Giải mã mối xung đột trăm năm giữa Israel Do Thái và Palestine Ả Rập

Giải mã mối xung đột trăm năm giữa Israel Do Thái và Palestine Ả Rập
(Ảnh: Tri Thức Mới)

Đây là câu chuyện được thời sự nói đến rất nhiều nhưng bên trong nó còn tồn tại nhiều uẩn khúc mà không phải ai cũng có điều kiện để tìm hiểu cặn kẽ.

Vào thời Trung cổ ở thành Verona nước Ý có hai dòng họ lớn là nhà Montague (Môn-ta-giu) và nhà Capulet (Ca-piu-let), họ có mối thù không đội trời chung suốt nhiều thế hệ. Người của hai dòng họ này hễ gặp nhau là thể nào cũng sinh sự đánh nhau, thậm chí đến mất mạng. Bởi vậy câu chuyện tình éo le giữa chàng trai Romeo nhà Montague và cô gái Juliet nhà Capulet đã kết thúc trong bi kịch. Và chỉ sau cái chết thương tâm của đôi trẻ, cả hai họ mới tỉnh ngộ, và bắt tay làm hòa. Đó là nội dung sơ lược của vở kịch nổi tiếng “Romeo & Juliet” của đại văn hào Anh William Shakespeare mà chúng ta ít nhiều đã được biết.

Ngày nay, không có Montague và Capulet nước Ý, nhưng ở xứ Trung Đông có hai quần thể người Israel Do Thái và Palestine Arab cũng có mối thù không đội trời chung kéo dài suốt 1 thế kỷ, với những diễn biến còn khốc liệt hơn nhiều lần cuộc xung đột Montague - Capulet. Đây là câu chuyện được thời sự nói đến rất nhiều nhưng bên trong nó còn tồn tại nhiều uẩn khúc mà không phải ai cũng có điều kiện để tìm hiểu cặn kẽ. Bởi vậy, trong loạt chương trình này, chúng tôi sẽ lật lại những trang sử cũ để cung cấp cho quý khán thính giả cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc xung đột lâu dài của người Israel Do Thái và Palestine Arab ở Trung Đông, với đầy đủ tính chất ly kỳ vốn có trong khi cố gắng giữ được tối đa sự khách quan lịch sử.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về khái niệm Palestine.

Nguồn gốc của cái tên Palestine

Cái tên Palestine bắt nguồn từ đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải trở ngược hơn 3000 năm lịch sử đến phía nam xứ Canaan tức là phía nam Israel ngày nay. Lúc đó là vào khoảng thế kỷ 12 TCN khi người Philistine, một dân tộc cổ xưa vốn hoạt động chủ yếu trên biển ở vùng biển Aegean đã tiến nhập vào nội địa. Cũng vào thời gian này, người Do Thái được Moses giải thoát khỏi ách nô lệ ở đất Ai Cập và trở về Canaan - vùng đất hứa. Giữa hai dân tộc Philistine và Do Thái đã xảy ra nhiều xung đột và các cuộc chiến trong gần 200 năm. Trong lịch sử xung đột dai dẳng Do Thái - Philistine, những điển tích nổi tiếng nhất được ghi lại trong Kinh Thánh Cựu Ước là cuộc chiến của dũng sĩ Samson với quân đội Philistine; hay sự kiện chàng chăn cừu David đánh bại tên khổng lồ Goliath. Những câu chuyện này rất có sức ảnh hưởng đến người Do Thái và văn hóa phương Tây, đến độ nói đến sức mạnh là phải nhắc đến Samson, hay nói đến lòng dũng cảm và Chúa phù hộ là phải nhắc đến David. Thiết tưởng cũng nên kể vắn tắt đôi lời.

Samson sinh ra giữa thời kỳ xung đột Philistine - Do Thái trong một gia đình hiếm muộn. Sở dĩ ông được sinh ra vì Thiên Chúa đã báo với cha mẹ ông rằng, ông sẽ giải cứu người Do Thái khỏi tay người Philistine. Samson lớn lên, trở thành một dũng sĩ với sức mạnh tuyệt luân, đã nhiều lần đơn đả độc đấu mà đánh bại những đạo quân người Philistine. Thậm chí có lần ông giết chết 1000 lính Philistine chỉ với một xương hàm lừa.

Nhưng Samson lại có tật ham mê những phụ nữ Philistine, trong đó Delilah (Đa-li-la) là người ông mê nhất. Để nhận được món tiền thưởng lớn của người Philistine, sau mỗi lần ân ái, Delilah dụ dỗ lừa gạt Samson để anh nói ra bí mật về sức mạnh của mình và Samson cũng nhiều lần trêu chọc cô ta bằng các câu chuyện do anh bịa ra. Vậy nên, người Philistine chưa từng bắt giữ được Samson. Nhưng khôn ba năm dại một giờ, cuối cùng Samson không chịu nổi vì nghe Delilah nằn nì, đã tiết lộ sự thật rằng anh sẽ bị mất đi sức mạnh khi cắt ngắn bộ tóc chưa một lần biết mùi dao kéo. Và thế là trong lúc ngủ say, Samson bị cắt tóc và chịu sự khống chế của người Philistine, bị họ làm nhục, bị bắt lao động khổ sai. Nhưng đến một ngày, tóc Samson cũng đã mọc dài trở lại, đúng lúc anh bị đưa ra để hành hình. Trong đền thờ của người Philistine, anh khẩn cầu Thiên Chúa tha tội và ban lại cho mình sức mạnh để cuối cùng đẩy đổ hai chiếc cột chống vĩ đại khiến ngôi đền sập xuống, vùi thân Samson chết cùng với rất nhiều người Philistine và thủ lĩnh của họ. 

Một thời gian sau, người Philistine lại mạnh lên, và họ tiếp tục bắt nạt người Do Thái. Trong một cuộc chiến, quân đội hai bên đề nghị giải quyết cuộc đấu bằng cách mỗi bên cử người giỏi nhất của mình ra để đấu với nhau, người nào chiến thắng thì quân đội do anh ta đại diện cũng chiến thắng.

Người Philistine cử ra dũng sĩ Goliath - một người khổng lồ mà dân Do Thái hết sức e sợ, đến mức không ai dám đấu tay đôi. Cuối cùng, bên phía Do Thái, một cậu bé chăn cừu tên là David khẩn khoản xin được giao đấu, nói rằng cậu đã từng đánh bại sói và sư tử. Người Do Thái đành chấp nhận lựa chọn duy nhất này.

David nhỏ bé không cần giáp trụ hay cung kiếm, và bất chấp sự giễu cợt của đôi bên, anh dùng dây ném đá quăng mạnh một hòn đá vào Goliath đang giận dữ lao đến. Hòn đá đập mạnh vào trán Goliath khiến hắn ngã ra bất tỉnh. David xông đến cắt đứt đầu tên khổng lồ. Quân Philistine chạy tán loạn. David về sau trở thành một vị vua vĩ đại và con trai ông - Salomon đã xây dựng một quốc gia Do Thái đạt đến đỉnh cao văn minh và thịnh vượng trong thời cổ.

Người Philistine đã tồn tại song song trong những cuộc xung đột như vậy với người Do Thái ở khu vực Levant này, tức là khu vực Tây Á bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine hiện nay. 

Vào năm 722 TCN, Philistine cùng với quốc gia Do Thái đều bị Đế quốc Assyria xâm chiếm và sáp nhập vào Assyria. Hoàng đế Sargon II, trong kỷ yếu của mình đã gọi vùng này là Palashtu hay Pilistu. Năm 604 TCN, sau khi lật đổ Đế quốc Assyria, Vua Nebuchadnezzar của Babylon đã tiến hành chiến tranh chống lại Levant. Một phần của chiến dịch này bao gồm một cuộc tấn công vào Philistine và tàn phá quốc gia ấy. Một số thành phố quan trọng nhất của họ đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong những thập niên tiếp theo, người Philistine vẫn tiếp tục hoạt động như một quốc gia.

Tuy nhiên, đến thế kỷ 5 TCN, có vẻ như mọi dấu vết lịch sử và khảo cổ học của họ đã biến mất. Họ có thể đã tồn tại như một nhóm trong một thời gian sau đó, nhưng các cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế vào thế kỷ 4 TCN hẳn đã xóa bỏ mọi dấu vết còn sót lại của quốc gia Philistine.

Quốc gia và dân tộc Philistine đã mất đi, nhưng họ còn để lại cái tên của mình: “Philistine”, và cái tên ấy dưới phiên âm của người Hy Lạp thì biến thành “Palestine”. Tuy nhiên, khi dùng thuật ngữ “Palestine”, người Hy Lạp chỉ muốn đề cập đến lãnh thổ mà người Philistine từng cư ngụ, chứ không phải quốc gia và dân tộc Philistine đã bị tiêu diệt. 

Cuối cùng, sau cuộc chiến tranh Do Thái - La Mã vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai sau Công nguyên, người La Mã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Syria Palaestina” cho toàn bộ khu vực trước đây thuộc Judea và Samaria - là nơi người Do Thái và người Philistine cư ngụ. Đại bộ phận người Do Thái cũng bắt đầu lưu lạc muôn phương vào thời kỳ này, tính đến năm 1948 khi họ thành lập quốc gia Israel là xấp xỉ 2000 năm lưu lạc. Nhưng trên vùng đất Palaestina cổ vẫn luôn có một bộ phận nhỏ của người Do Thái cư ngụ cho đến thời cận hiện đại.

Thuật ngữ “Palaestina” dần phát triển thành “Palestine” của thời hiện đại. Và dần dần những người sống ở vùng đất Palestine đó bắt đầu xác định mình là người Palestine.

Không có dân tộc Palestine vong quốc, chỉ có xung đột Do Thái - Arab

Như vậy thì Palestine suốt từ thời cổ đến cận hiện đại là tên một vùng đất, chứ không có dân tộc hay quốc gia Palestine nào cả. “Palaestina” chỉ được nhắc tới như một thành phố tự trị hoặc tiểu bang (city-state) của một cộng đồng bao gồm nhiều dân tộc mà trong suốt dòng lịch sử từ thời cổ đại đến cận hiện đại chưa từng có chính quyền hay vương quyền riêng của mình theo đúng nghĩa; cộng đồng này không có chủ quyền và luôn bị đặt dưới sự cai trị của các Đế quốc và cường quốc lân bang như Assyria, Babylon, Israel, Rô-ma, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… 

Nói đến Palestine ta nên hiểu chính xác nó là tên một vùng đất gồm nhiều chủng dân mà đã bị thay thế gần như hoàn toàn bởi quốc gia Israel vào năm 1948. Nói “gần như hoàn toàn” vì lãnh thổ của Palestine trước kia thực tế là rộng hơn Israel bây giờ. 

Vậy cư dân của vùng đất Palestine trước đây bao gồm những dân tộc nào? Họ bao gồm một ít người Do Thái vẫn liên tục sống ở đây từ thời cổ, một ít người Samari từ đế chế Assyria cổ đại, và cũng có thể còn lại một thiểu số hậu duệ của người Philistine cổ chưa bị diệt hết v.v. nhưng đa phần họ là người Arab theo Hồi Giáo, và sau đó là người Arab theo Thiên Chúa giáo.

Vậy thì nói đến “người Palestine” chúng ta không nên nhầm lẫn rằng đã có một dân tộc Palestine đặc chủng sống trong một quốc gia Palestine có chủ quyền từng ở khu vực mà hiện nay được thay thế bằng nhà nước Israel. Palestine chính xác là tên một vùng đất nhiều sắc tộc đã qua tay nhiều chủ. Cách gọi “người Palestine” của truyền thông hiện đại có thể gây mơ hồ rằng đây là một dân tộc bị vong quốc bởi người Do Thái hiện đại, mà thực ra không phải thế. Còn nhà nước Palestine hiện đại được lập ra sau hiệp định Oslo năm 1993 không đồng nhất với vùng Palestine trước kia và sẽ còn được phân tích sâu hơn trong kỳ sau của loạt chương trình này.

Ông Zuheir Mohsen - lãnh đạo phe Ba'athist As-Sa'iqa của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) từ năm 1971 đến năm 1979, chính là một người trong cuộc thuộc phe đấu tranh cho Palestine. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/1977 với tờ báo Hà Lan Trouw, chính ông Mohsen đã đưa ra tuyên bố sau:

"Dân tộc Palestine không tồn tại… không có sự khác biệt giữa người Jordan, người Palestine, người Syria và người Liban. Chúng ta đều là một phần của một dân tộc, quốc gia Ả Rập [...] Chỉ vì lý do chính trị, chúng ta cẩn thận bảo vệ bản sắc Palestine của mình. Bởi vì lợi ích quốc gia của người Ả Rập là ủng hộ sự tồn tại của người Palestine để cân bằng với chủ nghĩa phục quốc Do Thái . Đúng vậy, sự tồn tại của một bản sắc Palestine riêng biệt chỉ tồn tại vì lý do chiến thuật [...] Khi chúng ta đã giành được tất cả các quyền của mình trên toàn bộ Palestine, chúng ta không được trì hoãn việc thống nhất Jordan và Palestine trong một khoảnh khắc nào".

Timothy Benton - nhà văn, nhà báo chuyên về Trung Đông vào ngày 14/2/2019 đã viết: 

"Việc thành lập PLO, hiện được gọi là Fatah không liên quan gì đến mong muốn thành lập nhà nước, trong suốt bản hiến chương, tổ chức này liên tục nêu rõ mục tiêu duy nhất của mình là phá hủy Israel, không gì hơn, đó là lý do bắt đầu ‘Câu chuyện Palestine’, họ cần một câu chuyện đằng sau nhu cầu của mình."

Như vậy thì cách gọi “người Palestine” hoặc dân tộc Palestine là dễ gây nhầm lẫn, mà ẩn đằng sau nó về bản chất là câu chuyện xung đột của cộng đồng Arab và người Do Thái ở vùng Trung Đông. Chính xác hơn thì có thể gọi là người Arab Palestine để phân biệt với người Do Thái Palestine, người Samari Palestine v.v. và các nhóm dân tộc thiểu số khác đã từng cư ngụ ở vùng đất Palestine này trước khi nó bị thay thế bằng quốc gia Israel năm 1948. 

Đấy là một câu chuyện dài, đầy kịch tính và uẩn khúc, sẽ được trình bày trong chương trình kỳ tới. 

Nguyên Vũ

Đọc tiếp