Đất lành phong thủy cũng chọn người: Lòng hiếu thảo cảm động Trời xanh
Nhiều người khi mua nhà đất các loại đều thích nói về phong thủy, vì họ tin rằng phong thủy nhà ở có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh, suy vong của cả gia đình…
Nhưng xét về mặt phong thủy, thì thứ thực sự có tác dụng mạnh mẽ chính là phong thủy mộ phần. Bởi vì phong thủy mộ phần tốt xấu được cho là có ảnh hưởng tới sự hưng suy của cả gia tộc, thậm chí ảnh hưởng đến cả con cháu đời sau.
Nếu nói người thật sự biết xem phong thủy mộ phần, thì đó có thể là “người anh cả” trong giới phong thủy, bởi đây là một môn học vấn bác đại tinh thâm, từ xưa đến nay phần lớn đều là người thầy đích thân truyền riêng cho đệ tử có đủ tố chất của mình, nếu không phải là người có đủ tố chất, thì dù là con cháu cũng không nhất định được truyền cho.
Đất lành phong thủy cũng chọn người
Chuyện kể rằng vào thời nhà Thanh, ở Giang Tây có một thư sinh rất giỏi về thuật phong thủy. Một ngày nọ, anh đến vùng Đạo Châu, Hồ Nam, ở đây anh tình cờ gặp được một mảnh đất lành phong thủy. Còn đang phấn khích, thì có hai người bất chợt xuất hiện trong tầm mắt của mình. Một người là công tử nhà giàu ăn mặc sang trọng, người kia tay cầm la bàn, thoạt nhìn thì biết ngay đó là thầy phong thủy.
Người thầy phong thủy đi quanh miếng đất lành phong thủy này, nhìn trái nhìn phải, cuối cùng lắc đầu nói: “Phong thủy ở đây rất tệ”. Chàng thư sinh nghe vậy suýt chút nữa đã cười phá lên, nghĩ rằng người đàn ông này chắc chắn chỉ là tay lừa gạt
Tuy nhiên, nếu đã gặp nhau, thì cũng nên bước đến làm quen, chuyện trò một chút xem sao. Chàng thư sinh đã chia sẻ một chút hiểu biết về phong thủy, nhưng chỉ với chừng ấy thôi cũng đủ khiến cho thầy phong thủy kia bái phục sát đất. Hai người họ nhất quyết mời thư sinh đến phủ làm khách.
Tuy nhiên, chàng thư sinh trước sau vẫn không tiết lộ điều gì về mảnh đất lành phong thủy này. Tại sao? Bởi chàng cho rằng tác phong hành sự của vị công tử này không phải là người gánh được phúc phận, không xứng với mảnh đất quý giá này. Có điều chàng lại phát hiện Tiêu Ông, người có quan hệ thông gia với vị công tử, lại là người rất tốt bụng, chăm làm việc thiện, rất được dân làng kính trọng, nên đã giới thiệu mảnh đất này cho ông. Tiêu Ông liền mua ngay mảnh đất quý giá này.
Chàng thư sinh cũng cẩn thận lựa chọn vị trí mộ huyệt của gia tộc giúp Tiêu Ông, chuẩn bị dời mộ tổ tiên. Tuy nhiên, thư sinh nói với Tiêu Ông rằng sức mạnh phong thủy trong mảnh đất này lớn mạnh lắm, chỉ những người có đức hạnh cực cao mới có thể gánh được. Tiêu Ông dù là người tốt, nhưng rốt cuộc con người khó có thể hiểu được ý trời. Nếu hành động khinh suất, có thể sẽ chiêu mời tai họa. Vì thận trọng, thư sinh đề nghị Tiêu Ông hãy qua đêm trên mảnh đất này, nếu không thích hợp, ắt sẽ có điều bất thường như một lời cảnh cáo. Tiêu Ông cảm thấy có lý, nên đã quyết định thử xem sao.
Một đêm nọ, Tiêu Ông dẫn theo con trai cùng qua đêm trong huyệt mộ, đến nửa đêm, đột nhiên một tiếng quát tháo chói tai từ xa vọng lại; không lâu sau, một đội nghi trượng cờ lọng tung bay, một vị quan cao lớn ở giữa cưỡi ngựa tiến đến, đến trước mộ huyệt thì dừng lại, nghiêm khắc tra hỏi đám tùy tùng rằng: "Đây là nơi hiếu tử họ Hà chôn cất cha mẹ hắn. Họ Tiêu kia là gã nào mà lại dám chiếm giữ nơi này? Mau mau lôi hắn ra khỏi mộ cho ta!".
Tiêu Ông cảm thấy một nỗi khiếp sợ trước nay chưa từng có, ông lồm cồm bò dậy, khấu đầu lia lịa, lớn tiếng nói: “Cúi xin đại nhân tha tội. Kẻ hèn này cũng đã nghĩ đến mình không đủ đức hạnh gánh lấy mảnh đất này, sợ mang tội với trời xanh, nên đã đặc biệt ở lại đây một đêm mong có dấu hiệu cho biết liệu mình có đủ phúc phận sở hữu miếng đất này hay không. Bây giờ đã bị ngài trách mắng, kẻ hèn này nguyện ý từ bỏ mảnh đất quý này”.
Quan viên nghe xong nói: “Niệm tình ngươi là người trung hậu, ta sẽ không trách tội nhà ngươi nữa. Nếu ngươi có thể giúp Hà hiếu tử chôn cất song thân, ta sẽ cho ngươi một chỗ tốt lành khác”.
Vị quan căn dặn thêm rằng, mộ huyệt này cần chôn cất thật sớm để tránh nguyên khí hao tổn. Nói xong, liền cưỡi ngựa vụt đi trong nháy mắt, để lại hai cha con Tiêu Ông bàng hoàng trong gió.
Hà hiếu tử
Sáng sớm, cha con Tiêu Ông trở về nhà và kể lại việc này cho thư sinh. Bọn họ dùng đất lấp kín ngôi mộ, sau đó bắt đầu tìm kiếm "Hà hiếu tử", nhưng mọi người đã rơi vào một thế khó, trời đất rộng lớn, biển người mênh mông, muốn tìm được Hà hiếu tử chẳng khác chi mò kim đáy biển.
Nói ra cũng trùng hợp, một ngày kia thư sinh một mình tản bộ bên ngoài. Đang đi đang đi thì bất tri bất giác đi đến một thị trấn nhỏ. Lúc này trời bỗng đổ mưa lớn, thư sinh thấy vậy cũng không nghĩ ngợi nhiều, liền trú mưa ở một xưởng gạo gần đó.
Cùng với sắc trời tối dần, những người trong tiệm lần lượt rời đi, chỉ còn lại một chàng trai không ngừng giã gạo, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Thư sinh hiếu kỳ liền hỏi chàng trai: “Trời tối như vậy, sao anh vẫn chưa về?”.
Chàng trai lấy tay quệt mồ hôi trên trán, nói: “Trong nhà còn có mẹ già thích ăn thịt, vậy nên tôi phải đi sớm về muộn để kiếm thêm chút tiền mua thịt phụng dưỡng mẹ già”.
Thư sinh nghe vậy lòng thêm nghi hoặc, vội hỏi dò một câu: “Không biết họ anh gì là gì vậy?”.
Không ngờ chàng trai này họ Hà. Thư sinh thầm nghĩ lẽ nào đây chính là Hà hiếu tử mà mình cần tìm. Vì để chứng thực suy đoán của mình, thư sinh liền mượn có đường xa, mặt dày xin chàng trai cho mình ở nhờ một đêm. Chàng trai vui vẻ nhận lời.
Vì để cảm tạ, thư sinh đã lấy trong túi ra một ít chút coi như trả tiền trọ và tiền ăn uống, nhưng dù có thuyết phục thế nào, chàng trai cũng chỉ lấy một đồng để mua một ít rượu thịt cho thư sinh, rồi đưa chàng về nhà.
Cánh cổng mở ra, ngôi nhà không lớn lắm, chỉ có hai gian phòng, nhưng được quét dọn khá sạch sẽ, có thể thấy người vợ ở nhà rất chăm chỉ. Hai gian phòng bên trong, chàng trai cùng vợ ở căn phòng bên ngoài, trong nhà không có nhà bếp, nên chàng trai đã ngăn một nửa căn phòng nơi mình ở làm thành nhà bếp. Chàng trai nói với thư sinh: “Điều kiện nhà tôi có hạn, không còn phòng dư, tối nay vợ tôi sẽ ngủ cùng mẹ, còn anh thì ở cùng tôi, mong anh không ngại!”.
Nói xong liền đi vào trong phòng, pha trà, đặt rượu và thịt lên bàn: “Anh hãy dùng bữa trước, tôi vào phòng hầu hạ mẹ già trước. Chúng ta nói chuyện sau vậy”.
Sau đó, chàng nhanh chóng trở vào phòng trong.
Mẹ già ăn thịt, con ăn rau
Thư sinh tò mò Hà hiếu tử này rốt cuộc hiếu thảo như thế nào? Liệu có thể cảm động trời đất không? Thế là chàng lén nhìn qua khe cửa, chỉ thấy hai vợ chồng mỗi người một bên dìu bà cụ ngồi xuống, thay phiên nhau gắp những miếng thịt trong bát cho bà cụ ăn. Một nhà ba người họ nói nói cười cười, thật là ấm áp. Cho đến khi bà cụ ăn no, người con rửa tay và lau mặt cho bà cụ.
Sau khi hầu cơm mẹ già xong rồi, hai vợ chồng mới ngồi xuống dùng bữa, lúc này trên bàn ăn chỉ còn món dưa muối. Sau khi ăn xong, con dâu cất dọn chén bát. Cậu con trai ngồi bên cạnh mẹ và kể những điều thú vị ở khu chợ hôm nay. Nghe con trai kể một cách sống động, bà cụ vui vẻ cười đến không thể ngậm miệng được. Một lúc sau, bà cụ ngáp dài một cái ra vẻ buồn ngủ. Hà hiếu tử cẩn thận sắp xếp gối đệm, nhẹ nhàng xoa bóp cho mẹ, giúp mẹ thả lỏng cơ thể, người vợ cũng đứng bên cạnh hầu hạ, hai người cũng không có chút biểu hiệu mệt mỏi hay buồn chán nào.
Bà cụ ngủ say, cả hai mới đứng dậy nhẹ nhàng rời đi. Nhìn thấy Hà hiếu tử hiếu thuận như vậy, thư sinh càng tin chắc rằng đây chính là Hà hiếu tử mà mình đang tìm kiếm. Đợi Hà hiếu tử lần nữa đi ra, thư sinh cảm thấy đã đến lúc phải mở miệng, bèn hỏi: "Thật không biết cha anh mất khi nào? Đã chôn cất hay chưa”.
Chàng trai nghe thấy những lời này, không khỏi thở dài: “Ài! Nói thật với anh, cha tôi qua đời đã bốn năm rồi. Tôi thật bất hiếu, làm công việc giã gạo, cố gắng lắm mới nuôi được mẹ già, thật sự không tìm được nơi nào tốt để chôn cất cha tôi. Đến nay tro cốt của ông vẫn còn để trong chùa, nói đến thật khiến người ta không khỏi đau lòng”. Nói xong, nước mắt lã chã tuôn rơi.
Thư sinh vội vàng an ủi, nói: “Xin anh đừng buồn, Tiêu Ông - chủ nhân nơi tôi ở có một mảnh đất lành phong thủy. Tôi xin ông ấy tặng nó cho anh là được rồi!”.
“Ôi chao! Tôi với anh vốn chẳng thân quen gì, làm sao dám nhận ân huệ to lớn như vậy. Hơn nữa, miếng đất may mắn đó nếu đã có chủ, thì sao có thể làm khó người ta được?”.
“Anh không cần phải lo lắng về điều này. Tôi biết rất rõ Tiêu Ông, ông ấy rất thích bố thí hành thiện. Chỉ cần ông ấy biết được tấm lòng hiếu thảo của anh, nhất định sẽ đồng ý. Anh cứ ở nhà đợi, sáng sớm mai tôi sẽ khởi hành. Ba ngày sau, tôi sẽ cùng Tiêu Ông đến gặp anh”.
Hai mảnh đất lành phong thủy
Thấy đã muộn rồi, hai người đều đi ngủ.
Hôm sau trời còn chưa sáng, thư sinh đã thức dậy, xoay người lại thì thấy Hà hiếu tử nằm cạnh đêm qua không biết đã đi đâu mất. Đợi đến trời sáng, mới nhìn thấy Hà hiếu tử ở đằng xa, trên tay cầm chiếc bát, vội vàng từ bên ngoài đi vào. Thư sinh hỏi thăm mới biết đêm hôm trước, bà cụ muốn ăn bánh trôi, thế là Hà hiếu tử trời còn chưa sáng đã đi vào thị trấn, đi đi về về cũng phải hai mươi dặm chỉ để mua bánh trôi cho mẹ già ăn.
Nghe đến đây, thư sinh đối với Hà hiếu tử càng thêm bội phục. Nói lời tạm biệt xong, chàng một mạch đến thẳng nhà Tiêu Ông, đem những gì mình đã tận mắt chứng kiến trong mấy ngày qua kể lại cho Tiêu Ông. Tiêu Ông rất vui mừng, vội vàng mang theo khế đất đến nhà Hà hiếu tử.
Nhưng vừa bước vào nhà, nhìn thấy hai vợ chồng đau đớn khóc lóc. Hóa ra thư sinh vừa rời đi, bà cụ đột nhiên bệnh nặng và qua đời không lâu sau đó. Tiêu Ông liền trao khế đất cho Hà hiếu tử, và đứng ra gánh vác chi phí chôn cất, thư sinh thì phụ trách chọn ngày giờ thích hợp an táng cho bà cụ.
Sau đám tang, hai vợ chồng tìm đến Tiêu Ông và nhất quyết tỏ ý làm người hầu để báo đáp Tiêu Ông đã cho họ mảnh đất chôn cất cha mẹ. Tiêu Ông cảm thán rằng: “Miếng đất này vốn thuộc về gia đình cậu, đây chính là thiên ý”. Ông bèn kể lại những trải nghiệm trước đây của mình cho Hà hiếu tử nghe.
Sau khi lo liệu xong việc nhà cho Hà hiếu tử, Tiêu Ông mở miệng hỏi thư sinh: “Lời hứa của Thần linh với tôi cũng nên được thực hiện, phiền cậu hãy giúp tôi tìm xem”.
Từ sau hôm đó, chàng thư sinh mỗi ngày đều đi khắp các núi non và cánh đồng, nhưng trong vài tháng cũng không tìm thấy gì.
Một hôm, thư sinh tình cờ đi ngang qua mộ phần của cha mẹ Hà hiếu tử, bất giác ngẩng đầu nhìn lên, đột nhiên phát hiện cách đó vài trượng dường như có một long mạch mờ ảo, đến nơi thì thấy quả nhiên là một long mạch, không chỉ như vậy, long mạch này có cùng nguồn gốc với mộ phần của cha mẹ Hà hiếu tử.
Sau nhiều lần xem xét, thì thấy miếng đất này so với mộ phần của cha mẹ Hà hiếu tử dù có kém một chút, nhưng con cháu của người được chôn cất ở đây chắc chắn sẽ đại phú đại quý. Thế là, thư sinh bèn đem phát hiện của mình nói với Tiêu Ông, bảo ông hãy chọn ngày lành tháng tốt. Sau khi lo liệu xong việc này, trải qua một đoạn thời gian cực nhọc, thư sinh cảm thấy thân tâm kiệt quệ, quyết định từ biệt Tiêu Ông, chuẩn bị khởi hành trở về quê nhà.
Trước khi từ biệt, Tiêu Ông lấy ra ngàn vàng trả công, nhưng thư sinh nhất quyết không nhận: “Tôi không phải là người kiếm sống bằng nghề xem phong thủy, chi bằng hãy dùng số tiền đó để giúp đỡ những người nghèo khó”.
Câu chuyện này ra đời vào năm Quang Tự thời nhà Thanh, nằm trong tác phẩm “Tọa Hoa Chí Quả” của nhà văn Uông Đạo Đỉnh. Trong cuốn sách này, tác giả kể lại các loại câu chuyện nhân quả mà ông đã tận mắt chứng kiến hoặc nghe kể trong ba mươi năm cuộc đời.
Trong câu chuyện này, cháu trai của Hà hiếu tử về sau chính là đại thần Hà Lăng Hán (1772-1840) của triều đại nhà Thanh. Hà Lăng Hán thi đỗ tiến sĩ vào năm Gia Khánh thứ mười, người đời gọi ông là Hà Văn An Công. Hà Lăng Hán trước sau từng giữ chức các chức vụ quan trọng trong triều đình như: Phủ doãn Thuận Thiên, Thị khanh Đại Lý, Tả đô Ngự sự Đô sát viện, Binh bộ Thị lang, Lễ bộ Thị lang, Thượng thư Công bộ, v.v…, ngoài ra cũng từng giữ các chức vụ quan trọng như Học chính Sơn Đông, Học chính Triết Giang, bồi dưỡng được rất nhiều nhân tài. Con trai của Hà Văn Công là Hà Thiệu Cơ cũng đạt được một số thành tựu, ông cũng thi đỗ Giải nguyên, được vào Viện hàn lâm, nhiều lần đảm nhận quan chủ khảo của học viện.
Còn Tiêu Ông về sau ngày một giàu có, trở thành người giàu nhất quận. Con trai ông cũng thi đỗ Tiến sĩ, được vào Viện hàn lâm, về sau làm đến chức Phiên ty (thuộc hàng quan nhị phẩm).
Thư sinh trong câu chuyện về sau thi đỗ bảng vàng, đứng vào hàng Tiến sĩ.
Uông Đạo Đỉnh nhận xét như vậy: “Hiếu thuận là đức hạnh đứng đầu trong đạo Ngũ thường, cũng là nền tảng của hết thảy mỹ đức, Hà hiếu tử trong công việc bình thường vốn không có tài hoa trác tuyệt hoặc phẩm đức khác với mọi người. Chính là tấm lòng hiếu thảo trong cuộc sống thường ngày của anh đã cảm động trời đất, được quỷ thần tôn kính, cuối cùng khiến thanh danh gia tộc anh đi lên, để lại phúc đức cho con cháu đời sau. Hiệu ứng kỳ diệu mà đức hạnh hiếu thuận mang đến chính là mau chóng và rõ ràng như vậy”.
Ông nói tiếp: “Chàng thư sinh giữ vững chính nghĩa, không mưu cầu lợi ích cá nhân. Tiêu Ông tâm địa thiện lương, vui vẻ giúp đỡ người khác. Đức hạnh của họ cũng nhờ vậy mà được Thiên Thượng ban ân, có được phúc báo dồi dào. Cái kết như vậy, quả thật là lẽ đương nhiên”.
Theo SOH
Thiện Quân biên dịch