Hành thiện lại gặp tai ương, nguyên nhân bởi vì đâu?

Hành thiện lại gặp tai ương, nguyên nhân bởi vì đâu?
Hành thiện lại gặp tai ương, nguyên nhân bởi vì đâu? (Ảnh: Pixabay)

Cổ nhân thường giảng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, câu nói này chắc hẳn ai ai cũng biết. Chúng ta khi làm việc thiện, việc tốt thông thường đều hy vọng rằng có thể tích được đức, có được tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng có không ít trường hợp làm việc tốt giúp người nhưng lại gặp không ít việc xui xẻo, bất hạnh, thậm chí chết bất đắc kỳ tử. 

Chứng kiến những việc này, không ít người cảm thấy nghi hoặc, liệu có phải Ông Trời không có mắt? Chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây để biết nguyên do của việc này!

Câu chuyện 1: Liều mình cứu mạng người, không may lại chết sớm

Vào những năm cuối thời vua Khang Hy, ở Trương Ca Kiều, Hà Giang có một người đàn ông tên là Lưu Hoành sinh sống ở bên bờ sông.

Năm ấy, có một đợt mưa to liên tiếp mấy ngày liền không ngớt khiến nước sông dâng cao, sóng cuồn cuộn ngất trời, khí thế vô cùng hung mãnh. Những con thuyền nhẹ, không chịu được sóng và gió lớn, thường thường bị lật úp mà gặp tai ương.

Hôm ấy đúng vào những ngày mưa to, Lưu Hoành bỗng nhìn thấy dưới sông có một phụ nữ mang thai, đang gắng sức ôm lấy một mái chèo đã bị sóng đánh vỡ một miếng lớn, đang giãy dụa, thất thanh kêu cứu.

Lúc ấy, tuy rằng bên bờ sông có rất nhiều người nhìn thấy nhưng vì sóng gió đều mạnh nên không ai dám mạo hiểm nhảy xuống dòng nước chảy xiết để cứu cô. Lưu Hoành trong lòng rất sốt ruột nói: “Các người có còn là con người nữa hay không? Đâu có đạo lý thấy chết mà không cứu chứ?”.

Vừa dứt lời, Lưu Hoành không một chút do dự kéo chiếc thuyền nhỏ xuống sông rồi xuôi theo dòng đi xa cách bờ khoảng ba, bốn dặm. Bởi vì sóng cao nên chiếc thuyền của Lưu Hoành mấy lần gần bị lật úp. Cuối cùng anh ta cũng đến được chỗ người phụ nữ và cứu được nàng ta lên bờ.

Mấy ngày sau, người phụ nữ này hạ sinh được một bé trai. Một tháng sau, Lưu Hoành đột nhiên mắc bệnh nặng, không thể đi lại và ăn uống được, rất thống khổ. Anh ta dặn dò vợ con mình chuẩn bị lo việc hậu sự.

Mọi người thấy vậy, ai nấy đều thương Lưu Hoành và oán trách trời đất rằng: “Tại sao người làm việc thiện lại gặp tai ương, còn những người đứng trên bờ sông không cứu người phụ nữ kia thì đều sống khỏe mạnh như vậy? Ông trời thật không có mắt mà!”.

Lưu Hoành liền thở dài và nói với mọi người: “Mọi người đừng vội oán trách! Vào đúng đêm hôm tôi cứu sống người phụ nữ kia, tôi đã có một giấc mộng. Trong giấc mộng ấy, tôi vô cùng hoảng hốt.

Trong lúc hoảng hốt, tôi được đưa đến trước cửa quan phủ. Một quỷ tốt dẫn tôi vào gặp một vị quan đang mở một cuốn sổ ra. Vị quan này chỉ tay vào tôi và nói: ‘Ngươi cả đời này đã tích đủ loại ác nghiệp, vốn là năm nay sẽ bị chết và đầu thai thành heo, sau năm đời làm heo đều bị đồ tể giết mổ thì mới có cơ hội đầu thai làm người. Nhưng may mắn là nhà ngươi vừa cứu sống được hai sinh mạng, cuối cùng làm một lần đại âm công.

Căn cứ pháp luật của âm phủ, ngươi sẽ được kéo dài thọ mệnh thêm 24 năm. Thọ mệnh được kéo dài này bù vào những ác nghiệp mà nhà ngươi đã gây ra, cho nên năm nay nhà  ngươi vẫn phải chết, tuy nhiên năm đời bị chuyển sinh thành heo và bị giết mổ sẽ được miễn trừ.

Hiện tại tử kỳ của ngươi đã đến, chỉ e thế nhân không rõ chân tướng mà hoài nghi nói rằng người làm việc tốt lớn thế mà vẫn chết sớm. Cho nên, nay ta triệu nhà ngươi đến đây để nói rõ sự tình, nhà ngươi hãy tranh thủ thời gian nói lại cho mọi người hiểu. Nhân quả đời này của nhà ngươi coi như kết thúc, đời sau chuyển sinh làm người hãy cố gắng hành thiện tích công đức!’.

Sau khi tôi tỉnh lại, cảm thấy giấc mộng này là xui xẻo, do đó đã không kể sớm cho mọi người nghe. Hiện giờ đến lúc ra đi, tôi quả nhiên bị bệnh nặng, nên tôi tin vào giấc mộng đó!”.

Không lâu sau, Lưu Hoành thực sự qua đời.

Câu chuyện 2: Cậu bé mù xây cầu bị sét đánh chết

Vào triều Bắc Tống, ở một làng nọ có một cậu bé tàn tật chừng mười tuổi, chân bị què, sống một cuộc sống ăn xin nghèo khổ.

Trước làng là một con suối lớn. Vì không có cầu, nên dân làng muốn qua suối là phải lội, rất bất tiện, nhất là đối với những người già vào mùa nước lũ. Nhiều năm đã qua đi như vậy, cho đến một hôm người ta thấy cậu bé ăn xin què quặt gom những tảng đá lớn về bên suối. 

Cháu muốn xây cầu để mọi người đi lại thuận tiện”, cậu giải thích. Người làng cho đó là chuyện khôi hài của một cậu bé khùng nên không để ý đến.

Nhưng đống đá dần dần lớn lên, qua tháng năm đã trở thành một cái gò, và dân làng bắt đầu hiểu ra. Nhiều người cũng góp thêm sức vào, chẳng mấy chốc đã đủ đá xây cầu. Rồi người ta thuê thợ xây dựng đến làm. Trong quá trình cùng làm, cậu bé bị mảnh đá bắn vào mắt và mù cả hai mắt. Người dân rất lấy làm thương cảm. 

Cậu bé mặc dù dã què lại thêm mù, vẫn không một lời ca thán và cố gắng trong khả năng của mình cùng góp sức xây cầu với dân làng. Cuối cùng, sau những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, cây cầu đã được xây xong. Dẫu không nhìn thấy gì, nhưng trên khuôn mặt của cậu hiện một nụ cười rạng rỡ.

Đột nhiên một tiếng sấm nổ vang dù trời quang mây tạnh. Và người ta thấy cậu bé ăn mày đáng thương đã bị sét đánh chết ngay trên chiếc cầu mới xây.

Khi đó đúng lúc Bao Công - người nổi tiếng là vị quan thanh liêm, ngay thẳng và lương thiện, được người đời gọi là Bao Thanh Thiên, đi thị sát qua làng. Dân làng kéo ra kêu oan với Bao Công, rằng tại sao trời xanh lại hại người tốt. Trước câu chuyện quá thương tâm, và cảm thấy quá bất công, Bao Công chẳng cầm nổi lòng mình, bèn viết “thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện”.

Trở về Kinh thành sau chuyến công du, Bao Công cảm thấy trong lòng không thoải mái, nhất là về những gì ông đã viết trong lúc không dằn được lòng mình. Trong bản tấu trình, ông đã không tâu lên Hoàng đế về sự kiện hy hữu đó.

Hôm ấy, Hoàng đế mời Bao Công đến chơi và dẫn Bao Công đến gặp hoàng tử mới ra đời trong lúc Bao Công đi thị sát ngoại tỉnh. Hoàng tử trông khôi ngô, nhưng mắc tật khóc suốt ngày. Hoàng thượng cũng muốn hỏi Bao Công xem có cách nào cho hoàng tử hết khóc.

Bao Công thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là “thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện!”.

Quá bất ngờ và xấu hổ, Bao Công lấy tay để xoá, và kỳ lạ thay, ông vừa vuốt qua thì dòng chữ biến mất. Hoàng tử nín khóc tức thì.

Hoàng đế rất đỗi ngạc nhiên, hỏi tại sao lại như thế. Bao Công sợ hãi quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, và xin Hoàng đế xá tội vì đã không báo cáo về chuyện này trong bản tấu trình. Hoàng đế bèn ra lệnh Bao Công phải điều tra cho rõ vụ việc.

Đêm ấy, Bao Công ngả đầu lên chiếc gối “Âm Dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên Thần đã an bài phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời: đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù loà, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người làm việc tốt, nên Thần đã rút lại thời gian trả nghiệp và khiến cậu bé ăn xin bị mù. Sau khi mù, cậu bé đã không những không oán thán ai hết mà vẫn luôn vì người làm điều Thiện. Vì lý do ấy mà Thần linh đã an bài lại một lần nữa để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời. Diêm Vương nói với Bao Công: “Một đời trả hết nghiệp thay cho ba đời, lại còn được chuyển sinh làm hoàng tử, hưởng thụ phúc phận của hoàng gia”.

*****

Qua hai câu chuyện trên có thể thấy rằng, chúng Thần thưởng thiện phạt ác rất phân minh, một chút cũng không ám muội. 

Nhà Phật có giảng con người không chỉ có một kiếp này mà thôi, mà đã trải qua muôn vàn kiếp sống khác sống. Nếu vậy thì trong những kiếp sống trước đó, con người ta có thể đã làm rất nhiều việc xấu, nợ nghiệp chất chồng và phải hoàn trả ở kiếp sau. 

Thế nên, vận mệnh của một người tốt hay xấu luôn là dựa vào hành vi của người ấy qua nhiều đời mà định đoạt. Chúng ta không nên chỉ dựa vào một số việc xảy ra trước mắt mà nghĩ rằng Trời không có mắt, không có Đạo Trời. Nhân quả báo ứng là không sai lệch một điểm, không phải làm việc ác là không có báo, mà chỉ là chưa đến thời điểm mà thôi! 

Nếu đã vững tin vào Đạo Trời, vững tin vào quy luật Nhân Quả, mong rằng mỗi chúng ta hãy sống lương thiện, tích đức hành thiện, kính Trời tín Thần, hành theo lời dạy của Thần Phật, điều này sẽ giúp chúng ta tiêu trừ tội nghiệp, tích lũy phúc đức, có được tương lai tốt đẹp hơn. 

Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch

Đọc tiếp