F-22 đến Trung Đông, Israel sẽ tấn công phủ đầu?

F-22 đến Trung Đông, Israel sẽ tấn công phủ đầu?
Một chiếc F-22 Raptor, thuộc Phi đội thử nghiệm bay 411, Căn cứ Không quân Edwards, California, đang nhận nhiên liệu từ máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135 Stratotanker, thuộc Phi đoàn tiếp nhiên liệu trên không số 151, Lực lượng Phòng không Quốc gia Utah, ngày 21 tháng 2 năm 2012. (Ảnh: picryl)

Trong xã hội ngày nay, vũ khí và quân đội không chỉ đơn thuần là công cụ giết chóc, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Sức mạnh quân sự thường được sử dụng để răn đe, duy trì hòa bình thế giới và an ninh của nhân loại. Mặc dù chiến tranh đã trở nên kín đáo hơn, nhưng nó chưa bao giờ chấm dứt.

Vài ngày đã trôi qua kể từ thời điểm Iran và phe Trục kháng chiến đưa ra lời đe dọa sẽ tấn công trả đũa Israel chưa từng có trong vòng vài ngày tới. Tuy nhiên, đến nay, dường như vẫn chưa có động thái trả đũa nào từ phía Iran. Việc Iran chưa có hành động có thể coi là một quyết định sáng suốt. Nếu chưa quá muộn, Iran dường như nên phát đi thêm những tín hiệu về việc giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao, nhằm giảm bớt những phản ứng mạnh mẽ có thể xảy ra từ Israel và phương Tây.

Một phi đội đầy đủ máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Không quân Hoa Kỳ đang được triển khai tới Trung Đông để ngăn chặn Iran. Đây là lần triển khai khẩn cấp lớn nhất của loại máy bay chiến đấu hàng đầu của Mỹ, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình Iran theo quan điểm của phương Tây.

Sự tích tụ quân sự của Hoa Kỳ diễn ra khi Iran thề sẽ trả thù cho cái chết của nhà lãnh đạo chính trị Hamas, Haniyeh, ở Tehran tuần trước và một cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết một quan chức cấp cao của Hezbollah ở Lebanon.

Khi Hoa Kỳ chuẩn bị đối phó với các hành động trả đũa rộng lớn hơn và đa chiều sắp tới từ Iran và phe Trục Kháng chiến, Lầu Năm Góc đang tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Cuối tuần vừa qua, Mỹ không chỉ tăng cường một phi đội chiến đấu cơ F-22 tại khu vực mà còn ra lệnh thay thế tàu sân bay Theodore Roosevelt hiện đang triển khai trong khu vực trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung ương bằng nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln.

Đồng thời, cung cấp thêm nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền cho khu vực Bộ Tư lệnh Châu Âu và Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ.

Nếu Iran một lần nữa cố gắng tấn công bằng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái, F-22 không chỉ có thể dẫn dắt quân đội Hoa Kỳ tạo ra lá chắn phòng thủ ở khu vực này mà còn có thể thực hiện các đòn tấn công trực tiếp vào các mục tiêu chiến lược của Iran.

F-22 là máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới, không có đối thủ nào sánh kịp. Nó thường bay ở độ cao trên 50.000 feet và có thể duy trì tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng động cơ đốt sau. Radar khổng lồ của nó có thể phát hiện, theo dõi và tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào, ngay cả những mục tiêu có tín hiệu nhỏ nhất. Bản thân F-22 lại rất khó bị phát hiện trên radar, đối với hệ thống phòng không của Iran, nó trông còn nhỏ hơn một con ong bắp cày. F-22 cũng có thể mang theo cả vũ khí không đối không và không đối đất. Các cảm biến tầm xa của nó được sử dụng để thu thập thông tin về hoạt động của đối phương và tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn.

Hoa Kỳ đã từng triển khai F-22 tới Trung Đông vào năm 2014 và 2018, thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất ở Syria và tuần tra trong cuộc chiến chống ISIS.

Không quân Hoa Kỳ chỉ có tổng cộng 183 chiếc F-22, trong đó chưa đến 100 chiếc đang hoạt động. Chúng chủ yếu được triển khai ở Alaska và Hawaii để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga, cũng như bảo vệ an ninh khu vực Thái Bình Dương. Ngoài ra, căn cứ chính của F-22 là Căn cứ Không quân Langley ở Virginia. Tháng 2 năm ngoái, một chiếc Raptor đã bắn hạ một khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc, đã cất cánh từ đây.

F-22 mạnh đến mức chỉ cần một số lượng nhỏ máy bay là đủ để hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Đông trong một thời gian dài. Hiện nay, việc triển khai một phi đội F-22 hoàn chỉnh gần như chưa từng có về quy mô. Điều này cho thấy thái độ của Hoa Kỳ, rằng Hoa Kỳ cần sẵn sàng đảm bảo rằng bất kỳ sự trả đũa nào đối với Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, bao gồm cả Houthis hoặc các tổ chức khác, phải là không thể sai lầm.

Việc triển khai quy mô lớn F-22 chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các đối thủ của Hoa Kỳ ở các khu vực khác, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Nó nhắc nhở các đối thủ chính của Hoa Kỳ rằng sức mạnh trên không mà Không quân Hoa Kỳ nắm giữ vẫn có thể thống trị tình hình khu vực và có thể được triển khai đến nơi cần thiết trong vòng vài giờ, bao gồm cả Thái Bình Dương và thậm chí cả khu vực gần eo biển Đài Loan. Thể hiện khả năng chiến đấu của F-22 ở Trung Đông sẽ giúp xác nhận khả năng răn đe của Không quân Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột tiềm tàng ở Thái Bình Dương trong tương lai.

Các động thái quân sự khác nhau mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang thực hiện cũng là một hành động phòng thủ sau cuộc họp giữa Iran với Hamas, Hezbollah, Phong trào Jihad Hồi giáo và Houthis ở Yemen. Mục đích là tăng cường sự hiện diện quân sự để ngăn chặn leo thang tình hình trong khu vực. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết vào ngày 4 tháng 8 rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho mọi khả năng, vừa ứng phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra vào Israel, vừa tránh một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông vốn đã bất ổn.

Nếu việc triển khai quy mô lớn F-22 là để ngăn chặn sự trả đũa của Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực đối với Israel, thì suy nghĩ của quân đội Israel có thể còn nguy hiểm hơn.

Dường như không thể ngăn chặn Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của nước này tiến hành một cuộc tấn công vào Israel bất cứ lúc nào. Đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn có thể gây thương vong lớn, Israel đang xem xét tấn công phủ đầu nhằm vào Iran và Hezbollah.

Ngày 5 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã đến thăm Trung tâm Chỉ huy Không quân Israel và tiến hành đánh giá tình hình cùng với Tư lệnh Không quân Israel Tomer Bar và các quan chức cấp cao khác. Quân đội Israel tin rằng, khi khả năng leo thang căng thẳng ở phía bắc đã tăng lên, Israel nên chủ động và thực hiện các hành động phủ đầu.

Khi sự chuẩn bị của Israel cho các cuộc tấn công chống lại Hezbollah và Iran ngày càng gia tăng, và không có sự chắc chắn về thời điểm các cuộc tấn công sẽ diễn ra, các quan chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đề xuất một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Iran và Hezbollah, thay vì chờ đợi đối thủ hành động trước rồi mới đáp trả.

Ông Gallant nói với các sĩ quan không quân: "Do khả năng mà các bạn đã thể hiện trong năm qua, kẻ thù của chúng ta đang cân nhắc kỹ lưỡng các bước đi của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải sẵn sàng cho mọi khả năng, bao gồm cả việc chuyển đổi nhanh chóng sang tấn công."

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/8 cho biết nếu Israel tìm thấy bằng chứng thuyết phục cho thấy Tehran đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công, Israel sẽ xem xét tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.

Israel cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ chưa từng có đối với các cuộc tấn công lớn, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Có thông tin cho rằng Israel sẽ có hành động nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Dựa trên các phân tích trước đây, trong bất kỳ kế hoạch tấn công tiềm tàng nào nhằm vào Iran, việc xem xét các mục tiêu chiến lược của Iran là hợp lý. Ngay cả khi kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran chỉ là một khái niệm trên giấy, nó cũng đủ để tạo ra sự răn đe. Tuy nhiên, thực tế là Iran có kế hoạch tấn công Israel bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể được hiểu là Iran có khả năng sử dụng vũ khí tương tự như vũ khí hạt nhân, điều này sẽ cung cấp cho Israel cái cớ để truy lùng và phá hủy chương trình hạt nhân của Iran.

Vụ sát hại thủ lĩnh Hamas Haniyeh ở thủ đô Tehran của Iran được coi là thất bại lớn của các cơ quan tình báo, an ninh Iran và là đòn giáng nặng nề vào danh tiếng của Tehran. Iran cần tìm sự cân bằng giữa việc giữ thể diện và tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.

Israel đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tehran trong cuộc tấn công trả đũa vào tháng 4 năm nay. Vài ngày sau khi Iran tiến hành hơn 300 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, hệ thống radar tiên tiến đắt tiền của Iran ở Isfahan đã bị phá hủy, cho thấy khả năng phòng thủ của Iran không thể so sánh với sức mạnh quân sự của Israel. Hành động này đủ để Tehran hiểu rõ vị thế của mình trong cuộc đối đầu với Israel. Quân đội Israel tin rằng cách Israel phản ứng hoàn toàn phụ thuộc vào cách Tehran thực hiện các cuộc tấn công và bản chất của các cuộc tấn công đó.

Iran đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa trong vòng vài giờ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Điều này cho thấy rằng mặt trận thống nhất giữa Tehran và phe Trục kháng chiến chống lại Israel đã thất bại. Mặc dù Iran đã đưa ra những tuyên bố cực đoan, nhưng họ đã không đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào.

Iran và các đồng minh của họ đang lên kế hoạch quấy rối Israel, nhưng điều này hoàn toàn khác với việc đối đầu trực tiếp với quân đội Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến khác nhau, trong khi Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ chỉ có kinh nghiệm chiến đấu du kích trong các cuộc xung đột không chính quy. Đồng thời, Iran đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và ngoại giao nghiêm trọng. Hơn nữa, Iran đã bị cộng đồng quốc tế cô lập do các cuộc xung đột trước đó và thậm chí không thể nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các quốc gia như Nga và Trung Quốc.

Nếu chiến tranh nổ ra, Iran sẽ thua kém Israel về phương tiện tấn công chính xác tầm xa; về khả năng phòng thủ tên lửa, Iran sẽ còn bị tụt hậu xa hơn. Vì vậy, về cơ bản không có lối thoát để Iran đoàn kết với các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực để đối đầu trực diện với Israel.

Theo Epochtimes
Minh Nguyệt