Điều quý giá nhất người xưa để lại cho con cái là gì?

Điều quý giá nhất người xưa để lại cho con cái là gì?
Người xưa chú trọng giáo dục con cái về đạo đức và lòng tốt (Ảnh: Miền công cộng)

Người xưa chú trọng giáo dục con cái về đạo đức và lòng tốt, thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng sâu sắc đối với thế hệ sau, đáng để chúng ta học hỏi.

Bởi vì họ đã tìm ra điều cốt lõi nhất của việc làm người, và lòng nhân từ, yêu thương cũng như sự nghiêm khắc đối với con cái đã giúp chúng phân biệt đúng sai và chọn con đường đúng đắn trong mọi hoàn cảnh.

Coi trọng đạo đức và lòng tốt không chỉ mang lại lợi ích suốt đời cho người xưa mà còn là tài sản đáng tin cậy nhất mà họ để lại cho con cái. Bài viết này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu cách Tư Mã Quang, Lục Du và Trương Anh đã giáo dục con cái của họ.

Tư Mã Quang và bài "Huấn kiệm thị Khang"

Tư Mã Quang, nhà sử học thời Bắc Tống, là người chính trực, liêm khiết, không có việc gì không thể nói với người khác. Ông dạy con trai Tư Mã Khang "xem tiết kiệm là đức tính tốt", và viết một bài văn dưới dạng thư nhà có tựa đề "Huấn kiệm thị Khang". Xoay quanh câu châm ngôn cổ "thành do kiệm, bại do xa", kết hợp với kinh nghiệm sống và trải nghiệm thực tế của mình, ông đã trích dẫn nhiều ví dụ điển hình để dạy dỗ con.

(Ảnh: Miền công cộng)

Ngay từ đầu bài viết, Tư Mã Quang đã nói: "Nhà ta vốn nghèo khó, đời đời thanh bạch... mọi người đều lấy xa hoa làm vinh, chỉ riêng ta lấy giản dị làm đẹp." Ông than thở rằng triều đại hiện tại "phong tục càng xa xỉ", nhưng bản thân nên giữ mình trong sạch, không nên chạy theo xu hướng.

Tư Mã Quang liên tiếp đưa ra những tấm gương tiết kiệm của các quan lại như Lý Khang, Lỗ Tông Đạo và Trương Văn Tiết, để giáo dục con cái tránh xa xa hoa, cẩn thận chi tiêu. Ông nói: "Suốt đời chỉ cần mặc đủ ấm, ăn đủ no. Người đọc sách nên hướng tới chân lý, trau dồi đạo đức, không theo đuổi phù phiếm bên ngoài. Những năm gần đây, phong khí đặc biệt xa xỉ lãng phí, bại hoại, người quân tử lại có thể tiếp tay cho thứ phong khí tồi tệ này sao?

Chỉ có người có đạo đức cao thượng mới có thể có tầm nhìn xa trông rộng", "Xa xỉ thì ham muốn nhiều. Người quân tử ham muốn nhiều thì tham lam phú quý, làm điều sai trái nhanh chóng gặp họa; kẻ tiểu nhân ham muốn nhiều thì đòi hỏi bừa bãi, làm bại gia sản, mất mạng."

Dưới sự giáo dục của cha, Tư Mã Khang chuyên tâm đọc sách, tu dưỡng tính cách, và tự rèn luyện tính tiết kiệm, sau này trải qua các chức quan như Hiệu thư lang, Chứ tác lang, về phương diện làm người và học vấn đều giống cha mình. Thời đó, ở vùng Kinh Lạc có câu chuyện được truyền tụng: "Người có thể làm thầy của người khác, chính là cha con Tư Mã."

Lục Du dạy con "học quý thân hành đạo"

Lục Du, nhà thơ kiệt xuất thời Nam Tống, là người cương trực, luôn nghĩ đến dân chúng, đáng tiếc ông nhiều lần bị giáng chức vì không xu nịnh quyền quý. Có sáu con trai và một con gái, Lục Du rất coi trọng việc dạy con cái làm người. Ông khuyên các con rằng: "Chỉ mong sau này các con trưởng thành, bà con lối xóm khen các con là người có đạo đức. Cho dù làm một người dân bình thường, so với những người có chức quyền cao sang, cũng không có gì phải hổ thẹn."

Ông dạy con cái phải biết chữ nghĩa, hiểu lễ nghĩa, trong bài "Ngũ canh độc thư kỳ tử" (Đọc sách lúc canh năm dạy con) viết: Các con bây giờ đang ở thời điểm tốt để đọc sách, phải chăm chỉ học hành, đừng bỏ lỡ cơ hội tốt. Đọc sách quan trọng nhất là học để áp dụng, phải thực sự làm được "Lời hay ghi nhớ phải thực hành" (Tự di), "Học quý thân hành đạo" (Kỳ Nguyên Mẫn), "Từng chữ từng lời phải cố gắng thực hiện" (Ngủ nghe con đọc sách). Học tập những tấm gương cao đẹp của người xưa, không a dua quyền quý, chính trực không vụ lợi, luôn nghĩ đến việc báo đáp tổ quốc.

Ông còn nói với các con "Nếu con thực sự muốn học thơ, công phu nằm ngoài thơ" (Kỳ tử Duật), tức là làm văn trước tiên phải làm người. Phải chú trọng tu thân, thường xuyên kiểm điểm bản thân, có lỗi phải sửa; thấy người khác có hành vi tốt, phải chủ động học tập; không nên kết giao với những người phù phiếm.

"Đông dạ độc thư kỳ tử Duật" là bài thơ Lục Du viết trong đêm đông khi dạy con trai út Lục Tử Duật đọc sách, ông cầm tay dạy Lục Tử Duật viết chữ, dạy rằng học tập nhất định phải kiên trì, không ngừng nghỉ: "Người xưa học không tiếc sức, lúc trẻ cố gắng, về già mới thành công...". "Tống tử Long phó Cát Châu duyện" là bài thơ ông viết tặng con trai thứ hai Lục Tử Long khi nhận chức quan địa phương ở Cát Châu, trong thơ có câu: "Con làm quan ở Cát Châu, chỉ uống nước Cát Châu; một đồng cũng phải rõ ràng, ai dám vu khống tham lam!" chính là yêu cầu con làm quan thanh liêm.

Ông còn khuyên con trai rằng ở Cát Châu có một số bạn bè của ông, họ không chỉ có học vấn mà còn có phẩm chất tốt. Sau khi đến đó, con có thể đến thăm họ, nhưng đừng đòi hỏi gì ở họ, có thể cùng họ động viên nhau. Không coi trọng lợi lộc, liêm khiết giữ mình, trở thành người chính trực, thực sự mưu cầu hạnh phúc cho dân. Các con của Lục Du cũng không hổ danh cha dạy, từng người đều trở thành hiền sĩ nổi tiếng khắp nơi.

Trương Anh dạy con "làm người lập phẩm"

Trương Anh, một học giả thời nhà Thanh, tôn kính thần phật, thích làm việc thiện, làm quan thanh liêm, biết nói về những khó khăn của người dân và hạn hán ở bốn phương, được Hoàng đế Khang Hy tin tưởng sâu sắc. Gia huấn "Lời dạy Thông Huấn Trai Ngữ" của ông đề cập đến việc làm người phải lập phẩm, đọc kinh sách, tu thiện đức, thận trọng uy nghi, cẩn thận lời nói.

Trong gia đình, ông không bao giờ chủ trương nói lời gay gắt, mà sử dụng ngôn ngữ hàng ngày đơn giản, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Phương châm sống của ông là: lập phẩm, đọc sách, dưỡng thân, chọn bạn. Bốn điều chính yếu là: cấm vui chơi, thận trọng uy nghi; cẩn thận lời nói, ôn hòa kinh sách; tinh thông công việc, học chữ mẫu; thận trọng khi thức dậy, cẩn thận nóng lạnh; tiết kiệm chi tiêu, cảm ơn người khác; giảm bớt tiệc tùng, ít giao du.

Khi dạy con trai Trương Đình Ngọc cách cư xử với mọi người, ông nói: "Giao tiếp với mọi người, từng lời từng việc, đều phải có lợi cho người khác, mới là người thiện", "Có thể suy nghĩ cẩn thận từng lời nói, từng hành động đều nghĩ đến việc làm lợi cho người khác và kiêng kỵ làm hại người khác, thì mọi người sẽ nhìn mình như chim loan phượng, coi trọng như sâm linh, nhất định sẽ được trời đất phù hộ, quỷ thần khuất phục và hưởng nhiều phúc". Trương Đình Ngọc ghi nhớ lời dạy của cha, từ nhỏ đã đọc thuộc kinh sách, đối xử với người khác rộng lượng, khiêm tốn, sau này làm chức Đại học sĩ, Quân cơ đại thần.

Sau đó, con trai của Trương Đình Ngọc là Trương Nhược Ái tham gia kỳ thi điện và đỗ đầu bảng, Trương Đình Ngọc nghe tin, liền nói: "Thiên hạ có rất nhiều nhân tài, ba năm đại khảo ai cũng muốn đỗ đầu.

Thần được ân sủng hiện đang ở trong triều đình, mà con trai Trương Nhược Ái lại đỗ đầu bảng, tranh giành với các sĩ tử nghèo, trong lòng chưa yên. Nếu được Hoàng thượng ân sủng, xếp vào nhị giáp đã là vinh hạnh tột cùng". Ông cho rằng con trai còn trẻ, còn phải cố gắng học tập, rèn luyện, tích lũy phúc đức, như vậy mới vững chắc, đáng tin cậy, xin cho con trai được xếp vào nhị giáp, Ung Chính nghe theo, đổi Trương Nhược Ái thành nhị giáp nhất danh. (Trích "Trúc Diệp Đình Tạp Ký")

Trương Nhược Ái sau đó làm việc ở Nam Thư Phòng, Quân Cơ Xứ, tận tụy với công việc, khiêm tốn, có phong thái của cha mình. Mọi người đều khen ngợi gia phong nhà họ Trương thuần hậu, tấm lòng khiêm nhường công bằng sáng như trăng sao, ba đời ông cháu đều là những vị quan thanh liêm, phẩm hạnh đoan chính, được nhân dân yêu mến.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp