái tim và bạn sẽ thấy rằng cho đi nhiều khi chính là nhận lại, mất đi nhiều khi lại là có được. Ví như nói sau khi thất tình, bạn dần dần hiểu thấu bản chất của tình yêu, điều này khiến bạn lý trí hơn trong các mối quan hệ sau này, từ đó có được sự lựa chọn sáng suốt hơn; khi không ai có thể giúp đỡ, bạn mới trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình.

Cùng một sự việc, có người sẽ cảm thấy may mắn, có người sẽ cảm thấy xui xẻo. Ví như nói có cái cây chẳng may bị đổ và đè bẹp mấy chiếc xe đạp. Có người cảm thấy may mắn khi không đến gần chiếc xe đạp, nhờ vậy mà tránh được kiếp nạn; có người thì cảm thấy xui xẻo vì tự nhiên mất đi một chiếc xe đạp.

Làm người hãy sống vị tha, bạn sẽ có thể nhìn thấy mặt khác của sự việc và có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn. 

Lão Tử đã nói: "Ta có ba báu vật, ta hết sức nắm giữ chắt chiu. Một là khoan từ. Hai là tiết kiệm. Ba là không dám đứng trước thiên hạ (coi mình hơn người)”.

Hãy tin rằng vận rủi không phải là vĩnh viễn và vận may cũng không phải tự dưng mà có. Mọi thứ đều phụ thuộc vào lời nói và hành động của bạn. Mọi điều bạn gặp trên đường đời đều là điều tốt. Nếu bạn thấy đó là điều xấu, thì hãy ráng chịu đựng một thời gian, sau đó quay đầu nhìn lại bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy mọi thứ giờ đã hoàn toàn đổi khác.

Kỳ thực, thời điểm đen đủi nhất thực chất lại là lúc bạn gần với may mắn nhất. Hãy là người có thể bao dung người khác, hãy là người có tấm lòng vị tha, vận may tự nhiên sẽ đến với bạn.

Theo Sohu
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp