Điển tích: "Con cháu tự có phúc của con cháu", vế sau mới là tinh hoa
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, các bậc cha mẹ đều lo lắng cho tương lai của con cái, bỏ ra rất nhiều tâm huyết trong quá trình trưởng thành của chúng, thậm chí kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần vì vấn đề giáo dục con cái. Cũng có rất nhiều người già vất vả giúp con cháu nuôi dạy con cái, dành dụm cả đời của cải đều dâng hiến cho con cháu, nhưng lại không nhận được bất kỳ sự hồi đáp nào, trong lòng luôn có chút không nỡ và chua xót.
Câu tục ngữ "Con cháu tự có phúc của con cháu" là lời khuyên răn các bậc cha mẹ đừng nuông chiều con cái, con cháu đều có con đường riêng của mình phải đi, đều có phúc phận của riêng mình, đừng lo lắng cho con cái quá nhiều, cũng không cần phải vất vả quá nhiều vì chúng, lo lắng cho con cái nhiều quá ngược lại sẽ khiến chúng trở nên bất tài.
Câu tục ngữ trên được ghi chép trong Tăng Quảng Hiền Văn, xuất xứ từ vở kịch Bao Đại Chế Tam Khám Hồ Điệp Mộng của Quan Hán Khanh đời Nguyên. Nhắc đến câu này, nhiều người chỉ biết câu trên mà không biết còn có câu dưới, kỳ thực câu dưới mới là phần tinh hoa của câu này, đáng tiếc rất ít người biết đến.
Nhắc đến câu này, không thể không kể đến một điển tích:
Truyện kể rằng, vào thời nhà Minh, niên hiệu Tuyên Đức, có một tú tài họ La. Vì gia cảnh nghèo khó, thi cử lận đận, cuối cùng phải xa gia đình, đến nơi khác làm thầy đồ dạy học.
La tú tài có vợ và một con trai. Vợ ông vốn là tiểu thư khuê các, khi ông đi xa, mọi việc nhà đều do vợ quán xuyến. Nhưng bà vốn không quen việc nội trợ, sau này hai mẹ con cùng nhau làm việc nhà.
Ở xa nhà vài năm, La tú tài xin nghỉ về quê ăn Tết. Gặp lại con trai 7 tuổi, ông rất vui mừng, muốn thử tài đối câu đối của con rồi cho đi học.
La tú tài chỉ lên trời, ra câu đối "Thiên" (trời). Con trai ông vốn chỉ quen việc nhà, không đối được. Người mẹ sốt ruột, chỉ xuống đất, vô tình chỉ vào bãi phân gà. Cậu bé nhanh trí đối lại "Thiên" (trời) với "Kê thỉ" (phân gà).
La tú tài nổi giận, quát hỏi Phụ thân đối với gì? Người mẹ sợ chồng tức giận, chỉ vào mình, muốn con đối Mẫu thân. Nhưng cậu bé nhìn thấy vú mẹ, liền đối "Nhũ" (sữa) . Nghe vậy, La tú tài hoàn toàn thất vọng về đứa con ngu dốt. Ông vừa hận mình lận đận khoa cử, vừa chán nản con cái, cuối cùng quyết định bỏ nhà đi tu.
La tú tài đột ngột bỏ đi khiến gia đình gặp cú sốc lớn. Về sau, vợ ông dần nguôi ngoai, tranh thủ lúc nông nhàn dạy dỗ con trai, dành dụm tiền bạc mời thầy giỏi. Nhờ sự dạy dỗ chu đáo, cậu bé tiến bộ vượt bậc, sau này đỗ trạng nguyên.
Để tỏ lòng biết ơn mẹ, sau khi đỗ trạng nguyên, người con làm lễ mừng thọ mẹ. La tú tài nghe tin, rất vui mừng, vội vã về nhà thăm. Người gác cổng không nhận ra ông, bèn vào báo có nhà sư đến xin bố thí. Bà La ban đầu định cho tiền, nhưng ông không nhận, sau đó xin gặp tân trạng nguyên. Gặp con, ông viết lên tường bài thơ:
Ly biệt gia hương thập bát thu,
Thiên tiền đấu mễ ngã bất thu;
Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc,
Mạc vị nhi tôn tác mã ngưu.
Dịch nghĩa:
Rời quê hương mười tám năm trời,
Ngàn tiền đấu gạo chẳng màng tôi.
Con cháu tự có phúc con cháu,
Đừng vì con cháu làm trâu ngựa.
Câu cuối "Mạc vị nhi tôn tác mã ngưu" chính là lời khuyên răn cha mẹ đừng bao bọc con cái quá mức. Đây cũng chính là vế sau của câu điển cố: "Con cháu tự có phúc của con cháu; Đừng vì con cháu làm trâu ngựa."
Con cháu có phúc phận riêng, trí tuệ cũng vậy, chỉ nên uốn nắn, dẫn dắt chứ không nên ép buộc hoặc buông thả, nếu không sẽ phản tác dụng. Chỉ có dạy con biết bao dung, nhẫn nhịn, đối nhân xử thế bằng tấm lòng chân thành, biết tự lập, kiên cường, mới có thể đạt được lý tưởng, khẳng định giá trị bản thân.
Theo Soundofhope
Minh Nguyệt