Đập Tam Hiệp: Sự thất bại của một lý thuyết phản tự nhiên
Những trận mưa như trút nước kéo dài đã khiến nhiều khu vực ở Trung Quốc chìm trong sóng nước, gây tổn thất cực kỳ lớn đến cuộc sống người dân và kinh tế của đất nước. Người xưa cho rằng “Thủy, hỏa, đạo, tặc” là bốn thứ tai họa ghê gớm, trong đó họa nước là kinh khủng nhất. Mặc dù lũ lụt là một hiện tượng phổ biến trên toàn cầu, song cũng chẳng có mấy nơi mà nó trở thành hoạt động thường niên như ở Trung Quốc. Hỏi vì sao lại thế?
Bởi mưa lớn là tại thiên tai, nhưng lũ lụt nhiều khi lại vì nhân họa. Trên khắp Thần Châu đại địa sinh linh đồ thán, nhà tan cửa nát, vận mệnh nổi trôi. “Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, câu thơ của thi hào Nguyễn Du lại có thể được hiểu thêm theo một nghĩa trực tiếp. Một thứ “vận nước đang lên” theo đúng nghĩa đen là tai họa thường trực mà người dân phải đối diện hàng ngày, trái ngược hẳn với những tô vẽ bóng bẩy trong diễn ngôn chính trị của Trung Nam Hải, những giấc mơ, những kế hoạch, dự tính viển vông. Trong chương trình này, chúng ta sẽ tìm hiểu đến gốc rễ nguyên nhân của mối “họa thủy” ở Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp - quả bom nước treo trên đầu dân chúng Trung Quốc
Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, quốc gia này có hơn 98.000 con đập, nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới. Đa số chúng đều là những con đập quy mô vừa và nhỏ. Cụ thể hơn, Trung Quốc sở hữu gần một nửa trong số 50.000 con đập lớn trên thế giới. Còn trong danh sách 11 đập thuỷ điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc sở hữu tới 6 công trình, ví dụ như đập Tam Hiệp, Khê Lạc Độ, Bạch Hạc Than v.v.
Mưa lớn liên tục thách thức giới hạn chịu đựng của những con đập, trong đó có đập Tam Hiệp - con đập thủy điện lớn nhất thế giới – nằm ở rốn của vùng lũ là tỉnh Tứ Xuyên và Hồ Bắc. Vậy hãy lấy đập Tam Hiệp làm đại diện để nghiên cứu.
Đập Tam Hiệp được khởi công xây dựng cách đây trên dưới 30 năm và bắt đầu chứa nước từ năm 2003 nhưng đã liên tục xuất hiện cảnh báo nguy hiểm vỡ đập. Công trình này từ khi mới nằm trên giấy tờ đã không nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia thủy lợi Trung Quốc. Tuy nhiên, vì mục tiêu của cả “hệ thống chính trị”, bất chấp sự phản đối của xã hội và các tầng lớp dân chúng, con đập này đã được xây dựng để thỏa mãn giấc mơ vĩ đại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP).
Nếu đập Tam Hiệp vỡ, dòng nước khổng lồ sẽ ảnh hưởng đến nhiều triệu người, làm ngập lụt các thành phố ở hạ du và xóa sổ các khu đất trồng trọt rộng lớn, vì thế Trung Quốc sẽ càng căng thẳng vì an ninh lương thực. Con đập này như quả bom nước khổng lồ treo trên đầu dân chúng hết năm này qua năm khác.
Nhưng cũng ở vùng đồng bằng Tứ Xuyên màu mỡ đó, có một công trình thủy lợi cổ đại vẫn đứng vững và hoạt động hiệu quả trong hơn 2000 năm. Đó là công trình nào và điều gì có thể khiến nó trường tồn như thế?
Đô Giang Yển – thành tựu trị thủy 2200 năm tuổi với triết lý “thuận theo tự nhiên”
Đô Giang Yển là công trình thủy lợi cổ đại đã đứng vững suốt 2200 năm, đóng vai trò chính để Tứ Xuyên – vùng đất Ba, Thục xưa - trở thành vựa lúa và sản vật nông nghiệp của Trung Quốc xưa nay. Đô Giang Yển được xây dựng vào thời Chiến Quốc bởi một viên quan thái thú có tên là Lý Băng.
Đô Giang Yển gồm một con đê nông hình miệng cá ngăn nước phân lũ nằm giữa sông Mân, chia sông Mân thành sông trong và sông ngoài. Con đê này không phải dùng để ngăn nước lũ mà nằm ngay giữa dòng sông, tự động chia nước thành bên 4 bên 6. Mùa nước lũ, nước chảy vào sông ngoài 6 phần, sông trong 4 phần, còn mùa nước cạn, nước chảy vào sông trong 6 phần, sông ngoài 4 phần.
Nước chảy vào sông trong đổ vào “Cửa Bảo Bình”, chảy về phía Đông cấp nước cho vùng đồng bằng Xuyên Tây. Để tiến thêm một bước nữa khống chế dung lượng nước chảy vào cửa khẩu Bảo Bình, tại phần đuôi của đập chia nước miệng cá, người ta lại tu sửa mương Bình Thủy dùng để phân nước lũ và đường tràn lũ “đập Phi Sa”. Khi mực nước sông trong quá cao, nước lũ sẽ men theo mương Bình Thủy qua đập Phi Sa ra sông ngoài, đảm bảo khu thủy lợi sông trong tránh khỏi bị ngập úng. Dòng nước xoáy từ đập Phi Sa chảy vào dòng nước sông ngoài đảm bảo bùn cát không tích tụ tại phía trước và phía sau cửa Bảo Bình.
Việc sửa chữa con đập của các triều đại sau này được thực hiện trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện thêm cho nguyên tắc thiết kế vĩ mô và bảo trì con đập, khiến Đô Giang Yển có thể trường tồn và mang lại lợi ích đời đời cho các thế hệ người dân Trung Quốc.
Thậm chí, vào năm 2008 cơn động đất Vấn Xuyên với sức tàn phá khủng khiếp gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Đô Giang Yển, nhưng về cơ bản đập Đô Giang Yển vẫn bình yên vô sự. Điểm đặc biệt của công trình này đó chính là triết lý “thuận theo tự nhiên” và tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của cổ nhân Trung Hoa.
Triết lý ấy ở việc xây dựng Đô Giang Yển là tiếp nối tinh thần xa xưa trong nền Văn hóa Thần truyền 5000 năm Trung Hoa. Đó là không đối đầu mà chung sống hòa bình với tự nhiên, lại khéo léo mượn được sức mạnh của tự nhiên để biến điểm bất lợi trở thành thuận lợi. Do vậy, đã nói đến Đô Giang Yển, ta phải trở ngược lên 4000 năm trước, tới công trình trị thủy của vua Đại Vũ nhà Hạ.
Đại Vũ và đạo lý trị thủy trong Văn hóa Thần truyền
Khi vua Nghiêu trị vì, lưu vực sông Hoàng Hà xảy ra nhiều thủy tai. Bấy giờ, Nghiêu mới giao nhiệm vụ trị thủy cho Cổn, vốn là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế và có tài năng xây dựng các bức tường. Tuy nhiên, vì kiêu ngạo, ngoan cố, Cổn chỉ biết đắp hết con đập này đến con đập khác để ngăn lũ và kết quả là khi nước dâng cao, đập vỡ khiến hậu quả càng tai hại hơn. Việc ấy diễn ra trong suốt 9 năm.
Khi Thuấn thay Nghiêu làm vua, ông thấy Cổn vô năng, gây nhiều hậu quả do trị thủy bất thành bèn trị tội rồi lấy Vũ là con trai Cổn để thay Cổn trị thủy. Vũ đã không làm vua Thuấn thất vọng. Ông đổi cách làm của cha. Đại Vũ dùng cách “khơi thông” để trị thủy, gặp núi xẻ núi, gặp dốc đắp đê, khơi thông dòng nước, thuận theo thế dòng chảy mà dẫn nước, cuối cùng đưa ra biển. Trong suốt 13 năm làm việc không ngừng nghỉ, cuối cùng Đại Vũ đã thành công. Sau ông được vua Thuấn truyền ngôi và lập ra nhà Hạ.
Cách trị thủy của Đại Vũ và sau này là Lý Băng với đập Đô Giang Yển quá khác biệt với công trình đập Tam Hiệp. Khác biệt ấy là gì? Chính là sự đối lập giữa đạo lý “thuận theo tự nhiên” của cổ nhân Trung Hoa với quan điểm “Đấu Trời, đấu Đất, đấu người” của CCP. Cách đặt vấn đề đối lập nhau, kết quả tất nhiên sẽ hoàn toàn khác biệt.
Sự khác biệt trong triết lý trị thủy của Văn hóa thần truyền và Văn hóa của CCP
Dòng sông Trường Giang hay Dương Tử chính là một trong vài con sông lớn nhất trên thế giới. Trong thi phẩm “Lâm Giang tiên”, Dương Thận viết: “Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ, Lãng hoa đào tận anh hùng - Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng”, con sông ấy đã chở nặng ký ức lịch sử của Trung Hoa suốt mấy nghìn năm nay, ngày đêm nó cuồn cuộn không ngừng chảy ra Đông Hải, mang theo một lượng nước khổng lồ.
Tuy nhiên từ thời cổ, người Trung Hoa chỉ biết đến “Hà hoạn”, tức là nạn sông Hoàng Hà, chứ hiếm khi biết đến “Giang hoạn” tức là lũ lụt sông Trường Giang. Chính là vì rừng nguyên sinh trên thượng du Trường Giang có năng lực trữ khoảng 400 tỷ khối nước. Nhưng sau khi CCP giành được chính quyền, họ đã tàn phá rừng nguyên sinh bừa bãi khiến rừng mất đi khả năng dự trữ 300 tỷ khối nước - tương đương với 10 công trình Tam Hiệp, và chỉ còn dự trữ được 100 tỷ khối. Năm 2020, Fan Xiao, một nhà địa chất Trung Quốc và là người theo dõi lâu năm về con đập Tam Hiệp cho biết rằng: “Một trận mưa lũ lớn sẽ mang đến hơn 244 tỷ mét khối nước - tức là khoảng gấp đôi thể tích của Biển Chết - có thể đi qua Tam Hiệp trong hai tháng, theo tính toán của Fan.”
Ông còn nói thêm: “Khả năng chứa của hồ chứa của đập chỉ có thể xử lý khoảng 9% lượng đó. Nó giống như việc sử dụng một chiếc cốc nhỏ để xử lý một bồn nước lớn. Về mặt kiểm soát lũ lụt, chi phí của con đập chắc chắn cao hơn lợi nhuận thu được".
Giờ đây khi toàn bộ lượng nước đã đổ xuống lòng sông, chính quyền Bắc Kinh lại chặt ngang lưng con sông Trường Giang ở hai đầu Hồ Bắc và Trùng Khánh với tham vọng quây nhốt dòng sông hùng mạnh như hồng thủy mãnh thú này trong một cái chuồng chật hẹp. Công trình được giới lãnh đạo Bắc Kinh coi như Vạn Lý Trường Thành thứ hai với những cái “nhất thế giới” và tuyên truyền rằng để “cải tạo thiên nhiên”, “bắt thiên nhiên phục vụ con người”, thực ra là để chứng tỏ rằng CCP tài ba, vĩ đại hơn cả tạo hóa, chính là thể hiện tinh thần “đấu Trời đấu Đất” một cách cực đoan và ấu trĩ nhất, với cách làm cẩu thả và thiếu trách nhiệm nhất. Cổn mà có sống lại, chắc cũng phải chào thua Trung Nam Hải về độ phá hoại, nói riêng về việc dùng các con đập.
Đã dám đấu Trời đấu Đất thì ngại gì không đấu người, nên xã hội Trung Quốc từ khi áp dụng triết lý đấu tranh này mới triền miên loạn lạc chém giết bức hại, người với người đấu với nhau đến một mất một còn. Khi văn hóa chiến lang thịnh hành, con người không bao giờ được hưởng hạnh phúc thực sự của một xã hội thái bình, nơi đạo đức và văn minh ngự trị. Còn các công trình trị thủy cổ đại chính là dựa trên đạo lý “Thiên nhân hợp nhất” và “thuận theo tự nhiên” của cổ nhân Trung Hoa.
Thế nào là “Thiên nhân hợp nhất”?
Người xưa quan niệm rằng con người là một tiểu vũ trụ, tức là một vũ trụ thu nhỏ. Do vậy giữa con người và Trời Đất, môi trường tự nhiên có sự tương đồng và cảm ứng lẫn nhau. Ta hãy lấy một vài ví dụ tiêu biểu.
Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhà khoa học về môi trường và tương lai học (futuris) của Anh tên là James Lovelock đã đưa ra giả thuyết Gaia (Gaia Hypothesis), cho rằng trái đất là một vật thể sống có thể tự điều tiết nội tại để duy trì trạng thái ổn định của mình. Đây là một đặc tính mà chỉ có vật thể sống hữu cơ mới có, nên có thể gọi là “cân bằng nội tại”.
Trạng thái này tương tự với khả năng tự chữa bệnh của con người. Do vậy sự “cân bằng nội tại” này giúp cho Trái Đất có thể giữ ổn định các đặc tính vật lý, hóa sinh, ví dụ như thành phần trong không khí hay độ mặn của nước biển v.v. đồng thời Trái Đất còn có khả năng hồi phục, tự chữa lành sau các thiên tai địch họa.
Nước bao phủ 3/4 bề mặt Trái Đất, cũng tương tự nước chiếm 3/4 trọng lượng thân thể người. Các con sông chính trên Trái đất cũng nằm gần vĩ độ 30 độ Bắc, giống như máu của cơ thể chảy qua tim. Hệ thống tuần hoàn máu trong cơ thể của con người được chia thành các động mạch và tĩnh mạch, cùng các mao mạch đan chéo nhau. Trên Trái đất cũng có những con sông lớn như động mạch chảy qua các khu vực quan trọng nhất, như sông Trường Giang chảy qua Trung Quốc, sông Mississippi chảy qua Hoa Kỳ, sông Nile chảy qua Ai Cập và sông Danube chảy qua hầu hết các nước châu Âu… Nhiều nhánh của những con sông lớn đó, và một số dòng sông nhỏ, như các mao mạch chạy trong cơ thể con người, chúng uốn khúc và chạy tới mọi ngóc ngách trên Trái đất.
Trái Đất cũng có các mạch huyệt là đường đi của khí, của năng lượng, cũng tương tự như hệ thống kinh lạc trên cơ thể người. Việc châm cứu trên các huyệt cơ thể người cũng tương tự như trấn trạch trên huyệt đất, đều là tác động tới dòng năng lượng chạy trong cơ thể người hay mạch đất, từ đó mà chữa bệnh hay hóa giải tai họa, đem lại phúc khí.
“Thiên nhân hợp nhất” cũng tức là có sự tương ứng, tương tự giữa cơ thể người và cơ thể thiên nhiên. Chặt đứt một dòng sông bằng đập nước, cũng tương tự như bóp nghẹt mạch máu trên cơ thể người. Cơ chế thuận theo tự nhiên đã bị cơ chế nhân tạo thay thế, nhưng có thể thay thế được không? Người tắc mạch thì người chết. Sông tắc dòng thì sông cũng chết, chỉ là cái chết của nó không ngay lập tức như cơ thể người. Nhưng sông núi thiên nhiên mà chết, hỏi con người tồn tại được chăng?
Vì thế tuân theo triết lý “Thiên nhân hợp nhất” cũng chính là thái độ thống nhất với “thuận theo tự nhiên”. Trong tác phẩm kinh điển của Đạo gia là Đạo Đức Kinh, đức Lão Tử viết: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên” tạm dịch là: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Ngày nay, chính quyền Trung Quốc dạy người ta làm ngược lại: “Đấu Trời, đấu Đất, đấu cả con người”. Con người mà đấu cả Trời Đất thì lấy đâu làm chỗ nương thân? Con người ham đấu với nhau thì lấy đâu ra thiên hạ thái bình?
Ngược lại, chính vì triết lý “Thiên nhân hợp nhất” nên trân trọng Trời Đất, thiên nhiên, thì cũng là trân trọng con người chứ không đề cao tranh đấu, vì con người là một tiểu vũ trụ, một sinh mệnh thượng đẳng trên mặt đất, là sáng tạo của Thần theo hình ảnh của Thần… dẫu là câu chuyện Sáng Thế trong văn hóa phương Tây, hay chuyện Nữ Oa tạo ra con người trong văn hóa Trung Hoa, hay của các dân tộc khác đều là như thế. Điều này cũng được thể hiện ở mọi phương diện trong Văn hóa Thần truyền.
Thậm chí cả ở trong quân sự, nơi tưởng như chỉ có tranh đấu sát phạt, thì đỉnh cao binh pháp của Tôn Tử cũng là: “Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt." Đức Lão Tử cũng viết: “Binh đao là vật bất tường, ai cũng ghét; cho nên người có Đạo chẳng (thích) dùng.” Ngài lại viết: “Binh đao là vật bất tường; quân tử chẳng nên dùng nó. Bất đắc dĩ mới phải dùng. Người quân tử ưa sống điềm đạm. Thắng không có mừng. Mừng vì thắng hẳn là tâm địa kẻ thích giết người. Thích giết người không thể cai trị thiên hạ.”
Còn thi tiên Lý Bạch viết:
“Nãi tri binh giả thị hung khí,
Thánh nhân bất đắc dĩ nhi dụng chi.”
Tạm dịch là:
“Xưa nay binh lửa là hung khí
Thánh nhân chẳng đặng mới dùng thôi”
(Chiến Thành Nam - Nguyễn Duy Chính dịch)
Té ra, dù là “Thiên nhân hợp nhất”, “thuận theo tự nhiên” trong Văn hóa Thần truyền hay “Đấu Trời, đấu Đất, đấu người” của chính quyền Trung Quốc thì đối xử với tự nhiên cũng chính là đối xử với con người. Và trị thủy chính là trị quốc, trị nhân.
Trị thủy chính là trị quốc, trị nhân
Hãy một lần dừng lại và ngắm dòng người đang di chuyển cuồn cuộn trên đường, chúng ta sẽ nhận thấy sự tương đồng với một dòng nước chảy. Dòng nước đang chảy xuôi, khi gặp chướng ngại vật, nó sẽ khéo léo tìm những khe hở, kẽ nứt để rẽ ra hai bên vật chắn và nhập lại để rồi chảy tiếp. Dòng người đang lưu thông cũng thế. “Thiên nhân hợp nhất” vốn có nhiều nội hàm. Người Việt ta cũng có câu: “nhân sao vật vậy”.
Do vậy, chúng ta hãy thảo luận về một khái niệm gọi là “phép tràn”.
Nước vốn chảy ngầm, thuận theo đạo tự nhiên, tự động tuần hoàn và tịnh hóa ở trong các mạch nước ngầm, vô hình, không dấu vết, lặng lẽ làm lợi cho vạn vật. Khi mạch nước ngầm bị phá hoại, tắc nghẽn, không thu nhận và dung nạp được nhiều nước như trước thì phần nước ngầm tương ứng sẽ dần dần trào lên mặt đất, tràn ra sông hồ, ngập đất đai, trở thành tai hại. Lúc này cần phải học theo đạo tuần hoàn của nước ngầm, trên mặt đất cần mở rộng hay khai thông sông ngòi ao hồ để dẫn phần nước tràn trở về với đạo của tự nhiên, tiếp tục tuần hoàn, tịnh hóa, làm lợi cho vạn vật trên mặt đất mà không tạo thành tai hại.
Cùng với việc môi trường tự nhiên không ngừng bị tàn phá và xấu đi, sông ngòi trên mặt đất cũng dần dần bị cản trở hoặc biến dòng, khiến nước tràn khỏi sông ngòi, ngập đất đai, tạo thành lũ lụt. Lúc này cần khơi dòng sông ngòi, hoặc đào thêm kênh, đồng thời men theo dòng chảy để đắp đê, khiến nước sau khi tràn ra khỏi sông vẫn bị đê điều ngăn chặn, tiếp tục xuôi theo dòng sông chảy, cuối cùng nước đổ về biển lớn mà không gây ngập lụt, phá hoại. Đó là cách trị thủy của Đại Vũ, của Lý Băng.
Nếu xây những con đập chắn ngang để nhốt nước thì ắt “tức nước vỡ bờ”, sẽ có lũ lụt, sinh linh đồ thán, đó là cách làm của CCP.
Cùng với cái lý như vậy, thuở ban đầu nhân tâm vốn là tốt đẹp, thuần chân, thiên hạ tự nhiên vận hành trong Đạo, hài hòa và hoàn mỹ, giống như nước tự động vận hành ở các mạch ngầm. Cùng với sự phát triển của xã hội và ô nhiễm hậu thiên, tâm hồn nhân loại trở nên không còn thuần chân nữa, từ đó lệch khỏi Đạo, sinh ra các loại tư tâm, tham dục, Đạo không thể nào hoàn toàn chế ước cái tâm con người được nữa, sẽ xảy ra "tràn".
Mức độ tràn lớn đến đâu là tương ứng với sự thoát ly của con người ra khỏi Đạo đến đấy.
Dần dần, Đạo suy giảm mức độ ảnh hưởng lên nhân tâm so với hàng nghìn năm trước, nhưng tinh hoa văn hóa truyền thống vẫn còn, nó vẫn là một bộ phận của Đạo. Và nó vẫn giúp duy trì, ước thúc đạo đức, văn hóa của xã hội Trung Hoa với những giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Nho gia; những quy tắc ứng xử như “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” hoặc là “cha nhân từ, con hiếu thuận”, “anh thuận thảo, em cung kính”, vợ chồng thì “kính nhau như khách”… cùng những giá trị quan hữu Thần của cả xã hội về nhân quả báo ứng hay “trên đầu ba thước có thần linh” v.v. Ở Trung Hoa cổ, các triều đại đi sau luôn cố gắng đưa xã hội quay trở lại trạng thái đạo đức cao hơn triều đại trước, hoặc ít ra phải giữ được những giá trị đạo đức căn bản nói trên. Do vậy, vẫn có những nỗ lực để dẫn cho nhân tâm đang “tràn” quay lại với Đạo, với đức. Triều đại nào thất bại trong nhiệm vụ ấy sẽ diệt vong.
Nhưng CCP thì hoàn toàn làm ngược lại, vì mục tiêu phá hủy của họ là tín ngưỡng, lòng kính Thần, văn hóa truyền thống (hay Văn hóa Thần truyền)... chính là phá hủy đạo đức và nhân tâm hay là lòng người.
Giống như mạch nước bị phá hoại khiến nước ngầm tràn lên bề mặt, nhân tâm không chịu sự tự ước chế theo tiêu chuẩn đạo đức truyền thống thì sẽ đem lại tai nạn cho xã hội, thế là các loại tội phạm và chiến tranh bắt đầu xuất hiện trên diện tích lớn, sự tốt đẹp và hài hòa của xã hội vì thế mà bị phá vỡ. Rồi để ngăn chặn, Bắc Kinh lại tiếp tục xây dựng những “con đập pháp luật” ngày càng cao, những quy định ngày càng hà khắc và thiên vị, khiến cho không gian sống ngày càng tù túng ngột ngạt; đồng thời họ dùng bạo lực và lừa dối để đối phó chứ hoàn toàn không có ý định quy chính hay giáo hóa con người theo những tiêu chuẩn đạo đức đã duy trì xã hội ổn định cả nghìn năm.
Thành thử, những con “đập Tam Hiệp” nhân tạo ở trong lòng người Trung Quốc cũng đang vỡ lở.
Phương Tây hiện đại “trị thủy” như thế nào?
Ở phương Tây hiện nay, về nguyên tắc, người ta hiểu rằng không thể nào "cưỡng bức dòng nước" được nên chỉ có cách tạo chỗ để tháo nước, và dẫn dòng nước thoát đi. Tình cờ đó lại chính là nguyên lý “thuận theo tự nhiên”.
Tại châu Âu đã có các chính sách chống lụt và thiên tai một cách tổng thể và dài hơi thay vì đối phó khi thiên tai xảy ra vì khí hậu biến đổi, mưa bão dữ dội là các vấn đề lớn, mang tính toàn cầu. Đó là trồng rừng ở thượng nguồn các sông ngòi, để cây to giữ đất tránh sụt lở, và thảm rừng xanh thấm nước ngay từ đầu trận mưa.
Đó là duy trì các hồ nước gần đô thị lớn (gọi là letting pools) có đường dẫn thông với sông ngòi quanh vùng dân cư để điều tiết nước. Chẳng hạn, bang Houston của Mỹ đang lên kế hoạch xây hồ lớn ở ngoại ô, trị giá 400 triệu USD để đề phòng lụt to.
Ở Châu Âu, sông ngòi đang được “tháo gông” khỏi những con đập để điều phối nước tự nhiên. Anh Quốc lên kế hoạch mang tên 'National River Restoration Inventory' để phục hồi 1500km sông trên cả nước qua 2700 dự án nhỏ. Cho đến nay chừng 1500 dự án đã hoàn tất, nhiều đoạn sông bị lấp nay được khơi lại.
Ở Tây Ban Nha, sông lớn Duero nay đã được chảy tự do với mọi đập chắn bị dỡ đi. Ở Pháp, nhờ cuộc vận động của giới bảo vệ môi trường, sau 20 năm, sông Loire đã 'thoát' khỏi con đập Serre de la Fare, gần Le Puy. Tại Đan Mạch, sông Skjern "giành lại" được các đầm lầy ven bờ để nước lụt tràn ra tự nhiên.
Ngay cả con sông Danube cũng đã được phục hồi gần hết những khu vực bị nắn dòng và bị cắt đứt khỏi dòng chảy chung, đây là nỗ lực hợp tác của 19 nước Châu Âu nơi con sông chảy qua. Hiện nay, hợp tác quốc tế đã phục hồi gần hết các khu vực đó, vừa tạo môi trường tuyệt vời cho hệ sinh thái ven sông vừa lập các khu chứa nước tràn.
Một trong các biện giải về mục đích xây dựng các con đập nói chung và đặc biệt là Tam Hiệp nói riêng, đó chính là ngoài chức năng phát điện thì còn để kiểm soát lũ lụt, điều tiết nước tưới tiêu. Song ngày nay mục đích căn bản ấy đều phá sản cả. Nên cứ mỗi năm người dân Trung Quốc khốn khổ vì mưa của Trời còn ít hơn vì đập của người.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng những thứ phản Đạo, đi ngược lại quy luật của tự nhiên và lòng người thì tất yếu sẽ diệt vong. Nếu coi quá trình trị thủy cũng chỉ là một biểu hiện ở khía cạnh khác của trị quốc thì chẳng phải điều cốt yếu của một xã hội an bình, ổn định chính là lòng người, là nhân tâm bên trong hay sao? Ngoại lực vĩnh viễn sẽ không thay đổi được nhân tâm, cũng như những con đập chẹn ngang dòng được tạo bởi sức người sẽ không bao giờ có thể khống chế được sức mạnh của tự nhiên và vũ trụ. Vậy thì con đường đúng đắn để phát triển không phải là "hoán Trời đổi Đất", cải tạo thiên nhiên hay bắt thiên nhiên phục vụ mình mà phải là “thuận theo tự nhiên”, “nương theo tự nhiên”, cũng như nhân tâm chỉ có thể khuất phục bằng đạo đức, bằng lòng bao dung bác ái và bằng sự thật.
Như thế, xã hội sẽ tự khắc an hòa mà không cần phải xây thêm con đập ngăn nào nữa.
Nguyên Vũ