Dưỡng sinh theo lối Trà Đạo

Dưỡng sinh theo lối Trà Đạo
Dưỡng sinh theo lối Trà đạo. (Ảnh: Pixabay)

Không còn nghi ngờ gì nữa, sức khỏe là nền tảng của sự tồn tại và là gốc rễ của sự sống đối với mỗi người. Nếu mất đi sức khỏe, dù có đạt được nhiều của cải hay thành tựu to lớn đến đâu, cuộc sống con người cuối cùng cũng sẽ mất đi giá trị.

Lối sống và sức khỏe

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại đầy phức tạp và xô bồ, con người thường dễ bị cuốn vào vòng xoáy của dục vọng, cảm xúc, bốc đồng đánh đổi sức khỏe để theo đuổi danh vọng, địa vị, tiền tài, ẩm thực, sắc đẹp,... thậm chí còn thốt lên câu "Trước 40 tuổi dùng sức khỏe đổi lấy tiền tài, sau 40 tuổi dùng tiền tài đổi lấy sức khỏe". Nhìn bề ngoài, do chế độ dinh dưỡng được đảm bảo, hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ con người đã được kéo dài. Nhưng phần lớn người trung niên, cao tuổi, thậm chí cả thanh niên đều đang ở trạng thái sức khỏe kém hoặc mắc bệnh, rất ít người có sức khỏe toàn diện.

Nguyên nhân là do trong quá trình biến đổi lịch sử lâu dài, con người dần quên đi ý nghĩa thực sự của cơ thể, sức khỏe và sự sống. Mỗi người trên Trái đất này, trong vũ trụ này không phải là một cá thể đơn độc, mà là một phần của mạng lưới vô cùng phức tạp. Không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống, đất và ánh sáng mặt trời nuôi sống chúng ta, tất cả đều không phải do con người tạo ra, mà là ân huệ của vũ trụ. Ngày có mọc có lặn, trăng có tròn có khuyết, năm có xuân hạ thu đông, vũ trụ cũng có nhịp điệu và quy luật vận hành riêng của nó. Khi lối sống của con người phù hợp với quy luật của vũ trụ, cơ thể con người có thể duy trì sức khỏe, không bị suy yếu.

Trong giai đoạn đầu của mỗi nền văn minh, khi xã hội loài người còn chưa phát triển, con người chưa có nhiều kiến thức và tư tưởng, họ sẽ theo bản năng coi mình là một phần của tự nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên để sống. Mỗi nơi có đặc điểm địa lý và khí hậu riêng, cũng có những sản vật tương ứng, dần dần sẽ hình thành nên những thói quen ăn uống và sinh hoạt tương ứng của người dân địa phương. Những thói quen này thường đơn giản và mộc mạc, tâm lý và tư tưởng của con người cũng vậy. Vẻ đẹp giản dị này, đối với người hiện đại mà nói, rất khó để hiểu, cũng rất khó để có được lại.

Đặc biệt là sau cuộc cách mạng công nghiệp, con người nhờ vào các phương tiện công nghiệp hóa, đã rơi vào ảo tưởng rằng con người có thể cải tạo tự nhiên, thay đổi sự sống thông qua khoa học kỹ thuật. Để có nhiều nông sản hơn, đã xuất hiện thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, chuyển gen và các kỹ thuật hóa học hoặc sinh học khác, thực chất lại mang đến những mối nguy hại to lớn cho đất đai và sức khỏe.

Để có nhiều thịt hơn để ăn, ngành chăn nuôi cũng phổ biến sử dụng kháng sinh và hormone cùng các hóa chất khác, cũng gây hại cho sức khỏe con người. Để bảo quản thực phẩm lâu dài khỏi bị hư hỏng, để sản vật của các vùng miền khác nhau có thể lưu thông, đã xuất hiện tủ lạnh, chuỗi cung ứng lạnh, tuy mang lại sự thoải mái bề ngoài nhưng cũng khiến thể chất con người trở nên hàn lạnh.

Để ăn uống nhanh hơn, doanh số bán hàng lớn hơn, lợi nhuận nhiều hơn, cũng đã xuất hiện các loại thực phẩm đóng gói có thể bảo quản lâu dài, mang theo chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu và nhiều loại phụ gia thực phẩm khác. Đồng thời, nhịp sống nhanh, tiêu dùng cao, cạnh tranh cao và áp lực cao của cuộc sống hiện đại, cũng giống như hố đen đang nuốt chửng sức khỏe của con người.

Bệnh tật và sức khỏe

Dưới tác động kép hữu hình và vô hình, hiện tượng tương ứng mà sinh ra chính là tính phổ biến, đa dạng và phức tạp của bệnh tật hiện đại, cùng với sự trẻ hóa của các bệnh hiểm nghèo. Trong lịch sử, chưa bao giờ có nhiều trẻ em mắc các bệnh nan y như ung thư đến vậy.

Cho dù phương pháp chẩn đoán và điều trị của y học hiện đại đã phát triển đến mức trưởng thành, nhưng đối mặt với những hiện tượng này cũng chỉ có thể bó tay. Bởi vì y học hiện đại cũng là một phần của khoa học công nghệ hiện đại, là sản phẩm của việc con người quên mất mình là một phần của vũ trụ. Mọi người lầm tưởng rằng bệnh tật chỉ là triệu chứng trên bề mặt cơ thể, chiến lược điều trị chủ yếu cũng là sử dụng các loại thuốc phân tử nhỏ Tây y để ức chế triệu chứng. Ngay cả khi các triệu chứng biến mất, trên thực tế, việc cải thiện tình trạng sức khỏe thực sự của con người không có hiệu quả, thậm chí còn gây hại nhiều hơn cho sức khỏe tổng thể của con người, bởi vì thuốc đều có tác dụng phụ.

Tóm lại, quá trình này có thể hiểu như sau: Vì lối sống công nghiệp hóa hiện đại của con người ngày càng xa rời quy luật của vũ trụ, nên dù tuổi thọ tăng lên nhưng sức khỏe tổng thể lại ngày càng giảm sút, cuối cùng biểu hiện ra các trạng thái bệnh tật phức tạp trên bề mặt cơ thể. Con người lại sử dụng đủ loại thuốc độc hại để ức chế triệu chứng bệnh, khiến sức khỏe tổng thể tiếp tục đi xuống. Công nghệ càng phát triển, phương tiện y tế hiện đại càng tiên tiến, thì các bệnh nan y lại càng nhiều.

Vậy làm thế nào để xoay chuyển tình thế khó khăn này? Trong văn hóa truyền thống phương Đông và phương Tây đều có câu tục ngữ: "Vật cực tất phản". Đến lúc tình trạng tồi tệ nhất, cũng chính là lúc cần suy nghĩ lại từ đầu. Nếu bệnh tật là phản ứng tự nhiên sau khi mất đi sức khỏe tổng thể, thì con người không nên chỉ ức chế triệu chứng bệnh, mà nên ngược lại, coi bệnh tật như lời nhắc nhở về trạng thái sức khỏe của cơ thể, từ đó nhận thức được quan niệm, cảm xúc và lối sống của bản thân, xem xét xem ở đâu đã đánh mất sự hài hòa với vũ trụ và sửa chữa nó. Như vậy, bệnh tật cũng có ý nghĩa tích cực, có thể giúp con người quay trở lại con đường sức khỏe. Kỳ thực, đây cũng là quay về truyền thống, tìm lại mái nhà thực sự của sự sống, để tình yêu và hạnh phúc trở lại bên con người.

Uống trà là một phương thức sống lành mạnh

Trà, ban đầu là một loại thực vật đặc hữu của miền Nam Trung Quốc. Cách đây 5000 năm, vào thời kỳ sơ khai của nền văn minh Trung Hoa, nó đã bắt đầu đồng hành cùng cuộc sống của người Trung Quốc. Bất kể triều đại thay đổi, truyền thống uống trà chưa bao giờ bị gián đoạn. Và cùng với sự phát triển của văn minh, trà dần dần bước ra toàn cầu, được người dân khắp nơi trên thế giới yêu thích rộng rãi, trở thành thức uống phổ biến thứ hai chỉ sau nước. Tại sao trà lại có sức hấp dẫn lớn đến vậy?

Theo câu nói cổ của Trung Quốc, "trà thô cơm nhạt", đây chính là phương thức sống giản dị và lành mạnh nhất mà người xưa đúc kết được. Người ta ví "người là sắt, cơm là thép", sống là phải ăn cơm; ăn cơm là phải uống trà. Cơm không nên có mùi vị quá nồng, trà cũng không nên quá cầu kỳ. Nếu có thể kiên trì ăn uống như vậy, có thể duy trì sức khỏe và sống lâu. Đối với quan niệm của đại đa số người hiện đại, điều này quả thật khó tin. Thậm chí họ còn nghi ngờ, phải chăng vì vật chất khan hiếm nên người xưa mới phải nói như vậy?

Như đã đề cập ở trên, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, phụ gia thực phẩm,... là những yếu tố quan trọng của sản xuất công nghiệp hóa, hãy thử nghĩ xem, động lực đằng sau những điều này chẳng phải là đến từ ham muốn mãnh liệt của con người đối với sắc, hương, vị, đối với cuộc sống đầy đủ tiện nghi hay sao? Nếu tâm hướng của con người quay trở lại với lối sống giản dị, mộc mạc, thì những yếu tố không tốt này tự nhiên sẽ không còn chỗ đứng.

Vậy tại sao ăn cơm phải uống trà, thậm chí "trà thô" còn được đặt trước "cơm nhạt"? Trung Quốc còn có một câu tục ngữ khác là: "Người ăn ngũ cốc tạp lương, nào có ai không ốm đau". Chúng ta biết rằng, Phật giáo đến từ Ấn Độ, còn tôn giáo bản địa của Trung Quốc là Đạo giáo. "Đạo", có thể hiểu là quy luật vận hành của vũ trụ. Đạo gia cho rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, vì vậy trọng tâm tu hành của Đạo gia là tu thân, nhận thức về cơ thể con người, mối quan hệ giữa cơ thể con người với vũ trụ là vô cùng sâu sắc. Nhiều thành quả nghiên cứu của Trung y cổ truyền, thực chất cũng bắt nguồn từ phương pháp tu hành của Đạo gia.

Âm dương ngũ hành là quan niệm cơ bản nhất về vũ trụ của Đạo gia, âm dương có nghĩa là vạn vật trên thế gian này đều có hai mặt âm dương, tốt và xấu nương tựa vào nhau. Ngũ hành có nghĩa là vạn vật đều được cấu tạo từ năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, ngũ cốc bao gồm lúa, mạch, kê, đậu, cao lương, cũng là một dạng ứng với ngũ hành. "Người ăn ngũ cốc tạp lương, nào có ai không ốm đau" có nghĩa là, thức ăn mà con người ăn vào rất khó đạt được sự cân bằng âm dương ngũ hành, do đó sức khỏe sớm muộn cũng sẽ mất cân bằng, dẫn đến bệnh tật.

May mắn thay, cái gọi là ẩm thực, ngoài "thực" còn có "ẩm", đây cũng là một hình thức hòa hợp âm dương. Chữ Hán của Trung Quốc bắt nguồn từ chữ tượng hình, hình dạng chữ thường liên quan đến ý nghĩa của chữ. Từ cách viết của chữ "ẩm" (飲) trong tiếng Trung có thể thấy, nó được ghép từ bộ "thực" (食) và bộ "khiếm" (欠), có nghĩa là "ẩm" có thể bổ sung cho những thiếu hụt của "thực". Một hình thức sử dụng chủ yếu của Trung dược, cũng là sắc thuốc thành dạng nước để uống. Nhưng, "thuốc ba phần độc", thuốc không thể uống hàng ngày.

Vậy để cân bằng tính thiên lệch trong thức ăn hàng ngày, xuất phát từ mục đích dưỡng sinh, thức uống cần uống mỗi ngày, đứng đầu chính là trà. Bởi vì trà có đủ âm dương ngũ hành, không có tính thiên lệch hay độc tính. Lấy một ví dụ, nếu chúng ta coi cơ thể như một bộ quần áo, ăn cơm hàng ngày chính là dùng các loại chất dinh dưỡng để bảo dưỡng bộ quần áo này; nhưng những chất này âm dương ngũ hành không cân bằng, cơ thể con người sẽ sinh bệnh, giống như quần áo mặc vào sẽ bị bẩn; uống trà, chính là dùng nước trà để cân bằng âm dương ngũ hành, thanh lọc cơ thể, giống như quần áo bẩn phải dùng nước sạch để giặt.

"Trà thô cơm nhạt", nghe có vẻ bình thường, nhưng thực chất lại hàm chứa đạo lý phi thường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những người có thói quen uống trà dễ khỏe mạnh và sống lâu hơn trên nhiều phương diện, chẳng hạn như có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện kiểm soát đường huyết; giảm áp lực oxy hóa tế bào, ức chế viêm nhiễm; giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư; thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi, có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe đường ruột; giảm căng thẳng và lo lắng, nâng cao sự ổn định cảm xúc; tăng cường trí nhớ và khả năng nhận thức; giảm hội chứng chuyển hóa, thúc đẩy đốt cháy mỡ thừa và giảm cân,...

Theo Secretchina
Minh Nguyệt