Hàn Tín chịu nhục chui háng và tài thao lược quân sự
Hàn Tín, nhà quân sự đầu thời nhà Hán. Quê ở Hoài Âm (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Thuở nhỏ, cha mẹ mất sớm, gia cảnh nghèo khó, nhưng vẫn miệt mài học tập, tinh thông binh pháp, ấp ủ hoài bão bình định đất nước. Vì kế sinh nhai không ổn định, có lúc phải ra bờ sông Hoài câu cá đổi tiền, thường xuyên bị những người xung quanh khinh miệt và lạnh nhạt.
Nỗi nhục phải chui qua háng
Một lần, có một tên côn đồ khiêu khích Hàn Tín trước mặt mọi người: "Mày tuy cao lớn, thích mang đao đeo kiếm, nhưng thực ra lại nhát gan. Nếu có bản lĩnh thì dùng kiếm đâm tao đi! Nếu không dám thì chui qua háng tao." Thế là, Hàn Tín trước sự chứng kiến của nhiều người, đã chui qua háng tên côn đồ đó. Sử sách gọi đó là "khoa hạ chi nhục".
Trong tác phẩm Lưu Hầu Luận, Tô Đông Pha viết: "Những bậc hào kiệt thời xưa, ắt hẳn có khí tiết hơn người, có những điều mà người thường tình không thể nhẫn nhịn được. Kẻ thất phu gặp nhục, rút gươm đứng dậy, xông pha chiến đấu, đó không phải là dũng cảm; bậc đại dũng của thiên hạ, đột nhiên gặp chuyện chẳng kinh sợ, vô cớ bị hãm hại cũng không tức giận, bởi vì chí hướng của họ rất lớn lao, mục tiêu của họ rất xa vời."
Hàn Tín khi đối mặt với hai lựa chọn, hoặc là giết tên vô lại, hoặc là chui qua háng hắn, đã chọn cách thứ hai. Với chí hướng và lý tưởng lớn lao, mục tiêu dài hạn, ông không vì những chuyện nhỏ nhặt trước mắt, ân oán cá nhân mà hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ. Điều này cho thấy ông là người có tấm lòng bao dung rộng lớn, có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân.
Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín dưới trăng
Năm 209 trước Công nguyên, Trần Thắng và Ngô Quảng khởi nghĩa. Hàn Tín mang theo thanh kiếm của mình gia nhập quân đội Tây Sở của Hạng Lương. Sau khi Hạng Lương tử trận, ông tiếp tục theo Hạng Vũ, nhưng không được trọng dụng, chỉ làm một thị vệ cầm kích. Ông nhiều lần hiến kế cho Hạng Vũ nhưng đều không được chấp nhận. Vì vậy, ông tức giận rời khỏi trại Sở, đầu quân cho Hán vương Lưu Bang.
Ban đầu, Lưu Bang cũng không coi ông là tướng tài, chỉ phong làm chức quan coi việc thóc lúa. Hàn Tín thấy Lưu Bang không chịu trọng dụng mình, quyết định rời khỏi trại Hán. Thừa tướng Tiêu Hà vốn biết tài năng của Hàn Tín, nghe tin liền lập tức cưỡi ngựa đuổi theo trong đêm trăng, khuyên ông quay lại. Câu chuyện này về sau được lưu truyền thành điển tích "Tiêu Hà đuổi theo Hàn Tín dưới trăng".
Sau đó, Lưu Bang dưới sự khuyên nhủ nhiều lần của Tiêu Hà, đã đích thân bàn luận việc quân sự với Hàn Tín, và tin chắc rằng Hàn Tín là nhân tài hiếm có, bèn làm lễ phong ông làm đại tướng.
Tài năng quân sự của Hàn Tín
Vào tháng 5 năm Hán Cao Tổ thứ nhất (năm 206 trước Công nguyên), Hàn Tín phái người đi sửa chữa lại đường sạn đạo đã bị Lưu Bang đốt cháy khi vào Hán Trung, nhằm đánh lừa Ung vương Chương Hàm. Bản thân Hàn Tín lại bí mật dẫn quân theo đường cũ Nam Trịnh tiến về phía đông ra Trần Thương, một trận đánh chiếm được Quan Trung, tạo điều kiện cho Lưu Bang bình định Tam Tần.
Vào tháng 9 năm Hán Cao Tổ thứ ba (năm 204 TCN), Hàn Tín dẫn quân về phía đông đến Yên Dữ, bắt sống tướng nước Đại là Hạ Thuyết, thu phục quận Đại. Lúc này, Lưu Bang lại ra lệnh cho Hàn Tín khẩn trương điều động lực lượng chủ lực đến Huỳnh Dương để tăng cường phòng thủ ở đó, vì vậy Hàn Tín chỉ mang theo hơn một vạn quân tiến về phía đông xuống Tỉnh Hình để tấn công nước Triệu. Triệu vương Hiết và tướng quân nước Triệu là Thành An quân Trần Dư tập trung hai mươi vạn quân ở cửa Tỉnh Hình thuộc vùng núi Thái Hành, chiếm giữ địa hình hiểm yếu, chuẩn bị quyết chiến với Hàn Tín.
Hàn Tín trước tiên phái hai nghìn kỵ binh nhẹ, nhân đêm tối vòng ra phía sau doanh trại của quân Triệu để mai phục. Sáng hôm sau đích thân ông dẫn đại quân ra trước bờ sông bày trận "bối thủy" (lưng tựa vào sông), dụ quân Triệu ra khỏi doanh trại tấn công. Quân Hán bị sông chặn sau lưng, không còn đường lui, người người đều liều chết chiến đấu. Hai nghìn kỵ binh nhẹ được mai phục trước đó nhân cơ hội này tấn công vào doanh trại trống không của quân Triệu, cắm khắp nơi cờ đỏ của quân Hán. Quân Triệu thấy vậy, quân tâm đại loạn. Hàn Tín thừa cơ huy quân phản công, đánh tan hai mươi vạn quân Triệu, chém chết tướng quân Trần Dư, bắt sống Triệu Vương Hiết.
Tiếp đó, Hàn Tín dùng kế "thượng binh phạt mưu" để thu phục nước Yên.
Vào tháng 11 năm Hán Cao Tổ thứ tư (năm 203 trước Công nguyên), Hàn Tín dùng kế tập kích với lực lượng lớn, đánh chiếm kinh đô Lâm Truy của nước Tề. Tướng nước Sở là Long Thọ vội vàng dẫn 20 vạn quân đến cứu viện, hội quân với tàn quân nước Tề ở Cao Mật, sau đó cùng quân Hán đối xứng qua sông Hoài.
Hàn Tín bí mật phái người dùng hơn một vạn bao cát, nhân đêm tối ngăn dòng sông Hoài ở thượng lưu. Sáng hôm sau, phái một bộ phận quân đội vượt sông Hoài, đánh úp quân Sở từ phía sau, rồi giả vờ thua chạy. Long Thọ tưởng rằng quân Hán nhút nhát, liền dẫn đại quân vượt sông Hoài truy kích. Hàn Tín ra lệnh cho quân lính phá đập ở thượng lưu, dòng nước cuồn cuộn ập xuống chia cắt quân Sở làm hai. Quân Hán thừa thế tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân Sở đã vượt sông, Long Thọ bị giết. Quân liên minh Tề - Sở chưa kịp vượt sông thấy vậy tan vỡ bỏ chạy. Hàn Tín thừa thắng xua quân truy kích, bắt sống Tề vương Điền Quảng, bình định toàn bộ đất Tề.
Sau khi Hàn Tín chiếm được đất Tề, Hạng Vũ vô cùng hoảng sợ, vội vàng phái người đến du thuyết Hàn Tín, lấy điều kiện chia ba thiên hạ, mong Hàn Tín phản Hán liên Sở, nhưng bị Hàn Tín từ chối.
Quách Thông, mưu sĩ của Hàn Tín, khuyên ông rằng: "Tướng quân chẳng lẽ chưa từng nghe nói người tài giỏi hơn cả vua chúa thì sẽ gặp nguy hiểm, công lao vượt trên cả thiên hạ thì sẽ không được ban thưởng hay sao? ... Tướng quân nay vừa có uy danh lấn át vua chúa, lại vừa có công lao khó mà ban thưởng được, về với Sở, Sở không tin; về với Hán, Hán vương lo sợ. Nếu không tự lập làm vua, thì đâu mới là nơi tướng quân có thể quay về?"
Hàn Tín nghe xong liền xua tay nói: "Xin đừng nói nữa, Hán vương đối đãi với ta rất hậu, cho ta đi xe của ông ấy, mặc áo của ông ấy, ăn cơm của ông ấy. Người xưa có câu: đi xe của người ta, phải cùng người ta chia sẻ lo lắng; mặc áo của người ta, cũng nên cùng người ta chia sẻ lo lắng; ăn cơm của người ta, thì phải liều chết vì người ta. Ta sao có thể thấy lợi quên nghĩa được?"
Vì vậy, Hàn Tín từ chối lời khuyên của Quách Thông. Tuy nhiên, đất Tề mới bình định, cần phải lập vua để cai trị và ổn định lòng dân. Vì thế, Hàn Tín đã phái sứ giả mang thư đến thỉnh cầu Lưu Bang phong cho mình làm Giả Tề Vương (nhiếp chính vương đất Tề).
Lúc bấy giờ, Lưu Bang đang bị Hạng Vũ vây khốn ở Huỳnh Dương, tự lo không xong, xem xong thư liền nổi trận lôi đình, vốn không muốn đồng ý. Sau đó, nghe theo ý kiến của Trương Lương và Trần Bình, ông mới nói: "Đại trượng phu bình định chư hầu thì chính là chân vương, làm giả vương làm gì!"
Thế là, Lưu Bang phong Hàn Tín làm Tề Vương, đồng thời điều động quân đội của ông ta đi đánh Sở.
Vào tháng 12 năm Hán Cao Tổ thứ năm (năm 202 trước Công nguyên), quân đội của Hán và Sở đã tiến hành một trận quyết chiến tại Cai Hạ (ngày nay là phía nam Linh Bích, An Huy). Lưu Bang lấy Hàn Tín làm tướng quân, thống nhất chỉ huy các đạo quân. Hạng Vũ chỉ huy mười vạn quân Sở, tấn công mạnh vào trận địa của quân Hán từ phía chính diện. Hàn Tín áp dụng chiến thuật tấn công sườn điển hình, ra lệnh cho trung quân Hán lui lại một chút, tránh mũi nhọn của quân Sở, đồng thời mở rộng hai cánh, thực hiện tấn công bên sườn, sau đó ra lệnh cho trung quân tiến lên, hoàn thành việc bao vây.
Đến đêm, Hàn Tín lệnh cho quân Hán tứ phía hát vang bài hát của nước Sở, khiến quân Sở mất hết ý chí chiến đấu, bị quân Hán tiêu diệt hoàn toàn tại Cai Hạ. Hạng Vũ thấy đại thế đã mất, đã tự sát ở bờ sông Ô Giang. Cuộc chiến tranh Hán-Sở kéo dài 5 năm kết thúc với việc Hán vương Lưu Bang giành được thiên hạ.
Lời kết
Ngay từ khi còn trẻ, Hàn Tín đã có tấm lòng nhẫn nhịn lớn. Dù bị “chui háng chịu nhục” nhưng vẫn có thể chịu đựng sỉ nhục để gánh vác trọng trách. Ý chí phi thường này đã định sẵn cho ông sau này nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn. Quả nhiên, tài năng quân sự của ông đã giúp Hán vương Lưu Bang giành được thiên hạ.
Theo The Epoch Times
Minh Nguyệt