Hàm nghĩa câu nói: "Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa"

Chúng ta thường nghe người ta nói "Nhất nhật phu thê bách nhật ân", nghĩa là sau khi trở thành vợ chồng, tình cảm sẽ bền chặt theo thời gian. Vậy bạn có biết nguồn gốc và ý nghĩa của câu nói này không?
Có một truyền thuyết đẹp về nguồn gốc của câu nói này.
Thời xưa có một người tên là Đổng Vĩnh, vì rất hiếu thảo với cha mẹ nên được Thất Tiên Nữ, con gái Ngọc Hoàng Đại Đế cảm mến. Nàng muốn nhờ cây hòe làm mai mối, gả cho Đổng Vĩnh. Lúc đó Đổng Vĩnh rất ngạc nhiên, cây cối làm sao có thể mở miệng nói được.
Không ngờ Thất Tiên Nữ nói: "Cây lớn không mở miệng, hai người chia tay; cây lớn nếu mở miệng, duyên trời tác hợp." Sau đó, nàng cùng Đổng Vĩnh quỳ lạy, không ngờ cây hòe già vì cảm động mà thực sự mở miệng nói.
Tiếc rằng cây hòe già vì quá xúc động, khi nói đã lỡ miệng nói "trăm ngày hòa hợp" thành "trăm ngày kết duyên", khiến Đổng Vĩnh và Thất Tiên Nữ chỉ có duyên vợ chồng trăm ngày.
Nhưng trên thực tế, "nhất nhật phu thê bách nhật ân", thời gian trong đó không phải là chỉ "một ngày" và "trăm ngày". "Nhất nhật" ở đây đại diện cho thời gian ngắn ngủi; "bách nhật" không phải chỉ 100 ngày, mà đại diện cho sự lâu dài, bền vững.
Tóm lại, câu "Nhất nhật phu thê bách nhật ân" nhấn mạnh rằng dù thời gian bên nhau ngắn hay dài, vợ chồng vẫn nên giữ gìn tình nghĩa, trân trọng duyên phận.
Cách ứng xử của vợ chồng thời xưa
Vào thế kỷ 11, có một người phụ nữ Khiết Đan tên là Tiêu Ý Tân, cha bà là phò mã đô úy Đào Tô Oát, mẹ là công chúa Hô Đồ.
Nàng Tiêu Ý Tân xinh đẹp và hiểu biết lễ nghĩa, năm 20 tuổi, kết hôn với Gia Luật Nô. Nàng giữ lễ trọng nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em họ hàng, sở hữu những đức tính tốt đẹp truyền thống của người phụ nữ Trung Quốc.
Một lần, khi Tiêu Ý Tân trò chuyện với các chị em dâu, nghe thấy mọi người đang thảo luận về việc sử dụng tà thuật nào để có thể được chồng yêu thương. Tiêu Ý Tân nghe vậy liền nói: "Dùng tà thuật không bằng dùng lễ pháp." Mọi người nghe xong đều hỏi nàng lý do.
Tiêu Ý Tân nói: "Nâng cao tu dưỡng của bản thân, khiến cho hành vi của mình đoan chính, phù hợp với quy phạm; phụng sự cha mẹ kính trọng hiếu thuận; đối xử với chồng dịu dàng hòa thuận; đối xử với người nhỏ tuổi khoan dung độ lượng, đó chính là lễ pháp. Có thể làm được những điều này, tự nhiên sẽ có được sự yêu thương và tôn trọng của chồng. Nếu dùng tà thuật để lấy lòng, chẳng phải là có lỗi với lương tâm sao?"
Các chị em dâu nghe xong lời của Tiêu Ý Tân, đều cảm thấy rất hổ thẹn.
Về sau, do chồng là Gia Luật Nô bị kẻ gian vu cáo hãm hại, sắp bị đày đến nơi xa xôi. Vì Tiêu Ý Tân là con gái của công chúa Hô Đồ, nên hoàng đế muốn để bà ly hôn với Gia Luật Nô.
Tiêu Ý Tân nghiêm mặt nói với hoàng đế: "Bệ hạ có thể nghĩ đến tình thân thích của chúng tôi, muốn cho tôi miễn khỏi khổ sở bị đày, đây thực sự là ân tình rất lớn.
Nhưng mà, vợ chồng với nhau nên coi trọng đạo nghĩa, phải sống chết có nhau, cùng nhau gánh vác hoạn nạn.
Tôi từ khi còn trẻ đã gả cho Gia Luật Nô, bây giờ Gia Luật Nô vừa gặp nguy nan, tôi liền lập tức rời bỏ chàng, đây là trái với cương thường lễ giáo, điều này có gì khác với cầm thú đâu?
Mong bệ hạ thương xót chúng tôi, cho phép tôi cùng đi với Gia Luật Nô, cho dù tôi có chết cũng không có gì oán hận."
Hoàng đế nghe xong rất cảm động, bèn đồng ý với thỉnh cầu của Tiêu Ý Tân. Đến nơi bị đày, Tiêu Ý Tân cũng không hề tỏ ra kiêu căng, cho dù ngày ngày làm những công việc nặng nhọc vất vả, không một lời oán thán, vẫn cung kính lễ phép đối xử với chồng.
Người xưa rất trân trọng tình nghĩa vợ chồng, vợ chồng với nhau kính trọng, biết ơn, coi trọng tình nghĩa. Cũng bởi vậy mà tỷ lệ ly hôn rất thấp, nhưng cách ứng xử như vậy, đến ngày nay, lại trở thành lý tưởng mà mọi người ngưỡng mộ. Bởi vì lễ giáo và đạo đức truyền thống đang dần mai một, đang không ngừng bị phá hủy, mà những điều này chính là nền tảng của sự giao tiếp giữa người với người từ hàng ngàn năm nay.
"Một ngày vợ chồng, trăm ngày ơn nghĩa", mong rằng mọi người đều có thể thấu hiểu, và thực hành nội hàm sâu xa của câu nói này.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt