Đừng bao giờ tranh cãi với cha mẹ
Đừng bao giờ tranh cãi với cha mẹ, đừng đặt ham muốn tranh luận lên họ. Khi gặp mâu thuẫn về quan điểm, cách tốt nhất là có khả năng rút lui an toàn. Cha mẹ và bản thân là hai thế hệ khác nhau, không ai có thể thay đổi ai.
Thay vì tranh cãi, hãy học cách im lặng. Gia đình là bến đỗ, không phải chiến trường. Từ bỏ hy vọng thay đổi cha mẹ, gia đình sẽ hòa thuận hơn rất nhiều.
1. Tình yêu là cảm xúc, không phải quy tắc
Trong cuộc sống, thường có những tình huống như thế này. Chúng ta thường nói với cha mẹ rằng đừng ăn đồ ăn thừa qua đêm, hãy đổ đi, cha mẹ đồng ý rất tốt, nhưng lại quay đầu bỏ thức ăn thừa vào tủ lạnh, hôm sau lại hâm nóng để ăn.
Chúng ta thấy trái cây có một phần bị hỏng, liền nói với cha mẹ hãy vứt đi, cha mẹ cũng đồng ý rất tốt, nhưng lại quay đầu vào bếp lấy dao cắt bỏ phần hỏng, rửa sạch phần còn lại để ăn.
Mỗi khi như vậy, nhiều người sẽ rất bực mình, bắt đầu giảng giải khoa học và lý lẽ cho cha mẹ, nhưng nhận ra rằng dường như không có hiệu quả rõ ràng, lần sau gặp tình huống này, cha mẹ dường như vẫn sẽ làm như vậy.
Một người bạn của tôi thậm chí không nói nữa, mỗi lần mua trái cây và rau, anh ấy mua ít hơn để tránh lãng phí, nếu thấy bị hỏng, anh ấy sẽ tự xử lý, không còn tranh cãi với cha mẹ nữa.
Mỗi người đều là sản phẩm của thời đại và môi trường, cách hành xử, giá trị quan và thậm chí cả thói quen sống của họ đều được hình thành trong những năm tháng dài đằng đẵng.
Giữa cha mẹ và con cái, tồn tại một khoảng cách thế hệ tự nhiên.
Có người nói: "Đừng tranh cãi với những người quan trọng về những điều không quan trọng." Không cần thiết phải tranh luận đúng sai với người già, chỉ cần hiểu trong lòng mình nên làm như thế nào là được.
Khi chúng ta không còn cố chấp thay đổi cha mẹ, mà xuất phát từ góc độ của cha mẹ, đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ vấn đề, chúng ta sẽ cảm nhận được một sự ấm áp và kết nối chưa từng có, những điều được gọi là "không ổn" cũng sẽ trở thành cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và tình cảm lẫn nhau.
Có người từng nói, trong mối quan hệ gia đình, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, đừng quên một điều: tình yêu. Yêu thương có nghĩa là không bỏ qua sự độc lập và cá tính của các thành viên trong gia đình, tôn trọng quan niệm sống của họ. Gia đình, vì sự hiểu biết mà trở nên ấm áp hơn, tình yêu, trong sự bao dung mới càng thêm sâu sắc.
2. Hiếu là bao dung, không phải tranh cãi
Trong "Luận ngữ" có một câu chuyện như sau: Đệ tử của Khổng Tử, Tử Hạ, hỏi Khổng Tử thế nào là hiếu? Khổng Tử trả lời, khi hầu hạ cha mẹ, hãy luôn giữ nét mặt vui vẻ.
Kính yêu cha mẹ, làm theo ý muốn của họ, tấm lòng này không đòi hỏi gì cao xa, khó ở chỗ nụ cười luôn thường trực và sự tôn kính xuất phát từ đáy lòng.
Vấn đề lớn nhất trong gia đình là sự thay đổi dưới danh nghĩa tình yêu. Mỗi người đều là một cá thể độc lập, học cách tôn trọng, gia đình mới hòa thuận.
Bạn tôi, Tiểu Lý, là một kỹ sư huấn luyện AI, hàng ngày làm việc với mã code và thuật toán, còn cha anh là một công nhân xây dựng, đối với thế giới AI vừa xa lạ vừa tò mò.
Cha anh luôn lo lắng công việc của Tiểu Lý không ổn định, thường khuyên anh tìm một công việc "thực tế" hơn. Ban đầu, Tiểu Lý tranh luận với cha, muốn giải thích triển vọng của ngành này, nhưng dần dần, anh nhận ra đó không phải là cách giải quyết vấn đề.
Anh bắt đầu mời cha đến nơi làm việc để xem môi trường làm việc của mình, kiên nhẫn giải thích nội dung công việc, để ông dần cảm nhận được sức hấp dẫn của thế giới AI.
Mỗi khi cha anh lại lo lắng, Tiểu Lý không còn tranh cãi nữa, mà mỉm cười chia sẻ những tiến triển mới nhất trong công việc. Theo thời gian, cha anh dần dần chuyển từ nghi ngờ sang đồng tình và ủng hộ, mối quan hệ giữa hai thế hệ cũng trở nên thân thiết hơn nhờ sự thấu hiểu lẫn nhau.
Thế giới của cha mẹ, hãy để họ tự quyết định, điều chúng ta có thể làm là đối xử dịu dàng, thấu hiểu là trên hết. Cho cha mẹ một khoảng trời riêng, cũng là cho mình một khoảng lặng. Vùng an toàn của hai thế hệ mới có thể kết nối ăn ý. Cho phép cha mẹ có quan điểm khác mình là sự giáo dục lớn nhất, cũng là cách hiếu thảo cao nhất.
3. Gia đình là bến đỗ bình yên, không phải chiến trường
Trước đây, tôi từng nghe bạn tôi, Tiểu Trương, kể về một câu chuyện như thế này. Bố của anh ấy, ông Trương, nổi tiếng trong khu phố là "người thu gom vỏ bao thuốc lá và chai rượu". Đôi khi, khi đi dạo, ông nhìn thấy vỏ bao thuốc lá trên mặt đất cũng nhặt lên và đút vào túi áo mang về nhà.
Những thứ mà trong mắt người khác có thể chỉ là rác thải, lại trở thành bảo bối trong lòng ông Trương. Có lần Tiểu Trương về nhà, thấy khắp nhà đều để vỏ bao thuốc lá và chai rượu các loại, anh thường nửa đùa nửa thật nói:
"Bố ơi, nhà mình đâu phải trạm thu mua phế liệu, thu gom nhiều vỏ bao thuốc lá và chai rượu như vậy để làm gì, cũng chẳng bán được tiền? Sau này đừng thu gom nữa."
Ông Trương luôn cười và trả lời "Được", nhưng vài ngày sau, Tiểu Trương lại phát hiện vỏ bao thuốc lá và chai rượu trong nhà không những không giảm mà còn tăng thêm.
Hóa ra, khi còn trẻ, ông Trương đã có thói quen sưu tầm giấy gói kẹo. Bây giờ tuổi đã cao, nhìn thấy các loại vỏ bao thuốc lá và chai rượu hiện nay, ông thấy đẹp mắt nên muốn sưu tầm, coi đó như một kỷ niệm.
Tiểu Trương sau đó dần dần hiểu ra rằng những vỏ bao thuốc lá và chai rượu này không còn đơn giản là đồ vật, mà là nơi gửi gắm tình cảm của cha anh, là cầu nối tình cảm giữa quá khứ và hiện tại.
Từ đó, anh không còn đề nghị dọn dẹp những "bộ sưu tập" này nữa, mà bắt đầu giúp cha mình sắp xếp và bảo quản chúng, thỉnh thoảng còn tham gia vào hành trình hồi tưởng của cha.
Trên mạng từng có người hỏi: Gia đình hạnh phúc là như thế nào? Câu trả lời được nhiều lượt thích nhất là: Gia đình hạnh phúc không tranh cãi đúng sai. Điều này đúng với các cặp đôi yêu nhau, anh chị em ruột thịt, và đặc biệt là với cha mẹ.
Trong "Lễ Ký" có câu: "Người con hiếu thảo nuôi dưỡng cha mẹ, làm vui lòng họ, không trái ý họ."
Khi chúng ta thẳng thắn chỉ ra "sai lầm" của cha mẹ trước mặt họ, thậm chí nhất định phải tranh luận đúng sai với họ, ngay cả khi chúng ta "thắng", kết quả có thể là sự im lặng của cha mẹ.
Hơn là những lý lẽ lạnh lùng, điều cha mẹ thực sự khao khát trong lòng chỉ là thêm một chút thấu hiểu, thêm một khoảnh khắc ấm áp bên con cái. Gia đình là nơi để yêu thương, không phải là đấu trường để tranh cãi đúng sai.
Khi ở bên cha mẹ, hãy bớt gay gắt, thêm dịu dàng. Trên dòng sông thời gian, chỉ có tình yêu mới là con thuyền đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc.
Marquez từng nói: "Cha mẹ là tấm màn ngăn cách chúng ta với cái chết." Cha mẹ chúng ta tuy bình thường, nhưng khi yêu thương con cái, họ nhất định sẽ dốc hết sức lực. Trong cuộc sống, điều không thể chờ đợi nhất chính là hiếu thảo với cha mẹ.
Chúng ta hãy dùng tấm lòng biết ơn để hiểu sự bình dị của họ, bao dung những "sai lầm" của họ, lắng nghe tiếng lòng của họ. Hãy thường xuyên khẳng định và dành thời gian cho họ, đó chính là hạnh phúc và niềm vui lớn nhất của cha mẹ.
Không tranh cãi đúng sai, gia đình hòa thuận thì vạn sự mới hưng thịnh. Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ trở thành những bậc cha mẹ già yếu.
Theo Aboluowang
Minh Nguyệt