Đức và Litva xây dựng căn cứ quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Nga

Đức và Litva xây dựng căn cứ quân sự để đối phó với mối đe dọa từ Nga
Đức và Litva đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một căn cứ quân sự tại Litva trước năm 2027. Đây là lần đầu tiên Đức triển khai quân đội ra nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. (Ảnh: Trang web chính thức của Lực lượng Vũ trang Liên bang Đức)

Đức và Litva đã chính thức ký kết thỏa thuận, theo đó Đức sẽ thiết lập một căn cứ quân sự tại Litva để đối phó với mối đe dọa từ Nga. Đây là một quyết định lịch sử của hai nước kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Lễ động thổ xây dựng căn cứ quân sự biên giới đã được tổ chức tại Litva vào thứ Hai (ngày 19 tháng 6).

Theo báo chí Đức, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus và sự xuất hiện của lực lượng lính đánh thuê Wagner tại Belarus, Đức và Litva đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch triển khai quân đội dài hạn đã được thảo luận từ lâu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Litva đã chính thức ký kết thỏa thuận vào ngày 18 tháng 6. Đức sẽ xây dựng một căn cứ quân sự tại khu vực Rudninkai của Litva, dự kiến hoàn thành vào năm 2027 và có thể tiếp nhận quân đội Đức. Căn cứ này chỉ cách Belarus 20 km.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, tuyên bố rằng Litva giáp với Nga và đồng minh Belarus của Nga, "cánh phía đông hiện đã di chuyển về phía đông, và việc bảo vệ nó là trách nhiệm của Đức".

Đây là lần đầu tiên Đức triển khai quân đội thường trực ở nước ngoài kể từ Thế chiến II. Động thái này nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ của NATO ở khu vực giáp biên giới Nga, đối phó với các mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Ngoài việc đồn trú tại căn cứ này, khoảng 1.000 quân nhân và nhà thầu Đức sẽ được triển khai đến các khu vực khác của Litva.

Mặt khác, quân đội Đức cho rằng an ninh châu Âu từ lâu đã do Mỹ đảm bảo, nhưng Mỹ hiện đang dần chuyển trọng tâm sang khu vực Thái Bình Dương. Do đó, Đức nên đóng vai trò quan trọng hơn và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong nhiệm vụ bảo vệ châu Âu. Việc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Litva đánh dấu sự chuyển đổi chiến lược quốc phòng của Đức.

Theo báo cáo, căn cứ Rudninkai nằm gần thủ đô Vilnius của Litva. Sau khi hoàn thành, căn cứ này không chỉ có thể chứa tới 4.000 quân Đức mà còn được sử dụng để lưu trữ xe tăng và các thiết bị khác, đồng thời được sử dụng làm xưởng sửa chữa và trường bắn.

Litva đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP trong năm nay. Tại lễ khởi công, Thủ tướng Ingrida Simonyte cho biết: "Nếu Litva không an toàn, họ (Đức) cũng không an toàn." Điều này ngụ ý rằng an ninh của Litva là rất quan trọng đối với an ninh chung của Đức và NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raimundas Vaiksnoras cho biết chính phủ Litva sẽ chi 1 tỷ euro trong ba năm tới để xây dựng căn cứ này, đây cũng là một trong những dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử Litva. Vaiksnoras nhấn mạnh rằng đối với một quốc gia có 2,9 triệu dân và quy mô kinh tế chỉ bằng 1/10 Đức như Litva thì đây là một khoản đầu tư khổng lồ.

Tuy nhiên, Vaiksnoras cũng nhấn mạnh rằng sau khi quân đội Đức đóng quân tại căn cứ trong tương lai, "nó sẽ trấn an người dân của chúng ta và đóng vai trò răn đe, đẩy lùi người Nga."

Theo báo cáo, Đức năm ngoái đã cam kết triển khai quân đội tại các quốc gia thành viên NATO và EU giáp biên giới Nga, Litva là một trong số đó. Phía Đức so sánh quyết định này với việc triển khai quân Đồng minh ở Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn Liên Xô tấn công Tây Âu.

Trong dự thảo ngân sách vào tháng 6 năm nay, Đức có kế hoạch đặt hàng 105 xe tăng Leopard 2A8 với giá 2,93 tỷ euro, một số trong số đó sẽ được triển khai cho lữ đoàn chiến đấu của Đức tại Litva.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng mặc dù mới chỉ có khoảng 1/5 hợp đồng xây dựng căn cứ được ký kết, làm dấy lên lo ngại về việc liệu căn cứ có thể hoàn thành đúng tiến độ hay không. Chính phủ Đức cũng đang phải đối mặt với các tranh chấp ngân sách nội bộ, liệu điều này có ảnh hưởng đến hỗ trợ quân sự của họ đối với căn cứ Litva hay không? Bất kỳ kết luận nào cũng còn quá sớm.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt

Đọc tiếp